Bản quyền tác phẩm văn học trong SGK: VLCC dừng thương thuyết

16:07:00 10/12/2014

Tại Hội thảo vê Quyền tác giả đối với tác phẩm văn học diễn ra sáng qua (9-12) tại Hà Nội, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ - Giám đốc Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC) cho hay, tính đến cuộc thương thảo cuối tuần vừa rồi, thì phía VLCC và NXB Giáo dục đã có 5 cuộc đàm phán, nhưng vẫn chưa đi đến thống nhất về việc thực hiện tác quyền văn học.

Nhiều tác phẩm được in ấn trong SGK phổ thông
vừa không xin ý kiến tác giả, vừa chưa trả tiền tác quyền

Không thể vin vào cơ chế đặc thù

Gần đây, việc phát hiện một số tác phẩm thơ in trong SGK, hoặc là trong tình trạng bị cắt xén tùy tiện (bài Thương ông- nhà thơ Tú Mỡ); hoặc là bị lờ tịt tiền tác quyền (bài Mẹ vắng nhà ngày bão- nhà giáo Đặng Hiển)…thì nhiều tác giả mới hay rằng văn, thơ của họ cũng được sử dụng trong SGK phổ thông bao lâu nay mà họ không hề hay biết.

Theo VLCC đây là một thực trạng không chỉ đáng buồn mà còn đáng báo động, bởi hơn 12 năm qua NXB Giáo dục đã sử dụng nhiều tác phẩm của các tác giả có tên tuổi để đưa vào SGK phổ thông. Dẫu vậy cho đến nay, chưa có tác giả nào trong số đó được trả tiền bản quyền. Cụ thể, năm 2014, tiến hành rà soát trong bộ SGK tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 5 và sách Ngữ văn từ lớp 6 đến lớp 12 của NXB Giáo dục, phía VLCC phát hiện có rất nhiều tác phẩm của những nhà văn, thơ tên tuổi như Hữu Thỉnh, Ma Văn Kháng, Trần Đăng Khoa, Tố Hữu, Nguyễn Quang Thiều, Phan Thị Thanh Nhàn, Ngô Văn Phú…chưa được NXB Giáo dục chi trả một đồng nhuận bút nào. Qua các cuộc làm việc chính thức giữa hai bên, cũng như những văn bản trao đi đổi lại giữa 2 đơn vị, cuộc đàm đạo mới nhất cách đây vài ngày cũng không đi đến một kết quả thống nhất.

Tại sao thương thảo tác quyền với một đơn vị lớn, trực thuộc Bộ GD&ĐT lại khó khăn đến vậy? Khúc mắc do đâu? Ông Đỗ Hàn- Phó giám đốc VLCC cho hay, phía NXB Giáo dục lý giải rằng SGK là sách đặc thù nên việc chi trả nhuận bút không đơn giản. Theo đó, ngay cả việc nếu áp dụng những qui định hiện có về việc chi trả nhuận bút (Nghị định 18 năm 2014), thì tính ra với một tác phẩm của nhà văn Tô Hoài được in trong 6 trang sách giáo khoa cũng chỉ tương đương với 270 ngàn đồng. Với sách in tái bản mỗi lần, số tiền được các tác giả được trả sẽ chỉ còn 50 ngàn đồng. Như vậy, kể cả sau 10 năm, thì mỗi tác giả từng có thơ, văn được sử dụng trong SGK sẽ chỉ được nhận về khoảng 200-300 ngàn đồng.

Hiện có trên 500 tác giả có tác phẩm in trong SGK Tiếng Việt và Ngữ văn, chưa tính tới sách tham khảo. Phân tích từ VLCC cho thấy, bất công lớn nhất ở loại hình SGK chính là việc doanh thu mỗi năm của NXB Giáo dục khoảng 400 tỉ đồng. Trong đó chi cho biên tập chỉ khoảng vài chục tỉ đồng, và theo như cách tính mà họ đang áp dụng thì tiền tác quyền năm 2014 chỉ chừng 1 tỉ đồng. Một con số khiêm tốn vô cùng so với lãi ròng mà họ thu được. Như vậy hỏi các tác giả không phản ứng sao được?
Hoặc là cho không, hoặc là kiện…

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ rất bức xúc khi chia sẻ: mỗi lần làm việc với phía NXB Giáo dục tôi luôn có cảm giác đang bị xúc phạm ghê gớm bởi họ coi Trung tâm và các tác giả tựa như những người đang được nhận sự "ban ơn” về tác quyền. Tổng Giám đốc NXB Giáo dục còn nói rằng: "chúng tôi "cho” các nhà văn nhà thơ số tiền nhuận bút như thế…”. Họ nói như thể họ đang là bề trên, còn chúng tôi những tác giả đang như người đi xin vậy. Trong khi trên thực tế, lãi họ hưởng cả, còn khi mua SGK cho con, phụ huynh phải chịu đến 2 lần tiền, tiền mua sách và tiền thuế nằm trong đó.

Gặp gỡ nhiều, đàm phán nhiều mà không đi đến kết quả, nhiều lúc phía VLCC đã nghĩ buông xuôi: hay cho không phía NXB Giáo dục? Nhưng rồi nghĩ lại, đang có tới 984 tác giả văn học ủy quyền cho Trung tâm, nên phải tìm mọi cách bảo vệ lợi ích hợp pháp cho các tác giả- nhà thơ Đỗ Hàn cho biết.

Đã từng tham dự những cuộc đàm đạo tiền tác quyền với NXB Giáo dục, anh Lưu Tuấn Anh, con trai cố nhà thơ Xuân Quỳnh- Lưu Quang Vũ cũng bày tỏ tâm tư: Thôi thì chưa nói chuyện tác quyền vội, nhưng ngay cả việc xin phép ý kiến của tác giả, NXB Giáo dục cũng không làm. Vì thế, giải pháp mà người đại diện gia đình nữ sĩ Xuân Quỳnh đưa ra là không nên tiếp tục kéo dài những cuộc đàm đạo với NXB Giáo dục nữa. Để tạo tiền lệ tốt hơn trong việc bảo vệ tác quyền văn học, cần phải có những giải pháp mạnh mẽ hơn như đưa ra pháp luật để phân xử rõ ràng hơn.

Xuất phát từ nguyện vọng của các tác giả có tác phẩm không được hưởng tác quyền, VLCC cho biết sẽ dừng thương thuyết với NXB Giáo dục. Trong thời gian sớm nhất, Trung tâm sẽ có công văn gửi tới Bộ GD&ĐT và các cơ quan chức năng nhờ can thiệp. Cùng với đó, để tránh tình trạng làm sai lệch nguyên tác của các tác phẩm trong quá trình in ấn sử dụng, VLCC sẽ thành lập một bộ phận lưu trữ tác phẩm gốc. Theo đó đơn vị nào muốn sử dụng tác Hương Lêphẩm phải xin phép qua VLCC. Những xuất bản phẩm (liên quan đến tác phẩm của các tác giả đã ủy quyền cho VLCC) không qua trung tâm lưu trữ tác phẩm gốc- đều bị coi là xâm phạm bản quyền nghiêm trọng.
Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1