Luận bàn về văn hóa đọc
21:59:00 11/12/2014
Những hoạt động tôn vinh văn hóa đọc, những ngày hội sách được tổ chức mới đây là dấu hiệu tích cực, thiết thực nhằm góp phần khắc phục tình trạng người Việt Nam ít đọc sách. Tuy nhiên, một điều cần lưu ý là thống kê khả quan từ lượng sách đã mua chỉ phản ánh số lượng, chưa phản ánh chất lượng, hiệu quả của việc đọc sách như thế nào.
Thống kê số đầu sách đã xuất bản, số lượng sách được phát hành, tình trạng tồn tại của sách trong xã hội,... cho thấy người Việt Nam ít mua sách mới, ít đến thư viện, ít có thói quen đọc sách nơi công cộng,... là điều khó có thể bác bỏ. Có nhiều nguyên nhân lý giải vấn đề này, như: giá sách quá cao; ngành xuất bản chưa thích nghi với sự thay đổi từ bao cấp sang hạch toán kinh doanh; sự phát triển của hệ thống thư viện một thời lại làm nhiều người quan niệm sách là sở hữu tập thể ít nghĩ đến việc sở hữu tủ sách, xây dựng thư viện cá nhân (có lẽ vì thế, sự có mặt của các cửa hiệu cho thuê, mua bán sách cũ trở thành một nét đặc trưng trong sự tồn tại của sách ở Việt Nam); rồi công nghệ kỹ thuật phát triển khiến nhiều người suy giảm thói quen mua sách, đọc sách...
Với sự phát triển của internet, truyền hình kỹ thuật số, sách điện tử, con người có nhiều lựa chọn trong việc tiếp nhận tri thức, khác với quá khứ - sách là nguồn cung cấp tri thức chủ yếu. Có thể coi đó là đặc điểm chung của thế giới hiện đại, mà hệ lụy từng làm một nhà văn hóa lớn như U.Ê-cô ở I-ta-li-a phải lên tiếng. Tại Nhật Bản, doanh số sách in vẫn tăng trong nhiều năm qua nhưng ngành xuất bản của nước này cũng khẳng định sẽ khó có thể duy trì trong tương lai. Bên cạnh đó, internet còn tạo điều kiện cho nạn ăn cắp bản quyền hoành hành, một số người sao chép từ tài liệu, sách giấy đăng tải trái phép lên các diễn đàn, trang thông tin điện tử (dường như họ không coi việc đó gây hại cho tác giả, đơn vị xuất bản, thậm chí có người ngây thơ tin rằng hành động của họ là đóng góp cho việc truyền bá trí thức của nhân loại!). Sau cùng là tình trạng sách lậu, sách giả bày bán tràn lan,... trong khi việc xử lý lại thiếu tính răn đe. Ở Việt Nam, gần đây nhất là trường hợp Công ty Trí Việt (First News) thua kiện cơ sở gia công sau in Huy Thi. Lý do: Trí Việt không bị thiệt hại vì số sách lậu đó chưa kịp lưu hành! Trường hợp của Trí Việt là còn may mắn, nếu 10 nghìn bản sách đó tuồn ra thị trường trót lọt thì thiệt hại của Trí Việt còn lớn hơn nhiều. Điều tương tự cũng xảy ra với các nhà xuất bản, công ty khác. Đáng lưu ý là ngay sách giáo trình, chuyên ngành kén người đọc cũng bị làm giả với giá bán đôi khi lại cao hơn giá bìa...
