Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hòa: “Tiết tháo phải ở trên...”

10:00:00 01/10/2014
- Hồng Thanh Quang: Chắc anh đã biết việc ngày 11/9 vừa qua tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Lễ trao giải Sách Hay 2014, giải thưởng sách thường niên nhằm tôn vinh văn hóa đọc, do Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục (IRED) tổ chức. Anh nghĩ sao, khi trong giải thưởng này lại có tên cuốn sách mà giới chuyên môn cho là đã được “tái bản một cách rất cẩu thả” là cuốn “Văn hóa tộc người Việt Nam” của học giả Từ Chi?
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hòa.

- Nguyễn Hòa: Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, tôi đã ba lần được nghe Phó Giáo sư (PGS) Từ Chi giảng về văn hóa, văn hóa tộc người, văn hóa làng xã Việt Nam,… và chưa bao giờ thấy chán. Sau đó tôi tìm đọc hầu hết tác phẩm của ông, từ Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ, Hoa văn Mường,… đến Góp phần nghiên cứu Văn hóa và Tộc người. Thấy cuốn Văn hóa tộc người Việt Nam của thầy Từ Chi được trao giải Sách Hay 2014, tôi ngỡ là sách mới, định qua phố Đinh Lễ tìm mua, hóa ra là sách “tái bản một cách rất cẩu thả”! Tôi coi sự cẩu thả đó là xúc phạm người đọc; và hơn thế nữa, là xúc phạm PGS Từ Chi, vì ông là một nhà khoa học, một con người rất đáng kính trọng về nghề nghiệp và nhân cách.

- Anh nghĩ gì về cách làm việc của Ban Giám khảo ở giải thưởng này?

- Không rõ Ban Giám khảo Giải thưởng làm việc cụ thể như thế nào, song căn cứ vào tin tức trên báo chí tôi thấy có điều khó chia sẻ. Vì thiết nghĩ, là giải thưởng để ghi nhận cống hiến thì ra một nhẽ; còn giải thưởng sách hay thì chí ít cũng phải mang tính phát hiện. Chẳng cần trao giải sách hay, người nào quan tâm đến văn học là biết Hoàng tử bé, Trăm năm cô đơn, Bắt trẻ đồng xanh, Nhóc Nicolas và Sông Côn mùa lũ, Tuổi thơ dữ dội, Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ,… là sách hay rồi. Nên thật khó hiểu khi có thành viên Hội đồng Giải thưởng giải thích: “Vinh danh chúng lần nữa nhằm để khẳng định giá trị của chúng”. Như vậy cần gì phải lập hội đồng xét giải cho phức tạp, cứ lần lượt trao giải cho các cuốn sách nổi tiếng, đã nhận giải thưởng, được nhiều người tìm đọc là xong! Riêng việc “không trao nhầm tác phẩm mà chỉ nhầm tên sách” thì khó hiểu hơn. Nếu đã đọc cuốn sách, chẳng nhẽ cả năm người chọn và trao giải Sách Hay ở thể loại sách nghiên cứu lại không nhớ lần xuất bản đầu tiên, tên sách có hai chữ rất khiêm nhường là “Góp phần” hay sao, chẳng lẽ họ không biết sự khác nhau giữa “văn hóa tộc người” với “văn hóa và tộc người”, mà làm gì có cái gọi là “văn hóa tộc người Việt Nam”? Đặt tên sách như thế chứng tỏ người đứng ra “tái bản” rất lơ mơ về công việc và thành tựu của PGS Từ Chi.

- Liệu có thể coi đó là vấn nạn hay không, khi ở không ít giải thưởng hay cuộc thi, thành phần và phương pháp làm việc của các Ban giám khảo dường như không hẳn đã tương xứng với trọng trách được giao? Ngay trong lĩnh vực văn học nghệ thuật cũng thế, nếu tìm hiểu kỹ càng thì ta cũng dễ dàng phát hiện những hiện tượng tương tự với những gì mà Ban giám khảo của giải thưởng Sách Hay 2014 đã phạm phải... Tôi biết có những khi thành viên ban giám khảo cuộc thi văn chương vì không đủ sức để đọc hết các tác phẩm tham dự thi nên cũng đành dựa dẫm vào nhau mà đưa ra ý kiến đánh giá...

