Dù thế nào thì các yếu tố không trực tiếp liên quan tới bản thân tác phẩm văn học sẽ không giữ vai trò quyết định. Như số lượng in chẳng hạn, mỗi tác phẩm chỉ in 1.000 đến 2.000 bản chưa nói lên điều gì, vẫn có khả năng ế ẩm nếu bạn đọc không mua. Thời buổi này, nếu tác phẩm thực sự chất lượng, các nhà xuất bản và nhà sách sẽ không băn khoăn nhiều khi quyết định nối bản hay tái bản. Còn lý luận, phê bình dẫu phát triển đến đâu cũng chỉ có thể đưa ra các gợi ý (xin nhấn mạnh) giúp nhà văn tham vấn chứ không thể thay thế lao động nhà văn. Vả lại, nhìn về lịch sử, thử hỏi khi các thiền sư thời Lý - Trần viết những bài Kệ trứ danh, Nguyễn Trãi làm thơ, Nguyễn Du viết Truyện Kiều, và sau này Vũ Trọng Phụng viết Số đỏ, Nguyên Hồng viết Bỉ vỏ, Nam Cao viết Chí Phèo,... họ được hỗ trợ gì từ lý luận, phê bình? Mấy năm qua, từ sự nổi trội của những bài điểm sách, giới thiệu sách xuất hiện trên báo chí, thi thoảng lại thấy một hai cây bút được quảng bá "nhiều hứa hẹn", có tác phẩm "gây sốt". Và thường thì cùng với thời gian, cái sự "hứa hẹn" kia vẫn không đủ sức chứng minh tính khả tín của lời quảng bá. Rồi sau thời chuyên chú với đề tài nông nghiệp, công nghiệp, chiến tranh và tâm thế ở thời hậu chiến,... khoảng mười năm trở lại đây, lối sống đô thị và nhân vật trí thức trẻ phải vật lộn với mưu sinh lại trở thành đề tài của khá nhiều tác giả. Hướng về các đề tài có vẻ thời thượng, hình như một số cây bút ít quan tâm tới ý tưởng sáng tạo, mà thường dụng công dựng nên một cốt truyện để đáp ứng yêu cầu của đề tài? Thiếu vắng ý tưởng, nhất là ý tưởng lớn, sẽ không thể có tác phẩm lớn, đó là sự thật, một sự thật dù có muốn chối bỏ thì người viết vẫn cứ phải đối diện. Mà ý tưởng, nhất là ý tưởng lớn, không bao giờ xuất hiện ngẫu nhiên, không phải cứ muốn là có. Ý tưởng lớn là kết tinh, là tổng hòa của tài năng, sự trải nghiệm, tri thức đã tích lũy và nỗi trăn trở, đau đáu,... của nhà văn trước xã hội - con người.
Lịch sử văn học cho thấy tên tuổi của nhà văn lớn được xác lập bởi tác phẩm lớn, mà tác phẩm lớn lại được khẳng định từ việc bằng tài năng của mình, tác giả "bồi da, đắp thịt" để ý tưởng lớn có thể tồn tại như sinh thể sống động, hấp dẫn, có khả năng vượt thời gian, xuyên qua các ranh giới văn hóa. Do vậy, các nhà văn lớn thường là nhà tư tưởng, nhà văn hóa với sự tích lũy tri thức không mấy ai có. Từ góc độ này để xem xét, đọc một số tác phẩm đã xuất bản, rất dễ băn khoăn với câu hỏi: Mỗi người viết văn đương đại đọc bao nhiêu cuốn sách, nhất là sách triết học, sự am hiểu một cách hệ thống, bản chất về văn hóa phương Đông và phương Tây, về văn hóa của dân tộc,... đạt tới mức độ nào? Tất nhiên, sự đọc của nhà văn không chỉ ở số đầu sách, mà là hiểu biết, khám phá, tiếp nhận, từ đó suy ngẫm và sáng tạo. Như Nguyễn Đình Thi, với các khảo luận Triết học nhập môn, Siêu hình học, Triết học Kant, Triết học Nietzsche, Triết học Einstein,... dù có người coi đó là những gì ông thu hoạch sau khi học và đọc sách triết học phương Tây nên còn sơ sài, thì đây vẫn là công việc mà không phải bất kỳ người Việt Nam nào (kể cả người chuyên nghiên cứu, giảng dạy triết học) cũng có thể thu hoạch vào năm chưa đầy 20 tuổi. Thiết nghĩ, đó cũng là một trong các yếu tố làm nên tên tuổi Nguyễn Đình Thi.
