Chào chị Vân Khánh, là một nhà văn chuyên viết mảng đề tài về phụ nữ, hôn nhân gia đình, chị cảm thấy tình yêu trong hôn nhân khác với tình yêu nam nữ lúc chưa kết hôn thế nào?
Tình yêu trong hôn nhân chắc chắn khác rất nhiều so với thời điểm chưa kết hôn, người đàn ông và người đàn bà khi đã về sống chung một nhà theo thời gian sẽ cũ dần trong mắt nhau, chưa kể sẽ nảy sinh những mâu thuẫn, va chạm khó tránh khỏi và cảm giác thất vọng về nhau nữa. Bởi vậy, các cặp vợ chồng đều phải có ý thức hướng về nhau, thường xuyên hâm nóng cảm xúc và lắng nghe chia sẻ của người bạn đời. Tôi vẫn cho rằng, nếu vượt qua được 5 năm thử thách đầu tiên thì đó đã là thành công trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình của một cặp vợ chồng.
Có nhiều cặp vợ chồng mặc dù họ có tình yêu trong hôn nhân nhưng họ lại vẫn không hề hạnh phúc, theo chị nguyên nhân vì sao? Và liệu trong hôn nhân tình yêu có phải là điều quan trọng nhất ?
Có đôi khi, người vợ và người chồng yêu nhau, nhưng cái tôi của họ quá lớn, hoặc giữa hai người có sự khác biệt rõ rệt về tính cách, quan điểm sống, người nào cũng cho rằng mình đúng, hoặc áp đặt cách sống của mình lên người khác… nên sống bên nhau mà luôn cảm thấy không vui vẻ.
Tình yêu rất quan trọng, nhưng bên cạnh đó còn cần đến sự hiểu biết nữa. Mỗi người đều cần có trách nhiệm với cảm xúc của bản thân và người bạn đời, tôi từng chứng kiến nhiều cặp đôi chia tay nhau trong dằn vặt và tiếc nuối nhưng không thể nào khác được, vì có thể một trong hai người không chấp nhận thay đổi một vài cá tính, hoặc thói quen sống để dung hòa hoặc làm đẹp lòng nhau. Dĩ nhiên tôi không muốn nói đến khái niệm “hy sinh quên mình” cho chồng con hay vợ con nhưng cuộc sống hôn nhân là thế, chúng ta không thể muốn làm gì thì làm, hoặc duy trì cách sống như thời còn độc thân.
Nhà văn Cấn Vân Khánh.
Được biết chị mới chuyển sang Mỹ sinh sống, người ta vẫn nhắc tới Mỹ như là một " thiên đường", đặc biệt người phụ nữ Mỹ, họ được bình đẳng, họ không hề bị ràng buộc bởi những quan điểm như "công dung ngôn hạnh", không bị đề cao "đức hi sinh", không mặc định phải có nghĩa vụ chăm sóc chồng con, chị có thấy phụ nữ Mỹ sướng hơn phụ nữ Việt chúng ta?
Tôi mới qua Mỹ nên chưa kịp cảm nhận hết thế giới phụ nữ ở xứ sở này, tuy nhiên theo quan sát của tôi, đa số phụ nữ Mỹ họ rất khỏe mạnh, năng động và lịch lãm. Hàng tuần đi mua sắm, tôi quan sát thấy họ cũng đảm đang như những người phụ nữ Á đông vậy, cũng tề gia nội trợ, chăm sóc con cái. Tôi xin nhấn mạnh là cuộc sống ở đây rất bận rộn và thời gian là vàng là bạc, nhưng có lẽ, họ cảm thấy vui vẻ khi thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ chứ không cảm thấy khổ sở vì phải cam chịu, hy sinh và nhận lấy sự thiệt thòi về mình. Dĩ nhiên, người Mỹ khá văn minh trong vấn đề tình cảm, phụ nữ độc lập về mọi mặt như tài chính và cảm xúc, thêm nữa họ được pháp luật bảo vệ nên việc ly hôn nếu có xảy ra cũng không đáng lo ngại như ở Việt Nam.
Năm nay là năm đầu tiên nhà văn Vân Khánh ăn Tết xa nhà.
Tết xưa thiêng liêng hơn Tết nay rất nhiều
Sắp đến Tết cổ truyền của Việt Nam rồi, và có lẽ đây là cái Tết xa nhà đầu tiên của chị? Cảm giác của chị trong những ngày này thế nào?
