Đầu cầu Gia Hội liễu muốn ngủ...
Ông Trương Đình Ngộ và vợ, ca sĩ Huyền Tôn Nữ Camile - hai Việt kiều Thụy Sĩ đã về Huế mua một khu đất bên bờ sông Hương phía trước Võ miếu để xây dựng một không dan giành cho việc ngâm thơ, hòa nhạc có tên là Bến Xuân. Ông bà đã làm một việc mà nhiều người lắc đầu cho là "khùng" khi kiên quyết yêu cầu Công viên cây xanh Huế phải "đền" cho họ 40 cây liễu đã trồng trong không gian của Bến Xuân trước đó.
Liễu mà họ cần là liễu rủ, trong khi Công viên Cây xanh Huế lại cung cấp cho họ những cây liễu tràm, ngày nay rất phổ biến trong các công viên, bờ hồ...
Liễu mà vợ chồng ông Trương Đình Ngộ cần là cây liễu rủ trong thơ của Chu thần Cao Bá Quát (làm quan dưới thời vua Thiệu Trị), ngày xưa trồng rất nhiều ở Kinh thành Huế: Tiễn người sắp về phía bắc cầu Đốc Sơ/ Hàng liễu bên sông từng đàn én bay liệng" (Tiễn ông Nguyễn Mã Trai vừa được nghỉ phép về Bắc).
Theo nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, thơ Trung Quốc ngày trước ghi lại cảnh tiễn đưa người thân đi xa đều có tục bẻ liễu tặng nhau để nói lên nỗi nhớ thương bịn rịn. Vì vậy ở những trạm dừng chân tiễn đưa (đoản đình, trường đình) đều có trồng liễu. Kinh thành Huế ngày xưa cũng giữ nếp sinh hoạt ấy trong giới chức sắc, văn nhân.
Nhưng trong thơ Cao Bá Quát không chỉ có những "cây liễu buồn" (như cách nói của nhà thơ Thanh Tịnh). Ông còn nói đến cây liễu ở một nơi rất trang nghiêm: Ngọ Môn - cánh cửa đi vào chính điện nhà vua.
Trong bài "Đáp lời mời tiệc rượu mồng năm của quan lang trung họ Phạm, quan viên ngoại họ Nguyễn" có câu: "Ngày tết Thiên trung tốt đẹp đi vào buổi sáng trong lành/ Trên cầu ngự liễu trước lầu Ngũ Phụng/ Người mang gươm mới về cửa có chạm trổ liên hoàn sơn xanh/ Áo mũ vừa tan buổi chầu ở nội điện...". Ngự liễu là cầu dành cho nhà vua dạo chơi ngắm liễu. Đây là những chiếc cầu bắc qua hồ Kim Thủy vây quanh Hoàng thành, nối Ngọ Môn với bên ngoài.
Những cây liễu trước Ngọ Môn giờ không còn nữa, nhưng một nhánh liễu bên cầu Ngự Liễu chắc chắn đã in bóng trong lịch sử. Trong chùm thơ tứ tuyệt 14 bài mang nhan đề chung "Hương Giang tạp vịnh", Cao Bá Quát còn "chụp" lại hình ảnh một rặng liễu bên cầu Gia Hội nay cũng không còn:
Đầu cầu Gia Hội liễu muốn ngủ/ Bến đò ngoài Bao Vinh nước như khói...
Ngoài Cao Bá Quát, trong lịch sử còn rất nhiều nhà thơ khác có thơ về cây liễu rũ ở đất Thần kinh như vua Thiệu Trị, Tự Đức, Á nam Trần Tuấn Khải, Thúc Tề...Liễu rủ cũng có mặt trong thơ ca từ thời Đường bên Trung Quốc. Trong thơ ca cổ Việt Nam, chỉ riêng Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng có ít nhất 20 câu có nhắc đến từ "liễu"...
Bay qua sông Hương phải bắc chiếc cầu thứ mấy?
Ở một bài thơ nhớ bạn khác, nhà thơ Cao Bá Quát lại nhắc đến liễu, nhưng lần này cụ thể hơn, liễu gắn với Bắc trường đình (trạm tiễn chân phía Bắc kinh thành) vào mùa thu, khi những tơ liễu qua mấy lớp cầu của kinh thành theo gió bay về sông Hương:
"Ngoài phía bắc trường đình liễu bắt đầu xanh mởn/ Bay qua sông Hương phải qua chiếc cầu thứ mấy?"
Theo TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế, ngày xưa, các triều vua Nguyễn đều quan tâm đến việc tạo ra và giữ gìn hình ảnh đẹp về kinh đô. Và năm 1834, vua Minh Mạng đã chuẩn y đề nghị của bộ Công, cho xây dựng hai tòa Bắc, Nam Trường đình: "Bắt đầu cho xây dựng Nam, Bắc Trường đình (mỗi đình đều một tòa 7 gian, dài 5 trượng 9 thước 5 tấc, rộng 2 trượng 7 thước).
