Xuất khẩu gỗ 2014: Thắng lợi cầm chừng

07:47:00 30/12/2014
(HQ Online)- Với giá trị XK ước đạt 6,2 tỷ USD, 2014 là một năm nhiều “trái ngọt” của ngành gỗ Việt Nam. Dự kiến, con số này còn được đẩy lên cao hơn khoảng 15% trong năm tới.
XK gỗ năm 2015 dự kiến tăng khoảng 15% so với năm 2014. Ảnh: TRẦN VIỆT.

Tăng trưởng hơn 11%

Năm 2015, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu bảo vệ và phát triển bền vững 13,5 triệu ha rừng hiện có; khoán bảo vệ rừng 6,767 triệu ha; trồng rừng 236,5 ngàn ha. Định hướng là sẽ quản lý, sử dụng bền vững diện tích rừng tự nhiên, thay thế các diện tích kém hiệu quả bằng rừng trồng có năng suất cao; tăng tỷ lệ rừng kinh tế trong tổng diện tích rừng; chuyển đổi cơ cấu sản phẩm từ khai thác gỗ non XK dăm sang khai thác gỗ lớn cung cấp cho công nghiệp chế biến đồ gỗ XK, nâng cao thu nhập cho người trồng rừng…

Báo cáo mới nhất của Bộ NN&PTNT cho thấy, giá trị XK gỗ và các sản phẩm gỗ cả năm ước đạt 6,2 tỷ USD, tăng 11,1% so với năm 2013. XK gỗ và các sản phẩm gỗ 11 tháng đầu năm sang hầu hết các thị trường chính đều tăng, ngoại trừ thị trường Trung Quốc giảm 13,35%; Mỹ và Nhật Bản có mức tăng trưởng lần lượt là 12,47% và 17,06% so với cùng kỳ năm 2013. Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản - 3 thị trường NK gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2014 - chiếm 66,21% tổng giá trị XK của mặt hàng này.

Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch thường trực Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. HCM (Hawa) cho rằng, 2014 có thể coi là năm thắng lợi của ngành gỗ nhưng chưa phải là kết quả tốt nhất. Bởi trên thực tế trong năm, thị trường Mỹ đang có GDP tăng trưởng khá tốt.

Tại EU, suy thoái kinh tế cũng đã dừng lại, bắt đầu tăng trưởng khoảng 1%. Ở các thị trường khác như Nhật, Anh sự tăng trưởng của nền kinh tế cũng biểu hiện khá rõ rệt… Cơ hội gia tăng XK rất lớn nhưng DN còn chưa tận dụng hết, e dè, cầm chừng.

Vấn đề nổi cộm của ngành gỗ nhiều năm nay là nguồn gốc gỗ hợp pháp. Tuy nhiên, ông Hạnh cho rằng đến nay vấn đề này không còn đáng nghi ngại. “Trước đây, Việt Nam NK gỗ từ khoảng 60 quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, khi Việt Nam tuân thủ quy định của Đạo luật truy nguyên nguồn gốc đồ gỗ của Mỹ (Đạo luật Lency) và tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA\FLEGT) với EU thì DN đã có sự đánh giá kỹ lưỡng hơn về các quốc gia NK.

Hiện tại, Việt Nam chỉ NK gỗ từ khoảng 26-30 quốc gia trên thế giới, chủ yếu từ những quốc gia có trình độ quản lý rừng bền vững. Điển hình như NK gỗ từ Mỹ. Hiện nay, Mỹ được coi là nước đứng thứ 2 sau Lào XK gỗ vào Việt Nam. Gỗ từ Lào vào Việt Nam chủ yếu ở hình thức tạm nhập tái xuất. Nếu loại trừ yếu tố này đi thì Mỹ chính là quốc gia đứng đầu XK gỗ vào Việt Nam”, ông Hạnh nói.

Tăng trưởng 15% trong năm 2015

Nhiều chuyên gia nhận định, với đà tăng trưởng như hiện tại, XK gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam trong năm 2015 có thể tăng khoảng 15% so với năm 2014.

Liên quan tới vấn đề này, ông Hạnh phân tích: Trên thế giới hiện có khoảng 70 quốc gia XK đồ gỗ, trong đó Việt Nam mới chiếm khoảng 2,56% trong thị phần XK. Tại thị trường XK lớn như EU, suy thoái kinh tế một vài năm gần đây đã khiến việc sản xuất đồ gỗ nội địa kém hiệu quả và EU chuyển dần từ việc sản xuất đồ gỗ sang các nước phát triển như Việt Nam.

Trong khi đó, quốc gia sản xuất, XK đỗ gỗ hàng đầu thế giới như Trung Quốc lại phải chịu áp lực khi bị áp thuế chống bán phá giá tại thị trường Mỹ. Tất cả những yếu tố này mở ra cơ hội lớn, nếu DN biết tận dụng thì tăng trưởng XK gỗ sẽ rất khả quan.

Riêng vấn đề tham gia đàm phán Hiệp định VPA/FLEGT với EU cũng khiến uy tín của ngành chế biến, XK gỗ Việt Nam tăng lên, tạo thêm đà XK. Bởi, việc chủ động tham gia này cho thấy Việt Nam là quốc gia rất quan tâm tới vấn đề nguồn gốc gỗ hợp pháp, môi trường... bên cạnh mục tiêu lợi nhuận kinh doanh. Khi EU thừa nhận Việt Nam thì các thị trường khác như Mỹ, Nhật, Australia... cũng sẽ thừa nhận kết quả đàm phán Hiệp định và “rộng cửa“ hơn với đồ gỗ Việt Nam.

Theo ông Hạnh, cơ hội lớn nhưng điều quan trọng là các DN chế biến, XK phải biết cách tận dụng. Hiện nay, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có năng suất lao động khá thấp nên DN cần từng bước cải tiến phương pháp quản trị lao động; đầu tư thêm máy móc, công nghệ cao vào sản xuất, thay thế bớt lao động thủ công. Điều này không chỉ góp phần tăng năng suất mà còn khiến chất lượng sản phẩm thêm đảm bảo.

“Hiệu quả sử dụng nguyên liệu cũng là vấn đề DN cần hết sức chú ý. Bởi, theo đánh giá của Hawa, nhiều năm qua, hiệu quả sử dụng nguyên liệu của phần lớn DN chưa cao, trong khi giá trị nguyên vật liệu chiếm một phần không nhỏ trong giá thành sản phẩm”, ông Hạnh nói.


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1