“Tín dụng đen” náo loạn cả làng quê - Bài 1: Khuynh gia, bại sản vì mắc bẫy “tín dụng đen”

10:17:00 01/10/2014

Thị trấn Lâm Thao (huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) thời gian gần đây xáo động vì tín dụng đen. Rất nhiều gia đình, doanh nghiệp đã khuynh gia, bại sản. Sự việc càng thêm chấn động khi nhiều nạn nhân bị siết nợ đã đồng loạt tố cáo về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người cho vay "tín dụng đen” tới các ngành chức năng. Người dân còn tố cáo cán bộ Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự của huyện Lâm Thao có hành vi thông đồng, tiếp tay cho thế lực "tín dụng đen” để siết nợ bị hại.

Do nghèo và thiếu vốn làm ăn nên nhiều người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thị trấn Lâm Thao đành phải "cắn răng” đi vay với lãi suất cắt cổ tại hiệu cầm đồ Hiền Hợp do vợ chồng Nguyễn Thị Thu Hiền và Nguyễn Hữu Hợp làm chủ. Và rồi khi quả bom "tín dụng đen” này phát nổ, đã phá hủy bao gia đình, doanh nghiệp khiến vùng đất vốn bình yên trở nên náo loạn.

Tan cửa, nát nhà

Cả tháng nay, dư luận thị trấn Lâm Thao xôn xao về sự việc nhiều hộ gia đình bị chủ hiệu cầm đồ Hiền Hợp đến "siết nợ” dẫn đến mất nhà cửa. Nhiều người khi bị chủ hiệu cầm đồ khởi kiện ra tòa để đòi nợ mới té ngửa ra rằng mình bị mắc lừa.

Chúng tôi tìm gặp ông Thạch Văn Thỉnh- một nạn nhân của hoạt động tín dụng đen để tìm hiểu sự tình. Đã hơn một tháng kể từ khi bị mất nhà đến nay, dường như ông Thỉnh vẫn chưa thể gượng dậy được sau cú sốc quá lớn. Tiếp chúng tôi trong chiếc lều tạm bợ dựng bên đường, ông Thỉnh thất thần như người mất hồn: Do con trai mở xưởng cơ khí cần vốn nên nhờ bố mẹ vay tiền hộ. Thương con, hai vợ chồng ông đem sổ đỏ mảnh đất của mình vay ngân hàng 50 triệu cho con làm ăn. Rồi những lần sau, con trai cầu cứu, ông Thỉnh đã vay mượn số tiền lên đến 650 triệu đồng. Với số tiền khổng lồ như vậy, vợ chồng nông dân nghèo như ông Thỉnh không biết xoay sở vào đâu nên đành tìm đến hiệu cầm đồ Hiền Hợp để vay lãi. Chủ hiệu cầm đồ Hiền Hợp bảo với ông Thỉnh nếu vay sẽ tính lãi 2000 đồng/1 triệu/1 ngày, không cần tín chấp hay thế chấp gì cả. Tuy giật mình với lãi suất cao, nhưng thương con nên ông Thỉnh gật đầu, điền tên vào khế ước vay tiền. Để rồi sau đó, mỗi tháng ông Thỉnh phải trả số tiền lãi hơn 20 triệu đồng. Lúc đầu con trai còn gửi tiền lãi về cho ông trả nợ, nhưng sau đó cứ chậm dần, do làm ăn ngày càng khó khăn.

Rồi bi kịch đã đến, chỉ ít lâu sau, chủ hiệu cầm đồ Hiền Hợp đến yêu cầu trả nợ nếu không sẽ kiện ra tòa để tịch thu nhà cửa, đất đai. Số tiền quá lớn, trong khế ước vay tiền cũng không ghi thời hạn trả nợ cụ thể là ngày tháng, năm nào nên vợ chồng ông không biết xoay sở ra sao, chỉ biết xin khất nợ ít hôm. Tuy nhiên, đề nghị của ông đã bị chủ hiệu cầm đồ Hiền Hợp thẳng thừng từ chối. "Sau đó, bà Hiền bảo sẽ cho tôi vay tiền để trả và rút sổ đỏ ở ngân hàng Agribank Lâm Thao ra. Bà Hiền nhờ người quen làm thủ tục vay tiền ở ngân hàng khác sẽ được nhiều tiền hơn để tôi trả nợ cho họ. Nghe bùi tai gia đình tôi đồng ý ngay. Sau đó, bà Hiền đưa cho tôi 50 triệu để rút sổ đỏ ở ngân hàng Agribank và bà ta cầm luôn sổ đỏ của tôi” - ông Thỉnh nhớ lại.

Ngay hôm sau khi lấy được sổ đỏ của gia đình ông Thỉnh, chủ hiệu cầm đồ Hiền Hợp đã gửi đơn khởi kiện đòi nợ ông Thỉnh và cũng ngay lập tức TAND huyện Lâm Thao thụ lý vụ án. Sau đó ông Nguyễn Hà Giang (Phó chánh án TAND huyện Lâm Thao) đến tận nhà ông Thỉnh bảo vợ chồng ông nên bán nhà đi để trả nợ, sẽ có người của Tòa án đến định giá ngôi nhà. Theo ông Thỉnh, chỉ sau đó một thời gian ngắn, được sự hỗ trợ của cán bộ TAND huyện Lâm Thao, chủ hiệu cầm đồ Hiền Hợp đã nhanh chóng đến siết nợ, lấy ngôi nhà và đất đai khiến ông trở thành vô gia cư.

