Cảm xúc đại ngàn của Nguyễn Trọng Khôi

09:37:00 16/09/2014

(CATP) Thập niên 1970 ở Sài Gòn xuất hiện “Lục họa đế” tức sáu “ông vua” về hội họa, gồm họa sĩ (HS) Kha Thùy Châu chuyên vẽ bìa nhạc, HS Đỗ Phi “chuyên trị” bìa tiểu thuyết kiếm hiệp, HS Loka “trùm” về mảng pano phim, ba HS còn lại thay nhau “múa cọ” trên các tạp chí, sách, báo là Tô Hùng Kiệt (tức Vy Vy - nhà xuất bản Tuổi Ngọc), Duy Thanh (nhà xuất bản Lá Bối) và Nguyễn Trọng Khôi (nhà xuất bản Vàng Son).



Sau mười năm, đây là lần thứ ba HS Nguyễn Trọng Khôi tổ chức triển lãm tại quê nhà, việc đưa 21 bức tranh sơn dầu từ nửa vòng trái đất về trưng bày tại gallery Tự Do (53 Hồ Tùng Mậu, Q1) là một cố gắng tột bậc của một người vừa trải qua cơn thập tử nhất sinh sau lần đột quỵ hồi năm ngoái, chính vì lẽ đó mà cuộc triển lãm Cảm xúc đại ngàn lần này của HS Nguyễn Trọng Khôi đem lại nhiều cung bậc cảm xúc cho người thưởng ngoạn.

Hầu hết tác phẩm ở Cảm xúc đại ngàn, Nguyễn Trọng Khôi đều phủ chụp lên chúng những sắc màu buồn bã và u uẩn từ đỉnh núi trắng xóa lạnh lẽo tịch liêu, đàn bạch mã rã rời tiều tụy đến thiếu nữ đơn độc sầu thảm trong không gian cô quạnh, vài quyển sách cũ sờn gáy nằm chỏng chơ bên những chiếc bình đất bạc thếch màu thời gian, đứa bé mình trần run rẩy gào thét trong màn đêm xám xịt... tất cả đã lột tả nỗi niềm riêng khó giãi bày của một người con nhiều năm xa xứ, không chỉ ở tranh Nguyễn Trọng Khôi mà ta cũng đã từng bắt gặp ở các tác phẩm của Đinh Cường, Nguyễn Tuấn Khanh, Tạ Tỵ, Mạc Chánh Hòa, Thái Tuấn, Hồ Thành Đức... tất cả đều có một điểm chung: chán chường và cô tịch.

Không gian trong tranh người nghệ sĩ gốc Vĩnh Phú là khoảng lặng yên bình, không bất trắc, chẳng tranh chấp hay mặc cảm, không chịu áp lực bởi những đố kỵ tỵ hiềm như chính ông giãi bày: “Tôi muốn chối bỏ những văn minh vật chất và những hệ lụy của nó, chối bỏ một nền công nghệ vô cảm, tôi muốn trở lại với thiên nhiên để chiêm ngưỡng, khám phá những bí ẩn một không gian đầy ẩn dụ”.

Ở tranh Nguyễn Trọng Khôi, con người giống như một hình nhân, nó được cuộc sống sơn phết ngụy trang rồi đẩy vào dòng đời để mặc cho rủi may định đoạt (Biển cả), trong khi đó vạn vật chông chênh vô cảm (Con trâu, Ngủ muộn, Tĩnh vật) được ông lột tả tinh tế sự pha trộn giữa quá khứ và hiện tại, cuồng nộ và an nhiên, thỏa mãn và ray rứt...


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1