Năng lượng Mới số 357
PV: Là thành viên của Hội đồng xét duyệt và Hội đồng trao giải Sách Hay, bà có thể cho biết, vì sao “Giải thưởng Sách Hay” đưa hạng mục Sách thiếu nhi là 1 trong 7 hạng mục được trao giải?
TS Quách Thu Nguyệt: Ở nước ta, thiếu nhi luôn là đối tượng được xã hội quan tâm nhất, nên sẽ không có gì lạ khi Giải thưởng Sách Hay hằng năm dành hẳn một hạng mục trao giải cho sách thiếu nhi. Đối với thiếu nhi, văn học chính là cửa sổ tâm hồn của các em. Văn học góp phần định hình tâm hồn, nhân cách, lối sống của các em từ bé và sẽ ảnh hưởng lâu dài về sau. Văn học là ngọn nguồn cảm xúc của tuổi thơ, là bước đệm để con trẻ bước vào thế giới của người lớn. Do đó, tạo thói quen cho trẻ đọc sách, mê sách văn học từ nhỏ là tiền đề cực kỳ quan trọng để hình thành nên những công dân tử tế cho xã hội.
PV: Tuy nhiên trên thị trường sách ở Việt Nam hiện nay, sách dành cho thiếu nhi như bị chìm khuất giữa hàng nghìn cuốn sách dành cho người lớn. Là người làm công tác xuất bản lâu năm, bà nghĩ sao về thực trạng này?
TS Quách Thu Nguyệt: Đó là cái bất cập trong xuất bản và phát hành sách ở Việt Nam hiện nay. Nếu như tại các nước phát triển đều có quy định trong luật, trong ngành xuất bản, sách dành cho từng đối tượng riêng thì ở ta chưa làm tốt điều này. Họ xác định đối tượng đọc là ai, nghiên cứu tâm lý từng lứa tuổi để chọn người viết và cách thể hiện cho phù hợp với từng độ tuổi. Ở Việt Nam hiện nay, đã dần xuất hiện những đơn vị làm sách, các NXB, với từng ấn phẩm khi đưa ra thị trường, xác định rất rõ đối tượng đọc là ai. Với sách thiếu nhi việc ghi rõ độ tuổi ở ngay bìa sách nhằm xác định sách phù hợp với độ tuổi nào. Như vậy sẽ không xảy ra tình trạng trẻ con lại đọc sách người lớn, điều mà hầu như năm nào phụ huynh và báo giới đều ca thán về sự “đọc nhầm” của các bạn đọc nhỏ.
PV: Dạo quanh các nhà sách lớn tại TP HCM thì dường như tỉ trọng sách dịch cho thiếu nhi vẫn lấn át sách viết trong nước, theo bà thì vì sao?
TS Quách Thu Nguyệt: Đúng vậy và lâu nay vẫn vậy, sách dịch cho thiếu nhi vẫn chiếm tỉ trọng rất lớn so với sách các tác giả trong nước viết cho thiếu nhi. Thời gian tôi làm ở NXB Trẻ, những cuốn sách chúng tôi chọn dịch cho thiếu nhi đều được đón nhận tốt. Qua đó thấy rằng, văn học cho thiếu nhi vẫn có sức hút cực lớn và là thị trường tiềm năng mà chúng ta chưa khai thác hết.
PV: Theo bà, tại sao sách viết cho thiếu nhi ở Việt Nam vẫn vừa ít vừa yếu?
