1. Chừng mực nào đó, tiểu thuyết Viễn vọng của Patrick Deville, một trong những nhà văn đương đại hàng đầu của Pháp hiện nay, là cuộc kiểm chứng như thế. Nó vạch ra cho ta thấy rằng cuộc sống là những chi tiết nhỏ, đôi lúc vô vị, đôi lúc ta quên mất ý nghĩa của nó, những chuyển động nhỏ bé ấy. Bản thân tên tác phẩm đã gợi cho chúng ta thấy tác giả không hề giấu diếm ý đồ của mình khi trình bày cuộc sống thuần qua các quan sát, hiếm phân tích hay phán xét. Vì thế tác phẩm giữ được vẻ khách quan, bình tĩnh đến mức kinh ngạc, kinh ngạc cả ở vẻ tự nhiên của nó.
Chuyển động đầu tiên trong Viễn vọng là ông già Korberg, nhà điểu học, kẻ đơn độc tìm lại quá khứ: “đi bộ bên bờ đường, tay giữ ghi đông xe đạp”, và điểm kết của tác phẩm là hình ảnh đôi trai gái Skotz và Jyl trên: “chiếc xe máy chạy trên con đường ven núi”. Giữa hai chuyển động ấy là những sinh hoạt bị quan sát, chẳng có biến cố động trời nào.
Không nhiều sự kiện, nhưng Viễn vọng lại dày đặc chi tiết, điều ấy khiến tác phẩm có độ chậm rãi đến mức khó chối bỏ hiện thực của nó, mặc dù hiện thực của tiểu thuyết luôn đặt vào thế bị nghi ngờ. Mối liên kết giữa các nhân vật trong Viễn vọng khá lỏng lẻo bởi họ luôn cách xa nhau và điểm chạm duy nhất giữa họ chỉ là một quá khứ, cũng không rõ ràng, thậm chí là mơ hồ, thậm chí nữa: “tất cả đều có thể nhầm lẫn”.
Nhưng những miêu tả sinh động, biến hóa đã gây dựng trong ta niềm tin vào sự hiện diện hợp lí của các nhân vật. Kể một câu chuyện là khó khăn, miêu tả một câu chuyện còn khó hơn nữa. Và qua Viễn vọng, Patrick Devile đã làm được điều đó.
2. Tôi thích lối viết kỹ lưỡng đến mức khiến mọi thứ chậm lại trong Viễn vọng, nó cho thấy biệt tài và khả năng thao túng tuyệt vời của tác giả. Patrick Devile thao túng được ánh sáng, màu sắc, sự chuyển hóa của chúng, thậm chí cả khoảnh khắc chớp nhoáng cũng được giữ lại. “Nhờ hiệu năng quang học đặc trưng của ống nhòm, Korberg nhìn thấy mặt trời đậu, cùng lúc, xuống cái chuông xe đạp của ông và trên đầu gối của Jyl (một tia sáng trắng rọi rõ đường mép váy, làm cháy rực trang giấy láng bóng). Ông xoay bộ phận điều chỉnh đến vô hạn và toàn bộ chiếc xe máy hiện lên: chênh vênh trên một đoạn dốc đứng, nó đối lại với thung lũng đá sâu thẳm, đổ theo hướng Nam (dưới chân thung lũng, một con lạc đà đơn lẻ đang gặm cỏ)”.
Hoạt động, chính xác là chuyển động, của các nhân vật được đưa đẩy, được lật qua lật lại từ nhiều góc để tự thân chúng toát lên một ý nghĩa nào đó và đây chính là điểm xoáy bí ẩn của tác phẩm.
Phải thú nhận rằng suốt từ trang đầu tới trang cuối của Viễn vọng, tôi luôn phấp phỏng, canh chừng với từng động tác của các nhân vật bởi ý nghĩ thường trực rằng chắc chắn tác giả sẽ gài một “kíp nổ” ở đâu đó. Nhưng càng lúc tôi càng mòn mỏi, cho tới khi gấp cuốn sách lại thì tôi chợt nhận ra mình vừa trải qua một thế giới tuyệt đẹp của các chuyển động, mà ở đó mỗi động tác đều được nâng niu, bởi chúng biểu hiện cho sự tồn tại. Từng giây của cuộc sống thật quý báu, sau sự quan sát chậm của Patrick Deville. Giá trị của cuộc sống được trân trọng trong mỗi khoảnh khắc, con người căng tất cả giác quan ra để đón nhận và vô hình chung, tận hưởng được nó.
Được đặt trong không gian giảm tốc, các nhân vật của Patrick Deville trở thành những người nhạy cảm hoàn hảo, họ có thể thấy “con ruồi màu xanh đen đang dụi mắt”, đồng thời cũng thấy “Dầu hỏa vẽ những hình cầu vồng xung quanh các động cơ tàu thủy”. Còn đây là một trong những điểm thẳm sâu của tác phẩm, khi Skoltz đọc lại lần thứ hai bức thư của cô bạn gái, anh ta: “…mắt nhắm lại và hai cánh tay duỗi ra trên tựa ghế, điềm tĩnh ngưỡng mộ cái giản dị của thế sự, anh giám sát thực tại đang rung lên xung quanh anh, nó rất có thể biến mất một ngày nào đó, tại sao không: sẽ chẳng còn gì nữa, cả Skoltz lẫn đàn hải âu và những chu trình hóa học, chẳng gì nữa cả, và nếu điều đó xảy ra bây giờ thì cũng chẳng có gì quan trọng (vì anh ngờ rằng niềm vui lớn nhất không phải là anh sẽ gặp lại trong hai ngày tới người đàn bà đó, mà là, ở cái thời điểm chính xác này, anh đang đọc bức thư của nàng xin anh trở về)”. Hiện tại vẫn là cái giá trị nhất và vì thế mà nó đáng được nhìn chậm, thật chậm, thật kỹ lưỡng.
Thế giới, xét cho cùng là những băn khoăn lớn về giá trị của các chuyển động. Với tiểu thuyết Viễn vọng, tôi nghĩ rằng Patrick Deville đã góp thêm một câu trả lời đích đáng cho vấn đề này.
Nguyễn Bình Phương
Thể thao & Văn hóa