Văn hóa đọc không tỷ lệ thuận với sự phát triển của ngành xuất bản, và chất lượng sự đọc cũng không cùng chung tỷ lệ. Bằng chứng là các tập đoàn xuất bản ở các nước phương Tây vẫn kiếm lời ngay cả khi văn hóa đọc nước họ có hiện tượng đi xuống. Trong danh sách 100 cuốn sách bán chạy nhất mọi thời đại do nhiều tờ báo thống kê, các sách ra đời cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21 chiếm phần lớn, dù chất lượng một số cuốn được xem là "có vấn đề". Có cuốn bị coi là dâm thư và dung tục, như 50 sắc thái lại liên tục đứng đầu bảng xếp hạng sách bán chạy tại các thị trường Mỹ, Anh, Ô-xtrây-li-a. Một số nhà phê bình ở các nước này lập ra một danh sách tiểu thuyết không nên đọc, trong đó phần lớn là kiệt tác của nhân loại, vì theo họ: đọc các tác phẩm này quá tốn thời gian, công sức! Sách khoa học, nghiên cứu chuyên sâu cũng chung số phận, một số nhà nghiên cứu ở phương Tây ngạc nhiên khi thấy nhiều người dân nước họ còn thiếu kiến thức sơ đẳng về lịch sử, văn hóa, khoa học kỹ thuật, nhưng lại rất quan tâm tới người ngoài hành tinh, nền văn minh Atlantic, phi thuyền, đĩa bay (theo: C.Sa-gan trong cuốn Thế giới bị quỷ ám: Khoa học như ngọn nến trong đêm, NXB Thế giới, H.2014). Tại một số nước ở châu Á, không ít cuốn được tiêu thụ là sách ngôn tình, đam mỹ (truyện tình yêu đồng giới nam). Ở Trung Quốc, một dạo nổi lên khuynh hướng sáng tác được gọi là "văn học lưu manh", với nhân vật chính là kẻ phản trắc, vô đạo đức thường nhờ có may mắn mà trở thành bá chủ võ lâm (!)... Liệu có thể coi người bỏ tiền mua các cuốn sách có nội dung như vậy là có văn hóa đọc, khi chính các cuốn sách đó có thể có hại cho họ? Hiện nay nhiều công ty, nhà xuất bản, báo chí than phiền rằng người Việt Nam ít mua sách, nhưng nhìn vào nhan đề các cuốn sách đã phát hành, như: Buồn làm sao buông, Người yêu cũ có người yêu mới,... có nên trách cứ người đọc không mua? Đáng tiếc trong thực tế, vẫn có một bộ phận người đọc dễ dãi, tạo điều kiện cho những cuốn sách như vậy có cơ hội xuất hiện tại một số trang bán sách trực tuyến với lời quảng bá sách bán chạy nhất. Do đó, thay vì đánh giá từ số lượng sách đã bán được, một số nhà nghiên cứu, nhà báo đề xuất nên đánh giá từ số lượng tiêu thụ những sách kén người đọc, vì điều này mới phản ánh văn hóa đọc thật sự của người Việt Nam. Chẳng hạn, danh sách đầu sách bán chạy của Công ty Nhã Nam xuất hiện hai cái tên Hoàng tử bé, Cuộc đời của Pi cho thấy chất lượng độc giả của Việt Nam cũng ít sự khác biệt so với độc giả tại nhiều quốc gia trên thế giới. Alpha Book cũng có số lượng sách tiêu thụ ở mức trung bình khá với sách khoa học, tri thức phổ cập. Tuy không thể so sánh với sách bán chạy khác nhưng có thể coi đó là một tiêu chí đánh giá chất lượng một bộ phận người đọc. Dẫu vậy, văn hóa đọc hoàn toàn có thể thay đổi nếu người đọc sách không rút ra được những bài học thiết thực từ sách vở. Nếu người đọc chỉ tìm đến các cuốn sách dạy làm giàu, hoặc đọc sách giải trí nhảm nhí điều gì sẽ làm giàu trí tuệ, nuôi dưỡng tâm hồn con người?