Tương tự, câu chuyện mất nhà của ông Thạch Quang Dũng cũng không kém phần bi đát. Theo ông Dũng, khoảng năm 2006, ông có vay của hiệu cầm đồ Hiền Hợp 70 triệu đồng. Đến năm 2007, bà Nguyễn Thị Thu Hiền đến nhà ông đòi tiền lãi nhưng do đang làm ăn khó khăn ông Dũng xin khất nợ. Bà Hiền bảo ông Dũng đưa sổ đỏ cho bà ta để làm thủ tục "giúp” ông vay vốn ngân hàng. Sau đó, chủ hiệu cầm đồ Hiền Hợp đã đưa ông vào bẫy và ép ông ký giấy chuyển nhượng đất và tài sản. Kết cục sau cú lừa ngoạn mục ông trở thành người vô gia cư.



Ông Trần Ngọc Hạnh- giám đốc một doanh nghiệp lớn ở Phú Thọ bị phá sản chỉ vì… tín dụng đen.

Doanh nghiệp cũng… điêu đứng

Do kinh tế khó khăn, nhiều chủ doanh nghiệp ở thị trấn Lâm Thao khát vốn làm ăn nên cũng đã phải vay nặng lãi của hiệu cầm đồ Hiền Hợp để rồi sau đó cũng phải ngậm "trái đắng”. Trường hợp của vợ chồng anh Nguyễn Quang Đạt và chị Nguyễn Thị Hồng Việt là một ví dụ. Do cần tiền để mở rộng công ty, vợ chồng chị phải đi vay lãi suất cao của hiệu cầm đồ Hiền Hợp. Những lần vay tiền, vợ chồng chị Hồng Việt đều ký tên vào giấy khế ước do chủ hiệu cầm đồ soạn sẵn. Do lãi suất cao, vợ chồng anh Đạt chỉ vay hơn 700 triệu đồng, sau đó đã trả nợ riêng tiền lãi cho chủ nợ mất hơn 1 tỉ đồng. Thế nhưng, số nợ gốc theo thông báo của chủ nợ giờ lại lên đến hơn 1 tỉ đồng. Và ngày 2-4-2014, chủ hiệu cầm đồ Hiền Hợp đã gửi đơn khởi kiện ra TAND huyện Lâm Thao để "đòi nợ” số tiền 1,1 tỷ đồng cả gốc lẫn lãi này.

Cay đắng hơn là trường hợp của công ty CP Đức Hạnh do ông Trần Ngọc Hạnh làm giám đốc. Trong câu chuyện của mình, ông Hạnh cho biết, đầu năm 2009, ông có vay của Phòng Giao dịch Supe thuộc chi nhánh Ngân hàng Agribank huyện Lâm thao 1 tỷ đồng để mở rộng kinh doanh. Sau đó, ông Hạnh tiếp tục xin vay ở Phòng giao dịch Supe 15 tỷ đồng nhưng không vay được. Biết thông tin này, vợ chồng Hiền Hợp đã đến gặp ông và ngỏ ý giới thiệu ông Hạnh vay tiền tại ngân hàng VIB TP. Việt Trì. Hợp đã dẫn ông Hạnh xuống gặp Giám đốc ngân hàng VIB TP. Việt Trì để trao đổi công việc và sau đó vị giám đốc ngân hàng này đã đồng ý cho công ty ông Hạnh vay 15 tỷ đồng với điều kiện ông Hạnh cần làm dự án vay vốn và tài sản đảm bảo cho khoản vay là tài sản của công ty CP Đức Hạnh. "Lúc này vợ chồng Hiền Hợp có đề xuất là cho tôi mượn tiền trả nợ cho phòng giao dịch Supe để rút tài sản cầm cố chuyển xuống ngân hàng VIB TP. Việt Trì làm tài sản đảm bảo. Tôi đã đồng ý. Thời điểm này tôi nợ ông Hợp tổng cộng 1,8 tỷ đồng nhưng không hiểu sao sau khi tôi lập hồ sơ vay vốn xong thì vị Giám đốc ngân hàng VIB TP. Việt Trì lại không cho vay. Bởi vậy, nhiều năm nay, tôi phải trả khoản lãi cắt cổ cho vợ chồng Hiền Hợp lên tới nhiều tỷ đồng. Tôi đã mắc bẫy của họ…”- ông Hạnh chua xót kể.

Đau xót hơn khi ông Hạnh biết tin chủ hiệu cầm đồ Hiền Hợp khởi kiện mình ra tòa để đòi số nợ là 8,6 tỷ đồng. Từ một chủ doanh nghiệp có tiếng ở đất Phú Thọ, chỉ vì trót vướng vào "tín dụng đen” ông Hạnh trở thành kẻ phá sản, vô gia cư.

Đức Sơn
Bài 2: Quan Tòa "mẫn cán” hay "bảo kê”…?
Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1