- Người có liên quan tới sự kiện trên đã nói rằng: “Chúng tôi hoàn toàn nhận lỗi về điều này và xin lỗi độc giả vì sai sót đáng buồn, đáng tiếc”, đây là điều cần ghi nhận. Lời xin lỗi đó là hiếm hoi, khi mà lâu nay với một số giải thưởng văn học - nghệ thuật nếu có ý kiến phê phán thì người có trách nhiệm thường chọn bài… im lặng! Hình như đã thành thông lệ, sau khi trao giải là lập tức báo cáo tổng kết với những ngôn từ véo von được trích dẫn trên một số tờ báo cùng mấy bài phỏng vấn đại diện ban tổ chức hoặc tác giả đoạt giải, rộn ràng như vậy rồi… mất hút! Điều gì đã xảy ra? Khó có thể trả lời, nhưng quả thực là ở thời buổi này, cùng một lúc phải đọc một đống sách, xem mấy chục bộ phim, nghe trăm bản nhạc, ngắm cả dãy bức tranh,… cũng là thách thức với không ít người. Tôi từng chứng kiến chồng sách cỡ nửa mét đứng yên trên bàn của một thành viên chung khảo giải thưởng văn học nọ; đến khi giải trao rồi, bụi vẫn phủ dày bìa cuốn sách trên cùng, tôi ướm bàn tay lên trên, hiện rõ cả hình bàn tay. Tôi đồ rằng vị giám khảo không đọc. Bởi có lần ông hỏi tôi đọc tiểu thuyết X chưa và đánh giá thế nào. Mau mồm mau miệng, tôi nói luôn. Hơn tuần sau, trà lá với mấy người nữa, đề cập tới tiểu thuyết X, ông nói lại i xì mấy điều tôi đã nói với ông. Và tiểu thuyết X cũng nằm trong chồng sách đó!

- Có vấn đề gì không ổn trong việc thành lập các ban giám khảo hay hội đồng tuyển chọn như thế?

- Thành phần ban giám khảo hoặc hội đồng tuyển chọn giải thưởng thường là người nổi tiếng. Tôi không biết ở nước ngoài người ta xét giải thế nào, chứ như ở Việt Nam hiện nay, sự nổi tiếng trong văn học - nghệ thuật thường là không đồng nghĩa với việc có khả năng thẩm định, đánh giá. Không có gì bảo đảm một nhà văn, một đạo diễn, một nhạc sĩ, một họa sĩ nổi tiếng,… là có khả năng thẩm định, đánh giá tác phẩm văn học - nghệ thuật. Càng không có gì bảo đảm một nhà văn đánh giá về thơ, một nhà thơ đánh giá tác phẩm nghiên cứu khoa học,… sẽ đưa tới kết luận tin cậy. Rồi khi tinh thần “trọng xỉ” chi phối như một trong những tiêu chí để thành lập ban giám khảo, hội đồng tuyển chọn giải thưởng thì câu hỏi của Hồng Thanh Quang càng có ý nghĩa. Rất khó tin là mọi vị cao niên làm giám khảo đều có khả năng đọc - xem - nghe và đánh giá ngọn ngành về các cuốn sách, bộ phim, bản nhạc, bức tranh,… dự giải, bảo đảm giải thưởng được trao chính xác, dù tương đối.

- Theo anh, những lý do nào đã dẫn tới thực trạng đáng buồn đó?

- Theo dõi trong thời gian dài và tự lý giải, tôi nghĩ là do thiếu tính chuyên nghiệp. Năm nào các hội nghề nghiệp cũng đưa ra một danh sách giải thưởng mà năm sau chẳng mấy ai còn nhớ, đưa tới cảm tưởng đó là biện pháp để “giải ngân” số tiền Nhà nước cấp hơn là khẳng định chất lượng tư tưởng - nghệ thuật? Còn các giải thưởng được tài trợ, hay một tổ chức nào đó đỡ đầu thì xem ra xu hướng tinh thần của thành phần ban giám khảo, hội đồng tuyển chọn như thế nào sẽ trao cho tác phẩm có xu hướng đó. Mấy năm trước, tôi đến dự lễ trao một giải thưởng về văn hóa. Sau khi vị đứng đầu hội đồng công bố danh sách, đánh giá các tác phẩm trao giải, tôi mạn phép hỏi, đại loại: Giải dịch thuật dành cho cuốn sách triết học của tác giả Y ở nước ngoài có phải vì chứa đựng xu hướng tinh thần gần gũi với ông chủ tịch, cuốn sách đó có ý nghĩa gì với người Việt Nam hôm nay? Nội dung thứ nhất, ông chủ tịch không trả lời, còn nội dung thứ hai, ông bảo… để dịch giả giải thích! Nói như thế thì chẳng hóa ra ông chưa đọc cuốn sách?

