Bảo tàng Văn học Việt Nam trưng bày 10 thế kỷ văn học nước nhà

18:33:00 26/06/2015

Bảo tàng văn học Việt Nam (ngõ 275 đường Âu Cơ) thuộc Hội Nhà văn Việt Nam đã chính thức khai trương ngày 26/6 tại Hà Nội sau 10 năm miệt mài xây dựng và sưu tầm.

Một góc trưng bày của Bảo tàng Văn học Việt Nam. (Nguồn: chinhphu.vn)



Tại buổi khai mạc, ông Nguyễn Thanh Minh, Phó Giám đốc Bảo tàng Văn học Việt Nam cho biết, việc thành lập Bảo tàng Văn học Việt Nam là mong mỏi từ lâu của các thế hệ nhà văn nhằm lưu trữ, cung cấp thông tin chuẩn xác nhất cho bạn đọc về một nền văn học đồ sộ của nước nhà.

Bảo tàng Văn học Việt Nam hiện nay chính là khu nhà sáng tác văn học Quảng Bá, Hồ Tây, Hà Nội.

Từ những năm 60 của thế kỷ 20, trong hoàn cảnh sống và viết hết sức chật chội, các nhà văn đã góp nhuận bút để mua một mảnh đất làm nơi sáng tác. Đông đảo những tên tuổi làng văn ngày đó như Tú Mỡ, Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Anh Thơ... cùng chắt chiu "góp gió thành bão."

Từ đây, đã ra đời những tác phẩm lớn của văn học nước nhà như ''Vỡ bờ'' (Nguyễn Đình Thi), ''Sông Đà'' (Nguyễn Tuân), ''Vụ lúa chiêm'' (Đào Vũ)... Đây cũng là nơi mở các khóa viết văn góp phần đào tạo hàng trăm nhà văn trẻ; là nơi nhiều nhà văn đi thẳng vào chiến trường trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ác liệt...

Ngày 31/12/1999, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua chủ trương cho phép xây dựng Bảo tàng. Năm 2005, Bảo tàng chính thức được khởi công xây dựng trong khuôn viên 3.600m2, trong đó diện tích trưng bày là 2.700m2.

Ngoài ra còn có các phòng chức năng và hội trường hơn 200 chỗ ngồi phục vụ sự kiện, hội nghị, lớp học và 30 phòng nghỉ cho các nhà văn tham dự trại sáng tác.

Tầng một của Bảo tàng có đặt biểu tượng là hòn đá thiêng hình ngọn bút được rước từ Đền Hùng và dòng chữ "Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài" của đại thi hào Nguyễn Du.

Đây cũng là nơi trưng bày 10 thế kỷ văn học nước nhà (từ thế kỷ 10 đến cuối thế kỷ 19); và lịch sử chữ viết của dân tộc Việt Nam trên các chất liệu giấy dó, vải, kim loại, lá cây.

Tầng hai trưng bày về một số nhân vật tiêu biểu của văn học Việt Nam đầu thế kỷ 20 như Phan Bội Châu, Tản Đà, Hồ Chí Minh; các nhà văn theo các khuynh hướng hiện thực phê phán, cách mạng và lãng mạn.

Phần chính của tầng hai là các tác giả được Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học-nghệ thuật như Phan Tứ, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Khải, Anh Đức, Chính Hữu, Nguyễn Minh Châu, Hồ Phương, Hữu Thỉnh, Hà Xuân Trường, Văn Cao, Vũ Khiêu, Tào Mạt, Lưu Quang Vũ...

Ngoài ra, tại đây cũng trưng bày mô hình tổ hợp xóm Chòi, nơi là Trụ sở Hội Văn nghệ Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp từ năm 1949-1954 gợi những ký ức sống động về một thời văn nghệ kháng chiến.

Tầng ba chủ yếu trưng bày về các nhà văn được Giải thưởng Nhà nước về văn học-nghệ thuật thời kỳ chống thực dân Pháp, văn học khu V, Nam Trung Bộ, các nhà văn sáng tác ở miền Bắc, miền Nam. Trưng bày tổ hợp Trường Sơn với nhà thơ tiêu biểu Phạm Tiến Duật và các kỳ Đại hội của Hội Nhà văn Việt Nam.

Ngoài ba tầng trên, còn có hai phòng trưng bày quan hệ giao lưu quốc tế và khám phá nông thôn Việt Nam.

Hiện nay, diện tích trưng bày của Bảo tàng vẫn là nhỏ so với số lượng và bề dày của nền văn học Việt Nam. Vì lẽ đó, có rất nhiều nhà văn Việt Nam vẫn chưa thu thập đủ tư liệu để đưa vào Bảo tàng.

Mặc dù đã cố gắng dành diện tích trưng bày cho các nhà văn trẻ thuộc Văn học hiện đại nhưng diện tích trưng bày vẫn chưa đủ đáp ứng được so với số lượng đông đảo của các nhà văn hiện nay.

Ngoài việc trưng bày tư liệu, bản thảo, bút tích, đồ dùng của các thế hệ nhà văn; các tác phẩm in lần đầu hoặc được tái bản nhiều lần; kho tư liệu hình ảnh, tiếng nói của các nhà văn; tượng các nhà văn..., Bảo tàng còn lắp đặt hệ thống máy tính, máy chiếu hiện đại của Nhật Bản để người đọc có thể dễ dàng tra cứu thêm thông tin.../.

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1