Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam, đôi điều bâng khuâng

08:43:00 05/03/2015
(CATP) Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ ba với chủ đề Văn học Việt Nam, biểu hiện rực rỡ của khát vọng độc lập, tự do và hạnh phúc con người và Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương lần thứ hai cùng sự tham dự của 151 đại biểu đến từ 51 quốc gia, vùng lãnh thổ và hơn 100 nhà văn, nhà thơ Việt Nam đã khai mạc vào ngày 2-3-2015 tại Hà Nội. Niềm vui gặp gỡ rồi sẽ qua đi nhưng còn đọng lại nhiều nỗi niềm bâng khuâng nuối tiếc... Giá như mà...


ĐẠI BIỂU ĐẦU BẠC NHIỀU HƠN ĐẦU XANH

Diễn ra từ ngày 2 đến 7-3-2015 tại Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Ninh, tiếp đó các nhà văn, nhà thơ quốc tế sẽ tham dự Ngày thơ Việt Nam 2015 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) vào đúng Rằm tháng Giêng năm Ất Mùi.

Ngoài 151 đại biểu đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều người giữ chức vị quan trọng trên văn đàn quốc tế như: Nhà văn M. Salmawy - Tổng thư ký Hội Nhà văn Á - Phi, Chủ tịch Hội Nhà văn Ai Cập; Nhà thơ Rati Saxena - ĐH Kerala, Giám đốc Liên hoan thơ Kritya (Ấn Độ); Nhà thơ Andrzej Grabowski - Ủy viên BCH Hội Nhà văn Ba Lan, Giám đốc Liên hoan thơ Galicja, TBT Tạp chí Tia lửa; Nhà thơ Fernando Rendon - Giám đốc Liên hoan thơ quốc tế Medellin, Tổng giám đốc điều phối viên phong trào thơ ca quốc tế (Colombia); Nhà văn Oleg Bavykin - Chủ tịch Ban đối ngoại Hội Nhà văn Nga, Chủ tịch đối ngoại Hội Nhà văn Á - Phi (LB Nga); Nhà thơ, dịch giả văn học Việt Kevin Bowen - nguyên Giám đốc Trung tâm William Joiner Đại học Massachusetts, Boston (Hoa Kỳ)... còn có hơn 100 đại biểu là các nhà văn, nhà thơ Việt Nam ở khắp mọi miền đất nước về tụ hội.

Không kể khách mời, trong số đại biểu Việt Nam, một thoáng buồn khi nhìn trên các hàng ghế, đầu bạc nhiều hơn đầu xanh. Là một quốc gia có rất nhiều nhà văn nhà thơ trẻ, nhưng Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt và Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương gần như không có gương mặt nhà văn, thơ trẻ nào tham dự. Nhìn quanh đại đa số là các nhà văn nhà thơ “cây đa cây đề”, có những “nhà” tuổi gần 90! Gương mặt trẻ lại là các em sinh viên (tình nguyện viên tiếng Anh, Nga, Pháp, Nhật, Hàn....), và gần như chẳng biết gì về văn chương (chưa kể trình độ ngoại ngữ của một số sinh viên có vấn đề). Tổng biên tập Báo Văn nghệ Thái Nguyên, nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh thắc mắc: “Thử phỏng vấn người có trách nhiệm cao nhất xem vì sao ở hội nghị quảng bá văn học không có poster một nhà thơ nào thuộc thế hệ sau 75?”.

