Tổ quốc, biển đảo và tinh thần quốc tế hóa thi ca Việt Nam

17:25:00 09/03/2015
Ngày 5/3, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra lễ khai mạc Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 13, đêm thơ “Nguyên tiêu Ất Mùi 2015” với chủ đề đề về tình yêu quê hương, Tổ quốc và biển đảo nhằm giới thiệu rộng rãi, cung cấp một bức tranh tổng thể về thành tựu, giá trị, bản sắc độc đáo của văn học Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Đặc biệt, nhân dịp Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 13, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức chương trình Hội nghị Quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam lần thứ ba, Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 2 diễn ra từ ngày 2 đến 6/3, tại Hà Nội, Quảng Ninh và Bắc Ninh.

Nhân dịp này, chúng tôi có dịp gặp gỡ, chuyện trò cùng các nhà thơ, nhà văn, những người đã sống cùng lịch sử thơ ca dân tộc Việt Nam, để nghe những tâm sự của họ về một Ngày Thơ Việt Nam đã trở thành một “món ăn tinh thần” không thể thiếu của những nhà văn, nhà thơ mỗi dịp tết đến, xuân về...

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam)

Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 13 năm 2015 sẽ được tổ chức từ ngày 2 đến 6/3 với nhiều khác biệt so với mọi năm, với một loạt hoạt động trước khi khai mạc, như Liên hoan thơ châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 2, Hội nghị Quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới lần thứ 3, Hội nghị Ủy ban Thường trực Hội Nhà văn Á-Phi lần thứ 3.

Trong khuôn khổ Hội nghị quảng bá sẽ diễn ra 2 hội thảo, bao gồm hội thảo "Thơ ca - Nơi lưu giữ tâm hồn Việt" và "Văn xuôi Việt Nam - Hội nhập và phát triển".

Các nhà văn, nhà thơ, các nhà nghiên cứu của Việt Nam cùng ngồi lại để phác thảo nên những nét cơ bản nhất về chân dung của nền văn học Việt Nam thông qua 2 thể loại quan trọng nhất của mọi nền văn học là văn xuôi và thơ.

Trong hội thảo này có rất nhiều nhà thơ nước ngoài tham dự, có những bài thơ viết về Việt Nam của các nhà thơ Mỹ, Nga, các nhà nghiên cứu Trung Quốc, Colombia … Họ đã tiếp cận với thơ ca, văn học Việt Nam và sẽ có những nhận định, phát biểu về chân dung văn học Việt Nam, con người Việt Nam và khát vọng về một nền độc lập, hòa bình, hướng tới thế giới đại đồng thông qua những bài thơ Việt Nam mà họ đã đọc.

Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 13 năm nay chắc chắn sẽ được quốc tế hóa với khoảng 150 nhà thơ, dịch giả, nhà xuất bản, nhà nghiên cứu văn học Việt Nam từ 43 quốc gia sẽ tham dự vào những sự kiện văn học lớn này.

Ngoài các đại biểu từ các nước châu Á-Thái Bình Dương còn có đại diện của châu Âu, Mỹ Latinh, châu Phi và đại diện cao nhất của hội nhà văn Á-Phi cũng đến dự.

Cũng trong khuôn khổ Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 13, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Hội nghị Quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ ba với chủ đề "Văn học Việt Nam, biểu hiện rực rỡ của khát vọng độc lập, tự do và hạnh phúc con người" và Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương lần thứ hai.

Hội nghị cung cấp một tầm nhìn tổng thể về thành tựu, giá trị, bản sắc độc đáo của văn học Việt Nam với bạn bè quốc tế làm cơ sở cho việc lựa chọn những tác phẩm tiêu biểu để tổ chức dịch thuật, xuất bản bằng nhiều thứ tiếng, giúp người dân trên thế giới hiểu biết đất nước, con người, văn hóa Việt Nam.

Bên cạnh đó, Hội Nhà văn Việt Nam cũng sẽ lựa chọn 15 gương mặt nhà thơ tiêu biểu và giới thiệu bằng tiếng Pháp và do một họa sĩ người Pháp minh họa.

