Thưa ông, làm công tác xuất bản, tiêu chí tuyển chọn tác phẩm văn học hay của ông như thế nào?
Bây giờ cứ bài nào hay thì ta chọn, ta in. Khi ta chọn in thì không căn cứ theo chiếu trên, chiếu dưới, không theo tên tuổi đã mòn trong đầu một số anh phê bình theo thói quen mà anh phải phát hiện từng bài hay. Nhiều tác giả trẻ có nhiều bài hay lắm chứ. Mà cũng không thể quên được những tầng lớp truyền thống.
Có những ý kiến hiện nay phân chia thơ trẻ và thơ già để chia thành các sân thơ?
Tôi rất phản đối cái chuyện bây giờ cứ phải nói là thơ trẻ là thơ không có vần, trúc trắc, khó hiểu; thơ già là truyền thống. Vậy thì ai hơn ai? Không có ai hơn ai cả. Trẻ là kế thừa, phát triển và sang một giọng điệu khác, một dạng khác của truyền thống. Còn truyền thống có cái cổ điển của nó muôn đời không thay đổi. Nó như tất cả các ngành nghệ thuật khác khi đã trở thành cổ điển thì coi như vĩnh cửu. Bây giờ anh trẻ tuổi hơn, anh phát triển lên. Cho nên 2 cái không được chia 2 trận tuyến để nói bên nào hơn bên nào. Như thế là sẽ mất đoàn kết và làm thui chột phong trào sáng tác.
Thế hệ đi trước ông có quan tâm đến việc dịch và quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài hay không?
“Rất nhiều dịch giả trong đất nước chúng ta đã chết, những cụ đồ cao niên là cử nhân, tiến sĩ Nho học chết hết rồi, những ông tú tài, cử nhân Tây học do Pháp đào tạo cũng đi gần hết rồi. Bây giờ từ giáo sư đến sinh viên đều dùng một thứ tiếng Pháp, tiếng Anh vu vơ để làm kinh tế, chưa mấy người có khả năng văn học để dịch sách sang tiếng bạn”. (Nhà văn Đỗ Chu). |
Khi tôi còn làm công tác xuất bản ở Hội Nhà văn, nhà thơ Tố Hữu nhiều lần nói với tôi: “Cậu không đủ sức làm nổi tuyển 100 bài thơ hay của Việt Nam để dịch ra các thứ tiếng quốc tế à?”
Lúc bấy giờ chỉ đề ra chỉ tiêu rất khiêm tốn là tuyển 100 bài thơ hay của Việt Nam. Ông nói với tôi nhiều lần là cậu về tổ chức, chọn lấy 100 bài thơ hay Việt Nam, sau đó dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga... nó như là một cái vốn căn bản để cho người ta hiểu về thơ Việt Nam.
Dưới con mắt của ông Tố Hữu, thơ truyền thống, cổ điển và thơ chống Pháp, chống Mỹ của Việt Nam là hay. Theo lời ông ấy thì so với những nước ở trong khu vực thì thơ của họ không hơn gì mình, thậm chí còn kém. Vì họ không có đời sống phong phú như của Việt Nam về chiến đấu, không có những số phận đau khổ như ở Việt Nam và không có truyền thống thơ như ở Việt Nam. Ở Việt Nam từ dân chúng đến nhà vua đều yêu thích thơ ca và Nho học thượng tôn thơ phú.
Tôi vẫn cứ tâm niệm điều ấy và từ đấy đến nay, điều mong ước của ông Tố Hữu vẫn chưa thành sự thật, mặc dù bây giờ Hội Nhà văn Việt Nam có cả Hội đồng dịch, có tiền nhiều, có quan hệ quốc tế nhưng vẫn không làm được.
Theo ông, điều quan trọng trong việc quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài là gì?
Cốt lõi của quảng bá văn học nước ngoài thì đầu tiên phải chú ý đến việc tuyển chọn lấy những tác phẩm hay của Việt Nam và bước sau đấy là phải tổ chức dịch và tổ chức in. Sau bước đó mới đến bước giao lưu, giao đãi, liên hoan để mà chào mừng. Hiện nay chúng ta chưa có cái gì cả. Bạn chưa hiểu ta, ta chưa hiểu bạn, hai bên đang cùng liên hoan góp vui. Nếu chúng ta chọn lọc, dịch và in trên cái vốn đó thì lúc bấy giờ sẽ khắc phục được tình trạng anh đọc anh nghe, tôi ở dưới tôi không biết gì. (cười).
Bây giờ vấn đề tài trợ về vốn và xuất bản cũng không khó khăn nữa. Phải chăng, hiện nay chúng ta đang thiếu những dịch giả bản ngữ?
Đúng rồi, nhiều người biết tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung nhưng đó là những thứ tiếng dùng trong kinh tế, chứ còn để hiểu được một tác phẩm văn học của bạn cũng như của mình thì hình như chưa thấy có, trừ những vị đã mất rồi. Chúng ta vẫn chỉ là giao đãi, hội hè chứ chưa hề bắt tay vào làm việc thật. Cái khâu chính là chọn lựa tác phẩm để dịch ra tiếng nước ngoài phải làm đi đã.