- Anh nghĩ thế nào về hiện tượng, nếu một cán bộ đã được đưa vào một vị trí nào đó thì mặc nhiên sẽ được cơ cấu vào thành phần ban giám khảo hay hội đồng bình chọn mà thực chất anh ta không có mấy kiến thức chuyên môn để đảm nhận?

- Đó là hiện tượng khó giúp vào sự phát triển văn học - nghệ thuật. Lẽ thường, là nhân vật chức sắc về văn học - nghệ thuật trước hết phải là người có uy tín, am hiểu văn học - nghệ thuật, thiếu hai yếu tố đó mà tham gia đánh giá tác phẩm văn học - nghệ thuật để trao giải thưởng thì chỉ làm hại lĩnh vực này mà thôi. Bằng cảm quan và thị hiếu riêng, mỗi người đều có thể nhận xét một tác phẩm văn học - nghệ thuật, nhưng nhận xét với tính cách là ý kiến cá nhân luôn khác biệt về bản chất so với đánh giá trên cơ sở tri thức chuyên ngành, có phân tích, lý lẽ,… Nhưng khi yếu tố cảm tính như đang giữ vị trí ưu thắng trong ứng xử xã hội của nhiều người thì việc vị chức sắc hãnh tiến nào đó không e ngại tham gia ban giám khảo, hội đồng bình chọn một giải thưởng văn học - nghệ thuật cũng là điều thường tình! Mới rồi, thấy truyền hình có chương trình về nhà văn Ma Văn Kháng, tôi chú ý xem. Dù tá hỏa vì diễn giả là một giáo sư tiến sĩ sinh học, tôi vẫn xem cho hết. Xem xong thì tôi kinh ngạc, hầu như vị giáo sư tiến sĩ không nói được chữ nào ra hồn về tác phẩm của Ma Văn Kháng. Kể cả khi người đối thoại hỏi về một tác phẩm cụ thể, ông cũng không nói nổi một chữ đích xác về tác phẩm ấy, như thế mà ông vẫn nhận lời lên truyền hình nói chuyện thì đáng kính phục! Là trí thức đích thực, người ta biết lượng sức của mình, biết nhận chân khả năng của mình để từ đó nhận lời hoặc từ chối.

Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).

- Anh nghĩ thế nào khi có ý kiến cho rằng chúng ta hiện đang dần dà làm phá giá những giải thưởng, những danh hiệu mà khi mới xuất hiện đã rất hoành tráng? Lấy thí dụ như danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân hay Nghệ sĩ ưu tú chẳng hạn, nếu ở những đợt đầu tiên phong tặng thì toàn là những tên tuổi thực sự đẳng cấp. Còn bây giờ thì...

- Không có thói quen nhắc lại điều mình đã viết hay đã nói, nhưng với câu hỏi của anh, tôi xin nhắc tới một bài báo tôi viết về vấn đề này có nhan đề Hết nạc thì vạc đến xương đã đăng trên báo Thể thao & Văn hóa năm 2011. Cứ đà này, chẳng mấy nỗi tình trạng “hết nạc thì vạc đến xương” sẽ được hiện thực hóa, tới lúc đó cả làng sẽ cùng vui, ai cũng có giải thưởng, ai cũng có danh hiệu. Chỉ có điều là nếu xảy ra sẽ làm suy giảm ý nghĩa của giải thưởng, danh hiệu. Ấy là chưa nói, đôi khi thay vì hỏi tác phẩm nào được giải, có xứng đáng hay không, người ta lại hỏi nhau: “Thế nào, được bao nhiêu tiền”!

