Không thể nói người trẻ quay lưng với "văn hóa đọc"

10:40:00 22/10/2014

Mấy năm gần đây, không ít người bày tỏ lo ngại trước thực trạng văn hóa đọc của người Việt dường như đã bị "hiện đại hóa" cùng với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Không chỉ tầng lớp trung niên, thanh thiếu niên lên mạng xem tin tức, mà kể cả trẻ nhỏ 5, 6 tuổi cũng nhoay nhoáy điều khiển "chuột" để "Bùm! Bùm! Chát!". Dường như sự bùng nổ của văn hóa mạng khiến cho càng ngày càng ít người quan tâm tới sách hơn...

Sự nhộn nhịp của "Hội sách Hà Nội 2014" cho thấy, bạn đọc không quay lưng với sách và "văn hóa đọc".

"Hội sách Hà Nội năm 2014" tại khu di tích lịch sử Hoàng Thành Thăng Long là sự kiện lần đầu tiên được Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội tổ chức. Có mặt tại đây trong những ngày cuối, chúng tôi thật sự sững sờ trước dòng người đang xếp hàng dài chờ đến lượt mua sách. Theo ghi nhận của chúng tôi, trong tất cả 112 gian hàng của 45 nhà xuất bản và công ty sách trên cả nước hôm ấy, quầy sách của Nhà xuất bản Trẻ, Công ty Cổ phần Sách Bách Việt, Nhà sách Đông Tây, Nhã Nam... thu hút nhiều khách tham quan nhất. Có lẽ, một phần do sách giảm giá từ 10-50%, đặc biệt có sách giảm 90%, phù hợp với nhu cầu của người đọc nên thu hút nhiều người ở mọi lứa tuổi, nhất là các bạn trẻ đến mua.

Đối lập với không khí nhộn nhịp của những quầy sách nêu trên, quầy sách của Nhà xuất bản Sự Thật lại khá vắng khách. Chỉ có một số người đứng tuổi quan tâm tới quầy sách này, trong khi rất ít người trẻ tìm đến. Liệu có phải lớp trẻ ngại đọc những vấn đề về thời sự, chính trị? Người dân cả nước chắc không thể quên, ngày 12-10-2013, ở Hà Nội, trong lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, biểu hiện của những người trẻ làm chúng ta xúc động.

Trong dòng người nối dài xếp hàng vào viếng Đại tướng, có rất nhiều bạn trẻ trên tay cầm một bông hoa, xếp hàng trật tự, ngay ngắn và kiên nhẫn đợi đến lượt mình. Tôi cũng đã rưng rưng nước mắt trước một nhóm các bạn trẻ ăn mặc lịch sự, chỉnh tề, chắc mới đi xa về, không kịp xếp hàng vì sắp hết giờ viếng, đã giơ cao ảnh của Đại tướng và khóc.

Nhìn vào kho tàng lịch sử văn học Việt Nam, ông cha ta từ cuối thế kỷ XIII đã có "Hịch tướng sỹ" của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, kêu gọi lòng yêu nước của toàn dân, đoàn kết đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông. Hay bài "Bình Ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi ở đầu thế kỷ XV được coi như một bản tuyên ngôn độc lập, tổng kết báo cáo với toàn dân về cuộc kháng chiến vĩ đại của nhân dân ta đánh thắng quân xâm lược nhà Minh dưới triều đại vua Lê Lợi.

Trong văn học đầu thế kỷ XX, những nhà văn hiện thực nổi tiếng thời đó đã có những tác phẩm tái hiện để bạn đọc thấy, dưới sự đô hộ của thực dân Pháp, nhân dân ta đã sống cơ cực như thế nào. Và tại sao dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, quân và dân Việt Nam đã làm nên một Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Hai cuộc kháng chiến vĩ đại đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của nhân dân Việt Nam, chúng ta không bao giờ quên những nhà văn, nhà báo đã trực tiếp ra chiến trường để ghi nhận và chuyển tải tới công chúng sự hy sinh cao cả của quân và dân ta.

Nhiều nhà văn, nhà báo đã ngã xuống, nhưng những tác phẩm văn học, báo chí của họ đã thực sự khơi dậy lòng yêu nước quả cảm của cả dân tộc. Gần đây nhất là sự kiện "dậy sóng" ở Biển Đông, cho thấy những người trẻ khắp nơi không thờ ơ với tình hình chính trị, với vận mệnh của đất nước. Những phóng viên trẻ ra tận "vùng chiến sự" để tác nghiệp, viết và quay những thước phim chân thực, kịp thời nhất, qua đó làm dấy lên tinh thần yêu nước vốn có sẵn trong mỗi người dân Việt. Để rồi, mỗi người sẽ thể hiện tình yêu đó theo những cách của riêng mình, tạo nên một sức mạnh tổng hợp. Và qua những thước phim, bài báo chân thực như vậy đã giúp cho bạn bè trên thế giới hiểu rõ và ủng hộ lòng yêu nước, yêu hòa bình của nhân dân Việt Nam.

Như vậy, có thể nói, những thông tin hữu ích, có giá trị từ sách, báo, phương tiện truyền thông đã đóng góp phần rất lớn không chỉ cho sự hiểu biết thời sự, chính trị, những vấn đề đang đặt ra của đất nước, mà còn tạo nên "văn hóa đọc" của con người. Qua những minh chứng trên cho thấy, rõ ràng, những người trẻ không hề thờ ơ với những vấn đề chính trị, thời sự.

Vấn đề đặt ra cho những người có trách nhiệm là cần "gạn đục, khơi trong", làm thế nào để hạn chế bớt những tờ báo có quá nhiều tin giật gân, hay có những sự việc cỏn con mà đưa tin ầm ĩ. Người dân xem nhiều quá hóa quen nên "nghiền", mua nhiều càng kích thích các báo viết nhiều tin, bài "giật gân" để tăng số lượng phát hành. Đành rằng, xem những thông tin đó cũng là đọc, nhưng đọc mất định hướng càng làm cho xã hội thêm hoang mang.

Từ những giá trị nhân văn mà báo chí, truyền thông và văn học đích thực mang lại cho con người qua những minh chứng nêu trên và quay trở lại những điều nhận thấy từ "Hội sách Hà Nội năm 2014", chúng tôi vui mừng với ý nghĩ, sách chưa thực sự bị lãng quên và bạn đọc không quay lưng hay thờ ơ trước những vấn đề thời cuộc... Điều còn lại phụ thuộc nhiều vào tính định hướng của những người "làm chủ" thông tin.
Khánh Ngọc

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1