“Nền rộng” nhưng “thiếu đỉnh”
Kể từ năm 1986, khi Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức phát động cuộc đổi mới toàn diện đất nước, chủ trương tôn trọng tự do sáng tạo, chấp nhận mọi tìm tòi đổi mới của Đảng đã tạo hành lang thông thoáng, cởi mở cho hoạt động sáng tạo văn học thời kỳ đổi mới. Theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, văn học Việt Nam đã đổi mới trên nhiều phương diện, đa dạng hơn về quan niệm văn học, phương pháp, giọng điệu; cởi mở hơn trong tiếp cận và lý giải hiện thực; cấu trúc thể loại cũng có những đổi mới đáng chú ý; văn học dịch ngày càng chiếm ưu thế so với văn học trong nước và đang tác động sâu sắc đến giá trị văn học truyền thống; biên giới sáng tạo không còn bị bó hẹp trong phạm vi quốc gia mà mở ra tầm quốc tế; vấn đề quảng bá và giao lưu quốc tế trong văn học trở thành nhu cầu bức thiết của cuộc sống.
Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Phụ nữ đọc sách xã Kiến Quốc, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN |
PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học đánh giá: “Nét nổi bật của văn học thời kỳ đổi mới là các nhà văn đã cố gắng biểu đạt tinh thần yêu nước và chủ nghĩa nhân văn, quan tâm đến những vấn đề nóng bỏng trong đời sống và tâm lý con người hiện đại. Phần lớn các cây bút đều có ý thức gắn bó sâu sắc với số phận dân tộc và thực tiễn sinh động của công cuộc đổi mới đất nước, vừa chú ý những đề tài có tính thời sự, vừa tiếp tục khai thác các đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, văn hóa dân tộc từ nhãn quan nghệ thuật hiện đại...”.
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp cũng thừa nhận, bên cạnh những thành tựu đạt được, văn học Việt Nam cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Giai đoạn này tuy có nhiều tác phẩm văn học ra đời, nhưng về cơ bản đó là giai đoạn “nền rộng” nhưng “thiếu đỉnh”. Đã 30 năm trôi qua, kể từ khi công cuộc đổi mới được chính thức phát động, nhưng văn học Việt Nam vẫn chưa có một kết tinh nghệ thuật tầm cỡ và những công trình khoa học xã hội và nhân văn bề thế sâu sắc.
Xây dựng nền văn học đa dạng, phong phú
Làm thế nào và đến bao giờ chúng ta mới có những đỉnh cao nghệ thuật không chỉ là trăn trở đối với giới cầm bút, mà còn là một mong mỏi chính đáng của người đọc.
PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp cho rằng, cái thiếu nhất của văn học Việt Nam chính là các nhà văn chúng ta chưa có một nền triết học thâm hậu, một trường mỹ học sâu sắc, một nhãn quan nghệ thuật thực sự sắc sảo, riết róng như Lev Tolstoi, Dostoievxki, Kafka hay Nguyễn Du đã từng có. Không ít nhà văn còn quanh quẩn trong những cảm xúc vụn vặt, nhỏ bé, tự bằng lòng với những triết lý đơn giản, bản năng mà chưa chạm được vào lõi trầm của đời sống, chưa có khả năng nhìn thấu những chuyển động to lớn của lịch sử, chưa thể hiện được một cách sinh động, mới mẻ tâm hồn và khát vọng của dân tộc ta trong công cuộc đổi mới đất nước. Bên cạnh đó, tình trạng thương mại hóa, câu khách hoặc chạy theo các đề tài “thời thượng” dẫn đến việc nhiều nhà văn quá chú trọng đến chức năng giải trí, coi nhẹ giá trị nhân văn và tính phản biện xã hội của nghệ thuật. Không ít người rơi vào cực đoan, vọng ngoại, đánh rơi bản sắc văn hóa, miêu tả những nếp sinh hoạt xa lạ với mỹ cảm dân tộc.
Một trong những nguyên nhân khiến cho văn học Việt Nam chưa phát triển là do hoạt động quảng bá, giới thiệu văn học ở trong và ngoài nước vẫn còn lộn xộn, tự phát. Việc giới thiệu các công trình lý thuyết văn học hiện đại của thế giới còn yếu và thiếu tính đồng bộ. Một số cây bút thể hiện sự nóng vội, thái quá trong tiếp nhận cái mới, đề cao quá mức những tư tưởng và trào lưu nghệ thuật thời thượng, xem nhẹ những giá trị nghệ thuật cổ điển, đặc biệt là văn hóa truyền thống của dân tộc… Thêm vào đó, công tác quản lý văn nghệ có lúc chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển văn học. Một số nhà quản lý văn học chưa thực sự tinh thông nghề nghiệp, dẫn tới việc xử lý các vụ việc văn học chưa mềm mại, gây phản ứng của dư luận như trường hợp xử lý Nguyễn Ngọc Tư gần đây. Việc đầu tư cho hoạt động văn học còn ít và dàn trải, công tác phát hiện và bồi dưỡng tài năng còn yếu…
Nhiều nhà nghiên cứu, nhà quản lý nhận định, văn học Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo phải tiến tới một nền văn học nhân văn, hiện đại, giàu bản sắc dân tộc. Đó phải là nền văn học đa dạng, phong phú, thể hiện được cốt cách, phẩm chất, trí tuệ con người Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới đất nước. Đặc biệt, cần tạo lập môi trường phát triển thuận lợi để nhà văn phát huy cao nhất tài năng và tâm huyết trong sáng tạo nghệ thuật.
Tăng cường mở rộng giao lưu văn hóa, đẩy mạnh công tác dịch thuật văn học, chủ động giới thiệu tinh hoa văn học nhân loại nhằm nâng cao chất lượng và trình độ hội nhập. Xây dựng và phát triển chiến lược quảng bá văn học hợp lý, đầu tư thích đáng, khuyến khích tài năng. Cần có chính sách bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao trình độ cho các nhà quản lý để tránh những hiện tượng bất cập trong đánh giá, thẩm định văn học… để thực hiện được mục tiêu xây dựng một nền văn học nhân văn, hiện đại và giàu bản sắc dân tộc trong giai đoạn mới.
Phương Hà