Trao giải cho cuốn sách bị cắt xén?

09:35:00 17/09/2014

Ở hạng mục nghiên cứu, Giải thưởng Sách hay năm 2014 (do Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục - Viện IRED - tổ chức mới đây) đã được trao cho cuốn sách được gọi là “Văn hóa tộc người Việt Nam”(tác giả Nguyễn Từ Chi, SN 1925). Điều đáng nói là nhóm tác giả trực tiếp thay mặt Phó Giáo sư Nguyễn Từ Chi đứng ra biên soạn cuốn sách này không hề hay biết rằng, lâu nay, trên thị trường lại có một cuốn sách có cái tên như trên. Và có thể nói rằng, giải thưởng Sách hay năm 2014 đã được trao cho tác phẩm bị cắt xén, trong khi bản chính thức thì lại bị lãng quên!

Giáo sư Trần Lâm Biền (76 tuổi) là một nhà nghiên cứu văn hóa nổi tiếng của Việt Nam. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi gần đây, ông kể rằng, năm 1995, khi cụ Nguyễn Từ Chi đang ốm, phải nằm điều trị tại bệnh viện, thì nhóm tác giả nghiên cứu, trong đó chủ yếu là các học trò của ông, đã đưa ra đề xuất chọn những bài nghiên cứu của ông để tập hợp lại in thành cuốn sách có thể gọi là cuối cùng. Đề xuất ấy được PGS Nguyễn Từ Chi và người vợ của mình (hai vợ chồng ông không có con) hết sức mừng rỡ.

Ngay sau đó, khi được Bộ Văn hóa Thông tin lúc ấy đồng ý cấp kinh phí để xuất bản cuốn sách (có nhiều bài nghiên cứu trong đó mà sau này PGS Nguyễn Từ Chi được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh với 4 công trình lớn), nhóm tác giả 8 người gồm: Nguyễn Chí Bền, Trần Lâm Biền, Ngô Văn Doanh, Lê Hồng Lý, Nguyễn Minh San, Nguyễn Duy Thiệu, Đỗ Lai Thúy và Nguyễn Quốc Tuấn bắt tay vào công việc. Trong số “kho tàng đồ sộ” bài nghiên cứu khoa học chuyên sâu của PGS Nguyễn Từ Chi, nhóm tác giả bắt đầu dày công sưu tập, biên soạn lại để phù hợp với chủ đề nội dung xuyên suốt của cuốn sách. Tiếc thay, PGS Nguyễn Từ Chi đã không đợi được đến ngày cuốn sách ra đời. Ông tạ thế vào tháng 10/1995.

Cuốn sách chính thức xuất bản lần đầu năm 1996 có tên “Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người” của PGS Nguyễn Từ Chi (Ảnh trái). Cuốn sách bị cắt xén có tên “Văn hóa tộc người Việt Nam” được bày bán công khai tại Nhà sách Tân Việt ở phố Đinh Lễ, Hà Nội.

Mặc dù nhóm biên soạn rất tích cực, song cũng phải sang đến năm 1996, cuốn sách mang cái tên giản dị “Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người” đề tên tác giả Nguyễn Từ Chi mới được chính thức hoàn thành và in ấn bởi Nhà xuất bản Văn hóa thông tin và Tạp chí Văn hóa nghệ thuật. Giáo sư Trần Lâm Biền kể rằng, ngày hôm ấy, ngay khi cầm cuốn sách mới trên tay, nhóm tác giả biên soạn các ông đã tức tốc xuống nghĩa trang Văn Điển, run rẩy thắp nén hương và thành kính đặt cuốn sách báo công trước phần mộ của PGS Nguyễn Từ Chi. Khi làm lễ xong, cuốn sách dày gần 1.000 trang ấy được các học trò của ông xúc động bật lửa lên để đốt, để hóa như hóa vàng mã, mong nó đến được với người quá cố. Trong cái khoảnh khắc đặc biết ấy, có người rưng rưng nước mắt, có người lặng lẽ khấn vái, nhưng ai cũng xúc động và tự hào rằng, những nghiên cứu khoa học, những kiến thức quí báu về văn hóa dân tộc mà bấy lâu nay PGS Nguyễn Từ Chi đã dày công tìm tòi, phát hiện, giờ đã có thể gói gọn lại thành một quyển sách, thành một khối thống nhất, giúp cho nó có thể dễ dàng đến với những người có nhu cầu tìm hiểu tri thức.