TS Quách Thu Nguyệt: Rất ít nhà văn trong nước chọn thể loại văn học thiếu nhi để đeo đuổi cả đời. Trên thực tế, nhuận bút viết sách vốn “bèo bọt”, hơn nữa viết cho thiếu nhi rất khó. Phải thực sự tâm huyết với dòng văn học này để đeo đuổi và dành trọn đời để viết cho thiếu nhi. Vẫn còn “nóng hổi” chuyện thời sự về giải thưởng sách hay của Dự án văn hóa giáo dục Sách Hay hôm 11-9-2014 vừa qua. Nên tôi muốn nhắc đến nhà văn Trần Hoài Dương với tác phẩm “Miền xanh thẳm” mà Giải thưởng Sách Hay 2014 đã trao cho ông ở hạng mục văn học thiếu nhi. Dành cả một đời để viết cho thiếu nhi với hàng chục tác phẩm có giá trị, nhà văn Trần Hoài Dương từng tâm niệm: “Tôi đến với văn học thiếu nhi như đến với một thứ đạo. Viết là để vươn tới những gì cao đẹp nhất. Viết là để tự hoàn thiện dần con người mình. Viết là để đem lòng yêu thương vẻ đẹp tuyệt vời của văn chương cho trẻ nhỏ”.
Trên thực tế, viết cho thiếu nhi không dễ, những nhà văn trẻ lâu nay vốn ít dành sự quan tâm cho đối tượng này, những nhà văn lớn tuổi thì khoảng cách thế hệ là những trở ngại để có thể chạm vào cảm xúc của con trẻ. Tôi không nghĩ văn học thiếu nhi là khó bán mà vấn đề là chưa có những sản phẩm, đề tài phong phú dành cho trẻ nhỏ và thị trường đang thiếu nhiều các tác phẩm văn học trong nước viết cho các em, đặc biệt lứa tuổi cấp 1, cấp 2.
PV: Nhưng thời gian qua cũng có một số NXB như NXB Kim Đồng, NXB Trẻ tổ chức những cuộc thi viết về đề tài thiếu nhi mà sao vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu sách thiếu nhi hay cho độc giả nhỏ tuổi?
TS Quách Thu Nguyệt: NXB Trẻ cứ 2 năm một lần đều tổ chức cuộc thi Văn học thiếu nhi “Vì tương lai đất nước”. Đã có nhiều tác phẩm đoạt giải có giá trị, được tái bản trong nhiều năm liền. Còn NXB Kim Đồng cũng là đơn vị thường xuyên tổ chức những cuộc vận động sáng tác dành cho thiếu nhi cả ở thể loại truyện tranh, tranh truyện và truyện ngắn. Vài năm gần đây, với sự hợp tác của Tổ chức văn hóa giáo dục Đan Mạch, thông qua cuộc thi sáng tác, sự kết hợp giữa họa sĩ Việt Nam và Đan Mạch, nhiều tác phẩm giá trị đã lần lượt được xuất bản. Theo tôi, đây cũng là hai địa chỉ NXB có uy tín, tin cậy trong lĩnh vực xuất bản sách cho thiếu nhi, kể cả sách dịch và truyện tranh mà các bậc phụ huynh nên tin tưởng lựa chọn.
Tuy nhiên những nỗ lực này vẫn không thấm tháp gì so với yêu cầu của xã hội nhằm tác động đến thói quen và niềm say mê đọc sách nơi những mầm non của đất nước.
Các em thiếu nhi đang đọc sách
PV: Với sách thiếu nhi, truyện tranh cũng là mảng mà các em rất yêu thích. Tuy nhiên, truyện tranh Việt Nam dường như chưa được khai thác tốt để phục vụ cho trẻ em Việt?
TS Quách Thu Nguyệt: Thời còn ở NXB Trẻ, tôi có một mong ước rất lớn là làm nhiều bộ truyện tranh Việt cho trẻ em Việt Nam đọc nhưng đã không thành công như mong đợi. Đã có một thời gian dài, các em nhỏ đã quen với “gu” truyện tranh Nhật Bản. Nhiều bộ sách như truyện “Doremon”, “Thủy thủ mặt trăng”, “Subasa”… đã chinh phục nhiều trẻ nhỏ Việt Nam! Truyện tranh Nhật có nội dung phong phú, đa dạng, cuốn hút từ lời văn ngắn gọn, tượng hình, tượng thanh, hình ảnh sống động, sáng tạo, hấp dẫn. Được hỏi vì sao lại “mê” truyện tranh Nhật Bản, nhiều em nhỏ đã trả lời rằng vì xem truyện như xem một cuốn phim tĩnh, các em thích vì nội dung câu chuyện, vì hình ảnh sinh động và lời thoại hài hước, dí dỏm… Khác hẳn truyện tranh Việt Nam nội dung nghèo nàn, đơn điệu, hình ảnh kém sống động…
Nếu đánh giá về mức độ thành công, tôi cho rằng bộ truyện tranh “Thần đồng đất Việt” do Công ty Phan Thị thực hiện đã tương đối thành công. Khá tâm huyết và kiên trì khai thác đầu tư cho dòng truyện tranh Việt Nam, các bạn ở Công ty Phan Thị đã nghiên cứu rất kỹ thị hiếu đọc và sở thích của các em, rút ra bài học kinh nghiệm từ những truyện tranh trước đó của Việt Nam, học tập kinh nghiệm của Nhật Bản, đầu tư công phu cho nội dung, kỹ thuật và quy trình sản xuất truyện tranh Việt Nam. Tôi cho đây là những nỗ lực đáng trân trọng.