Đọc - nghe - xem tác phẩm và bài phỏng vấn nhiều nhà văn Việt Nam đương đại thuộc các thế hệ khác nhau, không khó để hồ nghi rằng số nhà văn đọc nhiều, tri thức phong phú, ít nhiều có hệ thống, như Ma Văn Kháng, Nguyễn Xuân Khánh là không nhiều? Với Nguyễn Xuân Khánh, thử hỏi nếu không "cày" trên các trang sách để suy nghĩ và sáng tạo, ông có thể viết Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn, Đội gạo lên chùa? Hơn mười năm trước, hồi Báo Thể thao và Văn hóa ra khổ nhỏ, vài tuần thấy in bài của Hoàng Định, mà qua đó có thể thấy tác giả là người đọc nhiều, nghĩ nhiều, có một số phân tích thú vị về văn hóa truyền thống và hiện đại. Sau thì biết đó là bút danh của Trần Chiến - nhà văn gần đây có xu hướng viết tác phẩm "giả cổ" - hình thức giúp ông chuyển tải ý tưởng sáng tạo, độc đáo trong khi giải quyết, xử lý để tạo dựng quan hệ giữa một vấn đề văn hóa truyền thống nào đó với tác phẩm, mà tập truyện ngắn Gót Thị Mầu, đầu Châu Long mới xuất bản là một thí dụ. Là người làm báo, và có thể Trần Chiến chưa có ý tưởng lớn để viết tác phẩm lớn, nhưng đọc tác phẩm của ông sẽ thấy, đó là nhà văn có tài, yêu nghề, chỉn chu với nghề. Văn ông khá đặc biệt, không phải là các câu chữ thông tấn, phải chăng chỉ có như thế, năm 2007, ông mới xuất bản cuốn Chữ văn chữ báo?
Tuy nhiên, đọc để nâng cao sự hiểu biết và tích lũy tri thức chưa phải là quan trọng nhất, nếu nhà văn không đắm mình với cuộc sống, để vui buồn với cuộc sống thì tri thức sẽ chỉ là mớ chữ vô hồn. Vốn sống ấy phải được tích lũy, trở thành điều máu thịt. Dù cuộc sống, điều kiện viết văn có thể thay đổi, dù nhu cầu, thị hiếu văn học có thể biến động, phát triển hơn trước thì năm tháng sống với Tây Bắc của Ma Văn Kháng, lăn lộn trên chiến trường của Chu Lai, Khuất Quang Thụy,... vẫn có ý nghĩa đặc biệt. Nếu thiếu những trải nghiệm thiết thân ấy, liệu họ có viết văn, liệu họ có thành công? Nên phải chăng, khi đọc một tác phẩm "có tiếng vang" lại ngờ ngợ vấn đề hiện thực chủ yếu khai thác từ báo chí; khi in-tơ-nét như trở thành vốn sống chủ yếu cho một số người; khi một sự kiện nào đó vừa xảy ra (như một vụ án chẳng hạn) lập tức trở thành "bột" để "gột nên hồ"; khi một số cây bút để lại phía sau "không gian văn hóa sinh thành" tìm tới các thành phố - nơi mà trước hết, họ là người nhập thân văn hóa hơn là chủ nhân văn hóa, rồi say sưa với tác phẩm tràn trề rượu mạnh và quầy bar, tình yêu công sở cùng mấy trò đấu đá trên thương trường; khi nhà văn này vừa "gây tiếng vang" với đề tài nọ, lập tức có vài nhà văn khác hùa theo; khi tình yêu cuộc sống tương tự như chiếc áo khoác che giấu tình yêu chính bản thân mình như là sự nối dài tinh thần của chàng Narcissus,... thì chỉ nên chờ đợi tác phẩm "ít tiếng vang" giúp cho tác giả liệt kê trên bìa 4 mỗi khi in sách hoặc quảng bá trên Wikipedia, và đừng vội hy vọng sẽ xuất hiện tác phẩm lớn!?
