Trong đêm khai mạc Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương tại Nhà hát Lớn (Hà Nội) tối 2/3, khi một nữ nhà thơ Ấn Độ lên sân khấu đọc thơ, dịch giả người Việt Nam bước ra giới thiệu tên nhà thơ và chuẩn bị sẵn sàng để dịch từ tiếng Anh.
Nhưng khi nhà thơ thông báo sẽ đọc thơ bằng tiếng... Hindi, dịch giả lúng túng vào bên trong cánh gà. Một lúc sau, anh trở lại để dịch vội bài thơ từ bản tiếng Anh mà nữ nhà thơ cung cấp.
Bất đồng ngôn ngữ
Cũng trong sự kiện, nhà thơ Bằng Việt đọc bài thơ Tất nhiên và ngẫu nhiên mà không có người phiên dịch tiếng Anh cho các đồng nghiệp quốc tế nghe. Nhà thơ đọc xong và bước xuống sân khấu trong sự hụt hẫng của khán giả - những người đang chờ nghe phần dịch. Những vần thơ. “Tôi có một con tàu/ Em có một vì sao/ Tôi có một vầng trăng/ Em có ngày nắng ráo” sẽ khá thú vị nếu hiểu được.
Nhà văn Phiulavan Luongvanna (Lào, trái) và nhà văn Igor Britov (Nga) là hai trong số ít các đại biểu phát biểu trôi chảy bằng tiếng Việt tại hội nghị
Bởi vậy, thỉnh thoảng lại có một khoảnh khắc ngơ ngác khi các nhà văn, nhà thơ thuộc 43 quốc tịch khác nhau giao lưu văn học. Sáng 3/3, tại hội thảo thơ có chủ đề Thơ Việt - nơi lưu giữ tâm hồn Việt tại Khách sạn Quân đội (Hà Nội), cũng có một nhà thơ Ba Lan lên đọc thơ nhưng không có phiên dịch.
Vì đa chủng tộc, hội nghị do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức chỉ có thể sắp xếp 2 phiên dịch cabin dịch sang tiếng Việt (nếu người nước ngoài phát biểu) và tiếng Anh (nếu người Việt phát biểu). Nhưng các màn giao lưu ngẫu hứng, chẳng hạn một nhà thơ nước ngoài định đọc đến 2 bài thơ khi phát biểu nhưng bị cắt chỉ còn một, thì không có phiên dịch.
Khi Hội Nhà văn Việt Nam công bố quy mô hội nghị với 151 đại biểu đến từ 43 quốc gia, nhiều người đã lường trước được việc này. Bên lề hội nghị, Thể thao & Văn hóa nghe các nhà văn, nhà thơ Việt Nam phàn nàn về bất đồng ngôn ngữ trong giao lưu. “Thơ mà không hiểu thì không thể nào cảm nhận được” là ý kiến chung được nhiều người đồng ý,
Đó là chưa kể, dịch thơ vốn rất khó và dễ làm mất ý nghĩa, mất độ hay ngôn từ của bài thơ gốc. Trong đêm khai mạc 2/3 nói trên, dù phiên dịch người Việt khá cố gắng chuyển ngữ tức thì một số bài thơ khi vừa được nghe bản tiếng Anh, nhưng cũng có đoạn anh bó tay và ngắc ngứ.
Cũng có vài trường hợp ngoại lệ, khi nhà thơ chuẩn bị sẵn bản dịch tiếng Anh bằng văn bản và nhờ người thể hiện có tập luyện trước. Đó là các nhà thơ Vũ Quần Phương, nhà thơ Anh Ngọc với bài Vị tướng già viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhờ chuẩn bị kỹ lưỡng nên các tiết mục này thành công và khiến khán giả tập trung lắng nghe.
Sự cô đơn của tiếng Việt
Sáng 3/3, hội nghị bước vào nội dung chính với hai hội thảo “Văn xuôi Việt Nam hội nhập và phát triển” và “Thơ Việt - nơi lưu giữ tâm hồn Việt”. Cách đặt vấn đề quá khái quát đã khiến các hội thảo thiếu điểm nhấn, bằng chứng là một số đại biểu có đăng ký đọc tham luận đã vắng mặt.
Trong tham luận hội thảo, ngoài các đại biểu Chúc Ngưỡng Tu (Trung Quốc), Igor Britov (Nga), Andrzej Grabowski (Ba Lan), Lê Minh Khuê, Lê Bá Thự (Việt Nam)... không nhiều tham luận tập trung vào chủ đề quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài. Trong khi, đó là mục tiêu chính của toàn bộ hội nghị. Nhiều đại biểu lại lên bục để giới thiệu về sự nghiệp của mình, đọc tác phẩm của mình hoặc nói về những chủ đề quá riêng lẻ.
Nhà văn Lê Minh Khuê, người có truyện ngắn được dịch và trao giải ở nước ngoài, gọi tên thực tế không thể né tránh về “sự cô đơn của văn học tiếng Việt”: “Tiếng Việt so với các thứ tiếng trên thế giới ít được chú ý, ít được giới thiệu ra ngoài. Bản thân người Việt cũng ít khả năng, cả về thời gian và tài chính để đưa văn học của mình đến gần các ngôn ngữ khác”.
“Nhưng dù cô đơn trong ngôn ngữ biệt lập, tư duy và cảm xúc của nhà văn Việt Nam lại rất gần gũi với thế giới”.
Mi Ly
Thể thao & Văn hóa