Ông nhắc điều đó để nhớ lại một kỷ niệm cách đây đã ngót nghét 40 năm trong một lần ông lên Tạp chí Văn nghệ Quân đội chơi với người bạn đồng lứa (ông sinh năm 1929), đồng hương quê Bùi Xá - Đức Thọ - Hà Tĩnh là nhà văn Xuân Thiều. Xuân Thiều có hỏi ông dạo này có viết được gì không, ông hóm hỉnh nói: “Các ông là nhà văn chuyên nghiệp nên phải viết chuyên với cái nghiệp của mình, còn mình là nghiệp dư nên khi nào có dư thời gian mới ngồi viết văn”… Nghe câu đó, Tú Hói (một bút danh của nhà văn Xuân Thiều) vỗ đùi đánh đét cười lớn nhưng rồi vội nghiêm mặt nói: “Đã là nhà văn thì không nên phân biệt chuyên nghiệp hay nghiệp dư, vì cái cuối cùng, cái căn cước của mỗi nhà văn chính là tác phẩm để lại cho đời. Khi đối diện với tác phẩm thì người đọc không cần biết tác giả của nó là nhà văn chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp... họ chỉ biết tác phẩm hay hay không hay, có ích hay không có ích cho đời mà thôi”.
Xuân Thiều đã nói rất đúng về đặc thù lao động sáng tạo nhà văn. Điều đó còn đúng hơn nữa trong trường hợp của nhà văn Lương Sĩ Cầm. Ông là người cầm bút và thành danh khá sớm trên văn đàn. Ông nhập ngũ Nam tiến năm 1946, đến tháng 3 năm 1959 thì chuyển sang lực lượng Công an vũ trang. Và bước chân của người lính nhà văn ấy đã in dấu khắp các nẻo đường biên cương của Tổ quốc. Cũng chính từ những chuyến đi và những trận đánh của quân và dân ta trên khắp mọi miền tổ quốc đã thôi thúc ông viết. Nhưng đúng thế thật, dù thành danh sớm nhưng về sau ông lại được điều về làm Trưởng ban, Tổng biên tập ký sự Lịch sử Bộ đội biên phòng, với công việc đó thì đúng là ông rất ít khi có dư thời gian để ngồi viết.
Rồi thời cơ đã đến, đầu năm 1957, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam mở trại viết Kỷ niệm sâu sắc trong đời bộ đội và ông là một trong những người lính từ mặt trận về dự trại đầu tiên ấy. Khi truyện ngắn đầu tay của ông có tên là Y Ngun đến tay biên tập viên văn xuôi Tạp chí Văn nghệ quân đội là Nhà văn Nguyễn Khải, Nguyễn Khải đã mừng rỡ thốt lên là quá hoàn chỉnh, quá chuyên nghiệp, cứ thế mà in. Nhưng sau khi ngẫm nghĩ lại một lúc, ông cùng nhà văn Nguyễn Khải quyết định chưa cho đôi vợ chồng Y Ngun sau chiến tranh tìm gặp lại nhau để tạo thành cái kết mở, để cho truyện ngắn tạo được một tiếng ngân dài và cho người đọc đồng sáng tạo. Và truyện ngắn Y Ngun đã được xuất hiện trên Tạp chí Văn nghệ quân đội năm 1957.
|
|
Được đà xốc tới và như có một sự thỏa thuận ngầm giữa hai người bạn lính, bạn viết cùng làng, Xuân Thiều và Lương Sĩ Cầm đã cho ra mắt bạn đọc hàng loạt truyện ngắn in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội và báo Văn nghệ. Cuối năm 1959 Tạp chí Văn nghệ Quân đội kết thúc và trao giải cuộc thi: “Viết về đời sống bộ đội trong hòa bình”, nhà văn Lương Sĩ Cầm đoạt giải 3 với truyện ngắn Một chuyến tuần tiễu cuối năm. Truyện ngắn ca ngợi những người công an dù trong thời bình hay thời chiến thì vẫn là đội quân thường trực sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống để giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ và sự bình yên cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cùng nhận giải với ông còn có người bạn đồng hương là nhà văn Xuân Thiều, cũng là một nhà văn trưởng thành từ cơ sở như Lương Sĩ Cầm. Xuân Thiều trong cuộc thi đó cũng đoạt giải 3 cho truyện ngắn Trắng đêm. Dù truyện ngắn Y Ngun không được giải thưởng gì (vì khi đó không có cuộc thi) nhưng đến nay ngồi nhớ lại, Nhà văn Lương Sĩ Cầm vẫn nói, trong tất cả các truyện ngắn của mình, ông ưng ý nhất vẫn là truyện ngắn Y Ngun. Có chung với sự đánh giá của ông còn có các nhà văn Nguyễn Khải, Xuân Thiều, Nam Hà... và các nhà văn thế hệ sau, vì cứ mỗi lần tuyển chọn những truyện ngắn hay để đưa vào các tuyển tập, các nhà văn vẫn thường chọn truyện ngắn Y Ngun của ông.
