Nguyên Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn: “Văn hóa đọc không giảm sút”

08:53:00 25/03/2014

Lần đầu tiên, ngày 21/4 hàng năm được gọi Ngày Sách Việt Nam. Đây là một sự kiện quan trọng không chỉ đối với những người làm sách mà là ngày tôn vinh văn hóa đọc, tôn vinh tri thức.

Để hiểu hơn về ý nghĩa của Ngày Sách Việt Nam, hiểu hơn về đóng góp của sách, xuất bản, văn hóa đọc đối với đời sống xã hội, PV Infonet đã có cuộc trò chuyện với ông Đỗ Quý Doãn, Nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam.

Nguyên Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn đang trò chuyện với PV Infonet (ảnh Hồng Chuyên)

Thưa ông, chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là đến ngày sách Việt Nam. Là người gắn bó với ngành báo chí và xuất bản đã lâu, ông có thể chia sẻ cho công chúng biết ý nghĩa của Ngày Sách Việt Nam đối với văn hóa đọc?

Đối với Việt Nam thì sách và “văn hóa đọc” trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống của mọi người. Từ lâu đời, văn hóa đọc trong xã hội Việt Nam có ảnh hưởng rất lớn chính vì vậy mà chúng ta tôn vinh giá trị của sách và văn hóa đọc là một việc làm hết sức cần thiết.

Đặc biệt, trong thời đại bùng nổ thông tin như ngày nay, các phương tiện truyền thông, các loại hình truyền thông đang ngày càng phát triển thì rõ ràng việc tôn vinh văn hóa đọc và cảm thụ những kiến thức qua sách là một việc rất cần thiết. Chính vì lẽ đó, trong rất nhiều năm Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam, Ban Tuyên giáo TƯ cùng các đơn vị liên quan đã có rất nhiều cuộc họp bàn bạc việc xây dựng Đề án Ngày Sách Việt Nam.

Chỉ thị 42 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động xuất bản trong đó nhấn mạnh việc tôn vinh sách và “văn hóa đọc”và cũng giao trách nhiệm xây dựng để trình một đề án vê Ngày Sách Việt Nam. Trên cơ sở những chỉ đạo của Ban Bí thư, Bộ Chính trị, của Chính phủ, Ban Tuyên giáo TƯ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam, và các cơ quan chức năng đã tiến hành một số hội thảo để lấy ý kiến các nhà khoa học, các nhà chuyên môn, những người hoạt động trong lĩnh vực xuất bản để có một đề xuất về Ngày Sách Việt Nam.

Trên cơ sở đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ trì cùng với Hội Xuất bản Việt Nam xây dựng đề án. Ngày Sách Việt Nam phải là một ngày trong tháng tư gần với Ngày Sách và Bản quyền Thế giới và cũng gần với ngày mà cách đây 87 năm thời điểm Bác Hồ xuất bản cuốn sách Đường Cách Mệnh- tác phẩm khởi đầu cho nền xuất bản cách mạng Việt Nam.

Vì vậy, kết hợp tất cả những yếu tố đó, Thủ tướng đã quyết định lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam. Việc làm này nhằm tôn vinh sách và “văn hóa đọc” thông qua đó xây dựng một xã hội học tập và làm cho tri thức từ sách thực sự đi vào cuộc sống góp phần hình thành nhân cách, đạo đức, lối sống, tình cảm, trí tuệ con người Việt Nam.

Tôi nghĩ, tất cả những yếu tố đó nếu làm được là một điều hết sức quý giá và thông qua ngày này còntôn vinh những người hoạt động trong lĩnh vực xuất bản làm sao tạo điều kiện cho lĩnh vực xuất bản nói chung, sách nói riêng ở Việt Nam tiếp tục có sự phát triển trong giai đoạn sắp tới.

Ông có thể lý giải sự khác nhau giữa sách và báo chí đối với việc tác động đến nhận thức của cộng đồng?

Có thể nói báo chí và xuất bản là hai lĩnh vực hết sức quan trọng trong đời sống xã hội. Ngay trong quá trình vận động thành lập Đảng, cũng như từ khi Đảng ra đời đến nay, báo chí và xuất bản được đánh giá là một bộ phận trong sự nghiệp cách mạng của Đảng ta. Trong quá trình vận động thành lập Đảng báo chí được xem là công cụ tuyên truyền, sách là tài liệu để giáo dục, giác ngộ cách mạng.

Tất nhiên, mỗi loại hình có đặc thù riêng của nó. Báo chí với tính thời sự tác động tức thời được sử dụng trong việc tuyên truyền, phổ biến những chủ trương chính sách, trong việc phê phán những việc làm sai trái, cổ vũ những nhân tố mớ điển hình tiên tiến. Còn đối với sách là sự lắng đọng, chắt lọc, là sự khái quát những hiện tượng xã hội bằng những nhân vật điển hình trong một bối cảnh điển hình. Sách là kho tri thức của nhân loại; sự tác động của nó là tác động một cách toàn diện lâu dài góp phần hình thành nên nhân cách, nền tảng đạo đức xã hội.

Vai trò của hai lĩnh vực này như Đảng ta đã xác định là những vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng. Như vậy hai lĩnh vực này có những thế mạnh của nó và cùng góp phần trong việc giáo dục con người, hình thành nên những nhân cách.

Ông có suy nghĩ, cảm nhận gì trước thông tin lượng sách người dân Việt Nam đọc không quá 1 quyển/người dân?