Có lẽ bộ phận gắn bó với việc đọc sách, biết lợi ích của sách chính là cán bộ nghiên cứu giảng dạy, sinh viên ở các trường đại học. Nhưng, nếu cứ nhìn vào thực trạng thì cần suy nghĩ lại về luận điểm trên. Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, nước ta hiện có khoảng 1,5 triệu sinh viên đại học, 724 nghìn sinh viên cao đẳng; 87 nghìn giảng viên cao đẳng, đại học (trong đó có khoảng bốn mươi nghìn thạc sĩ, gần mười nghìn tiến sĩ; chưa kể những người có học vị cao đang công tác trong các cơ quan, viện nghiên cứu, tổ chức trong và ngoài nước, học viên, sinh viên, cán bộ giảng dạy ở các trường an ninh, quốc phòng). Về nguyên tắc có thể xem đây là "lớp người đọc tinh hoa". Theo tiến trình đào tạo, mỗi sinh viên phải trải qua khoảng 40 môn học, vì thế ít nhất mỗi người cần đọc 40 cuốn sách (trung bình mỗi sinh viên cần đọc mười cuốn sách một năm); trong các ngành khoa học xã hội và nhân văn, con số này có thể gấp nhiều lần; chưa kể, nếu sinh viên tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học tại trường, số sách cần đọc còn cao nữa. Tuy nhiên, con số này xem ra khá ít ỏi nếu so với hàng trăm "tài liệu tham khảo" liệt kê ở nhiều luận văn, luận án. Đáng nể hơn, có khi một phần ba trong số "tài liệu tham khảo" là đầu sách bằng tiếng nước ngoài chưa được dịch tại Việt Nam. Thí dụ, Thư viện Quốc gia Hà Nội hiện còn lưu luận án Tiến sĩ Văn học mà danh mục tài liệu tham khảo là 302 đầu sách báo, tạp chí, bài viết, trong đó có 90 tài liệu tiếng Anh được nghiên cứu sinh tham khảo trực tiếp. Mọi so sánh đều có thể khập khiễng, nhưng con số này quả là rất lớn ngay cả với luận án tiến sĩ ngành khoa học xã hội nổi tiếng của nước ngoài; như cuốn Nước Việt Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa vốn là luận án tiến sĩ của Y-ô-si-ha-ru Su-bôi (Yoshiharu Tsuboi) chỉ có khoảng 150 tài liệu tham khảo. Không rõ nghiên cứu sinh sử dụng 302 tài liệu tham khảo như thế nào trong 200 trang luận án, vì rất nhiều trong số đó chỉ có tên trong danh mục nhưng không được trích dẫn, nếu những gì tham khảo đã "ngấu" vào tác giả thì chí ít tinh thần của chúng cũng thể hiện trong công trình, nhưng đọc kỹ vẫn không thấy dấu vết? Một số luận văn, luận án khác còn cho thấy học viên, nghiên cứu sinh có khả năng đọc tài liệu bằng ba, bốn thứ tiếng nước ngoài (!). Đáng quan tâm hơn là một số nghiên cứu có tính chất cá nhân của một số tác giả Việt Nam, dù chỉ là tiểu luận hoặc bài báo cũng ghi chú, danh mục tài liệu tham khảo dày đặc. Có người coi đó là biểu hiện của thao tác nghiên cứu cẩn trọng, nhưng so sánh nội dung của bài viết với mục tài liệu tham khảo, lại thấy có tài liệu không liên quan cũng được liệt kê, phải chăng tác giả có ý định quảng bá về sự đa dạng, phong phú của nguồn tri thức? Một nghịch lý khác là phần đông các nhà khoa bảng ở Việt Nam không công bố công trình trên tạp chí nước ngoài; trong số ít ỏi công trình được in, lại có công trình khốn đốn vì... đạo văn, đạo ý tưởng. Phải chăng, việc đọc nhiều tài liệu tham khảo lại không có tác dụng?
Nâng cao văn hóa đọc thông qua hoạt động tôn vinh văn hóa đọc hay tổ chức những ngày hội sách là công việc đáng khích lệ. Song quan trọng hơn là cần khích lệ người đọc tìm ra ý nghĩa của việc đọc sách, tìm ra tác dụng của sách đối với cuộc sống của mỗi người. Đó không phải là nhận xét đại khái chung chung như đọc sách giúp chúng ta sống tốt hơn, suy nghĩ đẹp hơn, tăng sự hiểu biết, vốn sống, vì đó là điều mà nhiều lĩnh vực khác trong xã hội cũng giúp làm được. Cũng không phải những ai đọc nhiều, đọc rộng sẽ là người hiểu biết, suy nghĩ chín chắn. Đọc, suy ngẫm tìm ý nghĩa tích cực, lành mạnh từ mỗi cuốn sách đã đọc sẽ có ý nghĩa hơn nhiều. Văn hóa đọc thường được biểu hiện từ những việc làm giản dị, mà trước hết là qua việc lựa chọn một cuốn sách để đọc, là phản ứng với các cuốn sách có sai sót nội dung hay phản cảm, có thể tác động tới nhận thức chung, làm tha hóa con người. Bởi vậy, điều quan trọng là cần tìm thấy lợi ích thật sự của mỗi cuốn sách, từ đó sẽ có văn hóa đọc; và văn hóa đọc chỉ thật sự phát triển khi người đọc tìm thấy lợi ích của sách vở cho đời sống của họ nói riêng, cho xã hội nói chung.