Chúng tôi kể ra câu chuyện này để thấy rằng, quá trình tạo ra cuốn sách nói trên không chỉ đơn thuần là một công việc khoa học, mà nó còn là sứ mệnh hiện thực hóa những điều tâm huyết của những người học trò của PGS Nguyễn Từ Chi đối với người đã quá cố - người thầy, một trong những nhà nghiên cứu dân tộc học hàng đầu Việt Nam. Ấy vậy mà những người còn sống, mà cụ thể là Nhà xuất bản Thời đại và Tạp chí Văn hóa nghệ thuật không biết vì những lý do gì, bỗng dưng biến cuốn sách gốc “lành lặn” thành ra có hình hài “khuyết tật” như khi tái bản nó.

Điều đầu tiên phải nói rằng, vợ chồng PGS Nguyễn Từ Chi đã mất và hai ông bà không có con, thế nên, việc hỏi ý kiến và được sự đồng ý của nhóm tác giả biên soạn này là một điều rất quan trọng trong việc tái bản cuốn sách. Thế nhưng khi chúng tôi hỏi thì hầu hết nhóm tác giả 8 người đã đứng ra sưu tập, biên soạn cuốn sách “Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người” như đã kể trên, gần như không có ai biết về chuyện có một cuốn sách tên là “Văn hóa tộc người Việt Nam”, mặc dù tên của họ vẫn được trịnh trọng ghi ở bên trong bìa sách. Cuốn sách này đã được Nhà xuất bản Thời đại và Tạp chí văn hóa nghệ thuật cho tái bản lần thứ nhất vào năm 2003 và lần thứ 2 vào năm 2013.

Khi chúng tôi so sánh hai cuốn sách này thì thấy tuy nội dung cơ bản của cuốn sách được giữ nguyên, nhưng tên của cuốn sách đã bị thay đổi như trên. Ngoài ra, hình thức của cuốn sách bị làm khác, phần lý lịch khoa học trích ngang, ảnh chân dung PGS Nguyễn Từ Chi và phần nội dung có tên “Nguyễn Từ Chi với các học trò”,… đã bị cắt bỏ!

Như vậy, với những phân tích trên đây, có thể bước đầu khẳng định rằng, cuốn “Văn hóa tộc người Việt Nam” là một bản bị cắt xén của cuốn “Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người” của tác giả Nguyễn Từ Chi. Việc xác định cụ thể sự vi phạm bản quyền của cuốn sách như thế nào, phải cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. Nhưng có một điều cần phải làm ngay, đó là Giải thưởng sách hay năm 2014 phải được trao lại cho cuốn sách gốc để tôn vinh những giá trị thật của tác giả, chứ không phải là một bản “khuyết tật” với những phần bị cắt bỏ nham nhở!

PGS Nguyễn Từ Chi (1925-1995) được giới chuyên môn đánh giá là một trong những nhà dân tộc học hàng đầu của Việt Nam trong thế kỷ 20, chuyên gia về người Mường và làng xã người Việt. Ông đã được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (năm 2000) với 4 công trình: Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ (1984), Hoa văn Mường (1978), Hoa văn các dân tộc Djarai-Bhana (1986) và Người Mường ở Hòa Bình (1995). Ngoài ra, ông còn có nhiều công trình viết chung, nhiều công trình đăng trên tạp chí chuyên ngành có khám phá độc đáo, nhiều sách và ấn phẩm dịch…


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1