Bản quyền từ sách giáo khoa

08:16:00 23/11/2014
(HQ Online)- Sau khi nhiều tác giả lên tiếng phản đối, Nhà xuất bản Giáo Dục đã có buổi làm việc chính thức với Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam, nhằm tìm ra giải pháp phù hợp nhất cho vấn đề bản quyền của những tác phẩm được in trong sách giáo khoa. Lẽ ra, việc làm này đã phải tiến hành từ lâu, nhưng dẫu muộn cũng cần ghi nhận thái độ thiện chí của các bên liên quan.

Trong hoạt động xuất bản nước ta, Nhà xuất bản Giáo Dục có một vị trí quan trọng, mang đặc thù riêng và đạt hiệu quả riêng. Mỗi năm, số lượng sách giáo khoa được in ấn luôn là một con số khổng lồ. Do đó, lợi nhuận của đơn vị xuất bản không thể không tính toán cho đóng góp từ phía những tác giả có tác phẩm được dạy và học trong nhà trường.

Với sách giáo khoa phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12 của chương trình không phân ban, thì doanh thu mà Nhà xuất bản Giáo dục đạt được trong năm 2004 dự kiến khoảng 400 tỷ đồng. Nhà xuất bản Giáo dục chỉ chi trả 10% cho người biên soạn. Như vậy, phần tài chính để có thể chi trả tác quyền không mấy khó khăn.

Trước đây, nhiều tác giả cảm thấy tác phẩm được đưa vào giảng dạy đã là một vinh dự, nên không đòi hỏi gì đến tác quyền. Thậm chí, những tác giả có rất nhiều tác phẩm văn học trong sách giáo khoa như Trần Đăng Khoa, Phạm Hổ hoặc Kim Lân đều không hề nhận được một khoản tác quyền nào trong rất nhiều năm. Chính vì vậy, các nhà văn, nhà thơ đã ủy quyền cho Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam trực tiếp trao đổi và thực hiện bản quyền với Nhà xuất bản Giáo dục.

Theo Công ước Berne về tác quyền có giá trị toàn cầu, thì bất kỳ tác phẩm nào mang lại lợi nhuận đều phải chi trả bản quyền. Sách giáo khoa cũng có doanh thu lớn, do đó Nhà xuất bản Giáo dục không có gì băn khoăn để đạt được thỏa thuận nghiêm túc với các tác giả có tác phẩm giảng dạy trong nhà trường. Tuy nhiên, chi trả như thế nào và chi trả bao nhiêu, cần phải được cân nhắc thấu đáo trên cơ sở tuân thủ luật pháp. Nếu người biên soạn được 10% mà các tác giả chỉ được 1% thì thật đáng ái ngại.

Trên thế giới, bản quyền tác phẩm trong sách giáo khoa được áp dụng rất chặt chẽ. Ngay cả các tài liệu tham khảo cũng chi trả bản quyền. Việt Nam đang từng bước hội nhập quốc tế một cách sâu rộng, bản quyền từ sách giáo khoa cũng là một câu chuyện phải được quan tâm!


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1