Cảnh trong phim Tôtem Sói |
Cảnh trong phim Tôtem Sói |
Tuy vậy, dù được thực hiện bởi một tên tuổi lớn của điện ảnh thế giới là Jean-Jacques Annaud, bộ phim vẫn không được lòng giới phê bình và đặc biệt là những độc giả trung thành của cuốn tiểu thuyết, bởi đơn giản hình ảnh của nghệ thuật thứ bảy đôi khi bất lực trước sức mạnh ngôn ngữ mà nhà văn Khương Nhung từng tạo dựng.
Bộ phim khá trung thành với tiểu thuyết, khởi đầu với hình ảnh chàng sinh viên Trần Trận (Phùng Thiệu Phong đóng) tình nguyện rời Bắc Kinh đến vùng Ô Lôn Nội Mông để chăn cừu với dân du mục trong những năm đầu của cuộc cách mạng văn hóa Trung Hoa.
Để rồi thay vì học chăn cừu, anh ta lại bị mê hoặc bởi những con sói hung dữ và thần bí của thảo nguyên.
Trong một cảnh quay tuyệt đẹp với khung cảnh ôm trọn cả một vùng thảo nguyên rộng lớn và xanh ngắt của thảo nguyên Mông Cổ, Trần Trận và ông già du mục Tất Lợi Cách đang nằm trên đồng cỏ dùng ống nhòm để ngắm đàn sói từ xa, ông già nói nhỏ vào tai anh ta:
“Cậu có từng nghĩ Thành Cát Tư Hãn chỉ với một binh lực nhỏ bé như vậy lại có thể đánh bại thiên binh vạn mã trên toàn thế giới được? Đó là từ bầy sói trước mặt cậu. Ông ta học được bí quyết đánh trận từ bầy sói.
Sói rất thông minh, lại có khả năng tổ chức. Chúng đoàn kết nhất trí, lại biết nghe theo sự chỉ huy của con sói đầu đàn. Quan trọng nhất là sói có tính nhẫn nại rất cao. Cuộc sống phụ thuộc vào việc chớp thời cơ, sói và người Mông Cổ đều hiểu rõ đạo lý này".
|
Jean-Jacques Annaud trong lúc quay Tôtem Sói |
Jean-Jacques Annaud bắt tay với dự án này vào năm 2009 và ông mất đúng năm năm đi về giữa Pháp và Nội Mông, trong đó có hơn một năm hoàn toàn sống ở vùng thảo nguyên rộng lớn này để quay phim trong điều kiện thời tiết rất khắc nghiệt.
35 con sói hoang dã được mua ở vùng biên giới Á - Âu (giống sói Canis lupus lupus) và do Andrew Simpson, một nhà huấn luyện thú người Scotland nổi tiếng, thuần dưỡng trong suốt bốn năm để quay phim. Đạo diễn Annaud và hai diễn viên chính Phùng Thiệu Phong, Đậu Kiêu cũng phải sống với sói suốt một năm trong quá trình làm phim.
Bộ phim được thực hiện với công nghệ hiện đại nhất, quay bằng máy quay 3D và chi phí lên đến 40 triệu USD, là một trong những phim có chi phí cao nhất của điện ảnh Trung Quốc.
Khi được trình chiếu vào hồi tháng 2-2015 ở Trung Quốc, bộ phim tạo nên một cơn sốt vé với doanh thu hơn 110 triệu USD, vượt gần ba lần chi phí làm phim. Với những nhà đầu tư, bộ phim thành công mỹ mãn.
|
Cảnh thảo nguyên mênh mông trong Tôtem Sói |
Với những khán giả bình thường đến rạp để thưởng thức một bộ phim giải trí, bộ phim cũng hoàn toàn chinh phục họ với những khung hình 3D đẹp lộng lẫy của thảo nguyên, những cảnh hành động hấp dẫn, đặc biệt nhất là cảnh đàn sói đuổi theo tấn công đàn ngựa của dân du mục trong một đêm bão tuyết.
