Nằm khiêm tốn giữa cuộc sống nhộn nhịp Sài thành, 30 năm trôi qua, hiệu sách cũ Bách Hợp (50 Đặng Văn Bi) đã trở thành địa điểm quen thuộc của những người dân nơi đây đặc biệt là các cô cậu học trò. Sau khi thông tin hiệu sách Bách Hợp sắp phải trả lại mặt bằng xuất hiện trên mạng, nhiều người dân đã đến động viên chia sẻ với chú Trí và cũng không quên ủng hộ mua những cuốn sách.
Chú Lê Huỳnh Trí thanh toán sách cho khách hàng.
Đến hiệu sách Bách Hợp, bạn sẽ bắt gặp các bạn trẻ với những chồng sách học thuật dày cộm trên tay, cho đến những cô bác trung niên đang đi lựa những cuốn sách gia đạo, sức khỏe… Tất cả đều hối hả tìm về Bách Hợp trong những ngày cuối cùng như một hoài niệm về nơi lưu giữ kho tàng tri thức từ xưa đến nay.
Ấn tượng đầu tiên của khách hàng về chủ hiệu sách Bách hợp là người đàn ông luôn lặng lẽ, cần mẫn, luôn tỉ mỉ xếp gọn từng cuốn sách. Ấy thế nhưng, cứ hễ nói đến sách và hiệu sách, đôi mắt chú lại sáng lên, giọng chú vui vẻ nhiệt tình kể lại cái duyên nợ với sách.
Cùng Tiin.vn lắng nghe lời tâm sự của chú về hiệu sách cũ và “mối duyên nợ” này nhé!
Lý do gì khiến chú quyết định mở tiệm sách?
Chú nghĩ lý do duy nhất đó là vì chú yêu sách.
Để duy trì hiệu sách được 30 năm chắc cũng không phải dễ phải không chú?
Sách với chú như là cái duyên nợ vậy. Ngày xưa chú đã mua rất nhiều sách để đọc. Tư thế và tâm thế mình đọc sách rất thoải mái. Hồi đó chú cũng làm cơ quan, cũng công chức văn phòng luôn đó chứ. Hễ cứ lãnh lương là chú lại cầm tiền đi mua sách để đọc. Sách nhiều chất đống trong phòng.
Phòng chú chẳng trang trí gì ngoài sách, chỉ đơn giản là những kệ gỗ đầy sách như trong tiệm bây giờ. Chẳng biết trời xui rủi sao, chú gặp sự cố trong công ăn việc làm rồi tự dưng “ăn ở” với sách luôn. Thoáng cái đã theo nghề hơn nửa đời người.
Hiệu sách của chú thướng hướng đến đối tượng khách hàng như thế nào ạ?
Hiệu sách chú bán sách đa dạng lắm. Lúc đầu nhiều sách lắm, tận 10 tấn luôn, nay con đến là vơi bớt đi nhiều rồi. Chú bán sách chủ yếu cho “trí thức nghèo”, ý là những người nghèo không có điều kiện mà ham mê đọc sách. Thỉnh thoảng họ lại ghé mua, chú bán với giá rất rẻ cho họ. Chú bán sách cả cho những người làm từ thiện, vừa bán vừa cho, quyên góp. Chú chẳng nghĩ nhiều đến chuyện tiền nong.
Chú Trí tỉ mẩn xếp lại giá sách.
Sách về học tập chú có đầu tư bán nhiều không ạ?
Chú bán nhiều những cuốn sách liên quan đến học tập. Nhưng chỉ thích sưu tầm sách cũ. Vì sách cũ nên người ta ghi chép lại nhiều thứ, những người không biết lí giải có thể nhìn vào, đọc là hiểu được. Nhất là những người cần học mà sách mới họ không thể hiểu hết nội dung hoặc phụ huynh muốn hướng dẫn cho con cái học tập.
Có lúc nào chú cảm thấy muốn bỏ nghề chuyển sang kinh doanh cái khác không ạ?
Nói thẳng ra thì chú không nỡ bỏ nghề. Bây giờ mình theo nghề, nói ví dụ như một cô gái lấy chồng theo chồng vậy. Chồng có chuyện gì cô gái cũng ở bên và sẵn sàng tha thứ được. Bên đây cũng vậy, mình phải biết nhẫn, biết chịu và luôn coi nó như hơi thở của mình.
Có một thời gian chú phải đi vay đi mượn để đóng tiền nhà duy trì hiệu sách. Cũng tại cửa hiệu này, ngay tại đây, chú từng bị ế suốt 3 năm trời và lỗ hơn trăm triệu. Cũng do cửa tiệm hơi khuất nên ít khách ghé đến. Làm ăn lúc nào cũng nhiều xui rủi, nhưng mà chú gồng mình chịu được. Thế nên vẫn gắn bó với hiệu sách.
Chú có muốn nhắn gửi gì đến các bạn trẻ không ạ?
Chú muốn gửi lời cám ơn các bạn rất nhiều. Nhờ sự chia sẻ của các bạn mà nhiều người đã tìm đến Bách Hợp giúp chú, không chỉ về vật chất và tinh thần. Chú hy vọng rằng những cuốn sách của mình sẽ tìm được đúng chủ nhân của nó bởi những người đã yêu sách thì luôn trân trọng sách. Hãy đọc sách và yêu sách các bạn sẽ cảm thấy cuộc đời có nhiều điều ý nghĩa và tốt đẹp hơn.
Cám ơn chú về cuộc trò chuyện ngắn này ạ!
Nghề sách không phải là một nghề giàu có. Sách cũ đến với chú Trí một cách mộc mạc và tự nhiên và 30 qua, người đàn ông thầm lặng ấy đã gieo trồng lên biết bao hạt giống tri thức, yêu thương sâu đậm. Để rồi từ đó, tình yêu ấy đơm hoa kết trái, trở nên lớn lao hơn khi được chia sẻ với nhiều người, nhất là thế hệ học sinh, sinh viên. Dù cho tấm biển “giải nghệ” có được treo lên, chú Lê Huỳnh Trí vẫn là chủ hiệu sách cũ Bách Hợp đáng kính trong lòng nhiều người trẻ. |