Vu Chính và những lần 'làm loạn' tiểu thuyết Kim Dung Bốn phụ nữ trong đời tiểu thuyết gia kiếm hiệp Kim Dung
Được xây dựng trên bối cảnh lịch sử hai lần kháng chiến quân Nguyên Mông của triều đại nhà Trần những năm 1258 và 1285, Sương mù tháng Giêng đã vén màn “sương mù” của thời gian để khắc họa lại chân dung những nhân vật lịch sử từ bình diện tâm lý.
Đó là những nam nhi theo ý thức hệ phong kiến: Nhân Huệ vương Khánh Dư, Hưng Vũ vương Quốc Nghiễn, Hưng Đạo vương Quốc Tuấn, Chiêu Minh vương Quang Khải, vua Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông... Đó còn là chân dung những người phụ nữ hi sinh thầm lặng: công chúa Thiên Thụy, An Tư, Từ Ô, Nhiên...
Ngoài ra còn hệ thống nhân vật hồn ma, yêu quái xuất hiện với tần số lớn trong tác phẩm. Mặc dù thế giới nhân vật trong Sương mù tháng Giêng đa dạng, từ vua chúa, tướng lĩnh, quan lại đến dân thường, từ người sống cho đến yêu ma, những nhân vật trong tác phẩm đều thống nhất với nhau ở một điểm chung: họ đều mang trong mình tấn bi kịch tinh thần giữa cái sống và cái chết, giữa cá nhân và tập thể, giữa tình yêu và dục vọng, cao cả và đớn hèn...
Hệ thống các nhân vật nam chiếm số lượng nhiều nhất trong tác phẩm. Điều nhà văn hướng đến không phải là những nhân vật lịch sử khô cứng mà đi vào phân tích tâm lý nhân vật dưới con mắt của người hiện đại.
Sẽ không phải là hình ảnh Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn hùng dũng trên chiến trường mà đó là hình ảnh một con người đầy mâu thuẫn giằng xé giữa thù nhà và nợ nước để rồi dứt khoát chọn cống hiến cho đất nước. Đó cũng là hình ảnh Trần Nhân Tông trong Đêm cuối cùng ở Ngọa Vân trước khi đi vào cõi niết bàn đầy những trăn trở băn khoăn giữa đời đạo.
Xuất hiện liên tục trong bảy phần của tác phẩm, có lẽ Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư là nhân vật mà tác giả dành ưu ái nhiều hơn cả. Không chỉ là một vị tướng tài, dũng cảm trên trận mạc, ông còn có một tính cách ngang tàng và không ít những mâu thuẫn.
Mở đầu tác phẩm, Trần Khánh Dư xuất hiện là một tên tội đồ - thông dâm với công chúa Thiên Thụy. Ông bị xử đánh ở hồ Dâm Đàm, cách hết quan tước và tịch thu tài sản. Mắc vào tội trăng gió, ông thẳng thắn nhận tội, tự trách mình vì làm liên lụy đến công chúa.
|
Tiểu thuyết 'Sương mù tháng giêng' của nhà văn Uông Triều. |
Khi được giao cai quản vùng Vân Đồn, ông lệnh cho người dân bắt buộc phải đội nón Ma Lôi và bán nón giá cao gấp nhiều lần để thu lợi. Nếu như những người cùng thời đại đánh giá ông là người cậy quyền thế, tham bỉ thì dưới con mắt nhà văn, Khánh Dư lại là một con người nhanh nhạy, có mưu trí của một thương nhân.
Bởi, theo lập luận của ông thì buôn bán không chỉ mang lại lợi ich cho nhiều người mà còn giúp giao thương hàng hóa để đất nước phát triển, lớn mạnh. Người khác làm đuợc thì ông cũng làm được.
Nhưng Khánh Dư cũng là một con người mang trong mình nhiều mâu thuẫn, bi kịch cá nhân. Trước hết, đó là bi kịch vì mối tình ngang trái với công chúa Thiên Thụy, yêu mà không lấy được người, khuynh gia bại sản rồi bị đánh suýt chết, rồi với Từ Ô - người gắn bó với ông cả cuộc đời mà ông không hiểu nổi nàng có thật hay không thật, là người thường hay yêu ma.
Ông còn phải trải qua những cơn ác mộng chung của những người đã từng qua chiến trận, đêm đêm không ngon giấc bởi nỗi đau, ám ảnh do chiến tranh gây ra. Hình ảnh Trần Khánh Dư hiện lên chân thật, sống động và trọn vẹn giữa đời thường.
Ở các nhân vật có thể gọi là “phản diện” ta cũng thấy những góc cạnh mới. Ích Tắc thì theo giặc những mong tạo nên sự nghiệp lớn nhưng bất thành. Trong con người Ích Tắc đầy những câu hỏi không thể giải đáp, những mặc cảm bị người đời coi là tội đồ phản quốc, tiếng nhơ bao năm không rửa hết.