Xa quê hương tôi mới thấy những phong tục cổ truyền ngày Tết ở Việt Nam như hái lộc đêm giao thừa, xông đất, năm mới chúc nhau mới… thiêng liêng và quý báu đến nhường nào. Tôi mang tâm trạng thiệt thòi của một người con đang phải sống xa quê hương khi Tết sắp cận kề với cảm giác tiếc nuối… Tôi hiểu vì sao Việt kiều khắp nơi trên thế giới luôn cố gắng tìm cách bay về quê hương để ăn Tết cùng gia đình và người thân.
Ở nơi xứ người thì chắc là không thể nào có được một cái Tết trọn vẹn như khi ở nhà? Chị chuẩn bị Tết cho gia đình mình bên đó thế nào? Không khí đón Tết của cộng đồng người Việt ở Mỹ thế nào? Có rộn ràng như ở Việt Nam không?
Tôi đã chuẩn bị sẵn măng khô để nấu canh, thành phố San Jose tôi đang sống tập trung rất đông người Việt nên hầu như chẳng thiếu thứ gì, từ bánh chưng, hoa mai, quất cảnh, mứt tết… Khu nhà tôi ở đã có nhà đốt pháo mừng năm mới nên không khí cũng khá rộn ràng. Tuy nhiên, ăn tết ta ở Tây thì làm sao có thể bằng tại ngay chính quê nhà.
"Ăn tết ta ở Tây thì làm sao có thể bằng tại ngay chính quê nhà?"
Ngày xưa các cụ mình vẫn có câu "Tết nhàn Tết nhã", ý rằng Tết là khoảng thời gian chúng ta gác lại tất cả các công việc bận rộn trong năm, và để nghỉ ngơi thong dong trong mấy ngày Tết. Thế nhưng với phụ nữ Việt Nam đặc biệt những người đã làm vợ thì Tết có lẽ còn là thời gian bận rộn vất vả hơn, vì bao nhiêu công việc nhà đổ dồn lên đầu người phụ nữ, chị có từng lâm vào tình trạng như thế? Và chị đã làm gì để Tết trở nên dễ thở hơn?
Khi còn ở Việt Nam tôi sống với bố mẹ, nên mẹ tôi vẫn là người chủ đạo lo việc Tết nhất cho gia đình và tôi chỉ là người phụ trong việc mua sắm và nấu nướng. Trước Tết tôi và mẹ tôi luôn chuẩn bị sẵn thực đơn và liệt kê từng khoản từng việc phải chi tiêu cho ngày Tết nên dù có bận rộn thì vẫn thấy vui.
Nhiều người vẫn nói, Tết ngày xưa tuy không đầy đủ như bây giờ, nhưng lại cảm thấy vui và đầm ấm hơn bây giờ nhiều, chị có thấy như vậy không?
Bởi cuộc sống hiện đại đầy đủ, thậm chí dư thừa về vật chất nên với nhiều người, ngày nào cũng có thể là Tết, chứ tôi nhớ thế hệ chúng tôi cách đây 30 năm chỉ mong Tết đến để được xúng xính quần áo mới, được ngồi canh nồi bánh chưng đêm 30, được ăn những món ăn ngon… 3 ngày Tết qua đi mà tiếc ngẩn tiếc ngơ. Tôi thừa nhận rằng Tết ngày xưa thiêng liêng hơn bây giờ rất nhiều.
"Tết ngày xưa thiêng liêng hơn bây giờ rất nhiều".
Theo chị để có một cái “tết nhàn tết nhã” một cái tết thật sự vui vẻ đầm ấm, thì chúng ta nên làm gì?
Mỗi người có một quan niệm khác nhau trong chuyện ăn Tết, với người này thì việc mua sắm, trang hoàng, nấu nướng, thủ tục lễ nghi… trong gia đình là chuyện nhỏ, nhưng có thể với người khác lại là vất vả, rườm rà, tốn kém, tôi nghĩ quan trọng nhất là tinh thần phải vui vẻ, các thành viên trong gia đình từ già đến trẻ cùng nhau sắp xếp, chia sẻ công việc hợp lý để đem lại niềm vui cho nhau thì Tết mới vui. Không nhất thiết phải ăn Tết to thì mới là hạnh phúc.