Cảm thức mùa xuân trong thơ cổ điển

02:42:00 06/03/2015
Những ngày qua, cùng với Liên hoan thơ quốc tế, đã diễn ra Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam lần thứ ba. Tham gia hội nghị có các nhà văn đương đại tiêu biểu của thế giới. Các đại biểu đều nhất trí cho rằng, văn học Việt Nam là một nền văn học có truyền thống tốt đẹp, phụng sự Tổ quốc, đấu tranh vì hòa bình và hướng tới hạnh phúc con người. Đó là những giá trị đỉnh cao, mang tính phổ quát nhân loại và vẫn là mục tiêu của văn học hôm nay và trong tương lai.

Nhiều nhà văn hiểu rất sâu sắc và đánh giá cao kho tàng văn học dân gian và nền văn học cổ - trung đại Việt Nam.

Quả vậy. Trong di sản tinh thần ở Việt Nam, không có gì kết tinh và quý báu bằng di sản văn học. Khi soi vào văn học, người ta thấy tâm hồn, tính cách, sức mạnh, ý chí của dân tộc ấy.

Câu chuyện Thạch Sanh dùng tiếng đàn - biểu tượng của nghệ thuật và khát vọng tình yêu, khát vọng hòa bình để lui quân 18 nước; câu chuyện cấp thuyền bè, lương thảo mở đường hiếu sinh cho bại quân về nước được ghi trong Bình Ngô đại cáo đã làm xúc động các nhà văn thế giới, giúp họ hiểu Việt Nam hơn.

Văn học là nơi chứa đựng đầy đủ nhất, sâu sắc nhất những vẻ đẹp của chân lý, của tình yêu và cách làm cho con người trở nên cao cả, hạnh phúc.

Tôi nghĩ không chỉ riêng mình, mà mọi người Việt Nam, dù đọc thiên kinh vạn quyển của thế giới, cũng không thể nào xúc động và thấm thía bằng chính văn học nước nhà. Đối với tôi, không câu thơ nào xúc động bằng những câu ca dao Chiều chiều ra đứng ngõ sau/ Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều; Chàng ơi đưa gói thiếp mang/ Đưa gươm thiếp vác cho chàng đi không; không có ứng xử nào nhân văn và hòa bình như Một điều nhịn, chín điều lành...

Tôi vốn mê chữ Hán và bây giờ vẫn thấy ở đó sự hàm súc, sức biểu cảm lớn lao. Song tiếng Việt thần tình, ít có ngôn ngữ nào có nhạc điệu réo rắt, cất lên từ đời sống như quan sát của người nông dân Việt Nam Đá cheo leo trâu trèo trâu trượt; ít có ngôn ngữ nào có các thanh điệu phong phú như tiếng Việt Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh... và không phải không hàm súc. Vì thế, nó là ngôn ngữ của thơ ca; dân tộc ta là một dân tộc của thơ ca.

Nhiều người biết câu thơ của Thôi Hộ, một nhà thơ nổi tiếng đời Đường Nhân diện bất tri hà xứ khứ/ Đào hoa y cựu tiếu đông phong. Đó là câu thơ như không thể hay hơn được nữa. Vậy mà khi Nguyễn Du chuyển thành tiếng Việt Trước sau nào thấy bóng người/ Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông thì thiết tưởng, Thôi Hộ cũng phải vỗ đùi đánh đét mà vái Nguyễn Du và Tiếng Việt ba vái! Đấy là chưa kể hai câu sau Xập xè én liệng lầu không/ Cỏ lan mặt đất rêu phong dấu giày... (Truyện Kiều).

Từ khi có văn học viết, văn học Việt Nam đã có sự uyên thâm và hội nhập. Cái uyên thâm ấy không những ở điển cố, mà còn ở giá trị nhân đạo. Tôi không thấy cha ông mình bàn nhiều về hình nhi thượng, mà hướng về con người cụ thể, về hạnh phúc nơi trần thế, cổ vũ nhiều nhất cho tự do và quyền con người. Thấy xuân, tiếc xuân, Nguyễn Trãi đã viết: Lòng xuân nhẫn động ắt khôn thìn/ Xuân xanh chưa dễ hai phen lại/ Thấy cảnh càng thêm tiếc thiếu niên; Tiếc xuân cầm đuốc mảng chơi đêm (Tiếc cảnh); Tính kể chỉn còn ba tháng nữa/ Kịp xuân mựa để má đào phai (Mai). Rạo rực với mùa xuân, với tình yêu nam nữ, Hồ Xuân Hương do đó đã vượt lên trên mọi "kiêng khem" của đương thời, của mọi giáo lý để trở nên một nhà thơ lớn của thế giới. Vì sao thơ bà được mọi tầng lớp yêu thích và đọc thuộc? Là vì nó chân thật, nó nhân bản: Mười bảy hay là mười tám đây?/ Cho ta yêu dấu chẳng rời tay.../ Càng nóng bao nhiêu càng muốn mát/Yêu đêm chưa phỉ lại yêu ngày...

