Vĩnh biệt nhà viết kịch Học Phi

12:53:00 09/05/2014

PN - Nhà văn, nhà viết kịch Học Phi, người được xem là một trong những cây đại thụ của sân khấu Việt Nam đã vĩnh viễn rời cõi tạm lúc 14g56 ngày 6/5 ở tuổi 102.

Tác giả Học Phi tên thật là Chu Văn Tập, sinh năm 1913 tại Tam Nông, Tiên Lữ, Hưng Yên. Ông tham gia cách mạng từ rất sớm, từng bị thực dân Pháp giam giữ tại Hỏa Lò năm 1933. Sau khi ra tù, ông mới bắt đầu nghiệp văn chương bằng tiểu thuyết Hai làn sóng ngược. Sau một loạt truyện ngắn đăng trên các báo ở Hà Nội, ông tiếp tục có đến ba quyển tiểu thuyết được phát hành là Đắm tàu, Dòng dõi, Yêu và thù.

Học Phi bắt đầu viết kịch bản sân khấu từ năm 1944 với những tác phẩm ngùn ngụt tính chiến đấu: Đào nương (Người kỹ nữ ở Đông Quan), Cà sa giết giặc, Chị Hòa, Một đảng viên, Lá mùa thu, Mở đường, Ni cô Đàm Vân… Hầu hết kịch bản của ông đều được dàn dựng nhiều lần.

Nhà văn, nhà viết kịch Học Phi từng giữ nhiều chức vụ khi tham gia cách mạng: nguyên Chủ tịch UBND cách mạng tỉnh Hưng Yên; nguyên Tổng thư ký Hội Văn hóa kháng chiến liên khu III, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Ông đã được trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhất và giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (đợt 1).

Từ ngày đến với sáng tác, dường như chưa bao giờ tác giả Học Phi chịu nghỉ ngơi. Ông để lại cho đời hơn 30 kịch bản sân khấu, chín tiểu thuyết và một số kịch bản phim truyền hình. Sức sáng tạo và khả năng viết lách của ông khiến mọi người phải ngạc nhiên thán phục. Ở tuổi 90, ông bắt đầu viết kịch bản phim. Bộ phim Minh Nguyệt (ĐD Nguyễn Hữu Phần) đã giành giải Kịch bản xuất sắc nhất tại Liên hoan truyền hình toàn quốc. Và giờ đây, khi ông đã đi xa, trên bàn làm việc của ông vẫn dang dở một kịch bản về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy (Hưng Yên). Ông vẫn không thôi sáng tác đến hơi thở cuối cùng.

Lễ viếng nhà văn, nhà viết kịch Học Phi bắt đầu từ 7g - 9g30 ngày 12/5 tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Lễ truy điệu được tổ chức cùng ngày, sau đó đưa đi an táng tại nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.

Phương Minh


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1