Theo công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông, những hoạt động hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam bắt đầu diễn ra từ cuối tháng 3 cho đến hết tháng 4 hằng năm. Năm nay, trong ngày 19-4, buổi chiều từ 15h30, các đoàn xe diễu hành trên một số tuyến phố chính. Cùng giờ, tại Văn Miếu, sẽ diễn ra cuộc thi xếp sách nghệ thuật. Sáng cùng ngày, khai mạc Đường sách tại khu vực Ngô Quyền, Đinh Lễ, giới thiệu sách của các nhà xuất bản theo các chủ đề: Chiến thắng Điện Biên Phủ, biển đảo quê hương, kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô, giới thiệu các di sản văn hóa của Việt Nam...
Tối 19-4, tại quảng trường Lý Thái Tổ, diễn ra lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam, được VTV1 truyền hình trực tiếp từ 20h tới 21h30.
Ngày 20-4, lễ khai mạc Ngày sách Việt Nam sẽ diễn ra lúc 8h tại sân Văn Miếu Quốc Tử Giám. Tại đây còn có nhiều hoạt động như trình diễn thơ, thuyết trình “Sách, chìa khóa thành công”, giao lưu với thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, các chương trình dành cho thiếu nhi như vẽ tranh theo sách, kể chuyện, tìm hiểu kiến thức qua sách báo… Bên cạnh đó, nhiều hoạt động phong phú khác như trưng bày, triển lãm sách theo chủ đề kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 70 năm thành lập QĐND Việt Nam, 60 năm giải phóng thủ đô Hà Nội, chân dung tác giả và tác phẩm đoạt giải thưởng, bán sách giá ưu đãi…
Ngoài chương trình chính diễn ra tại Văn Miếu Quốc Tử Giám và khu vực Đinh Lễ, tượng đài Lý Thái Tổ, nhiều đơn vị khác cũng tổ chức các hoạt động phong phú hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam lần đầu tiên.
Các dịch giả Dương Tường, Đặng Thị Hạnh, Lê Hồng Sâm và Đặng Anh Đào bị độc giả "quây" trong buổi giới thiệu sách "Bên phía nhà Swan".
Tại Thư viện quốc gia, một chương trình đặc biệt với chủ đề Ngày hội sách từ quá khứ tới đương đại sẽ diễn ra từ ngày 20 đến 26-4. Trong đó, có trưng bày sách bằng đồng bài Ngự chế do vua Minh Mạng viết, hiện nay bộ sách quý này đang được lưu trữ tại thư viện của Đức. Bản sao bộ sách do Viện Goethe Việt Nam tài trợ. Bên cạnh đó, Thư viện Quốc gia cũng tổ chức nhiều chương trình giao lưu với các nhà văn, nhà nghiên cứu nổi tiếng như Dương Trung Quốc, Lê Văn Lan, Nguyễn Nhật Ánh...
Tại Thư viện Hà Nội (47 phố Bà Triệu, Hà Nội) và Thư viện Hà Đông (2B đường Quang Trung, Hà Đông) sẽ diễn ra tuần trưng bày, giới thiệu sách từ ngày 18-4 đến hết ngày 11-5, trong đó Thư viện Hà Đông tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề: Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Điện Biên Phủ.
Tại Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, cũng diễn ra nhiều hoạt động hấp dẫn dành cho bạn đọc, trong đó trưng bày “Hành trình của sách Quốc ngữ Việt Nam” (do TT VHNN Đông Tây và Diễn đàn sachxua.net phối hợp tổ chức), diễn ra từ ngày 19 đến 26-4, với khoảng 150 - 200 cuốn sách quý do các thành viên của Diễn đàn Sachxua.net đóng góp. Đây là những ấn phẩm tiêu biểu cho quá trình hình thành và phát triển của sách Quốc ngữ Việt Nam từ nửa cuối thế kỉ XIX đến nay. Ngoài ra, còn có các hoạt động giới thiệu sách “Giấc Mơ Đôi Chân Thiên Thần” của tác giả Trần Trà My (Cô gái khuyết tật bay cao cùng đôi cánh văn chương) vào 14h ngày 18-4, tọa đàm “Sách công cụ và sách giải trí trong văn hóa đọc”, với sự tham gia của PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái (ĐH KHXH&NV), vào lúc 9h sáng 19-4, giao lưu với nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên: “Nhà phê bình đọc sách như thế nào” vào 19h ngày 23-4.
Bên cạnh đó, một Chợ phiên sách cũ, do Nhà sách Đông Tây và Sách cũ Hà Thành phối hợp tổ chức cũng diễn ra trong hai ngày 19 và 20-4, với nhiều đầu sách giảm giá tới 40%, sách đồng giá 5.000 đồng, 10.000 đồng, sách quý…
Đây là lần đầu tiên Việt Nam có Ngày Sách, và những hoạt động hưởng ứng này góp phần không nhỏ vào việc khơi dậy phong trào đọc sách, tình yêu đối với sách và khôi phục lại văn hóa đọc vốn lâu nay nhòe mờ trước vô vàn các loại hình giải trí hiện đại, phong phú. Đây cũng là cơ hội hiếm hoi để các độc giả, người yêu sách tiếp cận được với những bản sách quý hiếm, độc đáo, và có dịp mua sách giá rẻ…