Bảo tàng Văn học Việt Nam trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam, được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập từ năm 2011. Bảo tàng có chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu các di sản văn hóa, phản ánh quá trình hình thành và phát triển của văn học Việt Nam.
Bảo tàng gồm 3 tầng. Tầng một, trưng bày các hiện vật, tư liệu văn học Việt Nam thời cổ, trung đại. Với vị trí trung tâm là biểu tượng hòn đá hình ngọn bút được mang từ Đền Hùng về đây với dòng chữ uyển chuyển, mềm mại "Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài" của đại thi hào Nguyễn Du.
Đây chính là nơi trưng bày hiện vật 10 thế kỷ văn học nước nhà (từ thế kỷ 10 đến cuối thế kỷ 19); và lịch sử chữ viết của dân tộc Việt Nam trên các chất liệu giấy dó, vải, kim loại, lá cây. Những không gian tượng minh họa cảnh trường thi, lều chõng, sĩ tử, cảnh vinh quy bái tổ thời phong kiến hết sức sống động, cho người xem cảm nhận được không khí đèn sách, khoa cử náo nhiệt của cha ông một thời. Kèm theo những hiện vật là hệ thống máy tính, màn hình tự động cảm ứng giới thiệu về các hiện vật khi khách tham quan bước vào bảo tàng như những thước phim giới thiệu nền văn học từ thời xa xưa.
Tầng hai là nơi trưng bày hiện vật, tư liệu về các nhà văn đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật với những cái tên lớn như nhà văn Nam Cao, Tế Hanh, Nguyễn Quang Sáng… Bên cạnh đó, đây còn là nơi trưng bày về một số nhân vật tiêu biểu của văn học Việt Nam đầu thế kỷ 20 như Phan Bội Châu, Tản Đà, Hồ Chí Minh; các nhà văn theo các khuynh hướng hiện thực phê phán, cách mạng và lãng mạn.
|
Tái hiện hình ảnh sĩ tử lều chõng đi thi |
Tầng ba là nơi trưng bày về các nhà văn được Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật thời kỳ chống thực dân Pháp, văn học khu V, Nam Trung Bộ, các nhà văn sáng tác ở miền bắc, miền nam. Trưng bày tổ hợp Trường Sơn với nhà thơ tiêu biểu Hoàng Cầm, Phạm Tiến Duật và các kỳ Đại hội của Hội Nhà văn Việt Nam.
Ngoài ba tầng trên, còn có hai phòng trưng bày về Quan hệ giao lưu quốc tế và Khám phá nông thôn Việt Nam.
|
Những bản thảo sách chép tay của các nhà thơ, nhà văn được trưng bày tại bảo tàng |
Tại lễ khánh thành, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc Bảo tàng Văn học Việt Nam bày tỏ mong muốn: “Bảo tàng văn học Việt Nam không chỉ là nơi bảo quản, lưu giữ các hiện vật phục vụ cho công tác nghiên cứu văn học mà còn là địa chỉ văn hóa hấp dẫn du khách trong và ngoài nước đến tham quan tìm hiểu về lịch sử văn học Việt Nam".
|
Hình ảnh mẹ con chị Dậu được tái hiện |
Trong tổng số gần bốn vạn tài liệu, hiện vật sưu tầm được, hiện có 3.454 tài liệu, hiện vật được chọn trưng bày; nhiều hiện vật quý như chiếc bàn gỗ cách đây hơn 200 năm Nguyễn Du từng ngồi viết trong thời gian 10 năm sinh sống ở quê vợ Thái Bình; bức tượng Vua Trần Nhân Tông từ chùa Tiêu Sái (nay là chùa Báo Ân), tại Gia Lâm vào thế kỷ 13, khi ông vừa xuống tóc bắt đầu hành trình lên Yên Tử; bộ bàn ghế gỗ gụ Bác Hồ từng tiếp vua Bảo Đại năm 1946; viên gạch đá ong lấy từ Thành Đồ Bàn, nơi chứng kiến cuộc hôn nhân "ngoại giao" nổi tiếng trong lịch sử giữa Huyền Trân công chúa với Chế Bồng Nga; những tấm ván khắc gỗ của dòng họ Phan Huy; bộ sưu tập sách viết trên lá cây của các dân tộc Thái ở miền tây Nghệ An, Chăm ở Bình Thuận, Khmer ở Trà Vinh,...
|
Chiếc bàn gỗ cách đây hơn 200 năm Nguyễn Du từng ngồi viết |
Bảo tàng mở cửa phục vụ khách tham quan từ 8h30 -11h30 buổi sáng, 14h -16h30 buổi chiều các ngày trong tuần, trừ thứ bảy và chủ nhật