Đọc E-paper
Tôi điện thoại cho ông bạn, hỏi gia đình chuẩn bị đón Xuân chưa? Ông ấy trả lời xuôi xị: “Chưa bao giờ tôi thấy ngán bàn chuyện đón Xuân như bây giờ”.
Có chuyện gì vậy? Cuối năm, ông hồ hởi tiền chảy vô túi bất ngờ vì mấy cái mã chứng khoán ông ủ từ năm ngoái bỗng nhảy dựng lên một màu xanh tươi mới. Chưa đến năm cùng tháng tận mà nhà ông vui hơn Tết, hẳn sẽ giải ngân kha khá để đón năm mới xôm tụ.
Ông ấy lắng nghe rồi bảo, đấy chính là việc giải ngân và tiêu Tết thế nào đây. Hóa ra không có tiền thì chỉ thở dài và đoàn kết, thương yêu nhau hơn bao giờ hết.
Tiền chảy vào ào ạt mới sinh lắm chuyện. Hai đứa con gái vừa ở ngưỡng vào đại học, chìa cho bố xem hàng loạt quảng cáo du lịch nước ngoài, tour nào cũng khởi hành mùng Hai, mùng Ba Tết.
Chúng lải nhải bên tai ông: Mình chúc Tết nội, ngoại ngày mùng Một, rồi về “xách ba lô lên và đi” Hàn Quốc, qua bển xem mấy diễn viên điện ảnh Hàn ăn Tết ra sao. Bên Singapore, Hồng Kông cũng đều có Tết, lo gì bố nhớ Tết Việt chứ”.
Ôi trời, chúng nó nói chưa hết câu đó thôi, chính xác phải là “xách ba lô lên và đi... chém gió”, để ra nước ngoài, ngồi đâu là lên Facebook và checkin, chụp ảnh các loại thắng cảnh ngoại quốc; là ẩm thực lạ xứ người, khoe với bạn bè cái sự thỏa mãn nỗi ấm ức mấy năm hoàn cảnh khó khăn vì lỡ mua trúng loại “chứng khoán rơi chiều mùa Hè thẳng đứng”.
Tôi cười ngặt nghẽo, hình dung hai cô con gái xinh đẹp dài mặt nghe bố chúng lên kế hoạch mua một gốc mai cổ thụ ông ao ước đã lâu, mà phải tốc hành đến nhà vườn ngay kẻo hết. Bố mà mua gốc mai ấy về để ở góc sân, trong suốt tháng Giêng muốn ông ra khỏi nhà thì cần xe cẩu đến kéo.
Chưa hết, ông sẽ sai chúng pha nước rót trà giữ chân mấy ông bạn cho lâu, để còn cùng ông thưởng lãm gốc mai thế cho thỏa niềm đam mê. Điện thoại của ông chỉ nhắn tin, nghe và gọi, ông cũng biết các con nghiện Facebook, nhưng không lường hết được thế hệ trẻ bây giờ đang thay đổi với tốc độ chóng mặt, tiếp nhận mọi thứ với tinh thần phóng khoáng, rất đúng với tính cách mạnh mẽ, dễ thích nghi và tiếp nhận của hệ điều hành Android.
Hừm, mà ông đâu biết hệ điều hành Android là gì, và sức mạnh nó đem lại cho loài người ra sao khi các phiên bản của hệ điều hành này mon men chiếm đến 75% điện thoại và thiết bị thông minh toàn thế giới.
Tôi hình dung huyết áp ông bạn nhảy múa liên tục khi nghe hai cô con gái dụ dỗ bố vừa đi du lịch nước ngoài, vừa ngắm mai thế của anh Google cung cấp miễn phí.
Chúng cam kết, bố không phải chạy đến bất cứ nhà vườn nào, cứ mở smartphone ra, lướt lướt, muốn ngắm bao nhiêu kiểu mai thế, muốn bàn luận về vẻ đẹp, cứ đăng ký thành viên rồi vào diễn đàn mà nghe, mà bàn.
Đấy, câu chuyện xung khắc thế hệ nó đã ập vào từng nhà rồi, theo nhiều cách bất ngờ nhất. Ông nghe các con nói, giận điếng người!
