Mãi mãi còn trong sắc cờ kiêu hãnh

09:24:00 22/05/2015
QĐND - Nhà văn-chiến sĩ là nét độc đáo của văn học Việt Nam từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, bởi không phải nước nào cũng có văn nghệ bộ đội và không phải quân đội nào cũng có một lực lượng viết văn, thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, đông đảo và khỏe khoắn như của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ấy là một lực lượng đặc biệt của Quân đội; đồng thời cũng là lực lượng gạo cội trong đội ngũ nhà văn cách mạng Việt Nam, những người đã góp phần chính yếu tạo nên mảng văn học viết về đề tài chiến tranh cách mạng.

Nếu như Trại viết toàn quân tổ chức ngay sau khi miền Bắc được giải phóng (năm 1955) là cuộc hội quân lần thứ nhất của các nhà văn quân đội thế hệ kháng chiến chống Pháp thì sau đó 20 năm, tháng 6-1976 đã diễn ra cuộc hội quân lần thứ hai. Cuộc hội quân lần này được tổ chức sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước lâu dài, ác liệt của cả dân tộc. Có thể nói, cùng với những tên tuổi các bậc đàn anh đi trước, chính các nhà văn áo lính này đã căn bản làm nên diện mạo của văn học chống Mỹ, cứu nước với những tên tuổi: Hữu Thỉnh, Chu Lai, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Đức Mậu, Xuân Đức, Thái Bá Lợi, Nguyễn Khắc Trường, Khuất Quang Thụy, Dương Duy Ngữ, Đào Thắng, Nguyễn Ngọc Mộc, Lê Văn Vọng, Tô Đức Chiêu, Trần Nhương, Phạm Hoa, Hà Đình Cẩn, Nguyễn Hoa, Ngọc Bái, Trung Trung Đỉnh, Đình Kính, Nguyễn Thụy Kha... Những nhà văn, lứa “Nguyễn Du khóa I” này đã cùng với những nhà văn: Nguyễn Minh Châu, Xuân Thiều, Thu Bồn, Nguyễn Chí Trung, Nam Hà, Mai Ngữ, Phù Thăng, Lê Kim, Nguyễn Trần Thiết, Nguyễn Thị Như Trang, Lê Lựu, Duy Khán, Phạm Tiến Duật, Phạm Ngọc Cảnh, Võ Trần Nhã, Minh Khoa, Thanh Giang, Vương Trọng, Anh Ngọc, Văn Lê, Thanh Thảo, Thanh Quế, Vũ Thị Hồng, Nguyễn Mỹ, Hoàng Nhuận Cầm, Trần Đăng Khoa, Ngân Vịnh, Nguyễn Bảo, Ngô Thế Oanh, Trần Vũ Mai, Nguyễn Hồng, Hà Phạm Phú, Trần Hữu Tòng, Nguyễn Hồng Hà, Vũ Đình Văn, Lưu Quang Vũ, Trần Ninh Hồ, Phùng Khắc Bắc, Nguyễn Quang Tính, Đỗ Trung Lai, Nguyễn Thái Sơn, Hoàng Đình Quang, Ngô Thảo, Vương Trí Nhàn, Tô Hoàng, Đinh Xuân Dũng, Lê Thành Nghị, Hồng Diệu... đã làm nên một lứa lớp những nhà văn chống Mỹ đông đảo đầy nhiệt huyết và tài năng. Nhiều nhà văn trong số này đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học; đã và đang nắm giữ những trọng trách của văn giới nước nhà. Điểm binh những nhà văn trong những ngày cả nước tưng bừng kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2015), chúng ta không khỏi bùi ngùi nhớ về những anh chị đã hy sinh, những nhà văn vì tuổi cao sức yếu, vì cả những di chứng chiến tranh... đã không có mặt trong ngày vui-ngày vui mà chính các anh, các chị bằng tài năng, tuổi trẻ và cả máu của mình đã góp phần làm nên. Bỗng nhớ tới câu thơ như là một định mệnh của nhà thơ Thu Bồn trong Trường ca “Bài ca chim Chơrao”: Và cô gái biển đẹp xinh người vợ trẻ/ Ngày chiến thắng về không có bóng anh/ Em hãy nhìn lên sắc cờ kiêu hãnh/ Có anh về ôm ấp rặng dừa xanh... Và dường như trong sắc cờ kiêu hãnh kia thấp thoáng có hình bóng các anh. Ấy là những nhà văn liệt sĩ, những nhà văn anh hùng, tiêu biểu là các anh, các chị Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân, Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý...

