Nhiều vùng “đói” sách
17:16:00 02/01/2015
(CATP) Nông thôn “đói” sách các loại, trẻ em thiếu thông tin về các đầu sách mới xuất bản, còn người lớn lại thờ ơ với việc đọc sách... khiến văn hóa đọc đang dần lâm vào tình cảnh lụi tàn. Đó là thực trạng chung của hầu hết các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện nay.
CHỈ CÓ SÁCH GIÁO KHOA
Ngoài những bộ sách giáo khoa (SGK) các em học sinh bắt buộc phải học ở trường, phần lớn các tiệm sách bán lẻ, văn phòng phẩm thôn quê chỉ có những đầu sách phục vụ việc tăng “thành tích” trong sổ liên lạc. Dạo quanh các trường học, chỉ lác đác vài tiệm cho thuê sách nhưng chủ yếu vẫn là thể loại truyện tranh. Phải nói là rất hiếm để tìm thấy những đầu sách về kỹ năng sống, văn hóa, phát triển tư duy... cho những “cánh chim non” này.
Theo chân một tổ chức thiện nguyện mang sách về trường tiểu học ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, chúng tôi nhận thấy khi được cầm những quyển sách đầy màu sắc về thế giới muôn loài, khám phá thế giới bằng tranh... thì vẻ thích thú hiện rõ trên khuôn mặt từng em. “Đây là lần đầu tiên em được đọc sách đẹp như vầy. Bài này hay quá cô ơi. Ở đây chúng em chỉ có SGK đọc thôi à”, Trâm Anh - học sinh lớp 5 háo hức nói. Các em vui vì trường học có tủ sách trong mỗi lớp học, được xem nhiều loại sách mới. Sâu thẳm trong tâm hồn, các em vui vì được tiếp cận một loại hình mới - văn hóa đọc - loại hình chẳng mấy được chú trọng cho các em ở nông thôn. Phải chăng vì người lớn đặt điểm số lên hàng đầu, chạy theo thành tích “ảo” khiến các em quay cuồng với bài tập mà quên đi văn hóa đọc?
Điểm đọc báo ấp Tân An luôn vắng bóng độc giả
Trong tủ sách của em Kim Ngân (HS lớp 9 Trường THCS Vĩnh Thạnh, tỉnh Đồng Tháp), ngoài SGK, giải bài tập thì chỉ có vài cuốn truyện Conan, Doremon đã nhàu nát, cũ kỹ, bạc màu. Khi chúng tôi hỏi em có thích đọc sách không? Ngân đượm buồn: “Em thích lắm nhưng mà ở đây toàn bán sách để học thôi. Muốn mua những loại sách khác phải tới TP.Long Xuyên, An Giang hoặc qua TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp. Mà mấy nơi đó xa lắm, phải qua phà, ba mẹ em không cho đi”.
Chúng tôi tìm và trao đổi với những học sinh lớp 12 để hỏi về việc đọc sách, các câu trả lời đều na ná như nhau: “Bài học quá nhiều nên chúng em chẳng có thời gian đọc sách. Vả lại, ngoài SGK cũng chẳng có sách gì để mà đọc. Chán lắm!”. Đi qua nhiều trường học nông thôn, chúng tôi thấy rất ít những tiệm sách nhưng lại rất nhiều tiệm game, bida,... mà “khách hàng thân thiết” là những cô, cậu học trò. Gần đây lại xuất hiện thêm dịch vụ game bắn cá thu hút rất đông bạn trẻ tìm đến “nghênh chiến” quên thời gian.
Chúng tôi dừng xe vào một quán nước lề đường ven Quốc lộ 30 (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) vào những ngày cuối tháng 12. Phía sau quán có bốn bàn bida đặt cạnh nhau. Tại đó, sáu em mặc đồng phục học sinh đang “quyết đấu”, miệng không ngớt chửi thề. Điều làm chúng tôi ngạc nhiên hơn cả là trong nhóm còn có một em gái đang chăm chú nhìn bạn bè chơi. Thấy đồng hồ điểm 14 giờ - trong tiết học, vậy mà nhóm học sinh vẫn còn say sưa với trò chơi chưa muốn rời khỏi cuộc vui. Lấy làm ngạc nhiên, chúng tôi hỏi chủ quán. Cô thản nhiên nói: “Có gì lạ đâu, ngày nào mà tụi nó không trốn học đến đây chơi”.
Khi hỏi về tương lai, dự tính nghề nghiệp, em Nghĩa (HS lớp 12, Trường THPT Lấp Vò 1) suy nghĩ một lúc rồi nói: “Em tính thi khối B, học cái gì về nông nghiệp”. “Vậy em tìm hiểu kỹ về ngành nghề đó chưa?”. Nghĩa lo lắng: “Em cũng chưa biết chị ơi. Chúng em chỉ có cuốn sách Những điều cần biết về tuyển sinh để tham khảo rồi chọn ngành, chọn trường. Ở đây mấy bạn khác cũng vậy, học đến đâu thì mình tính đến đó”. Có lẽ chính vì vậy mà có rất nhiều bạn trẻ ở nông thôn đã chọn sai ngành, dang dở ước mơ cử nhân nhiều năm.