Khi đã có những thành tựu văn chương bước đầu, ông được mời về dự lớp Bồi dưỡng viết văn ở Quảng Bá, ông nói đó là lớp viết văn đầu tiên và duy nhất nhưng vô cùng bổ ích đối với ông - một người lính cầm bút trong chiến tranh, ở chiến trường. Trong ba mươi ngày ở lớp bồi dưỡng, ông đã hoàn thành tiểu thuyết Trận đầu viết về cuộc chiến tranh của quân và dân ta chống lại thực dân Pháp ở mặt trận Nha Trang năm 1946.
Như ông nói là vì không ở trong môi trường sáng tác văn chương chuyên nghiệp nên ông chỉ có thể viết và học trong những lúc rỗi rãi hoặc ban đêm. Còn việc học nghề thì ngoài lớp bồi dưỡng viết văn Quảng Bá ra, ông chỉ học bằng cách là đọc các tác phẩm kinh điển của các nhà văn nổi tiếng để xem cách lập tứ, cách xây dựng nhân vật, cách viết truyện chứ không phải kể chuyện như ai đó vẫn từng nói. Ông tâm đắc điều đó và ông nhắc đi nhắc lại với tôi nhiều lần: Vấn đề quan trọng của nhà văn là làm sao viết thành truyện chứ không đơn giản chỉ kể một câu chuyện có đầu có cuối, kể cho xong một câu chuyện như bà kể chuyện cổ tích cho cháu nghe. Điều đó thật chí lý và luôn đúng với mỗi người viết văn. Suy cho cùng đẳng cấp của một nhà văn chính là cách dựng chuyện. Cũng giống như một người kiến trúc sư, trước một số lượng vật liệu như nhau nhưng người giỏi là người xây được những công trình đẹp và tiện ích cho đời.
Năm 2003 khi đang chuẩn bị đi Đại hội Hội nhà văn Việt Nam thì bỗng dưng ông bị đột quỵ do tai biến mạch máu não. Khi đó mọi người đưa ông sang Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nhưng trong tâm thế vẫn nghĩ đến chuyện nguy, chỉ đến khi nghe bác sĩ nói nếu chỉ cần chậm 2 giây đồng hồ nữa thôi là não sẽ chết và không còn cách nào có thể cứu sống được thì mọi người mới thở phào. Không ai có thể tin được rằng ông sẽ còn viết được văn khi nằm một chỗ, tay khèo và mọi sinh hoạt hàng ngày phải nhờ vào sự chăm sóc của người khác. Nhưng đúng là có một nội lực phi thường của người lính già sau bao năm chinh chiến. Tôi hỏi có phép màu nào không? Ông cười nheo đôi mắt hóm hỉnh nói: Được như ngày hôm nay là nhờ hai nàng Kiều. Một nàng đẹp như Kiều đó là vợ ông và một nàng Kiều trong thơ Nguyễn Du. Những ngày ông lâm bạo bệnh bà vợ ông như phân thân ra làm hai, một nửa chăm ông ở bệnh viện, một nửa quán xuyến chuyện gia đình. Nhiều hôm nhìn vợ tảo tần ông đã ứa nước mắt và đi đến quyết tâm phải tự phục hồi bằng được. Chân không còn đứng được, hai tay ông già bíu lấy hai vai còm cõi của người vợ già lết ra cửa sổ tầng hai. Mỗi bước lết của ông bà là ông nhẩm đọc Truyện Kiều. Cứ: “Trăm năm trong cõi người ta” thì nhích lên một bước, đến: “Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau” lại nhích thêm bước nữa... Ban đầu ông cho phép mình nhẩm xong một cặp lục bát thì nhấc một chân lên rồi đặt xuống, sau đó cứ tăng dần, tăng dần... Cứ như thế bốn tháng trời không biết mấy trăm lần khoác mòn vai vợ và ngày mấy lần nàng Kiều truân chuyên trở đi trở lại trong đầu ông thì ông bắt đầu rời vai vợ và khung cửa sổ để lầm bước theo vách tường nhà rồi ra cửa, ra… công viên.
Khi đã vận động được tay chân, ông lại ngồi vào bàn viết và năm 2008 văn đàn hết đỗi kinh ngạc khi ông cho xuất bản cuốn tiểu thuyết Đèn kéo quân có độ dày hơn 500 trang in. Cuối năm 2013 ông nộp quyển tiểu thuyết Bước chân trinh sát tham gia cuộc thi: “Vì an ninh tổ quốc và bình yên cuộc sống”, do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam đồng tổ chức. Năm nay bước sang tuổi 86, lão nhà văn lại ngồi vào bàn viết bắt đầu những trang đầu của cuốn tiểu thuyết mới viết về những người lính công an giúp nước bạn Lào trong những năm chiến tranh. Vâng không biết nói gì hơn, chỉ biết tỏ lòng cảm phục và đón đợi, đón đợi. Ông sống bình dị và như một dòng sông cứ lặng lẽ trôi để đi tìm về biển lớn, và ông sẽ tới biển dù cho trên đường đi có gặp lắm thác ghềnh