Hội Nhà văn Việt Nam lựa chọn 100 nhà thơ Việt Nam tiêu biểu để tiếp xúc với các nhà văn, nhà thơ quốc tế.

10 nhà xuất bản được mời để giới thiệu ra nước ngoài những tác phẩm viết về chiến tranh giành độc lập của đất nước Việt Nam chúng ta.

Điểm khác biệt của Ngày Thơ năm nay là không chia ra sân thơ già và sân thơ trẻ mà chỉ tổ chức một sân thơ truyền thống và sân thơ quốc tế.

Không phải vì sân thơ trẻ nhạt hay thiếu các yếu tố mới mẻ mà lý do quan trọng hơn cả là vì muốn tạo điều kiện cho các nhà thơ quốc tế xuất hiện, muốn dành cơ hội cho bạn đọc Việt Nam thưởng thức giọng nói thơ ca của các dân tộc khác. Dĩ nhiên, các nhà thơ trẻ vẫn tham gia vào cả hai sân thơ ở Văn Miếu và tham gia vào các hoạt động khác diễn ra trước ngày thơ khai mạc.

Mặc dù Ngày Thơ năm nay vẫn diễn ra ở Văn Miếu với chủ đề biển đảo, lãnh thổ đất nước nhưng lồng vào đó là ca ngợi vẻ đẹp của tâm hồn Việt thông qua những bài thơ của các nhà thơ Việt Nam và không ít những bài thơ của nước ngoài viết về Việt Nam.

Tôi nghĩ rằng viết về Tổ quốc, đất nước, về nền độc lập của chúng ta là một đề tài vĩnh hằng, không bao giờ cũ, nó nằm trong ý thức của mọi thế hệ, mọi thời đại.

Ngày Thơ Việt Nam năm 2015 còn có sự tham gia của hai lực lượng gồm Bộ Tư lệnh Hải quân và Bộ Tư lệnh Biên phòng, góp phần làm đậm nét chủ đề của Ngày thơ ''Hướng về biển đảo”. Với chủ đề này, các nhà thơ sẽ mang đến nhiều tác phẩm hay viết về biển đảo.

Nhà thơ Vũ Quần Phương

Ở sân thơ truyền thống, ngoài các nhà thơ của Hội Nhà văn Việt Nam, ban tổ chức mời sinh viên của 6 trường đại học, gần 30 câu lạc bộ thơ ở Hà Nội và 8 địa phương trên cả nước tham gia.

Bên cạnh đó, nhiều hoạt động bên lề có sức hấp dẫn trong Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 13 cũng sẽ được tổ chức như triển lãm giao lưu văn học quốc tế; triển lãm các tác phẩm văn học Việt Nam đã được dịch và xuất bản ở nước ngoài…

Khu phố nghệ thuật với các hoạt động xuất bản phẩm, thư pháp, câu đối, trình diễn nghệ thuật dân gian diễn ra trong 2 ngày 4 và 5/3 (tức 14 và 15 tháng Giêng).

Nét mới của Ngày Thơ Việt năm nay là có phố nghệ thuật để tôn vinh nghệ thuật truyền thống như hát văn, hát xẩm, biểu diễn nghệ thuật trong quán thơ. Các quán thơ sẽ mở cửa tới tận chiều tối, phục vụ độc giả yêu thơ. Nó cũng đã tạo được ngày hội mang tính chất dân gian, nhân dân ở các nơi hưởng ứng.

Nhưng hiện nay phong trào thơ quần chúng trong các câu lạc bộ hơi bị lệch ở chỗ họ cứ mải lúi húi làm thơ mà không chịu đọc thơ, tức là đọc những tác phẩm thơ nổi tiếng của Việt Nam cũng như thế giới. Như học sinh phải có kiến thức chung mới tiến được, còn không thì sẽ phát triển chậm.

Nhưng nói gì thì nói, chính các câu lạc bộ làm vui hội thơ Văn Miếu. Các nhà thơ chuyên nghiệp ít đến ngày thơ Văn Miếu, có đến cũng không ở lại được lâu. Chính các cụ ở Câu lạc bộ là say sưa nhất. Họ về Hội Nhà văn duyệt tiết mục vui như hội làng.