Mỹ học phong kiến không cho phụ nữ tự do yêu đương là cái đẹp, mà đạo đức (đạo đức phong kiến) mới là cái đẹp (cái nết đánh chết cái đẹp). Nhân dân phản ứng và có cái nhìn cởi mở hơn Lẳng lơ chết cũng ra ma/ Chính chuyên chết cũng khiêng ra ngoài đồng. Hồ Xuân Hương nhìn thấy cái đẹp vĩnh hằng của người phụ nữ trong bức tranh Tố nữ: Hỏi bao nhiêu tuổi hỡi cô mình/Chị cũng xinh mà em cũng xinh/Đôi lứa như in tờ giấy trắng/Ngàn năm còn mãi cái xuân xanh.

Nhà thơ Mạnh Hạo Nhiên đời Đường có bài Xuân hiểu (Sớm xuân) nổi tiếng. Nhà vua Trần Nhân Tông của chúng ta cũng có bài thơ mang đầu đề ấy, nhưng theo tôi thi sĩ hơn, yêu đời hơn: Thụy khởi khải song phi/ Bất tri xuân dĩ quy/ Nhất song bạch hồ điệp/ Phách phách sấn hoa phi (Ngủ dậy, ngỏ song mây, Xuân về, vẫn chửa hay/ Song song đôi bướm trắng/ Phấp phới sấn hoa bay).

Một chiều muộn, say rượu trở về, qua đầm sen Cao Bá Quát hỏi hoa sen: "Sen ơi, sen đỏ có như mặt rượu của ta không" (Nam nam tự dữ liên hoa thuyết/ Khả đắc hồng như tửu diện vô). Đó không còn là chuyện rượu mà là cái nhìn vận động, bình đẳng, nhất thể hóa tạo vật; xây dựng một triết lý sống cởi mở, vượt ngoài khuôn thước của con người để đến với tự nhiên. Và đó cũng là cái chí, cái tính cách riêng của con người Cao Bá Quát được thể hiện trong Tài tử đa cùng phú: Nghiêng cánh nhạn, tếch mái rừng Nhan Khổng, chí xông pha nào quản chông gai/ Cựa đuôi kình, toan vượt bể Trình Chu, tài bay nhảy ngại chi lao khổ/ Lắc bầu rượu dốc nghiêng non nước lại, chén tiếu đàm mời mọc Trích Tiên/ Hóng túi thơ nong hết gió trăng vào, cơn xướng họa thì thầm Lão Đỗ...

Mùa xuân cũng là mùa làm thanh sạch lòng mình, định lại các giá trị. Với Cao Bá Quát, cái đáng cúi lạy suốt đời là sự thanh khiết, rực rỡ tự nhiên của hoa mai: Thập tải luân giao cầu cổ kiếm/ Nhất sinh đê thủ bái mai hoa (Mười năm lặn lội tìm gươm báu/ Một đời cúi lạy trước hoa mai).

Các cụ xưa nói, "một ngày nhàn là một ngày tiên". Sau khi giúp Lê Lợi đánh thắng giặc Minh, Nguyễn Trãi tự biết không nên theo mãi công việc bề bộn ở đời (mà cũng lắm kẻ không cho ông tiếp tục thực hiện lý tưởng cao đẹp của mình), đã tìm chốn nhàn dật Thế sự bất tri hà nhật liễu/ Biển chu quy điếu Ngũ Hồ xuân (Việc đời không biết ngày nào xong/ Chi bằng kiếm con thuyền nhỏ mà về câu xuân ở Ngũ Hồ - Mạn thành 1). Khi đóng cửa đọc sách để không có khách tục, ý tục xâm chiếm, Nguyễn Trãi lại mở cửa cho hoa xoan, hoa bưởi và đời sống thực, con người thực bước vào: Nhàn trung tận nhật bế thư trai/ Môn ngoại toàn vô tục khách lai/ Đỗ vũ thanh trung xuân hướng lão/ Nhất đình sơ vũ luyện hoa khai (Mộ xuân tức sự) (dịch: Cả ngày nhàn rỗi đóng cửa phòng sách/Không có khách tục nào bước tới cửa/ Nghe tiếng cuốc kêu biết ngày xuân đã muộn/ Một sân hoa xoan nở trong màn mưa bụi.).