Cả buổi chiều, chỉ thấy một độc giả tại thư viện tỉnh Kiên Giang
Trong những lần về miền Tây, chúng tôi quen Quang Minh (20 tuổi, đang là sinh viên năm nhất của một trường cao đẳng ở Cần Thơ). Năm 18 tuổi, Minh chọn vào Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ngành Công nghệ thông tin nhưng bị trượt. Năm sau, Minh thi tiếp vào trường cũ nhưng may mắn vẫn không đến nên em xin xét vào học hệ cao đẳng. Thế nhưng, sau một năm “cày bừa”, Minh nhận ra bản thân không thích hợp với bộ môn này nên quyết tâm ôn thi lại. “Bây giờ em đang học về trồng trọt. Em thấy mình thích hợp với ngành nông nghiệp hơn”, Minh nói.
Chính vì thiếu thông tin nghề nghiệp, định hướng tương lai mà nhiều sinh viên đã phải dang dở ước mơ cử nhân trong nhiều năm liền trước khi chọn cho mình một ngành nghề phù hợp. Trong số đó, không ít những sinh viên quyết theo đuổi đến cùng thì... thất nghiệp do không đáp ứng yêu cầu công việc. Đến cuối năm 2014, có khoảng 162.400 cử nhân thất nghiệp, chủ yếu là những cử nhân xuất thân từ nông thôn. Đó là chưa kể đến những cử nhân phải giấu bằng đại học làm công nhân để trang trải cuộc sống. Điều đó một phần do các vùng nông thôn hiện nay đang thiếu trầm trọng những loại sách kỹ năng, văn hóa, hướng nghiệp... khiến các em bước nhầm vào cánh cửa tương lai.
MẤT DẦN THÓI QUEN ĐỌC SÁCH
Về nông thôn, rất dễ nhận thấy không chỉ học sinh “đói” sách mà nông dân cũng thiếu sách để đọc và họ cũng không mặn mà với loại hình văn hóa này. “Đọc sách để làm gì, sách đâu mà đọc?” là những câu hỏi mà người nông dân thắc mắc với chúng tôi. Dù thời gian qua ở những vùng nông thôn triển khai nhiều mô hình, “Cà phê khuyến nông”, “Tủ sách nông thôn”,... nhưng khi chúng tôi hỏi địa chỉ thì mọi người đều lắc đầu.
Chạy ven bờ sông Sáng Lớn (ấp Tân An, xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò), chúng tôi phát hiện một điểm đọc báo của ấp. Đó là một căn nhà mái tôn chưa tới 10m2, trống trước hở sau nằm cạnh bờ sông. Trong căn nhà chỉ có vài tờ báo cũ treo lơ lửng trên một sợi dây nhựa, có một cái bàn nhưng không có ghế, xung quanh là những bao tải đựng lá khô, củi khô. Những người dân xung quanh cho biết: “Ở đây chúng tôi chỉ xem thời sự trên truyền hình, đọc báo, đọc sách làm gì chứ. Chẳng ai đến đó đọc báo đâu mà hỏi”.
Năm 2012, Nhà văn hóa (NVH) xã Cô Tô (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) được giao cho một công ty thuê chứa hàng vật tư. “Bây giờ chúng tôi đã lấy lại để sửa sang phục vụ nhu cầu đọc sách cho bà con”, Lê Kim Ngọc Sương - cán bộ Văn hóa xã hội xã Cô Tô cho biết. Nhà văn hóa xã hiện đang xuống cấp, cũ kỹ, cỏ mọc kín lối, chưa có bảng hiệu. Bên trong hầu như chưa có bất kỳ cơ sở vật chất nào phục vụ cho việc đọc sách. Tủ sách của NVH xã hư hỏng nặng, lộn xộn, tủ không có cửa. Đếm hết tủ sách tại NVH, duy chỉ có 206 cuốn sách, chủ yếu là những sách được tặng biếu, không thu hút được độc giả.
