Sách và... đọc sách

11:25:00 10/10/2014
Gần đây có thống kê, trong một năm một người Việt Nam chỉ đọc 0,8 quyển sách. Tôi không mấy tin vào con số khô khan ấy, và cũng chẳng sốt ruột lắm với sự lạnh nhạt của người đời với sách. Cũng không phát cuống lên mà than như một số người rằng: Văn hóa đọc xuống cấp! Thì cả ngàn năm nay, thế hệ này, qua thế hệ khác đã và đang có một bộ phận dân tộc sinh ra như để... đọc sách và... viết. Sau rồi, chính họ và tác phẩm của họ ảnh hưởng đến số người còn lại như mưa dầm thấm lâu, lúc trồi lúc sụt...

Có nhiều con đường để đến với sách. Thế mới có chuyện ông Nguyễn Hồng Sanh ở thành phố Vũng Tàu hiện giữ kỷ lục Việt Nam vì có năm triệu cuốn sách trong nhà. Có người sẵn sàng chắt chiu từng đồng tiền làm ra mua quyển sách "Dế mèn phiêu lưu ký" bản in cách đây 50 năm cũ mèm chỉ để ai cần đến là cho đọc như ông Sanh. Nhưng cũng có những người không quý và chẳng biết giá trị của sách thì có thể xé từng trang cuốn sách "Manuel des Écoles primaries" (Giáo trình dành cho học sinh tiểu học), tác giả Trương Vĩnh Ký xuất bản năm 1876, hoặc quẳng cả Bộ Grand dictionnaire universel du XIX e sìecle xuất bản ở Pháp năm 1886... vào bếp nhóm lửa nấu bánh chưng. Lý rằng, người ta chỉ yêu quý một điều gì khi thấy cần thiết và nhận ra giá trị của nó. Nhưng cuộc sống vốn tồn tại nhiều mặt đối ngược, thậm chí là nghịch lý. Nói thế nào khi tác phẩm Sông Đà của Nguyễn Tuân có chữ ký của ông, một bản rất độc đáo ở chỗ nó được in ở miền bắc, và ông đã ký cho một bạn đọc trong lần vào nam thăm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhưng sau này khi đấu giá, lại chỉ được mua với giá cao nhất bốn triệu đồng chưa bằng vé VIP xem ca sĩ Bằng Kiều biểu diễn?...

Thế kỷ 21, bùng nổ thông tin, cộng với tiến bộ của in-tơ-nét kỹ thuật số, mở cho con người thêm những cánh cửa bước vào thế giới sách. Trước kia, báo chí ít ỏi, khan hiếm, tri thức nhân loại đến với dân tộc ta chủ yếu qua con đường... sách chở tải. Bây giờ báo in, báo mạng bạt ngàn, một phần rất lớn tri thức loài người từ sách chuyển sang báo đi nhanh đi thẳng đến người đọc. Tất nhiên, hiện nay cuộc chiến giữa văn hóa nghe nhìn và văn hóa đọc, phần thắng có nghiêng về phía nghe nhìn, nhưng không vì thế mà bảo người trẻ ít đọc. Cứ thử lấy kiến thức văn hóa của một sinh viên đại học năm thứ hai bây giờ so với sinh viên tốt nghiệp đại học cách đây 40 năm thì biết.

Tôi nghĩ: Nên bàn cái sự đọc sách và thưởng thức văn học - nghệ thuật nông hay sâu, lớt chớt hay đi đến tận cùng, đọc và xem để mà giải trí, hay ngẫm ngợi sâu sắc rút ra một bài học hay một triết lý nhân sinh? Bởi vì: những điều cần biết và những điều cần thiếtlà hai khái niệm hoàn toàn khác nhau, nên người đọc cũng khác nhau. Từ đó, có những cách đọc, cách xem khác nhau, và cách ứng xử với sách cũng khác nhau.

Ước mơ xây dựng một nền văn hóa đọc là một câu chuyện, và nước ta đã có một nền văn hóa đọc chưa lại là câu chuyện khác nữa. Ông cha xưa đã dạy "học ăn, học nói", mà ăn và nói có sớm nhất vẫn còn đang phải học chưa xong thì nói gì đến "văn hóa đọc"? Lịch sử 1000 năm văn học viết, thử hỏi cả những người được gọi là chăm đọc sách nhất, hưởng lợi nhiều từ sách, được mấy ai có thói quen đọc, sở thích đọc lại có kỹ năng đọc?Nhân loại cũng không có nhiều nền văn hóa đọc lắm đâu! Tôi vẫn tin rằng người Việt Nam đang đồng hành với sách, đọc và... đọc.

SƯƠNG NGUYỆT MINH

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1