Trẻ em và văn hóa đọc

09:07:00 19/12/2014
QĐND - Có một hiện trạng văn hóa đọc cần phải được thay đổi: Trẻ em ta đọc sách, truyện tranh hoặc truyện kiếm hiệp nước ngoài nhiều hơn sách trong nước. Dễ thấy một nguyên nhân: Sách trong nước không những ít, lại có nhiều cuốn không hay hoặc viết, in cẩu thả, tùy tiện. Trong khi đó, sách loại này ít nhất phải đáp ứng được các tiêu chí: Nhân văn (nội dung phải trong sáng, khơi gợi tình yêu quê hương, đất nước, cuộc sống, tình yêu thương con người, giáo dục lòng vị tha, đức hy sinh); thẩm mỹ (sách đẹp, tinh tế, giản dị, ngộ nghĩnh); chân lý (chính xác, trung thực, công bằng với lịch sử, với đời sống); trí tuệ (bồi dưỡng năng lực tư duy, hướng trẻ em bước đầu phân biệt thiện, ác)… Dĩ nhiên không thể máy móc sách nào dành cho trẻ em cũng phải đủ những tiêu chí này mà căn cứ vào đặc trưng thể loại, như sách văn học thì tiêu chí nhân văn, thẩm mỹ phải đặt lên hàng đầu, sách về danh nhân, khoa học thì tiêu chí chân lý phải được coi trọng…

Dư luận bất bình về những việc không hay từ phía một vài nhà xuất bản cho in mấy cuốn sách ảnh hưởng không tốt tới trẻ em. Đó là tình trạng đưa vào nội dung những chi tiết thuần túy cơ giới, máy móc, vô cảm; hoặc vớ vẩn, nhảm nhí… Đó là tình trạng sách thiếu trong sáng, tinh tế, không muốn nói là phản giáo dục, như sự miêu tả rùng rợn (cả hình minh họa) cảnh chồn và cáo điên cuồng cắn xé nhau… Lại có sách đưa ra những tình huống tưởng chừng thông minh dí dỏm nhưng lại thiếu tính người, vô cảm, thậm chí quái gở: “Người chết là người không bao giờ phải lo lắng nghĩ ngợi, phải luộc chín người khi gặp người sống”… Đó là tình trạng sách in giấy xấu, sai chính tả, sai ngữ pháp, cẩu thả như tình trạng mấy cuốn từ điển tiếng Việt dành cho học sinh vừa bị thu hồi.

Báo chí lại tiếp tục phanh phui những sách mắc lỗi sai lệch kiến thức lịch sử. Chẳng hạn như cuốn “Những vị tướng lừng danh trong lịch sử dân tộc” có chủ ý tốt là giới thiệu về tiểu sử, cuộc đời, sự nghiệp, công lao của 60 vị tướng lừng danh. Nhưng thật đáng tiếc hình ảnh minh họa một số vị tướng lại được lấy từ trên internet là những hình ảnh của truyện tranh giả tưởng nước ngoài, từ những bộ phim hoạt hình…

Tức là còn nhiều cuốn sách mắc lỗi, sai tương tự nhưng chưa bị phát hiện.

Nguyên nhân của những sai sót này thì dễ thấy, là sự vô trách nhiệm của nhà xuất bản mải chạy theo lợi nhuận, là sự thiếu kiến thức chuyên môn của tác giả, là cơ chế quản lý thiếu chặt chẽ…

Sách cho trẻ em phải là những tác phẩm hay, lành mạnh, bổ ích, xứng đáng là món ăn tinh thần nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ lớn lên hướng về cái đẹp, cái thiện, cái cao cả, cái nhân văn, nhân ái… Con người ta sống đẹp một phần là nhờ ở những trang sách đẹp!

Sách cho trẻ em là vấn đề lớn mang tầm vĩ mô, chiến lược vì nó liên quan đến cả một thế hệ, và cả những thế hệ tiếp sau nên không thể thả nổi như hiện nay. Thiết nghĩ, các cơ quan xuất bản cần tuân theo tiêu chí “thà ít mà tốt”, chỉ in (kể cả sách dịch) những cuốn có chất lượng, được thừa nhận, công nhận là sách hay, sách có ích. Những sách này phải qua một hội đồng chuyên môn kiểm duyệt rồi mới cho phát hành. Sách văn hóa phải do Bộ Văn hóa, sách văn học phải được Ban Văn học thiếu nhi Hội Nhà văn, sách khoa học phải do Bộ Giáo dục kiểm định...

Vấn đề tiếp theo là Nhà nước nên đầu tư trọng điểm cho các nhà văn viết cho thiếu nhi. Cần có chính sách riêng đãi ngộ, tài trợ cho mảng văn học nghệ thuật dành cho trẻ em.

Một vấn đề then chốt nữa là nhà trường và các bậc phụ huynh cần có sự liên hệ chặt chẽ để hướng dẫn và chọn sách cần thiết, phù hợp cho học sinh, con em mình.

THANH NGUYÊN


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1