Đó là 2 tập thơ song ngữ Việt – Anh: Ra vườn chùa xem cắt cỏ (Grass Cutting in a Temple Garden), Những hạt giống của đêm và ngày (Seeds of Night and Day) và tập thơ song ngữ Việt – Pháp: Bầu trời không mái che (A Ciel Ouvert)
*Chào nhà thơ Mai Văn Phấn! Trước hết xin chúc mừng vì 3 tập thơ của anh vừa lọt vào top 10 trong 100 tập thơ châu Á bán chạy nhất của Amazon. Anh có thể nói rõ hơn về sự trùng hợp này không?
- Cảm ơn chị đã quan tâm! Đây là sự trùng hợp ngẫu nhiên dựa trên doanh số bán hàng của Amazon, được cập nhật hàng giờ. Chị biết đấy, hệ thống phát hành sách của Amazon được kinh doanh rất chuyên nghiệp và cập nhật tự động.
*Vậy anh đã gửi dịch, xuất bản, gửi bán trên mạng Amazon như thế nào? Từ khi nào? Hiện anh có mấy tập thơ được bán trên Amazon?
-Tôi không trực tiếp gửi sách cho Amazon mà thông qua Nhà xuất bản Page Addie Press của Anh Quốc. Đầu năm 2010, tôi được gặp dịch giả - nhà thơ Trần Nghi Hoàng, người đã nhiều năm sống ở Hoa Kỳ. Dịch giả Trần Nghi Hoàng đã dịch tập thơ Bầu trời không mái che của tôi sang Anh ngữ, sau đó ông chuyển cho người bạn thân của ông là nhà thơ - giáo sư Frederick Turner biên tập. Tập thơ song ngữ Việt-Anh đầu tiên Bầu trời không mái che ( Firmament without roof cover ) của tôi được Nxb Hội Nhà văn VN tái bản 7/2012 (bản Việt ngữ đầu tiên in năm 2010). Sau khi tập thơ được phát hành, tôi có nhận được email của nhà thơ Susan Blanshard - người đại diện cho Nhà xuất bản Page Addie Press của Anh quốc mời ký hợp đồng xuất bản. Theo hợp đồng, tập thơ được xuất bản ở 2 dạng, bản in giấy và bản điện tử (e-book và Epub).
Sau khi ký hợp đồng tôi mới biết sách của mình được bán trên Amazon. Sau 3 tháng từ khi tập thơ được phát hành, đến 12/2012, Firmament without roof cover đã lọt vào top “100 cuốn sách” bán chạy nhất trên Amazon. Kết quả này đã thôi thúc Nxb Page Addie Press tổ chức tiếp những cuốn sách sau này của tôi.
Hiện tôi có 4 tập Anh ngữ và 1 tập Pháp ngữ ( Firmament Without Roof Cover, Seeds of Night and Day, Out Of The Dark, Grass Cutting in a Temple Garden, A Ciel Ouvert ) do Nxb. Page Addie Press độc quyền phát hành. Bản in giấy phát hành tại Hoa Kỳ, Canada, Úc, Anh quốc và một số nước châu Âu. Bản điện tử trên Amazon như chị đã biết.
Nhà thơ Mai Văn Phấn
* Từ khoảng những năm 1990, anh sáng tác rất khỏe. Anh có thể chia sẻ về nghiệp thơ, giai đoạn sung sức nhất của anh? Hiện tác phẩm của anh được dịch ra bao nhiêu thứ tiếng?
- Văn học chúng ta đầu những năm 90 của thế k ỷ 20 đã thực sự đứng trong mắt bão thời cuộc. Nếu trong những năm chiến tranh, văn học luôn song hành với vận mệnh dân tộc, thì đến giai đoạn này, tác phẩm của các nhà văn mở đầu thời kỳ đổi mới đã dâng những đợt thủy triều mới, ùa vào từng cánh đồng đang khô hạn.
Mỗi con người bước vào thời kỳ đổi mới lúc ấy đều muốn bày tỏ khát vọng được sống trong công bằng, dân chủ, văn minh hơn. Tôi đã khởi sự một giai đoạn đổi mới, nhằm cách tân thơ Việt trong bối cảnh như vậy. Tôi là nhà thơ ra đi từ văn hóa truyền thống, coi thơ ca truyền thống là điểm tựa để xuất phát. Rồi tôi tìm đến những nền thơ lớn của nhân loại và những trào lưu, khuynh hướng thơ ca cận đại và hiện đại của thế giới. Những nền thơ, trào lưu khuynh hướng ấy giống như dòng sông chảy miết, để lại phù sa cho bờ bãi, những cánh đồng bên sông. Và, bằng tâm thức và cảm xúc Việt, tôi đã gieo cấy, thu hoạch mùa màng của mình trên đất đai ấy; với cao vọng làm giàu có thêm giá trị truyền thống thơ Việt đương đại mà mình đang được thừa hưởng.
