|
Đọc sách giúp cho trẻ em nhanh làm giàu vốn tri thức của mình |
Để xem xét văn hóa đọc, tôi cho rằng, định nghĩa của ông Nguyễn Hữu Viêm dẫn trong chuyên luận Văn hóa đọc và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam là khá toàn diện và hợp lý: “Văn hóa đọc là một khái niệm có hai nghĩa, một nghĩa rộng và một nghĩa hẹp. Ở nghĩa rộng, đó là ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân, của cộng đồng xã hội và của các nhà quản lý và cơ quan quản lý nhà nước. Như vậy, văn hóa đọc ở nghĩa rộng là sự hợp thành của ba yếu tố, hay chính xác hơn là ba lớp như ba vòng tròn không đồng tâm, ba vòng tròn giao nhau. Còn ở nghĩa hẹp, đó là ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân. Ứng xử, giá trị và chuẩn mực này cũng gồm ba thành phần: thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc. Ba thành phần này cũng là ba lớp, ba vòng tròn không đồng tâm, ba vòng tròn giao nhau” (1).
Như vậy, chúng ta có thể “tóm gọn” bản chất của văn hóa đọc trong mấy chữ: “ứng xử đọc, giá trị đọc, chuẩn mực đọc” và xin được nhìn nhận thực trạng văn hóa đọc từ góc độ này.
Nếu xét về số lượng, số liệu thống kê của Vụ Thư viện Bộ VH-TT&DL cho thấy, Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc về văn hóa đọc. Trước năm 1975, cả hai miền Bắc và Nam xuất bản hàng năm chưa đầy 4.000 đầu sách, những năm gần đây, xuất bản xấp xỉ 25.000 đầu sách, tốc độ gia tăng hàng năm khoảng 10%. Riêng trong năm 2014, toàn quốc xuất bản được hơn 25.000 đầu sách với 361 triệu bản; xuất bản 859 loại văn hóa phẩm với gần 28 triệu bản. Mức hưởng thụ bình quân của người dân nước ta là hơn 3 bản sách/đầu người.
Nhưng số lượng xuất bản phẩm mới là một chỉ số của văn hóa đọc mà không phải là tất cả. Vì rằng, tăng số lượng xuất bản sách nhưng chưa hẳn đã tăng lượng người đọc sách. Một con số được công bố tại Ngày sách Việt Nam 2013 trên báo chí từng làm dư luận sửng sốt: bình quân mỗi người Việt Nam chỉ đọc 0,8 cuốn sách/năm và tỷ lệ đọc sách ở các thư viện công cộng là 0,38 quyển/năm. Trong khi đó, ở Malaysia cách đây 10 năm, mỗi người dân đọc trung bình 2 cuốn sách/năm; vào năm 2012, con số này đã tăng lên từ 10-20 đầu sách/năm và đang tiếp tục tăng rất nhanh (2).
Trong bối cảnh mà Bill Gates từng nói: “Thế giới ngày nay nằm trên mười ngón tay bạn”, có thể thấy rằng, văn hóa đọc đang “chuyển trục” từ đọc sách sang đọc mạng internet, thì các con số chứng minh cho sự “lười đọc sách” của người Việt ở trên là một thực tế khó tránh khỏi. Tuy nhiên, điều đáng nói là mạng internet tiếng Việt của chúng ta có những gì để đọc và người ta thường đọc những gì trên mạng? Chưa có một con số thống kê chính xác nhưng căn cứ theo từ mà người Việt chúng ta thường dùng là “lướt web” đã cho thấy sự hời hợt của sự đọc này trên mạng internet. Hiện nay, trên mạng internet tiếng Việt đã có sách điện tử (eBook) nhưng số đầu sách vẫn còn hạn chế và số người lên mạng để đọc, tra cứu tài liệu không nhiều và có thể nói, đa số vào mạng internet để xem tin tức, chơi game, chat… là chủ yếu. Hơn nữa, đọc sách để nghiền ngẫm, cảm thụ tác phẩm, đọc đi, đọc lại nhiều lần, tiếp thu tri thức có chiều sâu thì rõ ràng, đọc qua các ấn phẩm in bằng giấy mới hiệu quả.