Cuối cùng là tài năng - báu vật chưa bao giờ tạo hóa lại ban phát một cách dễ dãi, nên trong văn học, tác phẩm để đời và tác giả lưu danh thiên cổ là không nhiều. Thông thường, nếu tác phẩm biểu thị trực tiếp tài năng người viết thì công chúng, đồng nghiệp là "bộ lọc" xác định tác phẩm thành công hoặc thất bại. Nhưng lịch sử văn học còn cho thấy có tác phẩm bị công chúng, đồng nghiệp đương thời phê phán gay gắt mà vài chục năm sau lại được khẳng định như là tuyệt tác. Tuy nhiên, hiện tượng này là hiếm, không có lô-gích nào đưa tới tất yếu tác phẩm bị phê phán hôm nay sẽ là tuyệt tác trong tương lai. Giá trị nội tại của tác phẩm quyết định việc nó sẽ tồn tại như thế nào. Trên thực tế, người viết văn là người có tài năng, nhưng tác phẩm lớn lại chỉ được viết ra bởi tài năng xuất chúng. Trong năm tháng chúng ta đang sống, dù có hàng nghìn nhà văn "dàn hàng ngang mà tiến", tác phẩm xuất bản ào ào nhưng lại không thấy xuất hiện tài năng xuất chúng và tác phẩm đặc sắc? Sự trớ trêu ấy không có nguồn gốc từ bạn đọc hay từ giới lý luận, phê bình mà có nguồn gốc từ chính nhà văn. Ở thời buổi thị hiếu văn học như liên tục thay đổi và một số nhà lý luận, phê bình mỗi khi xuất hiện trên báo chí là viết hoặc nói những lời có cánh, thì nhà văn nên cảnh giác, tỉnh táo, để không bị ru ngủ bởi lời ca ngợi. Không nhìn đâu xa, mấy năm trước Harry Potter, Mật mã Da Vinci nổi danh khắp thế giới, và ở Việt Nam, nhiều người (nhất là trẻ em) sốt ruột vì chờ đợi dịch, xuất bản. Cứ ngỡ số lượng xuất bản khổng lồ, vô số lời ca ngợi, lại được dịch ra nhiều ngôn ngữ, thành công trong thương mại nữa, sẽ làm cho tên tuổi của J.K.Râu-linh (J.K. Rowling) và D.Brao-un (D. Brown) trở nên bất hủ, song vài năm trở lại đây còn mấy ai nhắc đến Harry Potter, Mật mã Da Vinci, vậy liệu đó có phải là tác phẩm đỉnh cao? Tài năng đâu phải được chứng minh bằng số đầu sách hay số lượng bản sách đã in, hay từ lời tán dương của nhà phê bình. Dù báo chí, giới lý luận, phê bình đánh giá thấp cũng không thể phủ nhận được giá trị một tác phẩm chứa đựng phẩm chất lớn được viết bởi một nhà văn tài năng xuất chúng; ngược lại, dù báo chí, giới lý luận, phê bình đánh giá cao vẫn không thể giúp một tác phẩm bình thường thành tuyệt tác. Đó là điều nhà văn, nếu quan tâm đến uy tín nghề nghiệp của mình cần quan tâm.
Dẫu ít hay nhiều, nếu tài năng không được trui rèn, không được bồi đắp bằng các yếu tố như tri thức, sự trải nghiệm và lại coi "viết văn như cuộc chơi", "viết từ vô thức" thì đến một lúc nào đó, tài năng cũng cạn. Nhà văn, bạn đọc có quyền mơ ước về tác phẩm đỉnh cao, nhưng khi các yếu tố làm nên tác phẩm đỉnh cao còn chưa đủ độ chín thì không nên "ép" ra tác phẩm lớn, đừng vội nghĩ mình đã viết nên tác phẩm lớn. Bạn đọc, giới lý luận, phê bình cũng không nên đòi hỏi quá nhiều khi tổng hòa các yếu tố làm nên nhà văn lớn vẫn chưa hiện rõ hình hài. Vì thế, "Hãy bằng lòng với những gì tác giả cho ta, đừng bắt anh ta cho cái mà anh ta không có", như ai đó từng nói!