Thiếu tướng, GS.TS Lê Minh Hùng, Phó Giám đốc Học viện ANND cho biết, đây là hoạt động lần đầu tiên được lãnh đạo: Học viện ANND và Nhà xuất bản CAND giao cho Đoàn Thanh niên hai đơn vị tổ chức, là cơ hội tốt cho học viên của học viện được giao lưu với các nhà văn, diễn giả về quan điểm, định hướng tư tưởng trong nghiên cứu, học tập qua sách cũng như được tiếp cận với đa dạng các loại hình sách, ấn phẩm trong thị trường sáng tác, xuất bản hiện nay.
|
Đại diện các đơn vị và các diễn giả, nhà văn và sinh viên Học viện ANND tham dự “Tọa đàm văn hóa đọc”. |
Dù là lần đầu tiên, nhưng sự có mặt của các nhà xuất bản (Nxb), nhà sách tên tuổi như Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Nxb CAND, Nhà sách Thái Hà, Nhà sách Alphabooks, Nhà sách Fahasa, Nhà sách Văn Việt, Nhà sách Dân Hiền với lượng sách phong phú về thể loại, đã thực sự mang đến không khí của một ngày hội với đúng nghĩa tôn vinh văn hóa đọc trong các bạn sinh viên của Học viện ANND.
Cùng với nhiều hoạt động giới thiệu sách, thì buổi “Tọa đàm văn hóa đọc” với sự tham gia của bốn diễn giả gồm Nhà văn, TS Lê Thị Bích Hồng, Đại tá Nhà văn Nguyễn Hồng Thái, Phó Tổng biên tập Báo CAND, TS Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty sách Thái Hà; Đại tá Nguyễn Hữu Hòa, Giám đốc Trung tâm Thông tin khoa học và tư liệu giáo khoa, Học viện ANND, đã thu hút trên 1.000 sinh viên, đặc biệt là các em sinh viên D46 vừa mới nhập trường.
|
Nhà văn, TS Lê Thị Bích Hồng; Đại tá, Nhà văn Nguyễn Hồng Thái tại Tọa đàm văn hóa đọc. |
Nhà văn, TS Lê Thị Bích Hồng đã chia sẻ rất nhiều thông tin liên quan đến sự đầu tư của nhà nước trong việc phát triển văn hóa đọc. Theo TS Hồng, có thể thấy rõ điều này khi trước năm 1975, chúng ta mới chỉ xuất bản được 4.000 tên sách, ngày nay các nhà xuất bản đã tăng con số này lên 6 lần trên 25 nghìn tên sách. Ngoài 63 thư viện trên toàn quốc, 587 thư viện cấp huyện, 10 nghìn thư viện cấp xã, chưa kể đến các trung tâm, học liệu, hệ thống các thư viện trong các trường phổ thông, đại học trên toàn quốc đã tạo thành mạng lưới đưa sách tới gần hơn với người đọc. Nhưng TS Hồng cũng cho rằng có một điều nhức nhối khi các nghiên cứu, điều tra đã chỉ ra, người Việt Nam đọc 3 cuốn sách trong năm, trong đó 2,3 cuốn sách liên quan đến giáo trình, SGK, sự lựa chọn đọc sách chỉ có 0,7. Các nghiên cứu trên thế giới cũng cho thấy người Ấn Độ đọc 10,7giờ, người Thái Lan đọc 9,4 giờ, người Trung Quốc đọc 8 giờ, người Nga 7,1 giờ, người Việt Nam đọc 0,8 cuốn sách/1 năm. Đây chính là điều các Nxb phải suy nghĩ. Chính vì thế mà Nghị quyết số 33 đã chỉ rõ xây dựng và phát triển văn hóa con người đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của đất nước. Nếu không có sách, mỗi chúng ta không thể trở thành người có tri thức, có nhân cách…
Là một cựu sinh viên của Học viện ANND, Đại tá, Nhà văn Nguyễn Hồng Thái nhận được nhiều câu hỏi của các bạn sinh viên liên quan đến việc lựa chọn sách và cách đọc sách. Nhà văn Nguyễn Hồng Thái cũng dí dỏm truyền đạt kinh nghiệm đọc của bản thân khi trong hoàn cảnh đất nước còn khó khăn, ở vùng quê xứ Nghệ, ngay từ lớp 6 những năm 1973, ông đã say mê đọc cuốn “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng”, phần vì thời đó quê ông chỉ có mỗi cuốn sách đó. Đọc như một nhu cầu khám phá, tìm hiểu tri thức đến khi trở thành sinh viên ĐH Tổng hợp, ông đã say mê đọc thuộc “Truyện Kiều” và Trường ca “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm… Đấy là những ví dụ rất cụ thể để ông nhấn mạnh một điều với rằng thời sinh viên là quãng thời gian đẹp nhất, đầu óc và trí não đang mềm mại nhất để tiếp nhận tri thức, các bạn sinh viên nên tận dụng để đọc, đọc thế nào thì tùy thuộc vào từng loại sách: sách văn học, xã hội và nghiệp vụ…
|
Rất nhiều sách của Nxb CAND được sinh viên của Học viện ANND quan tâm. |
Cả Nhà văn, TS Lê Thị Bích Hồng và Nhà văn Nguyễn Hồng Thái đều đưa ra lời khuyên cho các bạn sinh viên của Học viện ANND nên chọn sách như chọn người bạn tốt nhất cho mình: Đọc những cuốn sách đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội; theo tên tác giả, Nxb có thương hiệu; đọc những cuốn sách đang xôn xao trên mạng… để tự bồi đắp, có “bộ lọc” tốt sẽ không bị lạc hướng trước biển thông tin.
Chỉ vỏn vẹn một buổi sáng trong khuôn khổ của một Học viện nhưng nội dung của buổi tọa đàm đã chạm đến một vấn đề mà cả xã hội đang quan tâm. “Cách dạy tốt nhất là làm gương”, là chia sẻ của TS Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty sách Thái Hà, khẳng định văn hóa đọc được duy trì nếu người lớn, người đứng đầu luôn gương mẫu, muốn có văn hóa đọc phải có tình yêu với sách. Hy vọng, hoạt động có ý nghĩa này sẽ được nhân rộng trong các trường CAND |