Giữ lấy không gian văn hóa phố Tràng Tiền

14:47:00 11/12/2014

Là một con phố đắt giá nhất Hà Nội thời Pháp thuộc, nhưng theo đánh giá thì phố Tràng Tiền cũng chính là con phố có diện mạo thay đổi nhiều nhất từ khi nó ra đời cho tới hôm nay. Vì thế, những dấu tích kiến trúc trên con phố Paul Bert xưa ấy như nhà hát, rạp chiếu bóng, khách sạn, hiệu sách, ngân hàng... nay đã phôi phai. Mà theo những nhà nghiên cứu văn hóa không dễ gì khôi phục lại.

Phố Tràng Tiền hôm nay

Thời Pháp đã không cho phép xây nhà cao tầng quanh Hồ Gươm

Theo tư liệu của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và những tư liệu còn lưu giữ, thì hình ảnh phố Tràng Tiền được đưa vào bưu thiếp nhiều nhất thời bấy giờ. Những dấu tích của các công trình kiến trúc xưa nay khó tìm lại được, trong đó có một "Ngôi nhà của Tây”. Godard là tòa nhà hai tầng, tầng dưới cao 6m, tầng trên 5m. Diện tích mặt bằng xấp xỉ 4.500m2.

Vì sao Godard không được xây cao? Đơn giản vì chính quyền thời đó không cho phép các công trình quanh Hồ Gươm xây quá cao, họ sợ Hồ Gươm sẽ lọt thỏm trong các khối nhà và như thế làm mất vẻ đẹp thơ mộng của khu vực này. Việc xây dựng nhà Godard là bước ngoặt cho thương mại Hà Nội vốn trước đó chỉ có các chợ truyền thống. Nếu trước kia chợ họp theo phiên và chỉ bán nông sản, đồ thủ công, lương thực... thì Godard bán đủ các loại hàng hóa tiêu dùng gồm: vải vóc các loại, quần áo, giày dép, nước hoa, giường nằm, ghế... đến bơ, pho mát, bánh mì, bia... nhập từ Pháp, Ấn Độ, Hồng Kông... Tuy nhiên, trong hàng chục năm đầu thế kỷ XX, khách đến Godard chủ yếu là lính, sĩ quan, công chức Pháp và vợ con họ cùng một số ít người Việt giàu có. Phu kéo xe tay chờ khách cũng không được phép đỗ trên phố Tràng Tiền, Hai Bà Trưng hay Hàng Bài mà phải đỗ ở Hàng Khay, nếu thấy khách Tây vẫy mới kéo xe chạy lại. Cho tới những năm 1920, khi các mặt hàng tơ lụa bán ở phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Gai... không còn đắt khách, nhiều chủ cửa hàng đã chuyển sang bán giầy Tây, âu phục, nước hoa... thì nhà Godard hết độc quyền và họ bắt đầu cho người Việt ra vào tự do.

Nhà văn Vũ Tú Nam:
Tôi ủng hộ phương án qui hoạch lại phố Tràng Tiền

Một trong những phương án tôi ủng hộ là tận dụng những thứ đang có để quảng bá văn hóa Hồ Gươm, Hà Nội. Trong đó có việc quy hoạch lại phố Tràng Tiền thành một địa chỉ văn hóa xứng tầm với không gian Hồ Gươm quan trọng bậc nhất. Phố Tràng Tiền trong trí nhớ của tôi ngày xưa cũng khác lắm. Mà khác nhất là không kinh doanh xô bồ, tràn lan như bây giờ. Trước hết cần tuyên truyền để người dân đang sinh sống, kinh doanh ở con phố hiểu rõ và hợp tác nếu thành phố Hà Nội, quận Hoàn Kiếm có động thái thay đổi quy hoạch gì. Nghĩa là cần người dân vào cuộc chứ không chỉ giới chức, các nhà khoa học chuyên gia vì người dân mới là thực thể chính đang tạo nên bộ mặt con phố hôm nay.