VIỆT QUANG
|
văn hóa, internet, sinh viên, người việt, đọc sách, cuốn sách, luận án tiến sĩ, nghiên cứu sinh, tài liệu tham khảo, xuất bản, sách điện tử, đầu sách, tri thức, văn hóa đọc, luận án, truyền hình kỹ thuật số
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
|
- Robot sẽ thay con người viết sách?
Sáng tác sẽ sớm không còn là lĩnh vực riêng của con người. Trong tương lai, robot có thể thực hiện tốt công việc này, nhất là khi khả năng tưởng tượng của chúng là vô hạn.
- Trung Quốc "săn" CEO từ thung lũng Silicon
Các công ty ở Silicon Valley có lẽ sẽ phải có những quyết sách hay ho để giữ được CEO của mình trước cám dỗ từ Trung Quốc.
- Những cuốn truyện gia đình đi cùng năm tháng
"Không gia đình", "Hoàng tử bé", "Tâm hồn cao thượng"... là những cuốn sách về chủ đề gia đình nổi tiếng thế giới.
- 'Lưới điện tử thần' của Jeffery Deaver đến Việt Nam
Lưới điện tử thần là cuốn thứ 9 trong sê-ri tiểu thuyết trinh thám ly kỳ của Jeffery Deaver, khắc họa nhân vật Lincoln Rhyme – nhà hình sự học bị liệt tứ chi, trước đó là sĩ quan Sở Cảnh sát New York.
- Sách hay nên đọc: Trên đường băng
Tony buổi sáng mang đến cho độc giả những bài viết hài ước, tinh tế, sinh động và đầy thiết thực.
- 'Đừng bao giờ xa em', ái tình át vía đạn bom
Tiểu thuyết Đừng bao giờ xa em (NXB Thời đại, 8/2015) của Margaret Pemberton không lụy tình hoặc tràn ngập những cảnh nóng.
- Thiếu Lâm tự và sự thật bí kíp tuyệt học Dịch cân kinh
Trong các tiểu thuyết võ hiệp, Dịch cân kinh và Tẩy tủy kinh là những bí kíp mà cả võ lâm đều sẵn sàng đổ máu, tốn mưu tranh đoạt. Nếu như Dịch cân kinh được mô tả có thể giúp hoán chuyển kinh mạch, phát dương nội công, thì Tẩy…
- Tác giả 'Totem Sói' đoạt giải của Mông Cổ: Xóa tan quan điểm tiểu thuyết là sự 'lừa gạt văn hóa'
Nhà văn Trung Quốc Khương Nhung, tác giả tiểu thuyết ăn khách Totem Sói (Wolf Totem), đã được trao giải Bichgiin Mergen của Hiệp hội các nhà văn Mông Cổ Thế giới, ở thủ đô Ulan Bator.
- Hậu vận nặng nề của một “thiên tài lười”
SKĐS - Nhà văn cổ điển Pháp Guy de Maupassant (1850-1893) được coi là một trong những tác giả lãng mạn nhất trong lịch sử văn học thế giới.
- Sao Việt bị soi mói chuyện tình: Khổ vì truyền thông ưu ái
Tuần qua, câu chuyện tình yêu của hoa hậu Đặng Thu Thảo được đăng tải trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội khiến công chúng ngỡ như đọc tiểu thuyết ngôn tình. Được dư luận quan tâm là điều may mắn của sao, nhưng đến…
|
Hôm nay: |
1 |
Tháng : |
1 |
Năm : |
1 |
|