Trong bài Cảnh xuân, Trần Nhân Tông dùng cái vô ngôn để nói được nhiều hơn, đúng hơn về con người và cuộc đời: Khách lai bất vấn nhân gian sự/ Cộng ỷ lan can khán thúy vi (Khách sang không hỏi chuyện đời/ Cùng nhau dựa ngắm núi trời xanh xanh - Xuân cảnh). Tư tưởng ấy của Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi phần nào bắt gặp tư tưởng Hồ Chí Minh trong bài Cảnh rừng Việt Bắc viết năm 1947 với câu: Kháng chiến thành công ta trở lại/ Trăng xưa hạc cũ với xuân này. Trước đó, trả lời phỏng vấn của báo chí, Bác nói: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi" (Báo Cứu quốc, 21-1-1946). Con người Việt Nam, về ý thức, luôn đặt bổn phận đối với Tổ quốc lên trên hết, sẵn sàng làm hết sức mình, kể cả hy sinh tính mạng để thực hiện bổn phận đó; nhưng mong muốn và khát vọng sâu sắc nhất là được sống yên lành, bình thường, hòa hợp với thiên nhiên. Cái tôi cá nhân của người Việt Nam là ở đó. Mà cái cuộc sống Nghiêu Thuấn nhất cũng là ở đó.

Trừ tuổi thiếu niên, hầu hết cuộc đời Nguyễn Du sống trong cảnh cơ hàn, nặng nề tâm sự bi thương. Thơ về mùa xuân viết bằng chữ Hán của ông rất buồn, vì chỉ để cho ông. Ví như Xuân nhật ngẫu hứng viết: Xa quê lại một năm ly biệt/ Đất khách thêm mùa xuân của ai/ Cỏ biếc lòng đau trời Nam phố/ Mai vàng chi nữa chúa Xuân ơi! Công danh như mây nổi vụt bay, các triều đại mau chóng thay nhau, và mỗi lần thay thế lại một lần truy đuổi, tàn sát; đến cả tấm thân cũng không thoát vòng sinh hoại, làm cho Nguyễn Du trở nên chán chường, thậm chí có khi bế tắc: Cõi thế công danh chim cánh lướt/ Sân nhàn thời tiết bóng oanh bay/ Xét thân không thoát vòng sinh hoại/ Lo mãi làm chi cuộc sống này...(Cuối xuân cảm hứng).

Tuy vậy, với thơ Nôm Truyện Kiều, ông đã để lại cho văn học Việt Nam, cho lòng người Việt Nam một bức tranh xuân tuyệt đẹp. Nó không chỉ tuyệt đẹp ở phong cảnh Cỏ non xanh tận chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa; Tuyết in sắc ngựa câu giòn/ Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời; Dưới cầu nước chảy trong veo/ Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha... mà đẹp ở lòng người, ở mối tình Kim - Kiều trong sự hoàn thiện và khát vọng tự do yêu đương.

Mùa xuân mang ý nghĩa khởi đầu. Khởi đầu cho những suy nghĩ mới, cho sự trưởng thành, biết bớt đi cái không phải lẽ, cái phù du, phù phiếm mà nâng niu lấy cái thực ở mỗi sắc hoa, mỗi nụ cười bè bạn. Mùa xuân là mùa của cái đẹp, mùa hạnh phúc. Hạnh phúc của con người là ở giữa quê hương làng nước, ở giữa sự thanh cao của tâm hồn, trong tình yêu nam nữ, trong cuộc sống trần thế mà chính thần Dớt cũng phải khát thèm. Bốn thế kỷ trước, Hồ Xuân Hương đã khẳng định: Nào nào cực lạc là đâu tá/ Cực lạc là đây chín rõ mười (Chơi đền Khán Xuân).

Cảm thức và thông điệp mà các nhà thơ cổ điển gửi lại, vẫn thật cổ điển và tươi tắn.

NGUYỄN SĨ ĐẠI

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1