Một công bố của Thư viện Quốc gia năm 2013 là đầu sách mỗi năm đạt khoảng 26.000 tên nhưng có đến 80% là sách giáo khoa giáo trình(3) cho thấy, các mảng sách khác và đặc biệt là sách văn học, nghệ thuật vốn có thế mạnh truyền thống đang dần bị bỏ rơi. Một khảo sát khá thú vị khác ở Thư viện Viện Nghiên cứu văn hóa thuộc Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn về số lượt bạn đọc mượn tư liệu trong thời gian từ năm 2008 đến tháng 9/2012 cho thấy, sự sụt giảm đáng báo động theo từng năm: 2008: 278 lượt, 2009: 233 lượt, 2010: 175 lượt, 2011: 120 lượt, 2012 đến tháng 9: 56 lượt (4). Điều đó là một trong những minh chứng thể hiện rằng, các kiến thức khoa học xã hội và nhân văn đang xa dần với nhu cầu người đọc.
Điều đó cũng phần nào lý giải tại sao tính nhân văn trong đời sống hiện thực ngày một xuống cấp. Và một phát ngôn đình đám đầu năm 2013 của thần đồng Đỗ Nhật Nam: Em không thích đọc truyện tranh vì mẹ em nói truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn đã gây nên một cơn bão dư luận. Có thể có nhiều quan điểm khác nhau nhưng tôi rất đồng tình với Nam ở góc độ này. Bây giờ có quá nhiều truyện tranh câu chữ hời hợt, hình ảnh bạo lực, phản cảm, tính giáo dục, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn rất hạn chế.
Những thông tin trên cho thấy, ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của người Việt đang là một vấn đề đáng báo động. Và không nói đâu xa, ngay trên địa bàn Hà Tĩnh, một vùng đất học, có nhiều tác gia nổi tiếng, nhưng thực trạng đó cũng đang hiện hữu. Một khảo sát nhỏ cho thấy, người đọc càng ngày càng sụt giảm: năm 2007, Thư viện Hà Tĩnh có 2.200 thẻ bạn đọc thì đến nay chỉ còn 1.500 thẻ; năm 2007, Tạp chí Văn hóa Hà Tĩnh và Tạp chí Hồng Lĩnh có trên 2.500 bạn đọc đặt mua qua bưu điện thì đến nay chỉ còn gần 800. Đặt mua một năm cả 2 tạp chí này chỉ mất khoảng 400.000 đồng, nghĩa là giá thành chỉ bằng vài két bia loại bình dân nhưng người ta sẵn sàng chi trả cho việc uống bia trong một cuộc nhậu hơn là chi trả cho món ăn tinh thần trong một năm. Mọi so sánh đều khập khiễng nhưng một công bố gần đây làm xôn xao dư luận là người Việt uống trung bình 100 chai bia/người/năm, vào tốp đầu của thế giới về uống bia, nhưng với sách thì chỉ đọc 0,8 cuốn/người/năm thì quả là đáng buồn cho văn hóa đọc(5).
Xin được dẫn câu nói nổi tiếng của Mahatma Gandhi làm lời kết cho bài viết này: Không cần phải đốt sách để phá hủy một nền văn hóa. Chỉ cần buộc người ta ngừng đọc mà thôi để chúng ta cùng suy ngẫm về thực trạng văn hóa đọc hiện nay.
Thái Văn Sinh
_______
(1) http://nlv.gov.vn/van-hoa-doc/van-hoa-doc-va-phat-trien-van-hoa-doc-o-viet-nam.html
(2) http://songmoi.vn/van-hoa-nghe-thuat/nguoi-viet-doc-chua-day-mot-cuon-sachnam-sao-phai-giat-minh
(3) http://khoaqhqt.edu.vn/345/van-hoa-doc-gioi-tre-va-ngay-sach-viet-nam-21-4
(4) http://trithucthoidai.vn/van-hoa-doc-va-nhung-con-so-a75740.html
(5)http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/162742/choang-moi-nguoi-viet-uong-100-chai-bia-nam.html |