Riêng NXB Trẻ đến nay cũng có những bộ sách được bạn đọc nhỏ tuổi đón nhận tốt như bộ truyện “BUBU”, “Dạy cho con về lễ giáo”, “Lịch sử Việt Nam bằng tranh”… Đây là những bộ sách liên tục được tái bản trong nhiều năm, mãi đến tận bây giờ.
PV: Là một người có kinh nghiệm và đam mê sách, bà sẽ tư vấn cha mẹ nên chọn gì cho con giữa rừng sách mênh mông như hiện nay?
TS Quách Thu Nguyệt: Hiện nay có tín hiệu rất đáng mừng là ngày càng có nhiều phụ huynh ý thức được vị trí, vai trò của sách đối với quá trình định hình nhân cách và phát triển trí khôn cho trẻ. Họ quan tâm đến việc lựa chọn và tìm mua sách cho con. Nhưng giữa rừng sách mênh mông, quyết định mua sách nào, cách tốt nhất là nhờ sự hướng dẫn từ các chuyên gia và những người am tường về sách. Quá trình tư vấn tôi thường khuyên phụ huynh nên chọn mua sách phù hợp với độ tuổi của con trẻ. Khi chọn mua sách cho con, trước tiên nên xem trang bìa sách (bìa trước và sau) để xác định sách phù hợp lứa tuổi nào, lời giới thiệu, mục lục (nếu có) để biết qua nội dung sách, tên tuổi của tác giả, tên NXB hoặc đơn vị làm sách để xác định độ tin cậy về chất lượng sách... Phụ huynh cũng có thể tham gia các buổi tọa đàm hướng dẫn cách đọc, chọn sách cho con, các buổi giao lưu giới thiệu sách… Cũng tùy theo độ tuổi con trẻ mà nên chọn mua và hướng con đọc những dòng sách nào. Lứa tuổi mầm non, cấp 1 nên chọn các Bộ truyện tranh, các sách học lễ giáo, sách tìm hiểu khoa học, khám phá môi trường tự nhiên và xã hội. Sách màu, có nhiều hình ảnh minh họa, trình bày đẹp. Lứa tuổi lớn hơn, từ lớp 6 trở lên nên tập cho các con đọc các tác phẩm văn học, bởi chính văn học sẽ làm giàu cảm xúc và nuôi dưỡng tâm hồn nhân ái, yêu thương, sống tử tế nơi con trẻ. Phụ huynh có thể tham khảo danh mục sách Thiếu nhi của các đơn vị làm sách, NXB, các nhà bán sách trên mạng.
PV: Bà có thể kể những cuốn sách bà từng đọc thời thơ ấu vẫn còn ảnh hưởng đến quan niệm sống, cách làm việc đến bây giờ?
TS Quách Thu Nguyệt: Từ thuở nhỏ tôi đã rất mê sách và đọc sách rất nhiều, nhưng ba tác phẩm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của tôi sau này là “Vô gia đình” (Sans Famille) - Hector Malot, “David CopperField” của Charles Dicken và “Tâm hồn cao thượng” của Edmond de Amicis. Lớn lên một chút, thời học cấp 2, cấp 3 thì những tác phẩm văn học trong nhà trường của nhóm Tự lực văn đoàn, các sách trong Bộ sách Tuổi hoa niên với Hoa đỏ, hoa xanh, hoa tím… ảnh hưởng rất lớn đến quá trình trưởng thành của tôi.
