Từ đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng

15:40:00 30/07/2015
Gần đây, độc giả và dư luận xã hội đang quan tâm tới đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2015-2020, định hướng 2030" đang được Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch triển khai thực hiện. Trong đó, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về ý nghĩa việc đọc sách hẳn sẽ có tính chất quyết định đến thành bại của chương trình. Nhìn lại trong quá khứ, khi những trang thiết bị còn hạn chế, người dân vẫn tìm đến sách, tìm thấy ở sách những giá trị cơ bản và trân trọng vốn tri thức cộng đồng.

Nhìn lại một truyền thống đọc

Trong quá khứ, Việt Nam là dân tộc trọng thi, thư nhưng số lượng người có thể đọc chỉ là số ít. Sách xưa được làm từ các chất liệu tự nhiên, đa phần theo phương pháp viết tay hay in ấn đơn giản và được viết bằng chữ Hán, chữ Nôm. Vì thế, để đọc được sách, người đọc phải bỏ công nhiều năm để có được vốn chữ nghĩa và thông hiểu ngữ pháp. Thời ấy đa phần người dân được tiếp xúc với các văn bản văn chương thông qua truyền miệng. Người ta có thể thuộc văn bản truyện thơ, truyện Nôm bằng trí nhớ, bằng cách tiếp thu trực tiếp chứ không thể trực tiếp khai thác văn bản. Hiện tượng này kéo dài tận đến khi thực dân Pháp xâm chiếm Đông Dương và dây xựng hệ thống các trường học đào tạo người bản xứ, khả năng đọc vẫn thuộc về số ít khi có những tài liệu nhắc tới 90% dân số “mù chữ”. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn với hệ thống giáo dục phổ thông, các lớp bình dân học vụ, các chiến dịch “diệt” giặc dốt, với không khí thi đua học đọc, học viết và coi đó là hành động thiết thực để đóng góp vào thắng với của cuộc kháng chiến, thể hiện tinh thần yêu nước, số lượng người Việt (ở miền Bắc) có thể đọc được sách, báo đã tăng lên đáng kể. Bằng chứng là những cuốn sách nổi tiếng của các nhà văn Nga (Liên Xô cũ) và khối XHCN đã được rất nhiều người đọc, thành “sách gối đầu giường” của họ như Thép đã tôi thế đấy (Ostrovsky); Đất vỡ hoang, Sông Đông êm đềm (Mikhail Solokhov)… Bên cạnh đó là sách của các tác giả trong nước đặc biệt được chú ý ở giai đoạn đổi mới như: Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh); Thời xa vắng (Lê Lựu); Bến không chồng (Dương Hướng)… Ở bình diện văn hóa đọc của thanh thiếu niên, những tác phẩm của Tô Hoài, Võ Quảng, Trần Đăng Khoa, Phạm Hổ… hay những tác phẩm nước ngoài như Tây Du Kí (Ngô Thừa Ân); Truyện cổ Andersen; Truyện cổ Grim, Nghìn lẻ một đêm… vẫn là món “khoái khẩu” của tuổi thơ. Nói một cách khái quát, tuy thời điểm đó chúng ta chưa có sự đầu tư quy mô từ hệ thống thư viện, số lượng ấn bản, các chương trình giới thiệu, quảng bá sách nhưng văn hóa đọc đã đạt tới sự vững vàng, ổn định góp phần bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách con người.

Tìm lại quá khứ

Sự mất dần vị thế của văn hóa đọc bởi văn hóa thị giác từ các phương tiện thông tin nghe nhìn, các chương trình, trò chơi giải trí là điều bất khả kháng đối với nhân loại. Cũng như không có một quy luật bù trừ nào giúp văn hóa đọc lấy lại vị thế của mình loại trừ hai khả năng: Thứ nhất, chừng nào con người nhận ra giá trị của hoạt động đọc sách có sức hút bền vững hơn việc thưởng thức văn hóa thị giác. Thứ hai, chừng nào con người tìm thấy ở sách những đáp án, lời khuyên khi đã bế tắc trước thực tiễn, sau khi vận dụng những kinh nghiệm sống. Nói như thế, nhiều người sẽ cho rằng đó là hai khả năng rất khỏ xảy ra. Tuy nhiên, hiểu một cách đơn giản đó là khi chúng ta đã bão hòa với các hoạt động nghe nhìn và nhận ra những hạn chế của nó. Ví dụ như, ở thập kỉ 90 của thế kỉ trước, người xem thích thú với nội dung các clip quảng cáo trên truyền hình. Đơn giản vì nó khác xa với ngôn ngữ nói, với lời thoại trong các bộ phim truyền thống. Tuy nhiên, ngày nay người xem các clip quảng cáo đã có thể nhận ra những mặt trái, đã bão hòa với văn hóa thị giác.

Sự ghẻ lạnh với sách, văn hóa đọc bị xuống cấp xuất phát từ chính những bất cập, lệch pha giữa những thực tế xã hội và lí thuyết. Đó cũng là khi những tác phẩm văn học mới chỉ thực hiện được các ý tưởng của mình mà chưa phải là sự thực ở đời sống, chưa phải là tiếng lòng của người đọc. Ở một phương diện khác, rào cản về giá in ấn sách và thu nhập của người đọc cũng là một vấn đề khá lớn. Rồi đôi khi người ta muốn được mượn đọc một cuốn sách bằng cách thật đơn giản như với các Book-box hay muốn được đọc trong một không gian đẹp, sinh động hơn các phòng ốc thư viện nhàm chán. Chừng nào những không gian tốt nhất vẫn còn là của nhà hàng, quán xá chứ chưa phải là điểm đọc sách thú vị với khung cảnh đủ để người đọc phóng tấm mắt và bay bổng với những liên tưởng thì sức hút của văn hóa đọc rất khó để đạt tới.

Đôi khi, chúng ta bắt gặp trong cuộc sống những phong trào rất đơn giản nhưng lại thu hút được lượng người tham gia rất lớn cho dù không có các dự án chương trình như phong trào đi xem máy Dream, đeo đồng hồ, đeo túi xách ngang vai hay mạng xã hội… Những lúc ấy, những người viết sách, những người tâm huyết với văn hóa đọc lại ước ao chỉ mong phong trào đọc sách lan rộng và có sức hút như thế.

Lâm Việt

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1