Nguyễn Thi (1928-1968) tên khai sinh là Nguyễn Hoàng Ca (bút danh khác là Nguyễn Ngọc Tấn), quê ở xã Quần Phương Thượng (nay là xã Hải Anh), huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Sớm mồ côi cha từ năm 10 tuổi, mẹ đi bước nữa, Nguyễn Thi phải chịu vất vả, tủi cực từ nhỏ. Năm 1943, ông vào Sài Gòn kiếm sống, năm 1945, ông tham gia cách mạng và sau đó gia nhập quân đội. Nguyễn Thi vừa cầm súng chiến đấu vừa hăng hái tham gia hoạt động văn nghệ (vẽ tranh, soạn bài hát, sáng tác điệu múa...). Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Thời gian này, ông viết truyện ngắn với bút danh Nguyễn Ngọc Tấn. Năm 1962, ông tình nguyện trở về miền Nam chiến đấu... Trong cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, ông hy sinh ngay trên đường phố Sài Gòn và cho đến tận hôm nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt! Ông đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị, mà tiêu biểu nhất là tiểu thuyết Người mẹ cầm súng viết về nữ Anh hùng Út Tịch. Năm 2000, ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Ngày 12-12-2011, nhà văn Nguyễn Thi được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cùng với nhạc sĩ Hoàng Việt, nhà thơ Lê Anh Xuân

Lê Anh Xuân (1940-1968). Sinh ra trong một gia đình trí thức yêu nước, ông sớm tiếp xúc với cách mạng và yêu văn thơ từ nhỏ. Năm 1954, ông theo gia đình tập kết ra Bắc, học ở các trường học sinh miền Nam, rồi vào học Khoa Sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tốt nghiệp đại học, Lê Anh Xuân được giữ lại làm cán bộ giảng dạy và được cử đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài, nhưng ông từ chối để trở về quê hương chiến đấu. Tháng 12-1964, Lê Anh Xuân về Nam và công tác ở Tiểu ban Giáo dục thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục. Lê Anh Xuân sống và chiến đấu với tư cách là người chiến sĩ-nghệ sĩ. Ông hy sinh ngày 21-5-1968 tại ấp Phước Quảng, xã Phước Lợi, huyện Cần Đước, tỉnh Long An trong một trận càn của quân đội Mỹ. Ông đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị, trong đó có bài thơ Dáng đứng Việt Nam nổi tiếng. Nhà thơ Lê Anh Xuân được truy tặng Giải thưởng Nhà nước và danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Chu Cẩm Phong tên thật là Trần Tiến (1941-1971), sinh tại Hội An, Quảng Nam. Năm 1954, ông theo cha tập kết ra Bắc và học tại trường học sinh miền Nam, và sau đó là Đại học Tổng hợp Hà Nội; từng được cử vào Ban chấp hành Hội Liên hiệp Thanh niên-Sinh viên Việt Nam và được kết nạp Đảng khi mới 22 tuổi. Năm 1964, ông tốt nghiệp đại học loại xuất sắc, được nhà trường cử đi học tại nước ngoài, nhưng đã xung phong vào miền Nam chiến đấu. Trong thời gian này, ông công tác tại Ban Tuyên huấn Khu V, làm phóng viên thông tấn... Ngày 1-5-1971, trong một chuyến đi thực tế, ông hy sinh trong trận giao chiến ác liệt giữa 8 cán bộ, chiến sĩ Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam và du kích xã Xuyên Phú với hơn một tiểu đoàn của liên quân Mỹ-ngụy. Tên tuổi của ông được biết đến nhiều qua cuốn nhật ký về cuộc đời ông trong những năm tháng đánh Mỹ với tên gọi Nhật ký chiến tranh nổi tiếng. Ông được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân vào năm 2010.

