Nhiều hệ lụy từ tình trạng thiếu chuyên nghiệp trong dịch văn học

10:01:00 31/10/2014
Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong việc giúp văn học Việt Nam bắt kịp với đời sống văn học thế giới, bằng việc dịch những cuốn sách bán chạy nhất cho đến những tác phẩm được các giải thưởng văn học có uy tín như Nobel, Goncourt, Booker, Pulitzer, nhưng các nhà nghiên cứu văn học đều khẳng định rằng: dịch thuật văn học ở Việt Nam đang tồn tại trong một giai đoạn tiền lý thuyết. Điều đó cũng dẫn tới tình trạng thiếu chuyên nghiệp và nảy sinh nhiều hệ lụy mà chúng ta đã và đang trải qua, khi tiếp cận mảng văn học không kém phần nhọc nhằn, phức tạp này.

Theo một khảo sát gần đây của dịch giả Đặng Anh Đào, tác giả bản dịch các tác phẩm của Balzac,Victor Hugo và nhiều truyện ngắn dịch từ tiếng Pháp như “Tuyển tập truyện ngắn Pháp thế kỷ XIX”, “Truyện ngắn phương Tây” thì: tại Việt Nam, lý thuyết vận dụng vào dịch thuật văn học Việt sang Pháp hầu như chưa có. Không có một trường đại học nào có bộ môn này.

Bà cũng cho rằng: Để có được một lý thuyết về dịch văn chương, ta cần phải có sự hỗ trợ của ít nhất là 2 môn lý luận khác: Văn học so sánh và Ngôn ngữ học. Nói như vậy để thấy hệ thống lý luận về dịch thuật đang thực sự thiếu trong nền văn học vốn được cho là có truyền thống lâu đời như Việt Nam.

Tiểu thuyết “Rừng Na Uy” của tác giả Haruki Murakami được dịch giả Trịnh Lữ dịch sang tiếng Việt năm 2006.

Ngay chính dịch giả Đặng Anh Đào - người được coi là có vốn kiến thức thâm sâu về văn học Pháp cũng đến với dịch thuật bằng con đường tự học. Từ bé, bà được học tiếng Pháp qua việc nghe và nhẩm theo những bài hát, hay đọc sách tiếng Pháp của cha. Đến với công việc đầy khó khăn này, với bà chỉ là bởi niềm say mê, yêu thích. Bà cũng chia sẻ: Trước khi đến với công việc này, bà cũng không được tiếp cận một lý thuyết dịch nào.

Cũng đồng quan điểm với PGS TS Đặng Anh Đào, TS Phạm Xuân Thạch, Phó trưởng Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng khẳng định: Trong khi tại Việt Nam, việc nghiên cứu dịch văn học đang ở trong giai đoạn sơ khởi, thì trên thế giới dịch thuật nói chung và dịch văn học nói riêng đã trở thành một đối tượng nghiên cứu thu hút sự quan tâm của nhiều nhà lý thuyết. Do vậy, “cần có một hệ thống lý thuyết để chúng ta nhìn ra được thế nào là dịch đúng, chứ không chỉ dựa trên cảm tính. Chúng ta phải có khung nhận thức lý tính mới có thể thay đổi được nhận thức của độc giả”.

Thiếu một hệ thống lý thuyết tất yếu sẽ dẫn tới tình trạng không chuyên nghiệp của một nền văn học dịch. GS.TS Lê Huy Bắc - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tác giả bản dịch “Ông già và biển cả” của nhà văn Mỹ Hemingway cho rằng: “Ở Việt Nam, sẽ chẳng tìm thấy một dịch giả nào sinh nghề tử nghiệp đúng nghĩa với dịch thuật, cho dù đó có là dịch văn học hay dịch khoa học, tài liệu nói chung. Phần lớn những người dịch chỉ tham gia công việc này một cách miễn cưỡng, hoặc chỉ vì một tình thế ép buộc nào đó mà họ phải làm. Hoặc nếu nhìn theo hướng lạc quan hơn thì việc dịch đối với nhiều người chỉ là “cơn bốc đồng nghệ thuật”.

