1. Bong bóng mùa hè (2010)
Chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của tác giả Minh Hiểu Khê, bộ phim Bong bóng mùa hè xoay quanh câu chuyện về Hạ Mạt, cô tiểu thư nhà giàu bất ngờ mất hết tất cả, trở thành đứa trẻ mồ côi. Hạ Mạt và Lạc Hy quen nhau khi được ba mẹ nuôi nhận về nuôi dưỡng.
Khi trưởng thành, Lạc Hy yêu thầm Hạ Mạt nhưng Hạ Mạt lại yêu tha thiết chàng thiếu gia hào hoa phong nhã Âu Thần của tập đoàn Âu Thị. Sợ Lạc Hy làm tan vỡ chuyện tình của mình, Âu Thần quyết định tách rời anh khỏi Hạ Mạt. 5 năm sau, Lạc Hy trở thành một ngôi sao, Hạ Mạt cũng bước chân vào thế giới giải trí. Họ gặp lại nhau, để rồi chuyện tình tay ba giữa Hạ Mạt, Lạc Hi và Âu Thần trở nên phức tạp.
Lãng mạn, bay bổng cùng bộ ba diễn viên đẹp ngời ngời gồm Từ Hy Viên (vai Hạ Mạt), Huỳnh Hiểu Minh (vai Lạc Hy) và Hà Nhuận Đông (vai Âu Thần), bộ phim Bong bóng màu hè rất được các cô gái trẻ yêu thích. Đây là tác phẩm đầu tiên Hà Nhuận Đông bỏ tiền túi sản xuất.
2. Mỹ nhân tâm kế (2010)
Chuyển thể từ tiểu thuyết mạng “Thuấn gian khuynh thành” của Vị Ương và Trầm Phù, lấy bối cảnh thành Trường An, đầu thời kỳ Tây Hán, bộ phim “Mỹ nhân tâm kế” tái hiện cuộc đời thăng trầm của Hoàng hậu Đậu Y Phòng.
Hương Liên - mẹ Vân Tịch (Đậu Y Phòng lúc nhỏ) bấy giờ là nhũ nương hầu hạ Phu nhân Bạc Cơ, chăm sóc hoàng tử Lưu Hằng (Hán Văn Đế). Lữ Hậu nhờ tay Hương Liên mưu sát Lưu Hằng nhưng không thành. Sau khi rời khỏi cung, mẹ con Hương Liên bị truy sát. Vân Tịch may mắn thoát chết do chạy đến được nhà người cậu. Lớn lên, Vân Tịch được đưa vào cung làm cung nữ.
Lữ Hậu, lúc này đã lên ngôi Thái hậu nhận ra được sự thông minh của nàng nên ra lệnh nàng mang con trai mới sinh của Vương Mỹ nhân đổi cho Hoàng hậu Trương Yên - cháu ngoại của Lữ Hậu và phong làm Thái Tử. Sau này, Đại Quốc binh biến, Lữ Hậu lại lo sợ 2 mẹ con Bạc Cơ - Lưu Hằng làm phản nên lệnh cho Vân Tịch đổi tên thành Đậu Y Phòng và đưa đến Đại Quốc làm nội gián bằng cách ban hôn với Lưu Hằng.
Mọi người xung quanh đều cho rằng Đậu Y Phòng là "hồng nhan họa thủy", chỉ duy Lưu Hằng thủy chung tin tưởng, còn phong nàng làm Hoàng hậu. Đậu Y Phòng tìm mọi cách vãn hồi tình cảm của trượng phu, ngăn cản các nhi tử tàn sát lẫn nhau, hết lần này đến lần khác, hóa giải mọi nguy cơ, góp phần sáng lập một thời kỳ thịnh thế.
3. Không kịp nói yêu em (2010)
Trong số những tác giả ngôn tình nổi tiếng Trung Quốc, Phi Ngã Tư Tồn được các fan gọi vui là “mẹ ghẻ”, vì phong cách viết truyện nhiều nước mắt cùng với đoạn kết buồn thê lương. Không kịp nói yêu em là một trong những bộ phim thể hiện rõ phong cách này của cô.
Năm 2010, tác phẩm chính thức được chuyển thể thành bộ phim cùng tên với sự tham gia của Chung Hán Lương và Lý Tiểu Nhiễm. Phim lấy bối cảnh thời Dân quốc, xoay quanh câu chuyện tình trắc trở của một đại tướng quân và một tiểu thư khuê các. Bộ phim, khiến các fan hài lòng mãn nguyện và được đánh giá là hay hơn tiểu thuyết gốc. Đặc biệt, tác phẩm có một chút sửa đổi đoạn kết có hậu hơn, thay vì kết thúc quá bi thương của cuốn sách.
