Dịch vụ cầm đồ đang nở rộ như nấm gặp mưa. Tại Hà Nội, các phố Đặng Dung, Đườ ng Láng, Bạch Mai, Phùng Hưng , La Thành, Vọng, Lương Thế Vinh... cửa hàng cầm đồ mọc lên san sát. Theo ước tính của các cơ quan chức năng, Hà Nội có đến vài nghìn cửa hàng cầm đồ .
Vì sao chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, dịch vụ cầm đồ lại phát đạt v à bành trướ ng đến thế? Đằng sau những tấm biển cửa hàng cầm đồ thực chất hoạt động những gì?
"THẾ GIỚI" CHO VAY NẶNG LÃI...
"Thái xăm" là một anh chị được biết tới như người biết điều hay lẽ phải trong giới giang hồ. Đôi lúc Thái làm trọng tài can thiệp vào những vụ đâm thuê, chém mướn. Với vóc dáng lực lưỡng, hai cánh tay xăm hai con rồng lửa đỏ loẹt. Thái được "nể mặt" bởi có nhiều "chiêu thức"; kể cả khi cần thì dùng đao búa để dằn mặt đối thủ trong một số vụ đòi nợ thuê. Sự phân công trong "xã hội đen" rút cục ai cũng có việc làm.
Vừa trả án 18 tháng tù tại Trại giam ở Suối Hai (Ba Vì) về tội tàng trữ vũ khí quân dụng trái phép, Thái trở về với đời thường và sống hoàn lương với nghề kinh doanh nội thất ô-tô... Ở thời buổi kinh tế khó khăn, khách sắm đồ chơi ô-tô cũng vãn. Nhân rảnh rang, Thái tâm sự: Em như vừa qua ác mộng bởi không ít lần phải đổ máu để "ôm hàng" (tài sản trừ nhà) ép con nợ của "tổng cầm đồ uy tín" buộc "nôn tiền".
Tôi hỏi: "Cầm đồ uy tín là thế nào?". Như cái băng bật sẵn, Thái rành rọt: "Mở cửa hàng cầm đồ đâu chỉ có cầm đồ. Vậy mới có cầm đồ uy tín là không cần giấy tờ vẫn được vay. Giao dịch và thỏa thuận chỉ bằng lời.
"Nhất ngôn cửu đỉnh" theo "luật chơi ác nghiệt" kiểu "xã hội đen". Người vay phải chịu mức lãi suất trên trời. Một triệu đồng được tính lãi 10.000 đồng/ngày, gần bằng cả tháng lãi ngân hàng. So với dịch vụ vay thông thường, mức lãi chỉ bằng 1/5. Chủ cửa hàng cầm đồ thường có quan hệ khá là "bát ngát" với "đấng khách hàng" vì có cả mạng lưới "cò vay" bắt mối với người có nhu cầu vay nóng. Việc cho vay nhiều hay ít được nghiên cứu "tinh vi" lắm.
Chủ còn tính đến cả phương án vay không trả thì có ngay cả tá "quân khu" xăm trổ, dao gậy đến tận nhà răn đe và ép trả - nếu không được thì "bắt đồ". Đằng sau nhiều cửa hàng cầm đồ là "tổng trên" giấu mặt và bơm tiền để cửa hàng thực hiện dịch vụ cho khách vay và bảo kê khi có "sự cố".
Rít mạnh điếu thuốc 555, Thái kể về "chiêu" kinh doanh tiền "nghênh ngang" phổ biến của cửa hàng cầm đồ. Thường gọi là "bốc họ". Đây là cách cho vay nặng lãi mà người vay phải trả tiền gốc hằng ngày hoặc hằng tuần, hằng tháng tùy theo gói vay.