- Theo anh có nhất thiết năm nào cũng có đợt xét danh hiệu một cách đại trà như thế? Quy luật muôn đời là tài năng thường xuất hiện đơn lẻ... Nên chăng xét tặng danh hiệu cao quý trong lĩnh vực nghệ thuật không phải theo phong trào, theo đợt mà theo tình huống cụ thể, khi một tài năng đích thực xuất hiện và tỏa sáng?

- Căn cứ vào “tiếng vang” không lấy gì làm hùng tráng và dư âm “ngắn chẳng tày gang” của một số giải thưởng văn học - nghệ thuật, tôi thấy dăm năm trở lại đây, xu hướng “nhàm hóa” một số giải thưởng, danh hiệu như đang là thực tế nhãn tiền. Phải chăng ý nghĩa cao quý của một số giải thưởng, danh hiệu như bị suy giảm bởi quan niệm, cách thức tổ chức, cách thức tuyển chọn, đánh giá, trình độ và khả năng đọc - xem - nghe của giám khảo, tuyển chọn? Có thể giải thích sự mất tích của giải thưởng “Lá trầu”, giải tiểu thuyết của “Bách Việt”,… từ lý do kinh tế, nhưng khó có thể giải thích tại sao trong khi văn học - nghệ thuật lâm vào cuộc khủng hoảng thiếu tác phẩm hay, mà năm nào các hội văn học - nghệ thuật cũng công bố hàng loạt giải thưởng? Phải chăng ai đó đang cố để “ép” ra giải? Nếu đúng vậy thì đó là điều rất không nên, bởi sẽ đẩy tới tình trạng xem thường tiêu chí đánh giá, xóa nhòa ranh giới giữa tài năng đích thực với tài năng làng nhàng, giữa tác phẩm xuất sắc với tác phẩm mà thiếu nó thì văn học - nghệ thuật cũng chẳng vơi mỏng!

- Văn học thế giới mênh mông là thế mà mỗi năm cũng chỉ có một giải Nobel Văn học. Nên chăng ở ta cũng chỉ xét trao một giải thưởng quốc gia duy nhất về văn học? Làm được như thế, có thể sẽ tránh được tình trạng là tên những người được giải thưởng lại nhiều hơn tên tác phẩm còn lại với thời gian, cùng hậu thế...

- Tôi nghĩ, xã hội hóa các hoạt động văn học - nghệ thuật bao gồm cả việc trao các giải thưởng, việc này cũng có ý nghĩa nhất định. Như văn học chẳng hạn, với ý nghĩa tích cực của chúng, các giải thưởng là ghi nhận, khẳng định, đồng thời động viên người viết. Vấn đề cần quan tâm là ở chỗ: giải thưởng phải là kết quả từ quá trình “tinh tuyển” của đội ngũ giám khảo có năng lực thẩm định, không có sự tham gia của yếu tố “ngoài văn chương”,… và chấp nhận cả tình huống không trao giải thưởng nếu năm đó, cuộc thi đó,… không có tác phẩm xuất sắc.

- “Tấm áo choàng không làm nên thầy tu”... Liệu có phải chúng ta đã lâm vào một cách vô phương cứu chữa với tình trạng thay vì trau dồi phẩm hạnh thì lại chạy đi kiếm những “tấm áo choàng” để lọt vào đội ngũ những người khả kính? Và từ đó là vấn nạn háo danh, truy tìm học hàm, học vị bằng mọi giá...