Thơ tôi đã được dịch sang 7 ngôn ngữ, gồm Anh, Pháp, Anbani, Indonesia, Hàn Quốc, Thụy Điển, và Thái Lan.
Tập thơ song ngữ Những hạt giống của đêm và ngày ( Seeds of Night and Day ) lọt top 10 bán chạy nhất trên Amazon
*Tác phẩm đầu tiên của anh được dịch sang ngôn ngữ khác từ khi nào? Được "xuất khẩu" trong hoàn cảnh nào?
-Khoảng hơn 10 năm trước, tôi được cố nhạc sỹ Xuân Oanh (4/1/1923-27/3/2010), với bút danh dịch giả Anh Thư dịch khoảng 50 bài thơ của tôi sang Anh ngữ. Vào đầu năm 2004, tôi có gửi một chùm thơ của tôi cho nhà thơ Katia Kapovich (quốc tịch Hoa Kỳ gốc Nga). K. Kapovich cùng Ban Biên tập tạp chí Fulcrum chọn 6 bài thơ ( Biến tấu con quạ, Những ý nghĩ không sắp đặt, Sen, Im trôi, Không quán tính, Dấu vết ) của tôi đăng trong số 3 năm 2004. Đây là tạp chí thơ và nghệ thuật, mỗi năm ra 1 số, dành cho sinh viên tại trường Đại học Ottawa (Hoa Kỳ).
Sau khi chùm thơ của tôi được công bố trên tạp chí Fulcrum 3 và cả trên website của tạp chí, tôi có thêm nhiều bạn thơ mới, đồng thời nhận được một số lời mời gửi bài của một số báo và tạp chí các nước…
*Từ đó, anh có nhận được phản hồi của độc giả quốc tế không? Anh ấn tượng với những phản hồi nào nhất?
- Tôi nhận được nhiều email từ bạn bè quốc tế. Một số tiểu luận, ý kiến nhận xét của họ đã đăng cùng các tập thơ của tôi trên Amazon, tiêu biểu như Raymond P. Keen (Hoa Kỳ), Katy Miller (Anh quốc), Amanda Evans (AI-len), Rob Mars (cộng hòa Czech)… Trong số những ý kiến đó, tôi ấn tượng với 2 tiểu luận, của Nhà thơ - Nhà tâm lý học Raymond P. Keen (Hoa Kỳ) và của Nhà thơ-Tiến sỹ triết học Gjekë Marinaj (quốc tịch Hoa Kỳ gốc Albania).
* Hội Nhà Văn VN vừa cho ra mắt Trung tâm Dịch Thuật Văn Học mà anh là một trong số những nhà thơ đã tự "vận động” để xuất khẩu thơ. Anh nghĩ thế nào về động thái này của Hội Nhà Văn VN và về khả năng văn học VN (trong đó có thơ) được đón nhận trên thế giới?
- Chúng ta đang đứng bên rìa dòng chảy văn học thế giới, bởi nhiều tác phẩm văn học đương đại có giá trị của VN chưa được dịch. Nhưng các nhà thơ thường sáng tạo trong lặng lẽ mà ít chú ý đến sự quảng bá tác phẩm mình ra bên ngoài.
Thơ đương đại chúng ta đã có tiếng nói riêng mang đậm bản sắc Việt, không lẫn với bất kỳ quốc gia nào. Chắc chắn Hội Nhà văn VN sẽ sớm xúc tiến quy hoạch công việc dịch thuật và quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới một cách khoa học và chuyên nghiệp. Ngày 26/5, Hội Nhà văn Việt Nam đã ra mắt Trung tâm dịch văn học với mục tiêu đưa vẻ đẹp văn học Việt ra thế giới và tuyển dịch những tinh hoa văn chương từ các nước về Việt Nam. Hoạt động này của Hội Nhà văn VN sẽ hỗ trợ đắc lực cho các nhà văn trong lộ trình hội nhập thế giới, đồng thời kích hoạt quá trình sáng tạo của mỗi nhà văn, trong đó có cá nhân tôi.
*Cảm ơn anh!
Lê Hương
Thể thao & Văn hóa