Khó có ai nghĩ rằng trường đoạn dài hơn năm phút đó được dàn dựng thật chứ không phải bằng kỹ xảo CGI như cách đạo diễn Lý An từng thực hiện với Life of Pi. Đó cũng là một trong vài cảnh quay ấn tượng nhất của Tôtem Sói.
Nhưng với những khán giả từng là độc giả trung thành của cuốn tiểu thuyết, những người đã bị cuốn sách bỏ bùa và không thể buông mỗi khi đã cầm sách lên, phiên bản điện ảnh bị xem là khá nhạt nhòa.
|
Những chú sói được thuần dưỡng để đóng phim |
Có lẽ những chú sói được thuần dưỡng để đóng phim không thể “diễn” ra được chất của những con sói vừa hoang dã vừa thần bí, vừa ngập tràn yếu tố lịch sử và truyền thuyết nhưng cũng đầy yếu tố hư cấu và tưởng tượng tài tình như trong trang sách.
Hoặc cũng có thể năm năm của đạo diễn Jean-Jacques Annaud không thể nói hết được những ẩn ý, những thông điệp ngầm của nhà văn Khương Nhung, người bỏ ra 11 năm sống với sói, 20 năm thai nghén đề tài và viết trong suốt sáu năm.
Khúc trường ca bất tận về loài sói trên thảo nguyên mênh mông có lẽ chỉ vang vọng trên trang sách của Khương Nhung. Ngôn ngữ điện ảnh lại một lần nữa phải bất lực trước sức mạnh của ngôn từ!
|
Tôtem Sói tạo nên một cơn sốt vé với doanh thu hơn 110 triệu USD |
Khi cơn sốt văn chương chuyển qua điện ảnh
Sự sùng bái sói của người Mông Cổ có từ trong tâm linh rất lâu đời, tồn tại qua bao thế hệ được gọi là “Lang Đồ Đằng” (Tôtem Sói).
Hơn 10 năm trước (2004), cuốn tiểu thuyết dạng hồi ký Tôtem Sói của nhà văn Khương Nhung từng tạo nên một hiện tượng lớn tại Trung Quốc.
Cuốn kỳ thư về những con sói hoang dã vùng Nội Mông qua ngòi bút mê hoặc như bị “sói nhập” của Khương Nhung đã giúp cuốn tiểu thuyết này bán hơn 1 triệu bản chính thức, hơn 6 triệu bản in lậu, được chuyển thể thành truyện tranh ở Nhật và được dịch sang hơn 30 ngôn ngữ khác.
Bản dịch của Trần Đình Hiến xuất bản năm 2007 tại Việt Nam cũng gây được tiếng vang khá lớn, thậm chí một hội thảo được tổ chức để bàn luận về cuốn tiểu thuyết gây tranh cãi này.
|
Tình người và loài vật hoang dã trong phim |
Cơn sốt từ văn chương chuyển qua điện ảnh. Các hãng phim của Trung Quốc và quốc tế đều chạy đua để giành bản quyền chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh. Sau một thời gian, các đạo diễn Trung Quốc đều bỏ cuộc vì không thể quay với sói thật.
Đạo diễn nổi tiếng người New Zealand Peter Jackson đã từng mua bản quyền cuối cùng đành phải hủy bỏ cũng vì lý do tương tự.
Cuối cùng Hãng phim The Beijing Forbidden City Film phải tìm một đạo diễn nổi tiếng khác đến từ Pháp Jean-Jacques Annaud dù vị đạo diễn ngoài 70 tuổi này từng có bộ phim Bảy năm ở Tây Tạng bị cấm chiếu ở Trung Quốc và bản thân ông cũng bị chính quyền Trung Quốc cấm nhập cảnh vào nước này một thời gian.
|
* Một số cảnh quay đẹp trong phim Tôtem Sói :
|
Chuyện tình giữa thảo nguyên |
|
Một cảnh quay ấn tượng |
|
Khung cảnh thảo nguyên dàn trải trong phim |
|
Khung cảnh trong Tôtem Sói |
|
Cuộc sống trên thảo nguyên của những người vùng Nội Mông xa xôi |
LÂM LÊ