- Hình như với một số người, giải thưởng văn học - nghệ thuật là sự bảo đảm cho tài năng, hễ có cơ hội là họ khoe, từ giải thưởng “vô tăm tích” nào đó tới “giải cuộc thi thơ tình do báo Văn nghệ tổ chức trên báo Văn nghệ Trẻ”! Từ ngày Việt Nam kết nối Internet, đặc biệt từ khi phát hiện ra sự “đắc dụng” của Wikipedia - nơi có thể viết về người khác hoặc tự viết về mình, trên mạng la liệt tác phẩm “bất hủ” của một số người Việt là “văn nhân tài năng, nghệ sĩ tầm cỡ”. Có điều gì đó khôi hài và đáng thương khi trên mạng giới thiệu một nhà văn “những tác phẩm của ông đã tạo ra bước ngoặt quan trọng bậc nhất về lối viết trong văn học Việt Nam”; còn về “một nhà văn, nhà dịch thuật, biên tập, nhà lý luận và phê bình điện ảnh Việt Nam” thì Wikipedia giới thiệu: “Ông nhận nhiều giải thưởng: giải Tác phẩm tuổi xanh của báo Tiền phong (1991), giải Hoa phượng đỏ của Hội Văn học nghệ thuật Hải Phòng (1992), giải sáng tác về Biển và Hải quân của Bộ tư lệnh Hải quân (1990), giải thưởng sáng tác văn học của Nhà xuất bản Hà Nội (1993), giải thưởng truyện ngắn hay 2003 của báo Người lao động (2003), giải thưởng cuộc thi tiểu luận Về trí thức và phát triển của tạp chí Khoa học và Tổ quốc (2003), Giải Bông hồng vàng về truyện ngắn của Hội tấm lòng vàng (1994), Tặng thưởng về dịch thuật văn học của tạp chí Văn nghệ Quân đội (1990)”! Có lẽ các giải thưởng này chỉ tác giả là nhớ, vì liệu có bao nhiêu người biết về chúng?

- Mới đây tôi có nhận được điện thoại từ một người xưng là đang làm việc ở ban biên tập sách về những người con tiêu biểu của các dòng họ. Và mời tôi trở thành nhân vật trong tập sách của dòng họ mình. Tất nhiên là tôi từ chối vì tôi rất biết tôi đang ở đâu để khỏi trở thành kẻ lố bịch... Nhưng tôi cũng biết là không ít người đã gật đầu trước những lời mời chào như thế... Hóa ra là ở ta hiện nay đang có một lĩnh vực làm ăn khá phát đạt, kiếm lợi trên sự háo danh của thiên hạ bằng cách trải rộng chiếu để kẻ ít tài cũng có thể ngồi chung với các bậc anh tài... Anh có biết về hoạt động của lĩnh vực này không? Và anh nghĩ thế nào về chuyện đó? Trong khoa học? Trong thơ văn? Trong việc lập ra các nhóm tinh hoa với các tên gọi khác nhau?

- Chí ít khoảng mười năm trước, tôi đã đọc giấy mời do ông H phát hành trong đó đề nghị một người làm thơ ở tỉnh nọ gửi tác phẩm kèm 300 nghìn đồng để được chọn vào danh sách “81 thi nhân Việt Nam thế kỷ 20”! Nếu là kẻ háo danh, đang là người làm thơ ít tiếng tăm ở tỉnh lẻ, nay lọt vào danh sách “81 thi nhân Việt Nam thế kỷ 20” thì đến 3 triệu đồng tôi cũng nộp! Không chỉ ở Việt Nam có người kinh doanh thói háo danh của người khác, hình như ở nước ngoài người ta cũng coi đây là thị trường béo bở, mới xuất hiện cái gọi là “viện sĩ 250 USD”. Không biết thực hư ra sao, nhưng có người kể với tôi tại “lễ nhận bằng viện sĩ” tổ chức mời bạn bè, “tân viện sĩ” nọ tay giơ cao ly rượu vang, miệng dõng dạc: “Vinh quang này trước hết thuộc về nhân dân Việt Nam”. Bi hài là dù mấy vị ấy tự giới thiệu “viện sĩ”, nhưng không ai biết họ là… “viện sĩ viện gì?”! Ngày nọ, thấy trước họ tên ông Y có hai chữ TS, tôi đề nghị ông trưng tấm bằng “tiến sĩ” để mọi người thưởng lãm, từ đó hai chữ “TS” biến mất trước họ tên ông! Gần đây, tôi đang ngồi với một họa sĩ có công việc liên quan tới văn hóa, thì một cô phóng viên bước vào. Có quen biết từ trước nên chuyện được vài câu, cô bảo tôi: “Mấy năm nay em chán viết phê bình rồi, bây giờ em làm văn hóa”. Nói xong, cô quay sang họa sĩ, rút trong ví ra một tờ giấy nhỏ nhìn như tấm thẻ rồi trịnh trọng đưa anh xem. Liếc qua tờ giấy, anh họa sĩ bảo: “Đây là câu lạc bộ dỏm”. Cô phóng viên có vẻ tẽn tò, và tôi tự hỏi: Không biết cô đã trịnh trọng giới thiệu với bao nhiêu người

Bia đề danh Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).

