Hơn 20 triệu bản sách sẽ được giới thiệu với người đọc tại Hội sách TPHCM

15:20:00 22/03/2014

(VOH) - Hội sách TPHCM là Hội sách lớn nhất Việt Nam, được tổ chức 2 năm một lần nhằm mang sách đến gần với người đọc và góp phần tôn vinh văn hóa đọc. Năm nay, Hội sách lần 8 được tổ chức tại công viên Lê Văn Tám - Quận 1 từ ngày 24 đến ngày 30/3/2014, với hơn 20 triệu bản sách được trưng bày.

Để biết rõ hơn những mới lạ, đặc sắc của Hội sách lần này, phóng viên Đài TNND TPHCM có cuộc phỏng vấn ông Lê Hoàng - Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn - Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên, Trưởng Ban tổ chức Hội sách:

* Thưa ông, Hội sách lần 8 năm 2014 cũng đã bắt đầu có những khởi động, có thể nói năm nay hội sách trình làng nhiều sách hơn hẳn các hội sách trước. Ông có thể nói điểm mới Hội sách lần này?

- Ông Lê Hoàng: Lần này, Hội sách sẽ tập trung triển lãm về chủ đề biển đảo với những tư liệu mới sưu tầm được để khẳng định về chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; những hình ảnh giới thiệu về TPHCM trong quá trình hội nhập và phát triển trong những năm gần đây. Về phần trưng bày sách thì ngoài chủ đề quen thuộc thì lần này sách được bổ sung thêm nhiều bản sách để trưng bày: sách về chủ đề Bác Hồ, nhân kỉ niệm 70 năm Ngày quân đội nhân dân Việt Nam và kỉ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ thì cũng có những đầu sách gắn sát với chủ đề này. Bên cạnh những nhà xuất bản nước ngoài quen thuộc trong những lần triển lãm trước thì lần này có thêm những nhà xuất bản (NXB) nước ngoài mới cũng đến tham dự hội sách lần này. Về mặt qui mô, chúng tôi đặc biệt ghi nhận có những đơn vị, các công ty, NXB có các gian hàng được dàn dựng với qui mô lớn, có lối thiết kế hiện đại, đẹp mắt, có tính mỹ thuật cao để nâng cao qui mô phục vụ cho bạn đọc. Những cố gắng này cũng cho thấy ngành xuất bản đương có những tín hiệu tốt lành trong vấn đề để mà có nhiều hoạt động tốt hơn cho công chúng đọc Việt Nam chúng ta. Cũng có nhiều ứng dụng công nghệ mới trong vấn đề xuất bản như ebook chẳng hạn.

* Một điểm khá đặc biệt của Hội sách năm nay đó là có chương trình Giao lưu và tôn vinh đờn ca tài tử. Nhưng theo ông thì không gian Hội sách có phù hợp để chúng ta đưa vào hoạt động này hay không?

- Ông Lê Hoàng: Ngay tại sân khấu trung tâm, nơi rộng rãi, thoáng mát, có đông công chúng đến điểm này, chúng tôi tổ chức chương trình đờn ca tài tử vào buổi tối. Chúng tôi mời giáo sư Trần Văn Khê để thông qua sự giới thiệu của giáo sư về vấn đề âm nhạc dân tộc, bên cạnh đó có giới thiệu đờn ca tài tử Nam bộ và những tiết mục liên quan đến đờn ca tài tử Nam bộ. Bên cạnh, có những nghệ sĩ cải lương biểu diễn nhưng phức khúc đờn ca tài tử thì có những làn điệu cổ nhạc cũng sẽ được biểu diễn trong lúc này. Lần này chúng tôi nghĩ rằng việc đưa vào đây nó có ý nghĩa đó là tôn vinh loại hình âm nhạc dân tộc của chúng ta. Ý nghĩa đó là điều mà chúng tôi muốn mang lại trong hội sách này bởi chương trình đờn ca tài tử này.

* Thấy có khá nhiều hoạt động triển lãm, trưng bày ý nghĩa, gắn với những ngày kỉ niệm lịch sử của dân tộc. Và một mảng sách nữa cũng được quan tâm đó là những hoạt động của các cây bút trẻ như thế nào trong hội sách lần này?

- Ông Lê Hoàng: Các đơn vị xuất bản, nhất là các đơn vị xuất bản mạnh như NXB Trẻ TPHCM, Kim Đồng, Tổng hợp, Văn hóa Văn nghệ... thì chuẩn bị rất tốt cho ra các đầu sách mới phục vụ cho nhu cầu đọc của các bạn đọc trẻ. Vi dụ như sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư, các cây bút thế hệ 8x, 9x cũng cho ra mắt sách đợt này. Đấy cũng là ghi nhận mà chúng tôi thấy rất tích cực để bạn đọc trẻ chọn đầu sách mình yêu thích một cách tốt nhất.


Ông Lê Hoàng (phải): “Tôi tin rằng giá trị của Hội sách TPHCM sẽ được tiếp tục phát huy hơn nữa” - Ảnh: TTO.

* Hội sách được diễn ra ngay trung tâm là điều kiện rất thuận lợi cho người dân đến thăm quan và mua sách. Tuy nhiên, ở những nơi vùng sâu vùng xa thì Hội sách có kế hoạch gì để đưa sách đến người đọc?

- Ông Lê Hoàng: Hội sách chủ yếu phục vụ ngay tại trung tâm hội sách. Tuy nhiên, nó cũng có ảnh hưởng và tác động đến bạn đọc vùng sâu vùng xa. Các nơi này vẫn có thể tổ chức cho các em đến đây để thưởng ngoạn không gian sách và mua sách. Những thư viện, công ty sách, thiết bị trường học ở tất cả các quận huyện đều có thể về đây để chọn các mặt sách mà thấy cần thiết cho vùng miền của mình, cho bạn đọc ở vùng sâu vùng xa. Chúng tôi cũng có chương trình là huy động, vận động sách để chúng tôi đưa đến Bộ tư lệnh Biên phòng. Lần này chúng tôi sẽ thực hiện việc đưa sách đến bộ đội biên phòng: thông qua Bộ tư lệnh Biên phòng sẽ chuyển sách chúng tôi về các vùng biên giới để phục vụ cho bộ đội biên phòng cũng như là bà con ở những vùng đất này.

* Qua 8 lần tổ chức Hội sách, ông nhận xét như thế nào về văn hóa đọc của người dân hiện nay?

- Ông Lê Hoàng: Bản thân người dân ở TPHCM cũng có thói quen đọc sách tốt. Tôi nghĩ là chúng ta vẫn muốn thói quen đọc sách tốt hơn và trở thành trào lưu, khuynh hướng được gọi là văn hóa đọc thì điều này cũng chưa đạt được những điều như chúng ta mong muốn. Chúng ta thấy người nước ngoài đến Việt Nam, đến TPHCM lúc nào cũng kè kè một quyển sách thì đó là thói quen chưa có của chúng ta. Hội sách TPHCM cũng có hình ảnh đáng yêu tức là đông người đến với Hội sách, tôi nghĩ là không kém hơn các hội chợ khác thì đó là sự yêu thích sách thấy rõ. Hình ảnh ông bà, cha mẹ, con cháu dắt dìu nhau đến hội sách tìm mua sách cho tủ sách gia đình thì hình ảnh đó cũng nói lên phần nào về văn hóa đọc của người dân thành phố và là niềm khích lệ với những người làm hội sách, làm xuất bản như chúng tôi.

* Cám ơn ông!


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1