Dương Thị Xuân Quý (1941-1969) là nữ nhà văn liệt sĩ, được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học-nghệ thuật năm 2007. Bà sinh ra và lớn lên tại Hà Nội (quê gốc ở thôn Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) trong một đại gia đình trí thức-văn nghệ sĩ với những tên tuổi lớn như: Dương Bá Trạc, Dương Quảng Hàm, Dương Tụ Quán, Dương Bích Liên, Dương Cẩm Chương, Dương Trọng Bái, Dương Thị Thoa... Sau khi tốt nghiệp trung học, do năng khiếu văn chương, bà được giới thiệu theo học một khóa báo chí do Ban Tuyên huấn Trung ương mở. Sau khi tốt nghiệp, bà là phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam (từ năm 1961). Năm 1968, bà gửi con nhỏ lại cho mẹ và lên đường đi chiến trường nhận nhiệm vụ phóng viên Tạp chí Văn nghệ Giải phóng Trung Trung bộ (Khu 5). Đêm 8-3-1969, trong một trận càn quét ác liệt của quân Đại Hàn, bà hy sinh tại thôn Thi Thại, xã Xuyên Tân (nay là xã Duy Thành), huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Mãi đến ngày 3-8-2006 mới tìm được di cốt. Văn phẩm mà Dương Thị Xuân Quý để lại không nhiều, nhưng đời bà cũng như cuộc đời nhiều văn nghệ sĩ-liệt sĩ khác đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã là một tác phẩm, một tấm gương để những người cầm bút noi theo...

Thế đấy, để có một nền văn học cách mạng, có một tủ sách văn học đồ sộ và sáng đẹp viết về chiến tranh cách mạng và người chiến sĩ những năm nửa sau thế kỷ 20, chúng ta đã phải đổi bằng biết bao máu xương của đồng chí, đồng bào, trong đó có các nhà văn, có những người cầm bút. Tên tuổi, cuộc đời và sự nghiệp của họ là sản phẩm của một lịch sử tất yếu và khắc nghiệt. Họ-nói theo tác giả bài tựa cuốn Nhật ký Nguyễn Ngọc Tấn, dẫu chỉ là “một mảnh nhỏ, một góc hẹp, một giọt nước mong manh, nhưng qua đó cũng có thể thấy hiện lên, sâu thẳm, cả cuộc chiến tranh anh hùng và đau đớn mà dân tộc ta đã phải cắn răng đi qua… để có được hôm nay”.

Và dẫu sinh thời có anh, có chị không chuẩn bị cho mình một chỗ đứng khi còn sống, một vuông đất lúc hy sinh, nhưng hôm nay họ thực sự đã trở thành những vầng sáng-vầng sáng ký ức, vầng sáng góp phần làm nên vinh dự nhà văn-chiến sĩ.

Dáng đứng Việt Nam

Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhất

Nhưng Anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng

Và Anh chết trong khi đang đứng bắn

Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng.

Chợt thấy anh, giặc hốt hoảng xin hàng

Có thằng sụp xuống chân Anh tránh đạn

Bởi Anh chết rồi nhưng lòng dũng cảm

Vẫn đứng đàng hoàng nổ súng tiến công

Anh tên gì hỡi Anh yêu quý

Anh vẫn đứng lặng im như bức thành đồng

Như đôi dép dưới chân Anh giẫm lên bao xác Mỹ

Mà vẫn một màu bình dị, sáng trong

Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ

Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh trước lúc lên đường

Chỉ để lại cái dáng-đứng-Việt-Nam tạc vào thế kỷ:

Anh là chiến sĩ Giải phóng quân.

Tên Anh đã thành tên đất nước

Ôi anh Giải phóng quân!

Từ dáng đứng của Anh giữa đường băng Tân Sơn Nhất

Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân.

Tháng 3-1968

LÊ ANH XUÂN

NGÔ VĨNH BÌNH


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1