- Nguyễn Trãi ngày xưa đã khẳng định rồi, “tuấn kiệt như sao buổi sớm, nhân tài như lá mùa thu...”, ở thời nào cũng thế... Vậy nên nếu chúng ta lại cứ muốn thời nào cũng đông “những vì sao đất nước” thì đó là điều không đúng đắn. Tôn vinh danh nhân không nên làm theo cách so bó đũa chọn cột cờ, bởi lẽ không bao giờ có cây đũa nào có thể trở thành cột cờ. Anh nghĩ sao về chuyện này?

- Tài năng là thứ của hiếm, và oái oăm là tạo hóa “ban phát” tài năng có vẻ rất ngẫu hứng. Hồng Thanh Quang thử khảo sát lịch sử văn học nước nhà là thấy, hàng nghìn năm văn học mà tên tuổi đã được ghi danh đâu có nhiều. Không xem xét tác phẩm văn học - nghệ thuật từ giá trị tư tưởng - nghệ thuật của nó, không đánh giá mình một cách toàn diện từ khả năng đến hạn chế mà lại có xu hướng “tự sướng” về vài ba thành tựu chưa có khả năng vượt qua ranh giới văn hóa để rồi mơ về giải Nobel thì rốt cuộc chỉ là điều viển vông. Chưa bao giờ tôi đồng tình với quan niệm “so bó đũa chọn cột cờ”, dù là so sánh có tính tượng trưng thì chiếc đũa dài nhất, cao nhất cũng chỉ là chiếc đũa cả, làm sao thành cột cờ. Có lẽ vì thỏa mãn với “chiếc đũa” được chọn làm “cột cờ” mãi rồi thành quen, nên nhiều sự kiện, hiện tượng, con người xét đến cùng không có gì ghê gớm cũng được đề cao, tưởng thưởng, đôi khi trở thành “tấm gương”! Giống như trong âm nhạc và thể thao, có điều gì đó bất thường khi nước nhà có “ông hoàng nhạc Việt”, “giọng ca vàng”, “kình ngư”, “nữ hoàng tốc độ”,… nhưng âm nhạc, thể thao vẫn bì bõm giữa “ao làng” Đông Nam Á mà chưa đâu vào đâu!

- Việt Nam hiện nay đang là nước có tỉ lệ tiến sĩ cao ngất ngưởng, một số nguồn tin cho rằng còn cao gấp 5 lần so với Nhật Bản. Trong khi đó thì đẳng cấp quốc tế của nền khoa học nước ta còn xa mới được gọi là tiên tiến... Liệu có thể nói rằng tình trạng lạm phát các học hàm, học vị càng chứng tỏ mức độ khủng hoảng năng lực thực sự trong đội ngũ trí thức của chúng ta càng trở nên trầm trọng hơn?

- Không dám lạm bàn về trí thức trong khoa học tự nhiên, tôi chỉ xin đề cập tới trí thức trong khoa học xã hội, và thú thật là tôi không tin cậy vào nhiều người, vì chức danh, học vị của họ chưa phải là sự bảo đảm cho trình độ, năng lực trí tuệ. Có nên gọi là nhà khoa học hay không khi xếp Đi đánh thần hạn của Trần Đăng Khoa vào danh mục văn hóa dân gian Bạc Liêu? Có nên gọi là nhà khoa học hay không khi cho rằng “Hiện tượng một người đang sống trong thế giới bình thường rồi vì một lý do nào đó mà bị tách biệt khỏi thế giới bên ngoài luôn là những trường hợp cá biệt, nhưng đây đó trong lịch sử nhân loại không phải là không có. Những trường hợp kinh điển mà mọi người đều biết có thể kể đến là trường hợp cậu bé Tarzan hoặc Robinson Crusoe”?... Tôi có thể dẫn ra vô số sai sót tri thức mà một số vị khoa bảng trình ra trước thiên hạ. Tôi biết có người bảo tôi không có chức danh, học vị nên “ghen ăn tức ở”. Vâng, ghen ăn tức ở với “tiến sĩ giấy” thì chẳng hóa ra xếp mình ngang với sự dốt!? Thật buồn khi đất nước có hàng vạn tiến sĩ mà khoa học vẫn lẹt đẹt cuối hàng nhân loại. Không biết mỗi năm Nhà nước chi bao nhiêu tiền của cho các “công trình nghiên cứu” mà số phận thường ở trong ngăn kéo?!

