Tác giả Học Phi Bền bỉ với nghiệp - Bền bỉ với đời

06:00:00 09/05/2014

Năm cụ ngành sân khấu được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên năm 1996 (Trần Hữu Trang, Tống Phước Phổ, Đào Hồng Cẩm, Tào Mạt, Học Phi) chỉ còn mình ông ở lại để nhận phần thưởng cao quí này. Các cụ khác người vì tuổi cao sức yếu, người vì bệnh tật đã thành người thiên cổ. Khi đó ông đã bước vào tuổi 83, nhưng nội lực dồi dào trong con người trải qua bao thăng trầm vẫn đưa ông đi tiếp cuộc hành trình trọn một thế kỷ có lẻ (1913 - 2014). Vào chiều ngày 6/5/2014, ông đã lặng lẽ ra đi để lại trong lòng đồng nghiệp bao sự tiếc nuối bởi sự mến mộ tài năng, sự trân trọng về nhân cách.

Tác giả Học Phi.

Ông - như bạn bè đồng nghiệp nhận xét: cả đời cặm cụi sáng tác kịch, viết văn. Thời trẻ, ông đã từng là Chủ tịch tỉnh, quyền Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hưng Yên. Hưng Yên đối với ông không chỉ đơn giản là quê hương mà còn gắn bó như máu thịt: hoạt động cách mạng, bị tù tội ở đấy, yêu đương cũng ở đấy và cả những mất mát trong cuộc đời cũng trên mảnh đất này. Đất Hưng Yên với phố Hiến một thời nổi tiếng sầm uất giờ đây tự hào vì có người con như ông - một nhà văn, một tác giả sân khấu nổi tiếng của cả nước. Đã có thời, ông là TổngThư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, nhưng chưa có một lúc nào ông xem nhẹ công việc viết kịch, cho cả đến khi nghỉ hưu, ông vẫn là nghệ sĩ.

Ngày ông được Giải thưởng Hồ Chí Minh, tôi đến thăm ông, dường như con người này biết chống lại quy luật của trời đất. Không ai nghĩ ông đã vào tuổi lên lão. Gặp ông - vẫn thấy một Học Phi nhanh nhẹn, đôi mắt sáng quắc và lúc nào cũng đầy ắp những dự định đang dang dở. Ngó vào đống bản thảo trên bàn, thấy ông đang viết những dòng cuối cùng của cuốn tiểu thuyết dự định dày 500 trang. Ông viết về những con người quê hương ông trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ông bảo, những ngày cuối đời này, ông muốn viết để trả nợ quê hương.

Trong suốt quá trình sáng tác của mình, ông đã làm được một khối lượng khá lớn với những tác phẩm nổi tiếng: Dòng dõi, Yêu và thù, Bóng hồng, Ngọn lửa, Bà đốc Huệ, Cuộc đời về cuối... (văn xuôi), Cà sa giết giặc, Ngày mai, Chị Hòa, Một đảng viên, Ni cô Đàm Vân, Hoàng Lan, Đêm dài, Đêm lịch sử... (kịch). Không chỉ viết kịch, tiểu thuyết, ông còn làm thơ. Nhưng cho dù là kịch, là tiểu thuyết, là thơ thì những sự kiện, những nhân vật và những xúc cảm trong ông luôn hướng về cách mạng. Dường như cả cuộc đời, ông đắm chìm vào bối cảnh lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc nên tác phẩm nào cũng đậm đặc không khí hào hùng của lịch sử dân tộc. Chả thế mà có người gọi ông là tác giả của một đề tài. Không phải ông muốn khác người, mà ông bào tạng ông chỉ quen loại đó. Cho đến cả những năm cuối đời, viết như cố dốc hết những gì tàng trữ suốt đời lên trang giấy, ông vẫn viết về con người của cuộc kháng chiến, của phong trào cách mạng quê hương ông. Ông được xếp là một trong những tác gia kịch Việt Nam hiện đại bởi có một quá trình sáng tác liên tục, không gián đoạn.

Vở chèo Ni cô Đàm Vân được Nhà hát chèo Việt Nam phục dựng lại nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh tác giả Học Phi.

Khi tỉnh Hưng Yên tách tỉnh, người ta vời ông về làm cố vấn cho công việc tỉnh nhà. Tỉnh định xây cho ông một căn nhà ở hồ Bán Nguyệt để dưỡng già nhưng ông từ chối. Có lẽ ông muốn giằng níu sợi dây mẫu tử với những người con hiếm hoi còn ở lại cùng vợ chồng ông. Sinh thập nam, nhưng 7 người con đã bỏ ông ra đi. Trong hành trình cuộc đời mình, có lúc ông bảo, bi kịch nhất là cứ phải ngồi đếm những đứa con lần lượt bỏ mình ra đi. Người vợ mòn mỏi vì nín chịu 6 nỗi đau trên vai cũng đã đi xa ông mãi mãi (khi đó tác giả Hồng Phi chưa mất). Bà không có tên trong tác phẩm nào của ông, nhưng sự hy sinh thầm lặng của bà đã đóng góp một phần rất lớn vào tên tuổi của ông, của hai người con trai mà giới sân khấu và văn học không ai không biết: tác giả Hồng Phi và nhà văn Chu Lai.

Nhìn cảnh ông côi cút những năm cuối đời mà thương. Người này ngày xưa ham mê bạn bè, nghiện thuốc lá, nổi tiếng đào hoa. Vậy mà sau này ông bỏ thuốc, chỉ nhâm nhi chén trà loãng. Có giai đoạn ông chỉ sống một mình trong căn hộ chung cư. Không phải các con bỏ ông, nhưng ông muốn thế. Cái máu nghệ sĩ nhiều khi lạ lắm, muốn những cái khác thường trong cái bình thường, có thế mới ra tác phẩm. Khi còn sức, sáng sáng ông vẫn đều đặn tập khí công, xoa bóp, bấm huyệt, tập thể dục dưỡng sinh. Đận vào tuổi bát tuần, ông vẫn ao ước tìm được một người đàn bà của riêng mình. Bạn bè cũng giới thiệu đám nọ đám kia, nhưng tiêu chuẩn của ông cũng rất nghệ sĩ: Nàng phải dưới tuổi 40, như thế mới đủ gây cảm hứng cho ông sáng tác mỗi sớm mai thức dậy. Khi đó hình như ông vẫn còn dự định gì đó cho cuộc đời riêng của mình. Nhìn mắt ông, vẫn thấy lấp lánh tia nhìn của thời trai trẻ.

Những ngày cuối cùng của cuộc đời, ông sống chìm trong mộng mị, gạt qua một bên mọi vinh hoa, ưu phiền của cuộc đời. Nhưng dường như cái mầm sống trong ông thì vẫn cứ bền bỉ, níu giữ ông cho đến trước một ngày diễn ra Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp của dân tộc mà ông là người có nhiều đóng góp bằng ngòi bút sắc bén của mình.

Tố Lan


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1