Ghé vào thư viện tỉnh Kiên Giang một buổi chiều giữa tháng 12-2014, chúng tôi chỉ thấy một cậu bé đang chăm chú đọc truyện tranh Fabre - NXB Kim Đồng. Thư viện yên ắng đến lạnh lùng. Bà Phương Mỹ Hương - Giám đốc thư viện tỉnh Kiên Giang - cho biết: “Ở đây chủ yếu chỉ có những cán bộ hưu trí đến tìm đọc sách. Họ thường đến đọc tại chỗ những loại như: báo, tạp chí, sách giải trí... Còn thể loại sách văn học thường mượn đem về nhà đọc cho tiện”. Hiện tại thư viện có trên 90.000 bản sách, trong đó các đầu sách về khoa học kỹ thuật chiếm 20%; chính trị xã hội chiếm 30%; văn học chiếm 15%; thiếu nhi 10%; lịch sử 20%... Mặc dù năm nay thư viện làm được khoảng 100 thẻ thành viên mới nhưng chúng tôi ngồi ở thư viện gần hai tiếng vẫn không thấy bóng dáng độc giả nào.
Chúng tôi về huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) tìm mãi mà không mua được một tờ báo mới. Hỏi người dân địa phương thì được biết: “Khu vực này không chỗ nào bán báo đâu, khỏi tìm mất công. Muốn mua ra thị xã mới có”. Trần Minh Dương - cán bộ Tư pháp xã Thường Phước 1 cho hay: “Xã có một tủ sách đặt ở nhà văn hóa, có tổng cộng 259 đầu sách, chủ yếu là các loại sách về luật do Bộ Tư pháp gửi về hằng năm”.
Thực tế cho thấy, nếu không có những biện pháp cụ thể chấn chỉnh “Tủ sách nông thôn” ngay từ bây giờ thì rất có thể văn hóa đọc ở nông thôn sẽ bị xóa sổ trong tương lai.
|
cô tô, học sinh, đọc sách, tủ sách, vĩnh long, nông thôn, kỹ năng sống, đọc báo, tân an, thư viện, sách giáo khoa, đầu sách, văn hóa đọc, cử nhân, Đồng tháp, Đồng bằng sông cửu long
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
|
- Robot sẽ thay con người viết sách?
Sáng tác sẽ sớm không còn là lĩnh vực riêng của con người. Trong tương lai, robot có thể thực hiện tốt công việc này, nhất là khi khả năng tưởng tượng của chúng là vô hạn.
- Trung Quốc "săn" CEO từ thung lũng Silicon
Các công ty ở Silicon Valley có lẽ sẽ phải có những quyết sách hay ho để giữ được CEO của mình trước cám dỗ từ Trung Quốc.
- Những cuốn truyện gia đình đi cùng năm tháng
"Không gia đình", "Hoàng tử bé", "Tâm hồn cao thượng"... là những cuốn sách về chủ đề gia đình nổi tiếng thế giới.
- 'Lưới điện tử thần' của Jeffery Deaver đến Việt Nam
Lưới điện tử thần là cuốn thứ 9 trong sê-ri tiểu thuyết trinh thám ly kỳ của Jeffery Deaver, khắc họa nhân vật Lincoln Rhyme – nhà hình sự học bị liệt tứ chi, trước đó là sĩ quan Sở Cảnh sát New York.
- Sách hay nên đọc: Trên đường băng
Tony buổi sáng mang đến cho độc giả những bài viết hài ước, tinh tế, sinh động và đầy thiết thực.
- 'Đừng bao giờ xa em', ái tình át vía đạn bom
Tiểu thuyết Đừng bao giờ xa em (NXB Thời đại, 8/2015) của Margaret Pemberton không lụy tình hoặc tràn ngập những cảnh nóng.
- Thiếu Lâm tự và sự thật bí kíp tuyệt học Dịch cân kinh
Trong các tiểu thuyết võ hiệp, Dịch cân kinh và Tẩy tủy kinh là những bí kíp mà cả võ lâm đều sẵn sàng đổ máu, tốn mưu tranh đoạt. Nếu như Dịch cân kinh được mô tả có thể giúp hoán chuyển kinh mạch, phát dương nội công, thì Tẩy…
- Tác giả 'Totem Sói' đoạt giải của Mông Cổ: Xóa tan quan điểm tiểu thuyết là sự 'lừa gạt văn hóa'
Nhà văn Trung Quốc Khương Nhung, tác giả tiểu thuyết ăn khách Totem Sói (Wolf Totem), đã được trao giải Bichgiin Mergen của Hiệp hội các nhà văn Mông Cổ Thế giới, ở thủ đô Ulan Bator.
- Hậu vận nặng nề của một “thiên tài lười”
SKĐS - Nhà văn cổ điển Pháp Guy de Maupassant (1850-1893) được coi là một trong những tác giả lãng mạn nhất trong lịch sử văn học thế giới.
- Sao Việt bị soi mói chuyện tình: Khổ vì truyền thông ưu ái
Tuần qua, câu chuyện tình yêu của hoa hậu Đặng Thu Thảo được đăng tải trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội khiến công chúng ngỡ như đọc tiểu thuyết ngôn tình. Được dư luận quan tâm là điều may mắn của sao, nhưng đến…
|
Hôm nay: |
1 |
Tháng : |
1 |
Năm : |
1 |
|