Trang Hạ nói về sách Ngôn tình: Động não là một từ xa xỉ

07:11:00 01/05/2015
Sách ngôn tình dễ xem như phim truyền hình dài tập, dễ đọc như giấy gói xôi... Và những cuốn sách hay, đưa kiến thức đều chẳng phải là những cuốn dễ đọc, hiểu. “Động não” là một động từ xa xỉ với nhiều người chứ chẳng riêng gì tuổi teen bây giờ. Trang Hạ nói.

"Sách ngôn tình dễ xem như phim truyền hình dài tập, dễ đọc như giấy gói xôi...", Trang Hạ chia sẻ

Sách ngôn tình (chủ yếu được dịch từ Trung Quốc) thời gian gần đây được "mổ xẻ" và bàn luận khá nhiều. Tại sao sách ngôn tình lại hút giới trẻ đến vậy? Thực sự ngôn tình có "nguy hiểm" như dư luận vẫn bàn tán? Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Trang Hạ để chia sẻ sâu hơn về vấn đề này

Báo chí truyền thông những ngày qua có khá nhiều bài viết góc cạnh phản ánh về sách, truyện ngôn tình. Được coi là một trong những người đầu tiên đưa truyện ngôn tình vào Việt Nam, chị có thể đưa ra khái niệm về thể loại này? Thế nào là một cuốn ngôn tình hay?

- Tôi mang dòng văn học mạng vào Việt Nam chứ không mang ngôn tình vào Việt Nam. Vào những năm 2006 - 2007, hai cuốn sách bán chạy thời điểm đó là Những đống lửa bên vịnh Tây Tử do tôi viết và Xin lỗi, em chỉ là con đĩdo tôi dịch đều là tác phẩm văn học mạng.

Sau này, khi các nhà sách Việt Nam “ăn theo” tôi, đi lùng mua bản quyền và dịch các tác phẩm truyện tình cảm ướt át của các tác giả trẻ, họ mới đưa ra tên gọi dòng sách ngôn tình.

Gọi là ngôn tình không sai nhưng chưa đầy đủ. Bởi nếu gọi tên "ngôn tình", chắc chắn tất cả những cuốn sách của Quỳnh Dao ngày xưa đều là ngôn tình, các cuốn sách dịch của Âu Mỹ như Tình sử Angelique, các bộ sách của Sydney Sheldon mấy chục năm qua đều là ngôn tình đó thôi! Nhưng nó đâu khiến người ta “nôn ọe” như khi đọc ngôn tình và kể cả đam mỹ (truyện về tình yêu nam giới) do Việt Nam xuất bản bây giờ?

Thế nên cá nhân tôi cho rằng, chất lượng sách không nằm ở việc dán nhãn đó là sách gì, mà nằm ở những giá trị thực sự mà nó mang lại. Xin lỗi, em chỉ là con đĩnếu được tổ chức bản thảo tốt, dịch tốt, thì vẫn thuyết phục độc giả mọi lứa tuổi dù nó được gắn danh hiệu là cuốn ngôn tình đầu tiên vào Việt Nam. Và một số cuốn sách khác, dù chẳng dán nhãn ngôn tình lên bìa sách, nhưng đọc vẫn thấy "độc".

- Hiện nay ở Việt Nam nhiều cuốn sách, truyện thuộc thể loại ngôn tình được bày bán công khai bị phản ứng dữ dội. Người ta gọi đó là “dâm thư” trá hình, đội lốt sách sex... Chị nghĩ sao về việc này? Theo chị, ngôn tình có sex hay không và ở mức độ nào?

- Ai là người cấp phép xuất bản? Ai là người thẩm định bản thảo?

Sự thật là, một bản thảo dù bị nhà xuất bản (NXB) này từ chối vì đánh giá là bản thảo kém, nội dung ngôn tình, có yếu tố câu khách… nhưng NXB khác vẫn sẵn sàng cấp giấy phép cho sách. Thế cho nên, NXB nào có đội ngũ biên tập càng tốt, thì họ càng khó khăn trong kinh doanh và chật vật trong doanh thu.

Còn sau khi sách đã ra, cực kỳ hiếm hoi mới có cuốn bị thu hồi vì nội dung kém. Ví dụ, có những cuốn sách dịch mà dịch giả “một chữ ngoại ngữ bẻ đôi” cũng không hề biết, toàn dịch bằng phần mềm sau đó viết lại bằng tiếng Việt, thế mà cũng ra hết tập này đến tập khác. Có những cuốn sách mà độc giả phải lập nguyên cả một diễn đàn để phản đối, chỉ ra lỗi dịch thuật, sai từ tên nhân vật đến lỗi văn hóa, có hơn 2.000 lời chỉ trích mà vẫn bán chạy và nhà sách chả hề hấn gì.

