Loay hoay tìm đường cho văn hóa đọc

08:27:00 13/03/2015
(CATP) Những năm gần đây, các sự kiện như đường sách, hội sách… diễn ra liên tục ở hầu khắp các thành phố lớn trong cả nước. Tuy vậy, bài toán làm sao để phát triển văn hóa đọc vẫn chưa có lời giải thỏa đáng.


TRÔNG CẬY VỐN XƯA

Ban tổ chức chương trình Đại hội sách cũ năm 2015 (diễn ra trong hai ngày 14 và 15-3-2015 tại Hà Nội) cho biết, trong lần tổ chức thứ hai này, nhiều câu đối Tết thời bao cấp cùng những bản sách cổ sẽ được đem ra bán đấu giá như Việt Nam sử lược (Trần Trọng Kim, bản in năm 1964), Tội ác và trừng phạt (Fyodor Dostoyevsky, bản in năm 1973), Thơ Pháp ngũ tuyển dịch (Tủ sách Chi Nam xuất bản năm 1968), Vùng trời mơ ước (Elia Kazan, bản in năm 1973)... Quy tụ nhiều đơn vị sưu tầm và kinh doanh sách cũ nổi tiếng (Sách cũ Hà Thành, Sách xưa, Sách truyện vỉa hè, Nhà sách xưa Thuận Hóa và Thư viện sách Đông Tây), Đại hội sách cũ năm 2015 không chỉ có các hoạt động mua bán, trao đổi sách cũ mà còn có không gian trưng bày báo xuân qua các thời kỳ.


Sách cũ được trưng bày tại Đường sách Ất Mùi 2015

Trước đó, tại Đường sách TPHCM Tết Ất Mùi, lần đầu tiên sau nhiều năm tổ chức, nội dung mua bán, trao đổi sách cũ cũng được ban tổ chức thực hiện. Số sách cũ đưa ra đường sách đã được các đơn vị, cá nhân chuẩn bị kỹ với nội dung đa dạng như văn học, khảo cứu, dịch thuật, giáo khoa thuộc nhiều thời kỳ từ giai đoạn tiền chiến đến thời bao cấp. Đặc biệt là bộ sưu tập các sách của học giả Trương Vĩnh Ký, nhà sưu tập Nguyễn Hữu Triết và nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, cụm sách từ tủ sách nhà Trương Vĩnh Ký. Việc đưa các hình thức trao đổi, mua bán sách cũ (vốn đã có từ lâu tại các hiệu sách cũ) vào hoạt động trong các chương trình, sự kiện về sách có quy mô lớn đã đáp ứng nhu cầu tìm về vốn cổ vang bóng một thời của những người yêu sách. Tuy nhiên, điều này cũng đã cho thấy phần nào sự bế tắc của làng sách khi những ấn phẩm mới chưa đủ sức để thu hút mạnh mẽ độc giả đến với các sự kiện này.

CẦN LẮM SỰ CHUNG TAY

Cách đây gần một năm (tháng 4-2014), Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định lấy 21-4 hàng năm là Ngày sách Việt Nam nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Đây được xem là bước ngoặt cho một giai đoạn mới của việc phát triển văn hóa đọc, là tín hiệu vui cho nỗ lực chấn hưng sự đọc của lớp trẻ hiện nay.

Và vào cuối tháng 1-2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản đề nghị các cơ quan trực thuộc tổ chức tốt các hoạt động hưởng ứng Ngày sách Việt Nam lần thứ 2. Theo đó, các nội dung hoạt động hưởng ứng gồm tổ chức Ngày hội đọc sách theo từng chủ đề tại các trường học; phát động phong trào đọc sách trong thư viện nhà trường; tổ chức các câu lạc bộ về sách với các hoạt động ngoại khóa, đồng thời phát động, tổ chức các phong trào, chương trình thu gom sách, ủng hộ sách vở hỗ trợ cho các trường học vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Các hình thức tổ chức sự kiện khác nhằm xây dựng văn hóa đọc cho học sinh, sinh viên. Tuy vậy, để Ngày sách Việt Nam thật sự có tác dụng đâu chỉ có sự nỗ lực của ngành giáo dục là đủ? Làm sao để nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1