4. Khuynh thế hoàng phi (2011)
Câu chuyện trong Khuynh thế hoàng phi là một tấn bi kịch trải dài trong chốn hoàng cung đầy rẫy những mưu toan xảo trá, những cuộc tranh giành ngôi vị đẫm máu với nhân vật chính Mã Phức Nhã.
Mã Phức Nhã là nàng công chúa nước Sở dung mạo nghiêng nước nghiêng thành, trong sáng, lương thiện. Cuộc đời êm đềm, hạnh phúc trong nhung lụa của nàng chỉ trong một đêm đã kết thúc.
Chứng kiến tận mắt cảnh phụ mẫu bị hoàng thúc sát hại, bản thân phải rơi vào cảnh nước mất nhà tan, cô công chúa xinh đẹp đã mang trong mình nỗi hận thù sâu sắc. Biến nỗi đau thành sức mạnh, Phức Nhã quyết tâm khôi phục giang sơn, giành lại những gì đã mất…
Khuynh thế hoàng phi là tác phẩm đầu tiên Lâm Tâm Như thử sức với vai trò nhà sản xuất và giành ngay giải thưởng Nhà sản xuất trong năm. Vì vậy, cô tiếp tục mua bản quyền tiểu thuyết ngôn tình, đầu tư tiếp bộ phim Tú lệ giang sơn của tác giả Lý Hâm.
5. Bộ bộ kinh tâm (2011)
Chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn mạng Đồng Hoa, bộ phim Bộ bộ kinh tâm xoay quanh câu chuyện về Trương Hiểu, cô gái sống ở thế kỷ 21, sau một tai nạn đã vượt thời gian trở về những năm cuối thời Khang Hy với thân phận nhị tiểu thư Mã Nhĩ Thái Nhược Hy.
Sự hồn nhiên trong sáng, tính cách thẳng thắn và tư tưởng phóng khoáng của cô gái hiện đại đã nhanh chóng khiến Nhược Hy trở nên nổi tiếng với biệt danh “thập tam muội liều mạng”. Và cũng chính sự khác biệt thú vị này đã biến Nhược Hy thành thỏi nam châm có sức hút mãnh liệt với các vị hoàng tử, đặc biệt là Bát A Ca và Tứ A Ca.
Dựa vào những kiến thức đã biết về Thanh sử cũng như tình yêu dành cho Bát A Ca, Nhược Hy đã cố xoay chuyển tình thế để tránh khỏi kết cục bi thảm. Song, những khoảnh khắc ngọt ngào, lãng mạn và trái tim trọn vẹn yêu thương của Nhược Hy đã không thể khiến Bát gia dừng bước trước quyền lực tối thượng của ngai vàng, mà ngược lại còn châm ngòi cho cuộc chiến giành hoàng vị với Tứ A Ca càng trở nên khốc liệt…
Bộ phim có câu chuyện hấp dẫn, đầy éo le đã tạo cơ hội cho 2 nam diễn viên Ngô Kỳ Long (vai Tứ A Ca) và Trịnh Gia Dĩnh (vai Bát A Ca) nổi tiếng hơn, đồng thời lăng xê thành công gương mặt nữ Lưu Thi Thi (vai Trương Hiểu).
6. Truy đuổi ái tình (2011)
Truy đuổi ái tình là tên Việt của bộ phim Thiên sơn mộ tuyết, chuyển thể từ tiểu thuyết mạng cùng tên của Phỉ Ngã Tư Tồn.
Mọi chuyện bắt đầu khi gia đình họ Mạc bị người ta hãm hại đến phá sản. Vì muốn giữ lại sự nghiệp nhà họ Mạc, Mạc Thiệu Khiêm đã cưới tiểu thư tập đoàn Mộ Thị là Mộ Vịnh Phi. Tuy nhiên, vì ỷ thế giàu có nên Mộ Vịnh Phi luôn tỏ ra kiêu căng, hống hách với chính chồng mình. Không chịu nổi, Mạc Thiệu Khiêm đã dọn ra ở riêng ngay trong đêm tân hôn.