Tôi mạn phép bàn lùi, ông mà đi mua gốc mai ấy, tức là não ông... già thật rồi. Khi người ta chớm già, mấy cái tế bào thích xưa cũ bỗng sống dậy mãnh liệt đó.
Bây giờ là thời đại của Xuân internet, tức là phải hội nhập, phải thật phẳng đó! Mình không theo kịp là mình phải chấp nhận già. Ông ấy mắng tôi là cái đồ mất gốc, nghe bọn trẻ xúi bậy! Cứ đà này, nghe bọn trẻ rồi không ăn Tết nữa.
Phải rồi, đừng trách hệ điều hành Android vì cái tính đại chúng, bình dân, và như người ta đang kết tội nó “kích” chúng ta a dua bầy đàn. Vì nó là một hệ điều hành hết sức cởi mở, giá rẻ, nên nó phổ cập nhanh chóng ở những nước có thu nhập thấp và đang rất khao khát tiếp nhận như thế hệ trẻ Việt.
Câu chuyện gia đình của ông bạn có lẽ là câu chyện của mỗi nhà. Bọn trẻ bây giờ không thiết Tết vì chỉ cần giơ máy ảnh lên là màn hình trang cá nhân của mỗi người sẽ đầy những hình ảnh bắt mắt về Tết, hàng chục hay hàng trăm cái “like” hưởng ứng, những cái “còm” tán thưởng.
Thế là đủ. Chúng ta không thể chống lại sự thay đổi với tốc độ của thời đại công nghệ số và phải thừa nhận chuyện ăn Tết, chuyện đón Xuân đang thay đổi, khó cưỡng.
Nếu những người làm cha mẹ ngoài năm mươi tuổi buộc phải xếp vào thế hệ “cũ” vì họ có xu hướng tìm về gia đình, lấy hình ảnh quây quần tứ đại đồng đường làm cái bề ngoài chứng minh sự sang trọng và hạnh phúc, thì đám con cháu đã để cho tư tưởng bay vượt đại dương.
Chúng khoe Tết khắp toàn cầu với những hình ảnh hời hợt nhiều màu vàng, màu đỏ của cái Tết Á Đông, tựa như một kỳ nghỉ. Chúng gân cổ tán dương tấm gương người Nhật đã bỏ ăn Tết từ khuya, phải dứt khoát thay đổi như thế mới phát triển được.
Bọn trẻ quên, hoặc chưa thấm hiểu đầy đủ ý nghĩa của câu “Tết đoàn tụ”. Nó không đơn giản là cái Tết cả mấy thế hệ mươi, mười lăm người mặc quần áo đẹp đứng chụp ảnh khoe đại gia đình.
Từ nhiều trăm năm qua, lịch sử người Việt bị chia rẽ, khi là con sông Gianh, lúc là sông Bến Hải, nay còn bị chia rẽ vì con đường đến với hội nhập toàn cầu. Nhưng dù có thế nào, người Việt vẫn tìm được đường đến với nhau vào bữa cơm chiều 30 Tết.
Tôi vẫn còn nhớ tấm ảnh hai người lính miền Nam và miền Bắc đứng bên nhau vào chiều 30 Tết ở vùng giáp ranh Quảng Trị. Chỉ có buổi chiều cuối năm mới có thể làm nên điều kỳ diệu, những cây súng được xếp cất, những nụ cười nở trên môi những người vốn từ một núm ruột mẹ Việt sinh ra.
Từ khắp năm châu bốn biển, cứ mỗi lần Tết đến, hàng vạn người Việt tất bật xếp lại công việc, tìm đường về căn nhà xưa, tìm về bàn thờ tổ tiên để thắp nén nhang tưởng nhớ cội nguồn.
Bao nhiều bất đồng chính kiến đều bị dẹp đi, bao nhiêu nỗi buồn đều bị ngày Xuân mới xua tan. Lịch sử người Việt cần cái Tết. Điều kỳ diệu của Tết Việt là như vậy.
Xuân thay đổi, nhưng Tết Việt là khó thay đổi!