Trưng bày “Những cuốn sách Vang bóng một thời” tại Hà Nội

06:32:00 19/12/2014
Sáng 18.12, tại hiệu sách Nhã Nam (số 107 B9 Tô Hiệu, Cầu Giấy, Hà Nội), Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam đã tổ chức triển lãm sách “Vang bóng một thời”. Triển lãm trưng bày những cuốn sách quý nằm trong tủ sách “Việt Nam danh tác” do Công ty Nhã Nam phối hợp với NXB Hội nhà văn ấn hành.

Triển lãm sách “Vang bóng một thời” nằm trong chuỗi hoạt động tọa đàm và trưng bày tủ sách “Việt Nam danh tác”. Sau buổi tọa đàm “Danh tác xưa, người đọc mới” tổ chức ngày 17.12.2014 tại Trung tâm Văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội), triển lãm “Vang bóng một thời” trưng bày các bản in đầu, các bản in quan trọng của các tác phẩm nổi tiếng trong văn học Việt Nam giai đoạn 1930-1945.

Việc trưng bày “Những cuốn sách Vang bóng một thời” có mục đích là để các nhà nghiên cứu, các bạn độc giả có dịp tiếp xúc với những ấn bản tiêu biểu của qua từng thời kỳ. Những cuốn sách có mặt tại triển lãm chủ yếu do các nhà sưu tầm Hoàng Minh, Vũ Hà Tuệ, Trịnh Hùng Cường, Yên Ba, Nguyễn Thế Bách, Nguyễn Phát Hà Giang, Nguyễn Bình Phương và nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cung cấp.

Đến buổi trưng bày “Những cuốn sách Vang bóng một thời” không chỉ có phóng viên các báo đài, nhân viên nhà sách mà còn có cả những nhà sưu tầm sách nổi tiếng, thân nhân cố nhà thơ, nhà văn và cả những bạn độc giả trẻ tuổi có niềm đam mê đặc biệt với sách và với văn học nước nhà. Một số bạn trẻ xem sách và ghi chép rất kỹ lưỡng.

Khách đến tham gia buổi trưng bày

Phát biểu tại lễ khai mạc, anh Nguyễn Nhật Anh, giám đốc Công ty Nhã Nam, đồng thời cũng là một nhà sưu tầm có tiếng cho biết: “Những cuốn sách này đặt trong khuôn khổ một buổi trưng bày nhỏ với không gian chật hẹp tuy chưa thể hiện được hết giá trị của chúng nhưng chúng tôi vẫn hy vọng sẽ giới thiệu được một cách toàn diện nhất và mang chúng đến gần hơn với người đọc”.

Những bạn trẻ có niềm đam mê với sách đến buổi trưng bày không chỉ được chiêm ngưỡng các ấn bản tiêu biểu của các tác phẩm văn học “vang bóng một thời” mà còn được các nhà sưu tầm chia sẻ về giá trị của mỗi cuốn sách, nội dung và những thay đổi của từng ấn bản qua các thời kỳ.

Hình ảnh những cuốn sách cũ tại buổi trưng bày sách

Buổi trưng bày sách còn có sự xuất hiện của ông Lưu Trọng Dương, con trai cố nhà thơ Lưu Trọng Lư với tập thơ “Tiếng thu” góp mặt trong triển lãm. Ông không giấu nổi xúc động: “Cha tôi là nhà thơ nhưng tôi không nối nghiệp cha. Và ngày hôm nay khi được nhìn thấy các bạn ở đây, xem sách với ánh mắt trân trọng say mê, tôi tin rằng những tác phẩm văn học này sẽ còn sống mãi với thời gian”.

Cuốn sách “Vang bóng một thời” bản Đắc lộ thư xã năm 1945 của nhà văn Vũ Trọng Phụng là một trong số những cuốn sách rất quý có mặt trong triển lãm. Các nhà sưu tầm sách cổ cho biết, đến nay đây vẫn là ấn bản “Vang bóng một thời” sớm nhất và việc được chiêm ngưỡng cuốn sách này thực sự là một điều đáng trân trọng.

Tập thơ “Điêu Tàn” của nhà thơ Chế Lan Viên, ấn bản Thái Dương năm 1937 lần đầu tiên được nhà sưu tầm Hoàng Minh giới thiệu tại triển lãm. Cùng với cuốn “Vang bóng một thời” xuất bản năm 1945, đây cũng là một cuốn sách thuộc loại cực kỳ quý hiếm. Nhà sưu tầm Yên Ba khẳng định, đây là cuốn “Điêu tàn” lâu đời nhất hiện nay.

Cuốn sách : Phù dung ơi vĩnh biệt của Vũ Bằng

Cuốn “Phù dung ơi vĩnh biệt của Vũ Bằng”, xuất bản năm 1969, bản có chữ ký tác giả cũng rất được quan tâm. Đây là ấn bản lần thứ hai, nhưng các nhà sưu tầm cho biết, đến nay cuốn sách này vẫn là cuốn lâu đời nhất, ấn bản lần thứ nhất vẫn chưa xuất hiện hoặc có thể không còn nữa.

Tập thơ “Một nghìn cửa sổ” bản chép tay của nhà thơ Nguyễn Bính được trưng bày trang trọng trên kệ sách và giới thiệu với độc giả. Đây là một trong số những bản chép tay quý hiếm nhất của văn học Việt Nam giai đoạn 1930-1945. Giá trị của nó không chỉ dừng lại là một tập thơ, mà còn là đại diện cho một giai đoạn hưng thịnh của văn học nước nhà.

Cuốn "Kỹ nghệ lấy Tây" của nhà văn Vũ Trọng Phụng , in năm 1935

Các cuốn sách góp mặt trong triển lãm hầu hết đều của các nhà thơ, nhà văn tên tuổi như Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Vũ Bằng, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử… Trong đó, các tác phẩm của nhà văn Vũ Trọng Phụng chiếm khá nhiều không gian trưng bày. Đó là những ấn bản có vẻ ngoài cũ nát được lưu giữ qua vài thập kỷ như: Số đỏ, Vỡ đê, Kỹ nghệ lấy Tây…

Hàng chục ấn bản quý hiếm được trưng bày trong buổi triển lãm. Những ấn bản này được tập hợp, sưu tầm từ mọi miền đất nước: Sài Gòn, Nha Trang, Hà Nội, Bắc Ninh… và quy tụ về đây. Có lẽ phải một thời gian rất lâu nữa, trong những buổi triển lãm khác người đọc mới lại có thể được chiêm ngưỡng những tác phẩm vô giá này.


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1