PV: Bà may mắn sinh ra và lớn lên ở thành thị nên có cơ hội đọc nhiều sách, cơ hội chọn sách mà đọc từ nhỏ chứ trẻ con nông thôn trước 1975 thì thiệt thòi nhiều. Và không chỉ thời ấy, hiện nay trẻ con ở nông thôn vẫn rất thiếu sách, có lẽ đó vẫn là nỗi đau đáu của những người làm công tác giáo dục, công tác xuất bản, thưa bà?
TS Quách Thu Nguyệt: Trên thực tế làm sao để có sự công bằng trong việc thụ hưởng văn hóa, trong đó có văn hóa đọc giữa các vùng miền, giữa thành thị và nông thôn là một việc không dễ. Trẻ con thành thị thuận lợi và may mắn hơn khi có cơ hội tiếp cận với sách từ nhỏ do điều kiện kinh tế của gia đình, sự quan tâm của cha mẹ và vì thị trường sách ở các thành phố lớn vốn sôi động, với hàng trăm nhà sách lớn nhỏ có mặt khắp mọi nơi. Trong khi ấy, ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, trẻ thơ phải chịu nhiều thiệt thòi hơn. Chiến lược quốc gia về phát triển văn hóa đọc cũng đã được đặt ra với nhiều cuộc Hội thảo, lấy ý kiến nhằm xây dựng hệ thống thư viện văn hóa ở các tỉnh thành, quận huyện, phường xã, thư viện trường học… Tuy nhiên, thực trạng xây dựng và đầu tư cho các thiết chế văn hóa này cũng như chăm lo nhu cầu thụ hưởng văn hóa đọc vẫn còn những khoảng cách khá xa giữa các vùng, miền, giữa thành thị và nông thôn.
Nhưng cũng có những tín hiệu đáng mừng là thời gian qua, những chương trình đọc sách cùng con, thư viện lưu động, xây dựng tủ sách ở bản làng, thôn xã… đang được nhiều tổ chức dân sự thực hiện bước đầu thấy có hiệu quả. Trong lúc nước nhà đang nhiều khó khăn như hiện nay thì cần lắm sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng xã hội mà không chỉ trông vào Nhà nước, bởi nếu thế khó có điều kiện phát triển giáo dục, văn hóa một cách tốt nhất.
PV: Nhưng nói đi cũng phải nói lại, vừa qua có cuộc thống kê là văn hóa đọc nước ta xuống cấp, tính trung bình, hằng năm mỗi người dân Việt Nam đọc chưa hết một cuốn sách. Bà thấy thế nào về con số khá buồn này?
TS Quách Thu Nguyệt: Quả thật tôi không quan tâm con số thống kê lạnh lùng là hằng năm mỗi người đọc bao nhiều cuốn, mà là ai cần đọc sách, đọc sách gì và đọc như thế nào. Làm sao để hướng người trẻ đến với sách nhiều hơn. Sự phát triển của khoa học công nghệ đang dần thay đổi cách thức tiếp cận với tri thức của giới trẻ. Song song với cách đọc truyền thống từ sách giấy, giới trẻ thích thú với việc lướt web, tìm kiếm thông tin và đọc sách điện tử. Tôi cho đây là điều đáng mừng. Tuy nhiên để định hướng giới trẻ đọc gì và đọc như thế nào, vai trò của nhà trường là hết sức quan trọng.