Có những cuốn bị cả dư luận trên mạng lẫn ngoài đời phản đối xuất bản nhưng vẫn tái bản mấy năm nay. Chưa từng một ai làm sách đứng ra xin lỗi dư luận và công chúng. Chưa từng thấy một biên tập viên xin lỗi độc giả.

Vì thế, thay vì hỏi bao nhiêu phần trăm sex được tồn tại trong một cuốn sách ngôn tình thì nên đặt câu hỏi bao nhiêu phần trăm sự vô sỉ và sự tồi tệ được tồn tại trong một công ty sách hoặc một nhà xuất bản bán giấy phép.

Có khi câu trả lời lại là: đầy ắp, tràn lan!

Ở Việt Nam, fan của truyện ngôn tình hiện nay chủ yếu là các bạn trẻ, thậm chí có cả những học sinh cấp 2, cấp 3 - lứa tuổi đang có chuyển biến tâm lý rất sâu sắc. Theo chị, vì sao ngôn tình lại “hút” giới trẻ đến vậy?

- Vì nó dễ xem như phim truyền hình dài tập, nó dễ đọc như giấy gói xôi, nó dễ dẫn dắt như tâm sự ba xu, lại dễ lọt qua lưới lọc văn hóa (vì sách là một sản phẩm văn hóa). Nếu nó là game online và shisha, là thuốc lá và rượu mạnh, hẳn những cảnh báo của người làm sách như tôi có khi dễ lọt tai độc giả trẻ hơn chăng?

Và những cuốn sách hay, đưa kiến thức đều chẳng phải là những cuốn dễ đọc, hiểu. “Động não” là một động từ xa xỉ với nhiều người chứ chẳng riêng gì tuổi teen bây giờ.

Chị nghĩ có nên dán nhãn giới hạn độ tuổi cho các cuốn sách ngôn tình để định hướng đối tượng độc giả phù hợp?

- Tự ngôn tình đã dán nhãn cho nó rồi. Có điều, một khi “nhãn dán” của nó là “bán chạy” thì mọi nhãn dán khác đều vô nghĩa. Bạn ra nhà sách, chưa hỏi người ta đã dí ngôn tình vào tận mặt, cứ như thể không đọc ngôn tình là người vứt đi. Thế thì sao phải mất công dán nhãn nữa.

Có ý kiến cho rằng, sách ngôn tình sến và tẻ nhạt, đọc xong độc giả không đọng lại được gì, có người còn nói tiểu thuyết ngôn tình là “rác” văn hóa, chị nghĩ sao về những điều này?

- Mọi thứ qua thời điểm hoàng kim đều trở nên cũ kỹ, chỉ đó điều có thứ biến thành rác nhưng có thứ lại trở thành cổ vật.

Riêng sách ngôn tình, tôi cho rằng nó chỉ nằm trong 5% nhu cầu đọc của một người bình thường và bận rộn. Nếu nó chiếm nguyên 100% những gì bạn đang đọc, thì nó mới trở thành thảm họa.

Ngôn tình liên tiếp được đề cập đến với những mặt tiêu cực, rồi người ta nói đến “ẩn họa” của những “cạm bẫy bão ngôn tình”? Thực sự thì thể loại ngôn tình có đáng báo động đến vậy?

- Tốt xấu tùy người. Bạn đọc là người tử tế thì đọc gì cũng được. Còn đọc để bị đầu độc vì sách thì đọc gì cũng nguy hiểm.

Tôi chỉ muốn nói với những độc giả trẻ mới bước vào đời: Chỉ dành 5% thời gian coi sách giải trí thôi, để dành thời giờ coi cuộc đời này cần gì? Những cuốn sách khác tại sao lại quý giá? Người quanh ta sống thế nào? Đời ta tại sao lại thế kia? Đọc sách nhiều mà không trả lời được câu hỏi đó thì nên coi lại những sách mình đọc.

Còn riêng với tôi và sách, tôi luôn tìm kiếm những thứ mới, dành thời gian cho những thứ chưa ai khai quật, thậm chí tôi sẵn sàng dành bản thân tôi làm quà tặng cho những thứ thiếu cơ hội được tìm kiếm.

Nhưng một khi có sẵn một mâm cỗ thịnh soạn mà ai cũng muốn chọc đũa vào thì tôi tránh xa ra. Tôi dành thời gian và dành bản thân tôi cho những thứ yếm thế khác. Nên với tôi, một tác phẩm đoạt giải Nobel văn học cũng được xếp ngang hàng với tác phẩm ngôn tình rẻ tiền bán chạy nhất vì nó đều không có chỗ trong thế giới của tôi, không làm tôi quan tâm!

Nên chắc chắn đối với một số dịch giả hoặc người tổ chức bản thảo chỉ lăm lăm tôn vinh văn chương đích thực hoặc chạy theo doanh số lợi nhuận, họ sẽ không bao giờ hiểu được sự lựa chọn của Trang Hạ.

Hạ Nhiên (Dân Việt)

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1