Bộ Công nghĩ tâu, cho rằng việc dựng Trường đình đời cổ đã có, làm lễ Tổ đạo để tiễn chân, bẻ cành liễu ở Bá Kiều đều ở chỗ trường đình đó. Làm vậy là để biểu thị cái ý ân cần và bày tỏ lễ độ. Nay sắc sai dựng Nam, Bắc Trường đình để làm chỗ đưa đón tiễn tặng thì xin đặt Nam Trường đình ở phía nam cầu An Cựu, đặt Bắc Trường đình ở phía bắc cầu Hương Trà, ngoài cửa tây bắc Kinh thành:
Cả hai đều phải rộng rãi cao lớn, xung quanh đình nên trồng nhiều cây liễu, để phù hợp với ý cổ nhân... Vua chuẩn y lời bàn ấy, sai phủ Thừa Thiên thuê dân làm" (Quốc Sử quán).
Xét về quy mô, Nam, Bắc Trường đình là hai tòa kiến trúc rất lớn, dài 25,22m, rộng 11,44m, diện tích mặt nền hơn 288m2. Dựng Nam, Bắc Trường đình là phỏng theo lệ cổ có từ thời Hán. Ngày xưa ở kinh đô Trường An, người ta cũng dựng trường đình ở cửa ngõ kinh đô, lễ đón tiễn khách đều diễn ra tại đó. Người Hán cũng bày ra tục bẻ cành liễu ở Bá Kiều để tiễn tặng khách.
Còn lễ, Tổ đạo xưa là lễ tế thần, sau cũng biến thành lễ tiễn khách. Nam Bắc Trường đình dựng xong trở thành nơi đưa đón, tiễn tặng người đến và người đi khỏi Kinh đô Huế. Các viên quan được cử đi sứ, đi nhận nhiệm vụ bên ngoài kinh đô đều dừng chân tại đây hành lễ trước khi lên đường. Tiệc thết đãi đón đưa khách cũng được tổ chức tại đây.
Một hàng cây cũng là hình bóng đất nước
Trải qua thời gian và các biến động lịch sử, cả Nam, Bắc Trường đình đều không còn tồn tại. Vị trí của Nam Trường đình bên phía nam cầu An Cựu hiện nay đã thuộc về khu dân cư , hầu như không thể phục hồi (nền móng của Nam trường đình nay là khách sạn Best Western Primer Indochine Palace).
Nhưng ở cửa ngõ phía bắc thành phố, theo TS Phan Thanh Hải, việc phục hồi Bắc Trường đình là hoàn toàn có thể. Bắc Trường đình mang hình ảnh một ngôi nhà rường Huế đứng ở cửa ngõ thành phố sẽ bổ sung thêm một hình ảnh đẹp về cố đô vốn giàu bản sắc riêng. Ở một thành phố văn hóa như Huế, cửa ngõ thành phố nên có một "Khải Hoàn Môn" theo kiểu kiến trúc truyền thống.
Ta có thể mô phỏng một công trình dạng tam quan như cửa Hiển Nhơn, cửa Chương Đức hay Nghi môn theo lối cung đình để dựng ở ngã ba đầu công viên. Không gian phía sau thì trồng thật nhiều cây xanh, hoa, thảm cỏ để cảnh quan thật đẹp và giàu chất thơ. Đó chính là lời chào nhẹ nhàng mà dễ thương đúng kiểu Huế!
Song song với việc khôi phục Bắc trường đình, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đề xuất: "Huế là kinh thành của triều Tây Sơn rồi triều Nguyễn, những cây liễu ở đây quả là chứng nhân của bao lớp sóng phế hưng các triều đại, của bao cuộc chia ly nam bắc, góp phần không ít cho cái làm nên bản sắc Huế.
Những cây liễu xứng đáng có chỗ đứng của mình trong văn học, lịch sử và cảnh quan sinh thái Huế về lâu dài. Người xưa nói: nước cũ cây cao. Một hàng cây cũng là hình bóng đất nước. Bao nhiêu người đã được cây che mát, sống bên cây, chia tay dưới cây, bày tỏ nỗi niềm với cây như nhà thơ họ Cao? Tôi mong cây được sống lại trong dáng hình lịch sử của nó trên kinh đô xưa. Đấy là cây liễu trước Ngọ Môn của Hoàng thành, về phía Bắc và cả phía Nam kinh thành..."
Trên hết, Huế là một thành phố du lịch và hiện nay đang đón - tiễn khách một cách rất buồn tẻ, vậy tại sao không phục hồi lại Bắc trường đình cùng những hàng liễu để làm sống lại một nghi thức hay và đẹp:
Bẻ liễu để tiễn biệt khách rời Huế cũng như nhắc nhở du khách luôn nhớ về quê hương bản xứ qua hình tượng liễu rủ Chương Đài? Và trong khi không thể phục hồi được Nam trường đình, tại sao chủ nhân của khách sạn Best Western Primer Indochine Palace hiện nay (được xây dựng trên nền móng cũ của Nam trường đình) không thử trồng trước khách sạn một vài cây liễu và thử nghiệm "nghi lễ" bẻ liễu khi tiễn khách?
"Kẻ chốn Chương Đài người lữ thứ" - Bà huyện Thanh Quan