Với quy mô quốc tế (đã hơn 40 quốc gia khác đăng ký tham dự), đây được kỳ vọng là “liên hoan văn chương” hoành tráng đầu năm, sau các liên hoan của những ngành nghệ thuật khác trong năm vừa qua (Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội và Liên hoan âm nhạc Á – Âu).
Sự kiện “ngoại giao văn chương” quy mô lớn
Buổi họp báo công bố chuỗi sự kiện diễn ra sáng 3/2 tại Hội Nhà văn Việt Nam. Chương trình do Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Á – Phi, Nhóm Văn học sống Mê Kông, Trung tâm William Joiner Hoa Kỳ phối hợp.
Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, chuỗi sự kiện sẽ giới thiệu một Việt Nam “yêu văn chương và thơ ca” đến với bạn bè quốc tế, khi số khách quốc tế của cả 3 chương trình dự kiến vào khoảng 200 người. Cộng với khoảng 550 khách trong nước, bao gồm cả báo chí, tổng số khách mời lên đến 750 người.
Hình ảnh thả thơ trong Ngày thơ Việt Nam 2014.
Cũng theo nhà thơ Hữu Thỉnh, hiện có 40 quốc gia có đoàn đại diện tham dự Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam và Liên hoan thơ châu Á Thái Bình Dương, và con số này còn có thể tăng trước ngày khai mạc 1/3.
Địa điểm chính của hội nghị là thủ đô Hà Nội. Trong quá trình hội nghị, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ tổ chức cho đoàn khách hàng trăm người di chuyển đến các địa phương gồm Quảng Ninh và Bắc Ninh để tham gia các hoạt động.
Hội nghị quốc tế và Liên hoan thơ là hai sự kiện ngoại giao văn chương quy mô lớn, khi nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định rõ mục đích giới thiệu, quảng bá và xuất khấu văn chương Việt Nam ra ngoài biên giới. Hội nghị được thực hiện bằng hai thứ tiếng Việt và Anh, tài liệu đi kèm đều song ngữ Việt – Anh.
Đây là lần thứ ba hội nghị quốc tế về văn chương được tổ chức ở Việt Nam. Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, lần đầu chỉ có 5 nước tham dự, lần thứ hai có hơn 30 nước với khoảng 150 khách mời, còn lần này, Hội Nhà văn đẩy quy mô hội nghị lên cao hơn nữa: hơn 40 nước và 200 khách mời. Ông khẳng định, tất cả khách mời đều quan tâm và muốn tìm hiểu về văn chương Việt Nam, trong đó có người từng sáng tác về Việt Nam.
Các quốc gia tham dự bao gồm: Cuba, Nam Phi, Brazil, Argentina, Afghanistan… Tổng thư ký Hội Nhà văn Á – Phi, tổ chức có nhà thơ Nguyễn Quang Thiều của Việt Nam là phó chủ tịch, cũng sẽ tham dự.
Ngày thơ Việt Nam 2015 vẫn nói về biển đảo
Năm nay, một thay đổi lớn ở Ngày thơ là thay thế “Sân thơ trẻ” bằng “Sân thơ quốc tế” vì sự góp mặt của các nhà thơ, nhà văn quốc tế bên cạnh các nhà thơ trẻ của Việt Nam. Sân thơ truyền thống vẫn được tổ chức như mọi năm, và năm nay vẫn lấy chủ đề biển đảo (năm ngoái là chủ đề Từ Điện Biên đến Trường Sa ).
Năm nay, không khí quốc tế cũng được mang đến Ngày thơ với triển lãm các hình ảnh giao lưu giữa văn học Việt Nam và thế giới, triển lãm các tác phẩm văn học Việt Nam đã được dịch và xuất bản ở nước ngoài.
Lịch trình “liên hoan văn chương” 2015:
- Sáng 2/3: Khai mạc toàn bộ chuỗi sự kiện với chủ đề “Văn học Việt Nam, biểu hiện rực rỡ của khát vọng độc lập, tự do và hạnh phúc con người” tại Cung Văn hóa Hữu Nghị Hà Nội
- Tối 2/3: Khai mạc Liên hoan thơ châu Á Thái Bình Dương lần hai tại Nhà hát Lớn Hà Nội
- Sáng 3/3: Hội thảo về văn xuôi và thơ Việt Nam tại Nhà khách Quân đội 1A Nguyễn Tri Phương, Hà Nội
- Tối 3/3: Đêm thơ quốc tế tại Quảng Ninh
- Sáng 5/3: Ngày thơ Việt Nam lần thứ 13 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội
- Sáng 6/3: Thăm quê hương danh nhân Cao Bá Quát ở Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội
Mi Ly