Thư viện Hải Dương được khởi công xây dựng tháng 12/2008 với kinh phí đầu tư nhiều tỷ đồng, hoàn thành vào tháng 3/2011 để thay thế thư viện cũ. Trụ sở thư viện mới được xây dựng với tổng diện tích 8.250 m2, gồm năm tầng. Đây là công trình có kiến trúc đẹp, hài hòa với phong cảnh thiên nhiên môi trường, nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa tinh thần của nhân dân.
Theo thiết kế, thư viện có nhiều bộ phận phục vụ và khai thác dịch vụ thông tin như: phòng mượn sách về nhà, phòng đọc sách tại chỗ, phòng thư viện thiếu nhi, phòng đọc sách cho người khiếm thị, phòng đọc ngoại văn, phòng đọc sách quý hiếm, kho lưu trữ báo, tạp chí. Đồng thời Thư viện còn dành một diện tích đáng kể cho việc khai thác internet, thư viện điện tử, thư viện số, phòng đọc đa hương tiện và nghe nhìn.
Mọi người đã hăng say tập thể dục thẩm mỹ trong tiếng nhạc mạnh tại tầng 5 thư viện Hải Dương. Ảnh: PLXH |
Tuy nhiên, hiện toàn bộ tầng 5 của thư viện đã được cho lớp dạy Thể dục thẩm mỹ thuê với thời gian tập buổi sáng từ 5 giờ đến 7 giờ 30 , buổi chiều từ 3 giờ 30 tới 19 giờ. Giám đốc Thư viện tỉnh Hải Dương Đinh Xuân Quyện chỉ cho chúng tôi xem 3 bản hợp đồng gồm Hợp đồng thuê địa điểm ký ngày 1/1/2014 giữa Thư viện và ông Nguyễn Văn Vượng (trú tại thành phố Hải Dương) cho thuê toàn bộ sảnh trung tâm của tòa nhà thư viện với diện tích sử dụng 300m2 để sinh hoạt Câu lạc khiêu vũ cổ điển từ 20 đến 22 giờ các ngày 3, 5, 7 hàng tuần; Hợp đồng thuê địa điểm ký ngày 7/2/2014 giữa Thư viện tỉnh và ông Trần Quốc Chiến thuê 1 phòng tại tầng 5 với diện tích 240 m2 để sinh hoạt Câu lạc bộ khiêu vũ từ 19 giờ 30 đến 22 giờ các ngày trong tuần trừ thứ 7 và Hợp đồng trông giữ các loại phương tiện tại Thư viện tỉnh Hải Dương giữa Thư viện Hải Dương và Tổ dịch vụ của thư viện.
Nhưng thực tế, khi chúng tôi có mặt tại Thư viện tỉnh khoảng 16 giờ, đứng ngay dưới sân đã nghe thấy tiếng nhạc ầm ầm cùng nhịp đếm của người hướng dẫn tập thể dục thẩm mỹ, hàng chục chiếc ô tô, xe máy ra vào tấp nập, các quý bà, quý cô xúng xính trong những bộ quần áo "mát mẻ" nườm nượp kéo vào thư viện. Chứng kiến cảnh tượng này, một đồng nghiệp của chúng tôi buột miệng "Mình cứ tưởng đang ở khu du lịch sinh thái chứ không phải đang đứng trước cửa thư viện, một trung tâm dành cho văn hóa đọc, nghiên cứu cần sự yên tĩnh".
Giám đốc Thư viện tỉnh Hải Dương, Đinh Xuân Quyện cho biết: Thư viện được giao thu ngân sách với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng, mà cụ thể là trong năm 2014, thư viện được giao thu tới 400 triệu, việc cho thuê đã có đề án xây dựng, đề án giao thu đã được Sở Tài chính Hải Dương phê duyệt n ên việc cho thuê là đúng. Ông cho biết thêm: Vì đầu tư lớn công trình có tuổi đời 100 năm lại đầu tư 87 tỷ đồng, xây dựng nhiều, cụ thể toàn bộ tầng 5 chưa sử dụng đến nên không cho thuê cũng phí, sân sau hàng nghìn mét vuông cho thuê trông giữ ô tô qua đêm cũng đem về nguồn thu đáng kể cho ngân sách.
Xây dựng thư viện với mục đích là phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tra cứu tài liệu của bạn đọc trong và ngoài tỉnh. Ông Đinh Xuân Quyện khẳng định: Việc cho thuê tập thể dục thẩm mỹ hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến bạn đọc, ngoài ra còn rất có lợi vì "mẹ đi tập thể dục thẩm mỹ thì con vào thư viện đọc sách". Đề cập đến vấn đề này, đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định "S ẽ cho kiểm tra thông tin mà phóng viên cung cấp, nếu đúng như vậy sẽ có điều chỉnh ngay ”.
Ông H.P.T, một thương binh ở thành phố Hải Dương kiến nghị: Từ khi Thư viện Hải Dương đi vào hoạt động, ngày nào ông cũng đến để đọc sách. Nhưng thư viện cho thuê tập khiêu vũ thể thao, thể dục thẩm mỹ làm không gian đọc không còn nữa và đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lên kiểm tra và trả lại không gian đọc cho nhân dân.
Em N.T.H là sinh viên trường Đại học Y tế kỹ thuật Hải Dương trao đổi: "Ngoài giờ học trên lớp, thời gian còn lại em qua thư viện tra cứu những thông tin bổ ích phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu. Nhưng thời gian gần đây, mỗi lần đến thư viện là mỗi lần họ bắt phải nghe, phải nhìn những điều em không mong muốn, xin hãy trả lại không gian đọc cho chúng em".
PV