Thoát Hoan cay đắng vì mộng lớn không thành, lại đau đớn vì tình yêu với An Tư và cái chết của nàng. Phạm Nhan là một nhân vật vừa đáng thương vừa đáng giận. Theo giặc, Nhan học được yêu thuật ghê gớm nhưng hắn cũng là một con người bình dị với tình yêu với một người con gái nhỏ.
Cuối cùng, Nhan bị chém ở quê hương, bãi sông Cầm. Cái chết của Nhan là hợp với quy luật nhưng cũng gây ra không ít xúc động trong lòng độc giả.
Thế giới nhân vật nữ trong Sương mù tháng giêng tuy không nhiều nhưng đủ mọi tầng lớp, từ công chú Thiên Thụy, công chúa An Tư, đến thường dân như Từ Ô, Nhiên. Họ có điểm chung là mang nỗi đau của kiếp đàn bà, hoặc phải làm vật hiến tế như An Tư, hoặc trò vui cho đàn ông như Từ Ô.
Tác giả đã đi sâu vào phân tích những mặt đối lập trong thế giới tâm hồn người đàn bà. An Tư mâu thuẫn giữa hành động cứu nước và ghê tởm phải ân ái với kẻ thù. Thiên Thụy đau khổ giữa chồng với người tình, đến khi chết rồi vẫn không trả lời được câu hỏi mâu thuẫn của mình.
Từ Ô dành hết tình cảm, tâm trí cho Khánh Dư nhưng vẫn luôn lo sợ mất đi người yêu. Từ Ô muốn trốn tránh hồ ly tinh nhưng lại khát khao ân át, trẻ mãi không già. Qua thế giới nhân vật nữ, nhà văn cho độc giả thấy rằng người phụ nữ trong xã hội xưa dù có ở tầng lớp, địa vị nào trong xã hội cũng đều phải chịu đau khổ, bất công. Đây cũng là tính phê phán toát lên từ tác phẩm.
Thế giới yêu ma, quỷ quái cũng góp phần tạo dựng nên thành công của tác phẩm. Đó là thế giới của hồ ly, thế giới của những hồn ma xác chết dưới âm phủ. Thế giới mộng mị, ma quái là điều ám ảnh nhất sau khi gấp cuốn sách lại. “Những bóng ma dật dờ, bọn chúng đang gào khóc, có kẻ đang chửi rủa... Ở đây rồi chúng sẽ phải đi qua sông lửa, nước sôi, chúng chết rồi mà vẫn chưa hết tội đâu...”
Những bóng ma lặng lẽ đi trong bóng tối gây ám ảnh đặc biệt. Không phân biệt ta, địch, khi đã chết họ đều trở thành những hồn ma đau khổ, cô độc. Những hồn ma ấy xuất hiện khi người ta mộng mị, nó đi vào cõi vô thức tạo nên nỗi ám ảnh đối với những người còn sống.
Có thể nói rằng, với việc xây dựng hình ảnh bóng ma, tác giả đã cất cao tiếng nói tố cáo chiến tranh. Cho dù chiến tranh chính nghĩa hay phi nghĩa, con người đều là đối tượng phải chịu hậu quả khốc liệt.
Tiểu thuyết có kết cấu phân mảnh, rời rạc được lắp ghép lại cùng nhau. Kết cấu lạ hóa, các lớp truyện đan cài lên nhau. Sương mù tháng Giêng gồm tám phần, mỗi phần được tạo nên từ những mảnh ghép nhỏ hơn.
Truyện ngắn, kịch lồng trong nhau, đan xen lẫn nhau khiến người đọc như đi vào cõi mê cung huyền bí, mặt khác cũng làm tăng nhịp điệu, kịch tính cho tác phẩm. Mỗi phần trong tác phẩm đều có thể đứng độc lập thành một chỉnh thể với đầy đủ ý nghĩa.
Tác giả đã “phá vỡ kết cấu” trong văn bản truyền thống để hướng đến sự mới lạ, mang hơi hướng hậu hiện đại. Với Sương mù tháng Giêng, Uông Triều đã vén tấm màn “sương mù” khuất lấp của lịch sử để thể nghiệm những suy nghĩ, quan điểm mới mẻ của mình.
Từ đó, ý nghĩa nhân văn, phê phán cũng được bộc lộ. Tác phẩm hứa hẹn sẽ đem trải nghiệm mới mẻ cho độc giả, đặc biệt là những người yêu thích và quan tâm tới lịch sử dân tộc.
Tưởng tượng và Dấu vết: Bạn là ai?
|
Trần Huyền Trang
|