Ngoài những kiến thức tiếp thu từ người thầy, từ các sách giáo khoa, việc hướng cho các em học sinh tinh thần tự học bằng cách say mê khám phá, đào sâu bài học, phát hiện mở rộng kiến thức bằng các nguồn sách tham khảo, những tri thức ngoài nhà trường cũng rất quan trọng. Mặt khác, ở cấp phổ thông cần khuyến khích các em tiếp cận với các tác phẩm tinh hoa văn học Việt Nam và thế giới bằng một danh mục tác phẩm cần đọc theo từng cấp lớp, từng năm học. Và như vậy việc đầu tư cho hệ thống thư viện trường học về cơ sở vật chất, về con người, về ngân sách để trang bị và bổ sung nguồn sách mới hằng năm ở từng trường cũng là một việc cấp thiết mà ngành giáo dục và địa phương cần hết sức quan tâm đầu tư đúng mức để việc kêu gọi “Thư viện là trái tim của nhà trường” không chỉ là khẩu hiệu suông.
PV: Thời gian gần đây, văn học mạng, tiểu thuyết ngôn tình như đang lấn át mảng văn học dành cho tuổi mới lớn, điều này có làm cho những người làm công tác xuất bản thấy băn khoăn, lo lắng không thưa bà?
TS Quách Thu Nguyệt: Điều này phản ánh hai mặt của vấn đề. Thứ nhất, thời công nghệ số, nhờ mạng xã hội đã giúp nhiều nhà văn trẻ có cơ hội giới thiệu những tác phẩm của mình đến độc giả trên mạng, qua đó lọt vào “mắt xanh” các NXB, công ty sách. Đã có nhiều cây bút trẻ được bạn đọc yêu mến và thành công nhờ hiệu ứng của mạng xã hội. Mặt khác thị trường cũng đang xuất hiện khá nhiều tiểu thuyết ngôn tình, tiểu thuyết nặng về yếu tố sex phần nào tác động đến thị hiếu và xu hướng đọc sách trong giới trẻ. Tuy nhiên trên tất cả là hiện tượng “người làm sách tìm đến người đọc trẻ; người đọc trẻ tìm đọc sách của những người viết trẻ” và là mặt tích cực của thị trường xuất bản, là cách thức gây men và thu hút người trẻ đến với sách hiện nay.
Tuy vẫn còn ý kiến khác nhau khi cho rằng, đừng nhìn vào số lượng sách bán chạy mà vội mừng và những tác phẩm văn học có số lượng in cao hàng chục ngàn bản chưa hẳn là những tác phẩm hay. Thành công của cuộc vận động sáng tác Văn học Tuổi 20 lần thứ V với 18 tác phẩm mà phần lớn là những tác giả trẻ lọt vào chung khảo, cùng với các cây bút mới mà tuổi đời khá trẻ xuất hiện ngày càng nhiều như Anh Khang, Hamlet Trương, Jun Phạm, Iris Cao, Tùng Leo… Chính họ đang dần chinh phục những bạn đọc trẻ của mình. Tôi không hề bi quan chút nào về sự “xâm lăng” của dòng sách ngôn tình trong giới trẻ, bởi chính người viết trẻ hôm nay đang dần khẳng định mình với những tác phẩm mà họ đang nói hộ những điều mà người đọc trẻ hôm nay cần gì, muốn gì…
PV: Hiện nay đang có thế hệ nhà văn trẻ 8X, 9X đang dần định hình phong cách, bà đánh giá thế nào về thế hệ nhà văn này?
TS Quách Thu nguyệt: Ngày nay người viết trẻ có nhiều cơ hội bắt nhịp với hơi thở và nhịp sống đương đại, do vậy trong tác phẩm của họ đề tài đa dạng hơn, phong cách thể hiện mới mẻ, phá cách, sáng tạo, tiệm cận xu hướng sáng tác toàn cầu. Nếu nhìn lại những đợt vận động sáng tác Văn học Tuổi 20 những năm trước với năm nay 2014 đã có một khoảng cách khá dài trong bước phát triển về năng lực tư duy, cảm xúc và phong cách sáng tác. Những người viết trẻ hôm nay nếu chọn lựa con đường đến với văn chương bằng một thái độ lao động nghiêm túc, cầu thị, không ngừng học hỏi, tôi tin họ sẽ còn có những bước tiến xa hơn và sẽ làm nên chuyện cho văn đàn Việt Nam trong tương lai.
PV: Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này.
Thiên Thanh (thực hiện)