Thí dụ, người vay mười triệu đồng thì chủ cho vay lấy lãi trước hai triệu đồng chỉ đưa tám triệu và người vay hằng ngày trả 200 nghìn đồng trong vòng 50 ngày. Người vay trả gốc hằng ngày nên thực tế lãi suất lên đến 20 - 30 %/tháng. Giới cầm đồ cho rằng, vay lãi cách này là rất "ổn" bởi an toàn và vòng vốn quay nhanh.
Cách tính lãi suất chỉ thỏa thuận bằng miệng, không bằng văn bản thì chênh lệch về lãi suất giữa thực tế và quy định chung của Nhà nước là hiển nhiên. Cán bộ ngành thuế thì "bó tay khi tính thuế cho các cửa hiệu cầm đồ này. Những biến tướng cho vay kiểu này thật "quái chiêu", dân "cầm cố" không có cơ sở pháp lý để kiện tụng.
Theo chỉ dẫn của "Thái xăm" về "bản đồ" các hiệu cầm đồ ở Hà Nội thì một "địa chỉ đỏ" là phố Đặng Dung (Ba Đình). Nơi này "hàng cắm đẳng cấp" và thủ tục "mau, lẹ", không cần bất cứ một loại giấy tờ gì, miễn là có đồ thế chấp.
Tôi đến đây lúc trời chạng vạng chừng 6, 7 giờ tối, thời khắc cao điểm của hoạt động cầm đồ trước và sau giờ công bố kết quả xổ số. Bà chủ cửa hàng chừng 30 tuổi, mặt bự son phấn, mắt sắc như dao tiếp chuyện khi được Thái giới thiệu tôi là chiến hữu: "Hôm nay đông quá, ôm cả chục con Dylan rồi, chưa kể hàng trăm điện thoại di động đấy!".
Hôm sau, Thái dẫn tôi đến phố Lương Thế Vinh, nơi giới sinh viên coi là "thánh địa cầm đồ", ngay cạnh là hàng loạt trường đại học. Con phố chỉ dài mấy trăm mét mà có tới hàng chục tiệm cầm đồ.
Ở đây, khách có thể "cắm" đủ loại, từ thắt lưng, ví da... 50-100 nghìn đồng, xe đạp 100-150 nghìn..., tới các mặt hàng cao cấp. Hầu hết các chủ cầm đồ đều chỉ sử dụng tích kê ghi địa chỉ, số tiền vay một cách đơn giản, bỏ qua hợp đồng pháp lý - khế ước, phiếu cầm đồ.
Nhác thấy một thiếu nữ trẻ dáng vẻ sinh viên vừa ở hiệu cầm đồ bước ra, tôi bắt chuyện. Nữ sinh trẻ gốc Thanh Hóa thổ lộ: "Em có con Iphone cũ để đặt là còn may, chứ bạn em đặt cả thẻ sinh viên, thậm chí các anh chị mới ra trường, sau khi nhận bằng tốt nghiệp, còn "cắm" cả bằng cử nhân để trả tiền nhà trọ chờ tìm việc. Thẻ sinh viên, bằng tốt nghiệp đại học đem đi "cắm" có giá cũng phụ thuộc vào yếu tố "thương hiệu" của trường. Nếu trường càng nổi tiếng thì càng dễ được vay nhiều". Đúng là trăm cửa hàng, nghìn kiểu kinh doanh.
Tìm hiểu mấy cửa hiệu cầm đồ gần đó, điều dễ thấy tại những cửa hàng cầm đồ như thế là đồ cầm cố thường chỉ được định giá khoảng 50 - 70% giá trị. Phần lớn hết thời hạn vay (thông thường là mười ngày), khách không đến gia hạn thì số tài sản cầm cố nghiễm nhiên thuộc về chủ cầm đồ. Đấy còn chưa kể nhiều chủ hiệu khi gặp "gà" (người vay thiếu kinh nghiệm) mặc sức dìm giá tài sản và đưa ra lãi suất ngất ngưởng (từ 3.000 đ lên tới 10.000đ/ một triệu đồng/ một ngày vay).