Cũng chính vì là ngày Hội nên không cần đòi hỏi cao quá về mặt học thuật. Mỗi câu lạc bộ đều có một lều thơ ở Văn Miếu, họ trang trí theo cách riêng của mình. Là hội phải biến hóa thì mới vui, nếu toàn thơ cả, chưa chắc đã tạo ra được cái vui. Người ta viết thư pháp, vẽ chân dung, diễn thơ, nhảy múa hip-hop, chúng ta chấp nhận hết, không nên dò xét.

Năm nay chúng tôi chọn 30 câu thả lên trời, vẫn như mọi năm chỉ đọc những câu thơ ấy, nhưng theo tôi, nếu có thời gian, những năm sau mình nên bình luận một đôi dòng để thấy được cái hay, cái đẹp của câu thơ được chọn.

Là người đã theo sát 13 Hội Thơ vừa qua, tôi cho rằng, năm nay Ngày Thơ có một chuỗi sự kiện, sẽ tưng bừng hơn.

Làm 3 sự kiện cùng một lúc rất tốn sức: Hội nghị Quảng bá văn học, Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương, Ngày hội Thơ. Thay vì mình chỉ "nhập siêu" nay mình phải "xuất siêu", để làm cái vui cho anh em trong nước và làm bạn bè quốc tế biết tới nền văn học của chúng ta, như câu Slogan cho Hội nghị Quảng bá văn học là "Mỗi dân tộc cần mỗi dân tộc, mỗi con người cần mỗi con người" (nhà thơ Nguyễn Đình Thi).

Nhà phê bình Nguyễn Hòa

Để cho ra đời một lễ hội mới là một điều rất khó nhưng Hội Nhà văn đã làm được không chỉ ở Hà Nội mà rộng ra các tỉnh thành một Ngày Thơ Việt Nam nhiều ý nghĩa. Nhưng ở các tỉnh thành tính nghi lễ cao quá chứ không phải là hội.

Ở Hà Nội đúng là một ngày hội. Mỗi lần tôi vào bãi gửi xe máy, nhìn mắt của những người ở bãi gửi xe Văn Miếu thấy được niềm vui trong mắt họ. Có những người ở tỉnh xa cũng đến. Hội nào cũng có điều khen chê nhưng bao trùm là cái không khí, cái sự hồ hởi, niềm vui đáp ứng được nhu cầu của mọi người.

Hội thì có nhiều hoạt động như các cụ ngày xưa có đánh đáo, đánh vật, đánh cù. Vì vậy mình phải làm sao cho hội sinh động hơn. Đánh giá về ngày hội nên có cái nhìn bao quát, nhìn vào niềm vui của số đông, không nên soi mói những việc tiểu tiết.

Điều lớn nhất mà Ngày Thơ đã làm được là càng ngày càng đại chúng, có thể là bác xe ôm, xích lô, ông giáo sư, tiến sĩ mang thơ của mình đến cùng giao lưu với nhau.

Ngày Thơ Việt Nam giờ thành một điểm hẹn, nhiều người biết đến. Với ngày thơ, mọi người đều bình đẳng, không phân biệt vị trí xã hội. Mọi người giao lưu với nhau trên quan điểm vui là chính. Đây không phải là niềm vui dễ có trong xã hội.

Năm nay phải thừa nhận, hội có nhiều sự kiện và trở thành những chuỗi sự kiện mang lại niềm vui cho văn chương. Đi hội tôi thích tha thẩn đọc các poster về các nhà thơ, có những cái mình đã biết, có những cái mới, có những bài thơ in sai và có số lỗi thì cũng nên bỏ qua.

Tôi rất khó tính nhưng tôi không chê trong ngày hội vì hội là ngày vui của mọi người, nơi mà các tính cách, thói quen được thể hiện rõ nhất vì vậy không nên lấy quan điểm của mình để áp đặt, bắt ép cho người khác

Nhà thơ Trần Đăng Khoa

Ngày Thơ Việt Nam năm nay được tổ chức vào một sự kiện rất đặc biệt đó là Hội nghị Quốc tế để quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới. Đây là sáng kiến rất cần được ghi nhận, và cũng không phải lần đầu tiên mà cách đây mấy năm ta đã có hội nghị này.