Trong nhiều hội thảo có ý kiến đưa ra là “văn hóa đọc” của Việt Nam đang giảm sút một cách nghiêm trọng nhưng tôi nghĩ nó ở một khía cạnh khác. Theo tôi, không phải văn hóa đọc giảm sút mà nó chỉ thay đổi phương thức đọc. Trước đây, lượng người đọc qua sách in có thể chiếm một tỉ lệ rất lớn nhưng bây giờ người ta vẫn đọc nhưng người ta đọc sách điện tử, sách trên mạng, hoặc nghe đọc sách bây giờ cũng rất nhiều. Như vậy chỉ là sự thay đổi phương thức đọc còn tỉ lệ người đọc không thay đổi. Có thể số lượng sách in và người đọc sách in giảm nhưng lượng người đọc trong xã hội không giảm bởi vì nó chỉ thay đổi từ phương thức và loại hình này sang phương thức, loại hình khác mà thôi.

Theo một số chuyên gia về truyền thông, 95% người đọc chỉ đọc lướt, chỉ có 5% đọc hết tất cả. Bản sách điện tử tăng lên, bản sách giấy giảm đi, trước một thực trạng tâm lý đọc của người Việt là chỉ đọc lướt thì có ảnh hưởng đến tư duy cũng như nhận thức của người Việt không, thưa ông?

Thực ra, cũng phải nghiên cứu một cách đầy đủ bởi có những người họ nắm bắt rất nhanh, họ nắm bắt tất cả những nội dung nhưng khi thấy cần thiết, thấy quyển sách đó có giá trị, có ý nghĩa thì họ có thể tìm bản in để đọc hoặc là tìm những thiết bị phù hợp, thuận lợi hơn để đọc.

Tôi nghĩ, tâm lý đọc sách này nó phụ thuộc vào nhu cầu và tính chất của từng quyển sách đối với từng người. Báo chí cũng thế thôi, nếu lướt từ trang 1 đến trang 16 không có bài người ta quan tâm thì người ta cũng lướt thôi bởi vì thời buổi bây giờ, thời gian cũng rất hạn hẹp, người ta còn có nhiều việc để xử lý.

Với tư cách là Chủ tịch Hội Xuất bản xin ông cho biết Hội Xuất bản Việt Nam sẽ đóng góp gì cho Ngày Sách Việt Nam?

Chúng tôi cũng đã bàn và sắp tới trong kỳ họp Ban chấp hành cũng sẽ triển khai một số công việc.

Thứ nhất, tôi nghĩ Hội tham gia vào Ban tổ chức Ngày Sách Việt Nam để chương trình diễn ra thành công, đặc biệt đây là lần đầu tiên mình công bố.

Thứ hai, sẽ xây dựng một kế hoạch để tổ chức Ngày Sách Việt Nam hàng năm, đặc biệt là các hoạt động. Và như tôi nói, mục tiêu của Ngày Sách Việt Nam là tôn vinh giá trị của sách, tôn vinh văn hóa đọc, tôn vinh những người hoạt động trong lĩnh vực này.

Chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, cùng sự tham gia của Ban Tuyên giáo Trung ương để tổ chức Ngày Sách Việt Nam một cách thiết thực, trọng thể và hiệu quả.

Chúng tôi đang dự kiến làm sao để tất cả các hoạt động trong lĩnh vực xuất bản nằm trong chuỗi những hoạt động của Ngày Sách Việt Nam, ví dụ Hội chợ sách Quốc tế tại Việt Nam, Hội chợ sách thành phố Hồ Chí Minh, Ngày hội đọc sách, trưng bày và giới thiệu sách ở các thư viện cũng có thể tổ chức vào dịp này.

Hội Xuất bản Việt Nam cũng đang có suy nghĩ lên kế hoạch để Giải thưởng sách của Hội Xuất bản Việt Nam hàng năm cũng có thể xét chọn và trao trong dịp này.Trước mắt chúng tôi tập trung vào những việc lớn để làm sao Ngày hội Sách trở thành một sự kiện để lại dấu ấn trong xã hội.

Trên cơ sở đó, hình thành nét văn hóa mới ,tôn vinh văn hóa đọc, tôn vinh giá trị sách và những người hoạt động trong lĩnh vực xuất bản.

Thưa ông, với tư cách cá nhân, ông có góp ý gì để cho Ngày Sách Việt Nam có thể thành công hơn?

Thời gian có thể gấp nhưng hàng năm chúng ta cũng đã tổ chức Ngày đọc sách nhân ngày Sách và Bản quyền Thế giới, vì vậy tôi nghĩ Ngày Sách Việt Nam năm 2014 này trên cơ sở những việc mà mình đã làm và trên thực lực hiện có chúng ta tổ chức Ngày Sách một cách trang trọng thiết thực.

Theo tôi,tổ chức Hội chợ sách ở thành phố Hồ Chí Minh trong tháng 3 này coi như là một khởi động của Ngày Sách Việt Nam, rồi sau đó là những hoạt động khác. Vấn đề quan trọng là khi tổ chức, mình biết lồng nội dung của các hoạt động vào Ngày Sách thì nó sẽ trở thành một sự kiện có ý nghĩa.Tôi nghĩ, nếu mình làm một cách nghiêm túc, trang trọng thì cũng sẽ để lại dấu ân tốt đẹp làm tiền đề cho việc tổ chức Ngày Sách VN những năm tới.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hồng Chuyên (thực hiện)


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1