- Chúng ta bây giờ vẫn hay sử dụng từ “sĩ phu”... Theo anh, dưới cái nhìn hiện đại, thế nào là sĩ phu?

- Sĩ phu được hiểu là người có học vấn, có tiết tháo. Như vậy, sĩ phu thời trước cũng không khác mấy so với sĩ phu thời nay; nhưng điều cơ bản cần chú ý là: nếu học vấn của sĩ phu thời trước chủ yếu để chứng minh hoặc làm sáng tỏ “cái đã có”, thì học vấn của sĩ phu thời nay là phải nhằm mục đích phát hiện, sáng tạo để đóng góp vào sự phát triển của xã hội, con người. Còn nếu hiểu tiết tháo là cương trực, trong sạch thì sĩ phu thời nào cũng cần.

- Môi trường sống của chúng ta trong xã hội phát triển theo cơ chế thị trường có thuận lợi gì và khó khăn gì để hình thành và củng cố tâm thế sĩ phu?

- Trước sự hoành hành của tinh thần thực dụng, khi sự dối trá luôn có thể là lời mời gọi hấp dẫn giúp mưu cầu lợi ích ích kỷ của cá nhân thì sĩ phu có dám đặt tiết tháo của mình lên trên hay không? Tôi nghĩ đó là câu hỏi cần phải đặt ra và trả lời. Vì nếu không, sĩ phu sẽ không còn là sĩ phu nữa.

- Theo anh, có hay không trong xã hội ta hiện nay một tầng lớp gọi chung là trí thức? Hay là hiện nay chỉ có những cá nhân trí thức, rất không giống nhau cả về cách hành xử lẫn tư duy? Người trí thức cần phải làm gì để thực sự đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước trong những điều kiện cụ thể của hiện tại?

- Một người được gọi là trí thức trước hết phải thể hiện qua việc đã lao động trí óc như thế nào, lao động đó có hữu ích, có tác động tích cực tới sự phát triển của lĩnh vực anh ta làm việc, rộng hơn là cả cộng đồng, hay không. Nếu thừa nhận điều này thì chức danh, học vị chưa phải là tiêu chí đầu tiên xác định một trí thức; và đó có thể là chuẩn mực giúp phân biệt tiến sĩ đích thực với “tiến sĩ giấy”! Hồng Thanh Quang để ý mà xem, “tiến sĩ giấy” thường hay nói to, thích chém gió, còn tiến sĩ đích thực thì lẳng lặng làm việc, chúng ta chỉ biết về họ qua các công trình nghiên cứu thực sự có giá trị. Tôi nghĩ, trình độ và sự sâu sắc về tri thức, tinh thần say mê, nỗ lực sáng tạo hướng tới xã hội, luôn biết tự trọng và có liêm sỉ,… chính là những tiêu chí đầu tiên để một trí thức có thể đóng góp với xã hội.

- Cá nhân anh có hình mẫu trí thức nào ở thời hiện đại mà anh thực sự kính trọng? Vì sao?

- Là người ham thích khoa học xã hội, tôi kính trọng, học hỏi được nhiều điều từ GS Trần Đình Hượu, PGS Từ Chi, GS Trần Quốc Vượng, PGS Phan Ngọc, học giả Đoàn Văn Chúc,… và tôi coi đó là những người có học vấn, có tiết tháo. Học giả Đoàn Văn Chúc thì người đọc rộng rãi ít biết về ông, nhưng nếu biết trước khi về hưu ông mới được đặc cách cấp bằng Cử nhân thì sẽ kinh ngạc khi đọc hai cuốn sách Xã hội học Văn hóa, Văn hóa học được xuất bản sau khi ông qua đời.

- Xin cảm ơn anh!

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1