Nhiều tác giả không được hỏi ý kiến khi sử dụng tác phẩm của họ
trong sách giáo khoa. (Ảnh TL).
Tổng số tiền ở đợt trả đầu tiên là gần 500 triệu đồng. Số tiền không nhiều, nhưng đó là tiền đề cho việc đấu tranh đòi tác quyền văn học nói riêng, cũng như việc thực thi tác quyền hiện nay.
Tín hiệu mới
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ - Giám đốc VLCC cho biết: Việc thỏa thuận chi trả nhuận bút đạt được sau hơn 1 năm Trung tâm gửi công văn cho NXB Giáo dục VN, và thậm chí là trước thời điểm mà Trung tâm khởi kiện ra tòa. Ngay khi nhận được tiền bản quyền từ phía NXB Giáo dục VN, trong tuần qua VLCC đã mời các tác giả, đại diện gia đình của tác giả tới ký nhận.
Theo đó, có 109 tác giả là thành viên của VLCC và 14 tác giả là thành viên của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) được chi trả nhuận bút trong đợt này. Số tiền nhuận bút trên được tính trong khoảng hơn 10 năm NXB Giáo dục VN sử dụng những tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ (2002 - 2014). Trong số này, 4 tác giả nhận tiền nhuận bút cao nhất là nhà thơ Tố Hữu, nhà văn Tô Hoài, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà thơ Xuân Quỳnh.
Được nhận tác quyền, các tác giả và đại diện gia đình tác giả rất bất ngờ. Dẫu vậy vẫn còn những băn khoăn về cách tính nhuận bút do NXB Giáo dục VN thực hiện. Rằng dựa trên cơ sở nào để tính ra tiền tác quyền nhà nhà văn Tô Hoài là 25,5 triệu đồng, nhà thơ Tố Hữu 26 triệu đồng, nhà thơ Trần Đăng Khoa là 17 triệu đồng… bởi hiện tại, các ấn phẩm của NXB Giáo dục VN rất nhiều, bản thân các tác giả cũng không biết họ có những tác phẩm nào được sử dụng.
Lý giải về cách tính nhuận bút, theo bà Huệ, hiện công thức chi trả tiền nhuận bút cho các tác phẩm được sử dụng trong SGK căn cứ theo nghị định số 61/2002/NĐ-CP “Về chế độ nhuận bút” và nghị định số 18/2014/NĐ-CP “Quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản” là không còn phù hợp, điều đó khiến tác giả bị thiệt thòi. Trong khi đó, quy định chi trả nhuận bút chung của các NXB cả ở Việt Nam và trên thế giới là căn cứ vào số lượng xuất bản phẩm và giá bán. Đây là cách tính khoa học nhất và đảm bảo quyền lợi cho các bên.
Bà Huệ cho biết thêm: Trong suốt gần 2 năm đấu tranh đòi tác quyền, nhiều ý kiến cho rằng việc VLCC đấu tranh với NXB Giáo dục VN khác nào tranh đấu với một “ông lớn”, chuyện sẽ khó đi đến hồi kết. Còn NXB Giáo dục VN lại tìm nhiều cách để trốn tránh, đổ trách nhiệm cho tác giả biên soạn sách giáo khoa, đẩy quả bóng về Bộ GD&ĐT…
Vì thế, hiện giờ VLCC cũng đang gặp khó khăn trong việc thu được tiền nhuận bút cho các tác giả có tác phẩm được sử dụng trong sách tham khảo của NXB Giáo dục VN, vì họ lại tiếp tục đổ trách nhiệm cho tác giả biên soạn trong khi liên hệ với tác giả biên soạn thì họ ngơ ngác không hiểu chuyện gì và cho rằng đó là việc của VLCC và NXB.Như vậy, trong đợt chi trả lần này, NXB Giáo dục VN mới chỉ trả tiền nhuận bút cho 123 tác giả có tác phẩm được sử dụng trong SGK, mà số đó mới chỉ chiếm khoảng 30%, vậy còn 70% kia ở đâu, thì chỉ có NXB Giáo dục VN nắm rõ nhất. Trong quá trình làm việc, VLCC đã đề nghị được biết con số này, tuy nhiên NXB đã từ chối. Do vậy đến giờ VLCC cũng không biết có bao nhiêu tác giả chưa nhận được nhuận bút của NXB.
Bà Huệ cho rằng, việc nhận được tiền chỉ là một yếu tố, điều quan trọng nhất là tác phẩm của các nhà văn “bị” sử dụng mà họ không hề được hỏi ý kiến, không hề được biết. Vì thế, cho dù NXB Giáo dục VN có biện minh như thế nào đi chăng nữa, cũng không thể chấp nhận được. 500 triệu đồng tiền tác quyền mà NXB Giáo dục VN vừa trả cho VLCC chưa phải là số nhiều, nhưng điều này cho thấy câu chuyện tác quyền văn học- nhìn từ SGK đã bắt đầu sáng sủa hơn. Mở ra một tiền lệ tốt cho việc thực thi tác quyền hiện nay.
Sớm cải thiện chế độ nhuận bút hiện hành
Hiện trăn trở lớn nhất của người đứng đầu VLCC là thời gian qua Trung tâm đã nhận được nhiều tư vấn, phân tích sâu sắc từ các chuyên gia và luật sư về khả năng có thể thu được nhiều tiền hơn cho các tác giả nếu thành công trong việc đề nghị Chính phủ bãi bỏ hoặc sửa đổi quy định về chế độ chi trả nhuận bút hiện hành. Nếu không chấp nhận cách chi trả này thì chưa chắc 10 năm nữa các tác giả đã nhận được tiền.
Đề xuất ấy là hoàn toàn có cơ sở, bởi qui định về nhuận bút đối với các tác phẩm nghệ thuật đã được điều chỉnh. Cụ thể là tại Nghị định số 21/2015/NĐ-CP (ban hành từ tháng 2/2015) qui định về nhuận bút, thù lao đối với các tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác, cùng các quy định pháp luật liên quan. Sự điều chỉnh này xuất phát từ sự lạc hậu của NĐ 61. Bởi từ lâu việc điều chỉnh chế độ nhuận bút đã được những người làm nghề mong mỏi.
Tại NĐ 21 việc chi trả nhuận bút, thù lao sáng tạo cho các tác phẩm nghệ thuật đã được điều chỉnh cho phù hợp với Luật Sở hữu trí tuệ và thực tiễn. Theo qui định mới, nhuận bút tác phẩm nghệ thuật sẽ dựa trên nguyên tắc thỏa thuận giữa bên sử dụng tác phẩm với tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, giữa các đồng tác giả, đồng chủ sở hữu với nhau. Nhuận bút trả cho không chỉ tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả tác phẩm phái sinh (tác phẩm được kế thừa và được bảo hộ tác quyền) mà cả tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả tác phẩm gốc khi tác phẩm phái sinh được khai thác, sử dụng.
Từ tinh thần NĐ 21, việc cải thiện tác quyền nhìn ở lĩnh vực nghệ thuật đang được hi vọng sẽ được cải thiện. Như vậy, không có lý gì mà cách tính nhuận bút lại không được sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn.
Minh Quang - Minh Quân