Lần này có nhiều nước đến tham dự. Việt Nam chúng ta là một đất nước mở cửa với truyền thông như bão lốc. Ngay cả một người không biết ngoại ngữ cũng không hề lạc hậu, chúng ta cứ ra các hiệu sách thì trên là trời dưới là sách, trong đó các tác phẩm của các nhà văn nhà thơ nước ngoài chiếm quá nửa, các tác phẩm tinh hoa của văn học thế giới.

Các tác phẩm Việt Nam ra thế giới còn nhiều hạn chế, có lẽ vì tiếng Việt hẻo lánh quá. Dịch sách văn học của Việt Nam ra thế giới cũng rất khó. Có những tác phẩm dịch xong rồi, so với nguyên bản như là không có họ hàng gì với nhau thậm chí là kẻ thù không đội trời chung với nhau.

Tất nhiên đấy là những bản dịch tồi. Những bản dịch xuất sắc không phải thế, chúng ta đã từng có rất nhiều những bản dịch xuất sắc như các tác phẩm thơ cổ điển của các nhà thơ Trung Quốc như thơ Đường, hay "Sông Đông êm đềm", "Chiến tranh và hòa bình"… rất nhiều tác phẩm của nước ngoài dịch sang tiếng Việt rất xuất sắc.

Nhiều tác phẩm khi dịch ra hay không kém gì so với nguyên tác cả, tôi cho đây chính là những bản dịch hay, và ở đó người dịch và tác giả giống như hai tấm gương cùng soi vào nhau và cả hai cùng sáng lấp lánh. Dịch không phải chỉ có chữ ra chữ.

Tôi xin đơn cử bài thơ của nhà thơ Nguyễn Duy, ông viết bài “Tuyết ở Mátxcơva” trong đó có câu thơ rất hay là “Bao nhiêu gò đống phập phồng/ Hình như con gái ngủ trong tuyết dày”. Đây là ông nói về sự trinh trắng của tuyết, nhưng nếu dịch chữ ra chữ sẽ thành có rất nhiều con gái ngủ trong đống tuyết thì cái đó hóa ra thành một câu thơ tả nghĩa địa chứ không còn là miêu tả về tuyết nữa.

Cho nên mặc dù nếu xét về mặt ngôn ngữ, họ dịch rất chính xác nhưng lại rất xa thơ, không còn là thơ nữa. Vì vậy, tôi cho rằng để quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, việc dịch sẽ là sự kết hợp giữa các nhà thơ của chúng ta với các nhà thơ thế giới để cùng hiểu nhau, chuyển từ ngôn ngữ này, văn hóa này sang ngôn ngữ khác, sao để khơi dòng như chính nguyên bản của nó.

Để phổ biến văn học Việt Nam ra thế giới, theo tôi là công việc của Hội Nhà văn. Một trong những công việc quan trọng là việc xét giải thưởng, khi xét giải, chọn đúng tác phẩm thì qua đó nước ngoài sẽ nhìn vào và họ thấy đây là tinh hoa của văn học Việt Nam. Thứ hai là việc kết nạp hội viên. Thứ ba là việc quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài.

Văn chương chúng ta không hề thua kém nhưng chúng ta làm chưa có kinh nghiệm, việc quảng bá văn chương chúng ta ra nước ngoài chưa được hiệu quả lắm. Nhân Ngày Thơ Việt Nam, tôi cũng cho rằng, nên chú ý tới các tác giả trẻ.

Thơ trẻ hiện nay rất đa dạng, các em không ảnh hưởng bởi quá khứ. Các em tiếp thu nền văn hóa của nhân loại, nhiều em thạo nhiều thứ tiếng, viết tiếng Việt và dịch ngay ra tiếng nước ngoài, các em ra luôn thế giới rồi. Các em từng bước lặng lẽ chiếm lĩnh văn đàn, các tác giả trẻ chinh phục được độc giả rất khó tính...

Trần Hoàng Thiên Kim (thực hiện)

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1