KHÓ QUẢN LÝ HAY THẢ LỎNG QUẢN LÝ?
Đồng chí T.N, điều tra viên của Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về tệ nạn xã hội, Công an TP Hà Nội cho biết: "Năm nào chúng tôi cũng phải thụ lý nhiều vụ học sinh, sinh viên trộm cắp, cướp giật đồ mang đi "cắm" lấy tiền ăn chơi.
Điển hình là vụ đối tượng Lê Anh Tạo, sinh viên Trường cao đẳng Công nghệ Kỹ thuật Thái Nguyên dùng dao cướp xe ôm vào đầu năm ngoái. Hiện nay, có nhiều vụ trọng án xảy ra mà tang vật vụ án được lực lượng phá án thu từ cửa hàng cầm đồ. Điều này cho thấy nhiều cửa hàng cầm đồ là nơi kẻ gian tiêu thụ những đồ vật phi pháp...
Rõ ràng dịch vụ cầm đồ đang bị thả nổi ! Nhiều tài sản cầm cố lãi suất cao chỉ được hai bên thỏa thuận bằng lời, giấy tờ xác nhận cầm cố tài sản không đúng với mẫu quy định, không ghi lãi suất, vì thế khó phát hiện và có biện pháp xử phạt hợp lý".
Để tìm hiểu quy trình cấp phép và phương thức quản lý cửa hàng cầm đồ, chúng tôi tìm đến Phòng Kinh tế quận TX. Đồng chí Đ.H, Phó phòng ái ngại: "Nhà báo chớ đưa tên tôi vào bài viết nhé. Anh biết đấy, thủ tục mở một cửa hàng kinh doanh cầm đồ đơn giản chẳng khác với các hộ kinh doanh hàng tiêu dùng là bao.
Chỉ cần đến phòng hành chính một cửa cấp quận, huyện sẽ được hướng dẫn cụ thể. Dịch vụ kinh doanh này nằm trong phạm vi điều chỉnh của Điều 326 đến 341 Bộ luật Dân sự, với các quy định pháp luật về quyền, nghĩa vụ của bên cầm cố và bên nhận cầm cố. Trên thực tế các giao dịch tại cửa hàng cầm đồ đâu có thực hiện theo các điều luật này.
Nếu chiểu theo mục 4 và 6, Điều 19, chương VI của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 3-4-2012 về hoạt động quản lý kinh doanh vàng thì thấy hầu hết cửa hàng cầm đồ đều vi phạm nghiêm trọng nghị định này: "Khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép và Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép".
Vì sao nhiều cửa hàng cầm đồ "lách luật" hợp thức hóa "kinh doanh tiền" bất hợp pháp nhưng lại nằm ngoài quyền kiểm soát của các cơ quan chức năng? Dường như chúng ta đang thiếu chế tài pháp luật nghiêm khắc, sát thực tế để có thể điều chỉnh loại hình kinh doanh nhạy cảm này.
Theo nhận xét của luật sư P.T ở Đoàn Luật sư Hà Nội: "Thực tế một lượng lớn dòng tiền đang "chảy" vào kinh doanh cầm đồ, nơi mà các hoạt động "tín dụng đen" dễ "nảy mầm". Đây cũng là sự "lãng phí" nguồn tiền để phát triển kinh tế nước nhà đang "trôi nổi" ngoài ngân hàng, quỹ tín dụng,...
Nên chăng Nhà nước cần có phương thức mở rộng phạm vi hoạt động của ngân hàng ở lĩnh vực kinh doanh cầm đồ? Các cơ quan quản lý, các cấp chính quyền địa phương cần sớm tìm kiếm biện pháp hữu hiệu quản lý "dòng tiền" kinh doanh cầm đồ để phát huy các mặt tích cực của nó, góp phần ngăn chặn mầm mống gây mất trật tự an ninh xã hội và những hoạt động phi pháp núp sau tấm biển "Dịch vụ cầm đồ".