L.N (ghi)

Gìn giữ và tôn tạo ngay những gì đang còn lại

Một con phố từng làm sang cho Hà Nội đến thế, từng tuân thủ nghiêm ngặt các qui định thời Pháp thuộc về xây dựng quanh khu vực Hồ Gươm nay trông có phần lem nhem, nhếch nhác.Vậy làm cách nào để khôi phục lại không gian văn hóa ấy?

Theo KTS.GS.TS Nguyễn Lân, nguyên KTS trưởng TP. Hà Nội: phố Tràng Tiền hoàn toàn có tiềm năng trở thành địa chỉ văn hóa của Hà Nội. Điều đó rất có hi vọng và chắc chắn như vậy trong ý đồ quy hoạch cũng như phát triển Hà Nội. Trước đây chúng ta có những đề án đề xuất xây dựng Tràng Tiền thành địa chỉ văn hóa tiêu biểu, thậm chí số 1 ở Hà Nội khi bàn về gìn giữ không gian văn hóa Hồ Gươm. Trong điều kiện hiện nay, cần có những nghiên cứu cụ thể những quy hoạch trước đây đã làm, cái gì còn phù hợp, cái gì không thì thiết kế lại. Cần một hội đồng lên phương án cụ thể, khi có quy hoạch thực hiện rồi thì bắt đầu. Tuy nhiên, dù có những sửa chữa chỉnh đốn nhất định, cố gắng không nên làm cho bộ mặt của phố Tràng Tiền thay đổi nhiều, phải giữ được lịch sử của nó và sức sống đương đại chứ không phải chỉ là bảo tàng trưng bày khô cứng. "Tôi còn nhớ với Bách hóa tổng hợp xưa, chúng ta có rất nhiều phương án được đưa ra nhưng có cuối cùng có giữ được đâu? Cần hài hòa giữa các công trình mới và cũ của Tràng Tiền nói chung và không gian văn hóa Hồ Gươm nói riêng, tránh nén quá nhiều vào một chỗ!”- ông đau đáu vậy.

Còn theo ông Vũ Tiến Long, Hội khoa học Lịch sử Việt Nam: Tràng Tiền là một phố không thể thiếu của Hà Nội, là một di sản văn hóa có từ thời thực dân nhưng hiện nay chưa định hình rõ ràng khi buôn bán đủ thứ, kính, sách vở lộn xộn… mà ít giới thiệu các mặt hàng truyền thống của Việt Nam. Nhưng xét về giá trị lịch sử, phố Tràng Tiền trong giai đoạn thực dân Pháp cai trị cũng vẫn rất có giá trị. Ngay như Singapore thôi, vì lý do thời cuộc họ cứ đã cho xây rất mới rất nhiều công trình mới nhưng sau đó cũng phải siết chặt và đặt vấn đề gìn giữ di sản chính là những con phố có lịch sử lâu đời. Chúng ta cần học hỏi những bài học đó. Không thể phá bỏ các khu phố Tây ở Hà Nội vì mỗi nơi có giá trị riêng, vẻ đẹp riêng. Cái cần là tu sửa, sửa chữa trên nền những thứ đang có và bồi đắp thêm để nó trở thành địa chỉ văn hóa hữu ích cho những người yêu Hà Nội, muốn tìm đến không gian văn hóa Hồ Gươm để hiểu thêm về lịch sử và có những cảm nhận mới về nếp sống người thủ đô.

Ông Long bảo rằng, nếu cứ cố tình "vẽ” ra các dự án biến cái này thành cái kia, nhiều khi chỉ để phục vụ cho một nhóm lợi ích nào đó thì không nên. Bài học nhãn tiền ở Thủ đô là chúng ta từng quy hoạch các cửa hàng ăn uống nhưng khách có đến đâu. Bởi họ không chỉ đi ăn mà còn muốn thưởng thức không khí cái đã. Vì thế, đề xuất cái gì cũng cần có quy hoạch cụ thể. Đừng mang tính chất đối phó rất tùy tiện. Trên tinh thần có một tập thể văn hóa, các kiến trúc sư, các nhà quy hoạch đô thị đóng góp ý kiến chứ không chỉ là một quyết định hành chính.

Triết Giang - Thu Hương
Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1