Cũng theo nghiên cứu của GS Bắc thì tại Việt Nam, trong những người làm công việc dịch thuật hiện nay nổi trội lên hai nhóm: những người trẻ cần danh (hoặc cần một khoản tiền để nuôi sống mình trong lúc mưu cầu việc khác nhiều tiền hơn). Tất nhiên trong số này cũng có một số người “bốc đồng nghệ thuật”. Bên cạnh đó là những tri thức về hưu, những người còn đau đáu, tâm huyết với cuộc đời. Ví dụ như dịch giả Trịnh Lữ, người chuyển dịch hầu hết các tác phẩm của Paul Auster và một số kiệt tác khác sang tiếng Việt như: Rừng Na Uy (Haruki Murakami) hay “Đại gia Gasby” (Scott Fitzgerald)… trong khoảng từ ba, bốn năm trước, thì giờ đây gần như đã vắng bóng. Hay trường hợp các nhà giáo Lê Hồng Sâm, Đặng Thị Hạnh, Đặng Anh Đào… công việc dịch sách kéo dài gần như suốt cuộc đời nghiên cứu và giảng dạy của các bậc thầy này. Đương nhiên, việc dịch không phải là nghề chính của họ và cũng không phải là cách để họ kiếm tiền. Về cuối đời, các nhà giáo này vẫn mải mê dịch, ắt chỉ là “cuộc chơi quý tộc của các bà” với tác phẩm kinh điển của nhà văn Pháp Marcel Proust “Bên phía nhà Swan” nhằm giúp công chúng tiếp cận được với tri thức quý giá của nhân loại mà thôi.

Tình trạng thiếu chuyên nghiệp của dịch văn học còn thể hiện ở sự chênh lệch thị hiếu thẩm mỹ, khi những tác phẩm kinh điển lại chưa thực sự hấp dẫn và cuốn hút độc giả bằng những cuốn sách truyện ngôn tình, đam mỹ, được du nhập hầu hết từ Trung Quốc. Bằng chứng là tại các hội sách, lượng sách ngôn tình tiêu thụ mạnh hơn so với những tác phẩm văn học kinh điển. Nhiều đơn vị làm sách cũng coi mảng truyện ngôn tình là mảng đem lại nguồn thu tốt. Một bạn học sinh Trường Trung học phổ thông Phan Đình Phùng khi cầm trên tay cuốn sách vừa mua là “Hủ nữ gaga” đã lý giải: “Vì chính xác em là hủ nữ (những người ngưỡng mộ tình yêu đồng tính nam với nam) và em mua cả cuốn “Đừng chết vì yêu” vì em thích chị Mèo Xù (tên tác giả). Hai bạn con trai yêu nhau, thì chúng em thường theo dõi và ủng hộ”.

TS Nguyễn Thị Thu Hiền- Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, người có nhiều năm nghiên cứu về sự du nhập của văn học Trung Quốc vào Việt Nam cho biết: “Trong giai đoạn thứ 3 của sự du nhập văn học Trung Quốc - từ đầu năm 90 của thế kỉ trước, thì khái niệm “tình dục” là định vị đại chúng, tức là hướng tới độc giả đại chúng nhiều hơn. Nó chi phối và lấn át rất nhiều so với định vị văn học sử - tức là định vị mang màu sắc của nghiên cứu, học thuật nhiều hơn. Tất nhiên, đối tượng dịch giả cũng đã khác. Nếu như trước đó, những dịch giả đồng thời là những nhà nghiên cứu thì đến nay, dịch giả vì yêu thích, sở thích cá nhân tham gia dịch nhiều hơn”.

Cũng theo TS Nguyễn Thị Thu Hiền thì hiện nay, sự phát triển của dịch thuật đã đến mức độ tràn lan. Văn học thị trường lấn át văn học trong giới học thuật vốn đề cao những tác phẩm có giá trị về mặt nghệ thuật, thẩm mỹ. Truyện ngôn tình chính là một trào lưu như thế. Và mục tiêu cao nhất của bộ phận văn học này là làm thế nào để tiêu thụ với số lượng lớn nhất

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1