10 năm sau, Mạc Thiệu Khiêm nhất quyết ép Mộ Vịnh Phi ly hôn vì cuộc hôn nhân không hạnh phúc của họ chỉ là còn trên giấy tờ. Đúng lúc đó, Đồng Tuyết - con gái của kẻ năm xưa đã hãm hại gia đình họ Mạc xuất hiện trước mặt Mạc Thiệu Khiêm. Dù yêu Đồng Tuyết say đắm nhưng Mạc Thiệu Khiêm vẫn không thoát khỏi nỗi oán hận muốn trả thù. Bề ngoài anh tỏ ra lạnh lùng, cay nghiệt với Đồng Tuyết, nhưng thực ra trong lòng lại đau đớn, dằn vặt khôn nguôi…
Với vai Mạc Thiệu Khiêm, Lưu Khải Uy - chàng diễn viên trẻ xuất thân từ TVB đã tạo được tên tuổi, trở thành gương mặt nam sáng giá trong nhiều tác phẩm truyền hình của màn ảnh nhỏ Đại lục. Không chỉ có sự nghiệp phát triển như ý, anh còn cưới được cô vợ nổi tiếng, xinh đẹp Dương Mịch.
7. Thời gian tươi đẹp nhất (2013)
Một lần nữa, Chung Hán Lương đã chứng minh, mình là “soái ca” số một trên màn ảnh nhỏ Trung Quốc, khi anh đóng cặp cùng Trương Quân Ninh trong bộ phim thời gian tươi đẹp nhất. Đây là bộ phim phát sóng trên đài truyền hình Hồ Nam cuối năm 2013, và rất được khán giả yêu thích.
Thời gian tươi đẹp nhất được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết “Bí mật thời gian bị vùi lấp” của tác giả Đồng Hoa. Chuyện phim xoay quanh cuộc giằng co tình cảm giữa cô gái Tô Mạn và 2 chàng trai Tống Dực và Lục Lệ Thành. Bộ phim, để lại cho người xem nhiều suy ngẫm với 3 kiểu kết thúc khác nhau.
8. Gặp gỡ Vương Lịch Xuyên (2013)
Gặp gỡ Vương Lịch Xuyên là bộ phim dài 30 tập chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết xúc động: Chuyện cũ của Lịch Xuyên, của tác giả Huyền Ẩn. Bộ phim này cũng do đích thân Huyền Ẩn viết kịch bản, nên đã khiến người xem hoàn toàn yên tâm. Dự án phim này được công bố với khán giả Trung Quốc năm 2013 và đã tạo nên một cơn sốt không nhỏ.
Nội dung phim kể lại câu chuyện tình của cô nàng Tiểu Thu và chàng trai tật nguyền Vương Lịch Xuyên. Lúc tình cảm đang tươi đẹp, Lịch Xuyên đột ngột nói lời chia tay khiến Tiểu Thu dày vò trong suốt 6 năm liền. Thời gian sau, họ gặp lại nhau.
9. Gửi thời thanh xuân (2013)
Gửi thời thanh xuân là tác phẩm điện ảnh chuyển thể từ tiểu thuyết “Anh có thích nước Mỹ?” của tác giả Tân Di Ổ, và đây cũng là tác phẩm đầu tay của Triệu Vy trong vai trò đạo diễn.
Có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh bài tốt nghiệp thạc sĩ này của Triệu Vy. Những người ủng hộ cô cho rằng “Gửi thời thanh xuân” đã phản ánh được đúng hiện thực khốc liệt của cuộc sống giới trẻ Trung Quốc, nhưng cũng có ý kiến cho rằng tác phẩm có nhiều chi tiết đi quá xa so với nguyên tác và còn nhiều lộn xộn.
Tuy nhiên, dù sao thì đây cũng là một tác phẩm được các nhà phê bình điện ảnh đánh giá tương đối cao. Thực tế cho thấy, “Gửi thời thanh xuân” là một “bom tấn” trong năm 2013 của điện ảnh Trung Quốc.
10. Sam Sam đến rồi (2014)
Bất kì ai yêu thích những bộ tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc, đều không thể không biết tác giả Cố Mạn. Cô là một trong những cây bút kì cựu, được đông đảo bạn đọc yêu thích. Sam Sam đến đây ăn nè, cuốn tiểu thuyết lãng mạn, hài hước của Cố Mạn đã được chuyển thể thành bộ phim Sam Sam đến rồi, vừa mới kết thúc phát sóng cách đây không lâu.
Nội dung phim kể về câu chuyện tình của Sam Sam, một trợ lý tài vụ và chủ tịch điển trai của mình, sau một lần cô hiến máu giúp em gái chủ tịch. Bộ phim tươi sáng, hài hước và lãng mạn này, vừa tạo nên một cơn sốt không nhỏ đối với nhiều khán giả trẻ tại Việt Nam.
Anh Anh (th)