Một sự kiện văn chương quốc gia làm tại thủ đô Hà Nội nhưng thiếu vắng các gương mặt thơ văn tiêu biểu của Hà Nội. Không thấy đại diện khách mời là quan chức Hà Nội như Chủ tịch TP.Hà Nội hay Phó chủ tịch chuyên trách văn hóa xã hội, hay Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy. Khi vào lễ khai mạc, các nhà báo còn bị làm “khó dễ”, đến nỗi nhà báo Thanh Hằng của Báo CAND bực bội: “Công tác truyền thông của Hội Nhà văn Việt Nam về Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam có vấn đề. Đến một cái tờ chương trình của hội nghị này cũng không phát cho báo giới. Chỉ một số phóng viên “được” phát Thẻ dự, như một sự ban ơn mưa móc. Nhân viên lễ tân coi các nhà báo như kẻ “ăn xin”. Hàng tỷ đồng được chi cho hội nghị này để làm gì, khi chữ QUẢNG BÁ là mục đích chính, còn thực tế thì lại quay lưng vào sự quảng bá?”. Một nhà báo khác lên tiếng: “Thật tuyệt Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam! Mưa gió mò mẫm mà mấy chị phát tài liệu nói không với báo chí. Xin cái chương trình cũng không cho. Hội nghị công khai nhưng có vẻ bí mật với báo chí. Thế thì quảng bá làm sao?”.

Tuổi cao, khả năng ngoại ngữ kém nên việc giao lưu với các đại biểu quốc tế cũng kém. Các nhà văn nhà thơ Việt Nam gần như chỉ ta “tự sướng” ta, việc giao lưu chỉ là từng nhóm có quen biết nhau từ trước và phần lớn cũng dùng ngôn ngữ tay hay nụ cười. Việc ngồi bên nhau đàm đạo về thơ văn thì hạn chế đến mức tối đa. Hội nghị và liên hoan như một dịp để gặp gỡ bạn văn trong nước lâu ngày không hội tụ. Một sự thật không biết có nên buồn, trong khi nhiều nhà thơ quốc tế, ngoài việc thể hiện tác phẩm bằng tiếng mẹ đẻ, còn tự dịch, đọc lưu loát bằng tiếng Anh và tiếng Việt Nam. Còn “nhà mình” thì... không nói ra thì ai cũng biết như thế nào.

VĂN CHƯƠNG KHÔNG PHẢI TRÒ ĐÙA

Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt và Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương được nhấn mạnh thông điệp hòa bình. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cho đây là “Cuộc hội ngộ năm châu làm nên một dải ngân hà... một cuộc chạy đua cho hòa bình, thắp lên ngọn lửa của hy vọng về hòa bình...”. Nhà văn M. Salmawy (Ai Cập) cùng quan điểm này: “Nếu có nhiều nhà văn, nhà thơ hơn thì thế giới sẽ hòa bình hơn”. Không hiểu sáng kiến (hay tối kiến?) khi bày ra một màn “hoạt cảnh” rất phản cảm ở một buổi lễ trang trọng. Một scene sân khấu hóa cảnh Bác Hồ đọc thơ và phát kẹo cho các đại biểu do nghệ sĩ Văn Tân diễn. Màn phát kẹo làm cho những nhà thơ nhà văn Việt tuổi từ 50 trở lên như liên tưởng cảnh Bác Hồ phát kẹo cho thiếu nhi năm xưa?

Có hai hội thảo: Thơ ca - Nơi lưu giữ tâm hồn Việt và Văn xuôi Việt Nam - Hội nhập và phát triển. Có 51 quốc gia tham gia Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt và Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương nhưng nếu tính tác phẩm văn chương Việt Nam có mặt ở các quốc gia đó có lẽ chỉ là một con số rất nghèo - nghèo đến cả không có mặt một tác phẩm nào ở một số quốc gia trong số 51 quốc gia tham dự. Vậy không biết sau sự kiện này, có gì thay đổi hay vẫn chỉ là những tham luận chung chung ca ngợi văn chương và lợi ích của giao lưu văn chương... Còn cụ thể làm sao cho văn chương Việt Nam ra được với thế giới vừa chất lượng vừa số lượng tương đương với văn chương nước ngoài ở Việt Nam thì vẫn là bài toán “ma trận” đầy bí hiểm chưa có lời giải.

Bâng khuâng và nuối tiếc. Giá như mọi điều chỉn chu hơn và thiết thực hơn, thì... Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt và Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương sẽ quảng bá văn học Việt không chỉ là hình thức mà chất lượng hơn.

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1